Vatican News Tiếng Việt (5/1/2022) – Năm 2021, với 486 vụ bạo lực và thù ghét chống Kitô hữu, trở thành “năm bạo lực nhất” trong lịch sử đối với các Kitô hữu Ấn Độ. Cộng đoàn Kitô hữu thiểu số tại nước này phải chịu một loạt những bạo lực thường do các nhóm cực đoan Ấn giáo trên toàn quốc gia gây ra.
Các vụ bạo lực chống Kitô hữu tại Ấn Độ gia tăng từ năm này qua năm khác và lên đến con số báo động vào ba tháng cuối năm 2021. A.C. Michael, một nhà lãnh đạo Công giáo và điều phối viên của Diễn đàn Kitô giáo thống nhất, nói với hãng tin Fides: “Theo báo cáo của Diễn đàn Kitô giáo thống nhất, các khiếu nại được đệ trình sau các vụ bạo lực cho thấy có hơn một vụ việc mỗi ngày, trong tổng số gần 500 vụ bạo lực vào năm 2021.”
Trong ba tháng cuối năm 2021 đã có hơn 180 vụ việc liên quan đến các Kitô hữu, đặc biệt gần lễ Giáng sinh. Số vụ bạo lực hàng tháng là: 37 vụ vào tháng 1, 20 vào tháng 2, 27 vào tháng 3, 27 vào tháng 4, 15 vào tháng 5, 27 vào tháng 6, 33 vụ vào tháng 7, 50 vụ vào tháng 8, 69 vụ vào tháng 9, 77 vụ vào tháng 10, 56 tháng 11 và 48 tháng 12.
Các yếu tố kích động bạo lực
Ông Michael nhận xét: “Bầu không khí thù hận lan rộng thông qua các hành động và bài phát biểu của một số nhóm và tuyên truyền sai lệch về việc cải đạo gian lận dường như kích động các phần tử chống đối xã hội thực hiện các hành vi bạo lực. Việc ban hành luật nhân danh tự do tôn giáo càng làm tình hình trầm trọng thêm. Sẽ không quá lời khi nói rằng những sự kiện này là hành động được một số nhóm dàn dựng và lên kế hoạch chu đáo với mục đích chia rẽ đất nước dựa trên các vấn đề tôn giáo.”
Các báo cáo về các vụ bạo lực thường cho thấy thủ phạm là các phần tử tôn giáo cực đoan đã đột kích vào các buổi cầu nguyện hoặc các cử hành tôn giáo. Họ sử dụng đặc quyền không bị kết tội để tấn công thể lý các tín hữu, trước khi giao nộp cho cảnh sát với tội danh cưỡng bức cải đạo. Bên ngoài các đồn cảnh sát thường có các khẩu hiệu chống Kitô giáo nhưng cảnh sát không can thiệp. Bạo lực chống Kitô giáo trầm trọng hơn do cảnh sát không có khả năng hoặc thiếu dấn thân trong việc điều tra và truy tố thủ phạm, bất chấp lệnh từ Tòa án Tối cao Ấn Độ, nơi đã nhiều lần kêu gọi chấm dứt những hành vi hung bạo của nhóm bạo lực này. (Fides 04/01/2022)
Hồng Thủy