Bản quy định này đã được soạn thảo và áp dụng từ năm 2017. Sau khi đón nhận những ý kiến đóng góp của Quý Cha nhân dịp thường huấn Linh mục Giáo tỉnh năm 2022 tại Sầm Sơn, văn bản được bổ sung, với sự đồng thuận của Quý Đức Cha trong Giáo tỉnh.
Điều 1: Về giáo lý hôn phối
1-Trong giáo tỉnh Hà Nội, thời gian khóa giáo lý hôn phối kéo dài ba tháng (tham chiếu thủ bản “Giáo lý hôn nhân và gia đình” do Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam biên soạn và phát hành năm 2022). Nếu có lý do đặc biệt, tùy theo phán đoán của cha xứ nơi tổ chức khóa học, có thể rút ngắn thời gian khóa học, miễn là đảm bảo những kiến thức căn bản về hôn nhân Công giáo.
2-Người ngoài Công giáo muốn gia nhập Đạo Công giáo và kết hôn với người Công giáo, phải học cả giáo lý dự tòng và giáo lý hôn phối. Giáo lý dự tòng được hiểu là giáo lý Công giáo căn bản. Thời gian học giáo lý dự tòng thông thường là sáu tháng.
3-Nếu muốn học giáo lý hôn phối ở xứ khác, đương sự (người công giáo) phải có giấy giới thiệu của cha xứ nơi đương sự có cư sở. Giấy giới thiệu được gửi cho cha xứ nơi tổ chức khóa giáo lý hôn phối.
4-Chỉ có cha xứ nơi tổ chức khoá giáo lý hôn phối, mới có thẩm quyền cấp chứng chỉ giáo lý hôn phối. Điều kiện để được cấp chứng chỉ là tham gia đầy đủ khoá học và đạt đủ điểm kiểm tra.
5-Chứng chỉ này được công nhận trong toàn giáo tỉnh Hà Nội và có giá trị vô thời hạn.
Điều 2: Về việc thụ lý hồ sơ hôn phối
1-Khi có nguyện vọng kết hôn, đương sự đến trình với cha xứ để được hướng dẫn về thủ tục hôn phối. Cha xứ có trách nhiệm lo cho đương sự học giáo lý và tiến hành điều tra.
2-Thời gian từ khi trình báo cho đến khi cử hành hôn phối thông thường là ba tháng.
3-Trách nhiệm thụ lý hồ sơ hôn phối thuộc về cha xứ nơi cử hành hôn phối.
4-Các cha xứ liên hệ có nghĩa vụ cộng tác trong việc điều tra hôn phối và thông báo kịp thời kết quả điều tra cho cha xứ nơi cử hành hôn phối. Thư trả lời cần ghi rõ đương sự đã nhận bí tích Rửa tội, bí tích Thêm sức, không thấy có mắc ngăn trở tiêu hôn hay cấm hôn (x. Giáo luật, Điều 1070).
5-Trường họp một trong hai bên là người ngoài Công giáo, người này thuộc địa bàn xứ nào thì cha xứ đó có trách nhiệm cộng tác điều tra.
6-Rao hôn phối phải tiến hành ba chủ nhật tại các giáo xứ đương sự đã ở trên sáu tháng.
7-Về việc chuẩn rao, cha xứ được chuẩn một lần, cha Quản hạt được chuẩn hai lần. Chỉ có Bản Quyền giáo phận mới được chuẩn rao ba lần.
8-Hôn phối có thể được cử hành tại giáo xứ của một trong hai bên, bên nam hoặc bên nữ (x. Giáo luật, Điều 1115).
9-Trường hợp đương sự có nguyện vọng cử hành hôn phối ở một nơi thứ ba, cần phải có phép của Bản Quyền hoặc của cha xứ của đương sự (x. Giáo luật, Điều 1115).
Điều 3: Năng quyền và ủy quyền
1-Bản Quyền địa phương và cha xứ có năng quyền, trong địa hạt của mình, chứng hôn thành sự chẳng những cho những người thuộc quyền, mà còn cho cả những người không thuộc quyền (x. Giáo luật, Điều 1108 và 1109).
2-Nếu chứng hôn ngoài địa hạt của mình, cần phải có ủy quyền của một trong các vị nói trên.
3-Nếu Bản Quyền địa phương hoặc cha xứ muốn ủy quyền chứng hôn tổng quát cho cha phó hay phó tế, thì ủy quyền phải được ban bằng văn bản mới có hiệu lực (x. Giáo luật, Điều 1111, triệt 2).
T/M các Giám Mục Giáo Tỉnh Hà Nội
(đã ký)
+ Giuse Vũ Văn Thiên