Aleteia (29/06/2024) – Kể từ khi Quốc hội Pháp bị giải tán, cuộc sống của người Pháp bị chi phối bởi chính trị. Trong khi các cuộc bầu cử lập pháp sẽ diễn ra vào ngày 30 tháng Sáu và ngày 7 tháng Bảy, có lẽ người ta có thể ngạc nhiên rằng các bài giảng lễ không tập trung hơn vào những thời hạn này, nhưng đó có phải là vai trò của chúng không? Dưới đây là ý kiến của Valdemar de Vaux.
Xã hội Pháp đang xôn xao về cuộc bầu cử lập pháp sắp tới. Kể từ khi tổng thống Pháp quyết định giải tán Quốc hội và triệu tập người Pháp đến phòng bỏ phiếu, chính trị chiếm vị trí trung tâm. Bản thân Giáo hội không vô cảm với bối cảnh này, và những lời lẽ kín đáo của Giáo hội đã được nghe qua tiếng nói của một số Giám mục và lời kinh do Hội đồng Giám mục Pháp đề xuất. Nhưng liệu chính các linh mục có thể gợi lên những chủ đề này, tế nhị và quan trọng, trong một bài giảng lễ không?
Thật vậy, người ta có thể ngạc nhiên khi các mục tử, nhất thiết phải nhạy cảm với mối quan tâm của các tín hữu, quan tâm đến linh hồn của giáo dân của mình, lại không soi sáng cho họ liên quan đến việc bỏ phiếu. Nếu Giáo hội có thể mang lại những hướng suy tư dựa trên việc đọc Tin Mừng, thì bài giảng lễ không được dự kiến cho điều đó.
Bài giảng lễ – homélie – không phải là một bài giảng thuyết – sermon [*]
Đức Thánh cha Phanxicô, người thường nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc rao giảng, đã nhắc lại, vào tháng 11 năm 2013, trong tông huấn Evangelii gaudium, ý nghĩa của các bài giảng lễ bằng cách trích dẫn vị tiền nhiệm của mình là Đức Gioan Phaolô II:
“Cần phải nhớ rằng ‘việc công bố Lời Chúa trong phụng vụ, đặc biệt trong bối cảnh cộng đoàn Thánh Thể, không phải là một khoảnh khắc suy niệm và dạy giáo lý mà là cuộc đối thoại của Thiên Chúa với dân Ngài, một cuộc đối thoại trong đó những điều kỳ diệu về ơn cứu độ được công bố và những đòi hỏi của Giao ước liên tục đề nghị’.” (§137)
Bởi vì nó diễn ra ở trung tâm của thánh lễ, trong đó các tín hữu hiệp cùng với chủ tế và Chúa Kitô để dâng mình cho Thiên Chúa, Đấng vừa bày tỏ kế hoạch nhân từ của Ngài trong Thánh Kinh và hiện thực hóa điều đó trong hy tế, nên bài giảng lễ không phải là một bài thuyết giáo. Vì vậy, vị linh mục phải “phân định tâm hồn cộng đoàn của mình để tìm kiếm ở đâu lòng khao khát Thiên Chúa còn sống động và nồng nàn, cũng như ở đâu cuộc đối thoại này, từng đầy yêu thương, đã bị dập tắt hoặc không thể sinh hoa trái”. Do đó, bài giảng lễ, nằm trong “bối cảnh Thánh Thể”, có mục đích chính là nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của các tín hữu. Vì mục đích này, trước tiên nó hướng sự chú ý của họ đến các bản văn phụng vụ, như phần Trình bày tổng quát Sách Lễ Rôma (§65) giải thích, “nó phải giải thích một khía cạnh của các bài đọc Thánh Kinh, hoặc của một bản văn khác của lễ thường niên hoặc lễ riêng trong ngày, bằng cách quan tâm đến hoặc là mầu nhiệm mà chúng ta cử hành , hoặc là nhu cầu cụ thể của người nghe”. Do đó, chính các bản văn phụng vụ soi sáng lương tâm của các tín hữu và các biến cố thời sự, chứ không phải đời sống thế gian mới cho phép hiểu rõ hơn về Lời Chúa.
Valdemar de Vaux | Tý Linh dịch
———————————–
Chú thích:
[*] “Luôn luôn có hai cách rao giảng trong Giáo hội: bài giảng lễ, một nghệ thuật khai tâm để thưởng nếm Lời Chúa, vốn đòi hỏi phải mổ xẻ chữ nghĩa để tìm ra cái cốt lõi và đưa con người vào sự hiểu biết Thánh Kinh, những gì Thiên Chúa nói với chúng ta qua Thánh Kinh. Và bài giảng thuyết mang tính giáo lý nhiều hơn, với những chủ đề rất mang tính giáo dục và những minh chứng mang tính trí tuệ. Từ nghệ thuật giảng lễ được các Giáo phụ thực hành từ thời kỳ đầu, việc rao giảng đã tiến triển thành một nơi dạy giáo lý hơn là Lời Chúa, với sự xuất hiện của triết học kinh viện (từ tiếng Latinh schola, trường học) và của trường đại học vào thời Trung Cổ.” (Famille chrétienne).