Lễ thánh Phêrô Hoàng Khanh, linh mục tử đạo, tại giáo xứ Trung Hậu

“Máu các vị tử đạo là nguồn ân sủng để tiến lên trong đức tin. Trong anh chị em, đức tin của tổ tiên chúng ta còn tiếp tục truyền sang các thế hệ mới. Đức tin này vẫn là nền tảng cho sự kiên trì của tất cả những ai đích thực cảm thấy mình là người Việt Nam, trung thành với đất nước của họ, đồng thời vẫn muốn làm môn đệ chân chính của Đức Kitô.” (Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Bài giảng lễ tuyên phong hiển thánh 117 vị thánh tử đạo Việt Nam, ngày 19/6/1988).

Ngày 18/2/2020, giáo xứ Trung Hậu đã long trọng cử hành thánh lễ kính nhớ thánh Phêrô Hoàng Khanh, linh mục tử đạo, quan thầy giáo xứ. Thánh lễ diễn ra lúc 8g30′ do cha quản hạt Xã Đoài Phaolô Nguyễn Văn Hiểu chủ sự. Đồng tế và hiện diện trong thánh lễ có cha quản xứ Gioan Nguyễn Hồng Pháp, quý cha giáo Đại Chủng viện thánh Phanxicô Xaviê, quý cha quê hương, quý cha khách, quý nam nữ tu sĩ cùng cộng đoàn dân Chúa.

Giảng trong thánh lễ, nhìn về lịch sử bi thương nhưng đầy kiêu hãnh của cha thánh Phêrô, cha chủ tế mời gọi cộng đoàn biết noi gương thánh nhân để luôn can đảm làm chứng cho Đức Kitô và sống theo các giá trị Tin Mừng giữa đời, dù cho phải chịu nhiều thiệt thòi, khó khăn, nguy hiểm bởi không có cuộc sống chứng tá nào mà không phải thiệt thân.

Trong thời đại hôm nay, nhiều người Công giáo tuy mang danh Kitô hữu nhưng lại hành động như kẻ chẳng có đạo, mang tiếng là tin vào Đức Kitô nhưng lại sống như kẻ vô thần. Chính điều đó vô tình đã khiến cho nhiều người hiểu nhầm về đạo và đau đớn nói lên rằng họ tin đạo nhưng lại không tin người có đạo. Vì vậy, giờ đây, tuy không còn phải đổ máu như các thánh tử đạo xưa, nhưng các Kitô hữu luôn được Đức Giêsu mời gọi tử đạo với Ngài bằng cách chết đi cho con người cũ đầy tội lỗi, để mặc lấy tấm áo mới, con người mới đã được tẩy trắng trong máu Con Chiên, để mai sau được lãnh nhận phần thưởng quý báu là hạnh phúc vĩnh cửu trong nước Thiên Chúa.


Thánh Phêrô Hoàng Khanh sinh năm 1780 tại Hòa Duệ, tỉnh Nghệ An. Song thân đều là người sống đạo đức, chuyên nghề buôn bán nên đã dời gia đình về sống ở làng Lương Khế, phủ Anh Sơn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Năm 22 tuổi, chú Khanh ao uớc dâng mình cho Chúa nên đã vào phụ giúp cha già Đạc trong nhà xứ. Sau này, thầy Khanh xin vào học tại chủng viện và được thụ phong linh mục khoảng năm 1820.

Cha Khanh là một linh mục sốt sắng, thương yêu giáo dân, hay giúp đỡ người nghèo khó, túng cực trong các xứ đạo Trại Lê, Thuận Nghĩa, Thọ Kỳ, Làng Truông, Ngàn Sâu. Ngài đặc biệt quan tâm đến việc vun trồng ơn gọi tu trì, tìm thầy dạy chữ Nho và tiếng Latinh cho các chú.

Ngày 29/01/1842, khi đang ở Ngàn Sâu, cha Khanh nhận được thư của cha Chính Masson Nghiêm nên xuống thuyền để ra Nhà Chung Xã Đoài. Khi trở về, thuyền của cha bị chặn lại khám xét. Thấy cha phương phi, đẹp lão, có sách kinh, dầu thánh, dây các phép…, cai đội hỏi ngài là thầy thuốc hay làm nghề gì, cha Khanh nói ngài là đạo trưởng. Thế là họ đóng gông và giam ngài.

Khi bị nhốt, cha được các quan thương mến muốn tìm cách tha cho, nên họ đã khuyên cha khai mình là thầy thuốc, nhưng cha đáp: “Bảo tôi khai xưng tôi là thầy thuốc, đến sau có ai cho lên làm đạo trưởng, thì còn ai nghe nữa?”.

Bị giam trong ngục, cha vẫn còn phải mang gông và bị xiềng, ban đêm còn bị cùm, nhưng cha vẫn sốt sắng đọc kinh, cầu nguyện và nhân từ giúp đỡ các bạn tù. Cha bốc thuốc, điều trị được các bệnh tình nguy kịch, trầm trọng, nên các quan lớn, nha lại, cai đội, lính tráng tin tưởng loan truyền rằng thang thuốc cụ hiệu nghiệm lắm.

Án lệnh xử trảm được thi hành ngày 12/7/1842 tại Hà Tĩnh, dưới triều vua Thiệu Trị. Cha Khanh bị điệu ra phía cửa hậu pháp trường Cồn Cổ. Một tiếng chiêng vang lên, cha bị lý hình chém đứt đầu. Thi hài vị chứng nhân đức tin linh mục Hoàng Khanh được đưa về họ đạo Kẻ Gốm và được an táng nơi nền nhà thờ cũ. Cha được tôn lên bậc Chân phước ngày 2/5/1909, và được tôn phong Hiển thánh ngày 19/6/1988.

 

Quốc Diện