Lên và Xuống là hai chiều trái ngược nhau, nhưng ở đây “hai chiều trái ngược” này lại không đối lập như kiểu thế gian, mà rất hài hòa với nhau: Chúa Giêsu về trời cao và Ngôi Ba xuống với thế nhân. Cao và thấp mà vẫn không chênh lệch. Thế mới độc chiêu!
Đi và Đến là điều kiện ắt có và đủ, bởi vì chính Chúa Giêsu đã xác định: “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em. Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và việc xét xử.” (Ga 16,7-8) Như vậy, thời đại ngày nay là thời đại của Chúa Thánh Thần.
Về Kinh Thánh, thiết tưởng nên biết thống kê thú vị này: Trong hơn nửa thế kỷ qua, Kinh Thánh là cuốn sách cổ xưa nhất nhưng có tỷ lệ sử dụng “vượt trội” là 3,9 tỷ bản. Các loại sách thuộc loại best-seller khác cao nhất cũng chỉ khoảng 820 triệu bản.
1. THĂNG THIÊN
Kinh Thánh cho biết sự kiện trọng đại và lạ lùng này. (x. Mc 16,14-20; Lc 24,50-51; Cv 1,1-11) Về điều này, chúng ta cầu xin ơn biết “ái mộ những sự trên trời.” Nghĩa là phải tự cố gắng tìm kiếm và tích trữ “kho tàng trên trời” không hư nát, không sợ ai lấy mất.
Kinh Thánh cho biết rõ rằng, sau khi sống lại được bốn mươi ngày, Chúa Giêsu về trời ngự bên hữu Chúa Cha. Thánh Luca cho biết: “Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bêtania, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. Bấy giờ, các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giêrusalem, lòng đầy hoan hỷ, và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.” (Lc 24,50-53)
Kho tàng trên trời là những thứ gì? Rất nhiều, nhưng là những thứ không thể sờ mó hoặc đụng chạm như vật chất. Nói chung, đó là những điều vô cùng tốt lành, liên quan các nhân đức đối thần và đối nhân. Chúa Giêsu đã từng nói với các môn đệ: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy.” (Ga 14,15) Ngài nhấn mạnh: “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.” (Ga 14,21) Và Ngài cũng đang lặp lại những lời đó đối với mỗi chúng ta – vừa chung, vừa riêng. Nếu chúng ta thực sự yêu mến Ngài, chúng ta sẽ được hưởng vinh quang của Ngài. Nếu chúng ta chân thành yêu mến Ngài, chúng ta cũng sẽ được lên trời với Ngài sau khi hoàn tất hành trình trần gian. Không chỉ “lên trời” mà “về trời” – cùng đích cuộc sống của mỗi chúng ta – tội nhân và tín nhân.
“Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,20) Đó là lời hứa chắc chắn của Chúa Giêsu dành cho chúng ta. Ngài lên trời và về trời, không phải là Ngài bỏ mặc chúng ta, mà Ngài về trước để dọn chỗ cho chúng ta, và chính Ngài sẽ trở lại đón chúng ta về với Ngài. (Ga 14,2-3) Đó là động lực để chúng ta nỗ lực sống tích cực, thậm chí là chấp nhận thua thiệt ở đời này.
Chúa Giêsu lên trời là vào Vương Quốc vinh quang vĩnh hằng, những ai trung tín với Ngài cũng sẽ được hưởng hạnh phúc trường sinh bất tử nơi Vương Quốc đó. Lời hứa của Ngài luôn chắc chắn, không sai dù một chấm hay một phẩy. Quả thật, Ngài cũng đã xin Chúa Cha: “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành.” (Ga 17,24)
Thật hạnh phúc thay những người tin nhận Đức Giêsu là Con Thiên Chúa và yêu mến Ngài hết tâm trí!
2. HIỆN XUỐNG
Kinh Thánh cũng cho biết sự kiện này. (x. Ga 14,23-31; Cv 2,1-11) Giáo Hội dạy chúng ta cầu xin được “đầy dẫy ơn Chúa Thánh Thần.” Chúng ta quen nói là “bảy ơn Chúa Thánh Thần,” nhưng không phải chỉ bảy ơn mà rất nhiều ơn, và chính Ngài vẫn liên tục hoạt động trong Giáo Hội hằng ngày, tác động từng phút từng giây. Ngày nay là Thời Cuối Cùng, Thời Cánh Chung, và cũng là thời đại của Chúa Thánh Thần – Thánh Linh.
Rất chi tiết về những gì Kinh Thánh cho biết: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho.” (Cv 2,1-4) Đúng như lời Chúa Giêsu đã hứa trước khi Ngài về trời: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật.” (Ga 14,16-17) Chúa Giêsu đã hứa, rồi Ngài cũng đã và đang thực hiện điều đó.
Thật kỳ diệu, bởi vì Chúa Thánh Thần đến bằng nhiều cách, rõ ràng nhất là khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Thêm Sức. Ngài đến để làm cho chúng ta can đảm làm chứng về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Ngài đến để đổ đầy tình yêu vào lòng chúng ta, vì Ngài là Ngôi Vị Yêu Thương trong Sự Sống của Thiên Chúa, nhiệm sinh từ Tam Vị Nhất Thể – Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúa Thánh Thần là hơi thở, nguồn gợi hứng yêu thương vô hạn, nhờ đó mà chúng ta có thể sống dồi dào và sống viên mãn.
Chính Chúa Thánh Thần tác động để làm cho Giáo Hội phát triển không ngừng, sinh cây tốt trái lành là các trinh nữ, các vị tử đạo, các anh hùng nhân đức phi thường,… Chúng ta gọi đó là các vị thánh. Chúa Thánh Thần xuất hiện đa dạng – chim bồ câu, nước, gió, hoặc lửa. Sau cơn Đại Hồng Thủy, chim bồ câu đã xuất hiện với nhành lá biếc xanh báo hiệu nước đã rút, sự sống bắt đầu hồi sinh trên trái đất. Chim bồ câu cũng là biểu tượng của sự hòa bình, niềm khao khát khôn nguôi đối với nhân loại – mọi nơi và mọi lúc.
Ba thứ Nước-Gió-Lửa là những thứ rất mềm mại mà rất mạnh, đến nỗi không gì có thể chống lại. Thiếu nước, chúng ta khát; thiếu gió, chúng ta khó chịu; thiếu lửa, chúng ta không có đồ ăn; thiếu không khí, chúng ta chết. Quả thật, Chúa Thánh Thần vô cùng cần thiết đối với chúng ta. Vì thế, Giáo Hội luôn cầu nguyện: “Veni Sancte Spiritus – Lạy Chúa Thánh Thần xin ngự đến.” Và mỗi chúng ta cũng hãy cầu xin như vậy bất cứ lúc nào.
Thật hạnh phúc thay những người mở lòng đón nhận Thánh Linh và hành động theo cách Ngài tác động!
Trầm Thiên Thu
Trung tuần Tháng Năm – 2020