vaticannews.va, Andrea Tornielli, 2019-03-12
Đức Phanxicô đã sống và sẽ sống các năm tháng sâu đậm giữa các chuyến đi và các thượng hội đồng. Năm thứ sáu triều giáo hoàng của ngài được đánh dấu bởi các vụ lạm dụng và đau khổ triền miên liên quan đến một số căng thẳng nội bộ. Câu trả lời là lời mời gọi quay trở về với trọng tâm đức tin.
Năm thứ sáu triều giáo hoàng của Đức Phanxicô là năm bận rộn với các chuyến đi quốc tế quan trọng, đầu năm cuối năm với hai sự kiện “thượng hội đồng”: tháng 2 với cuộc gặp các chủ tịch Hội đồng Giám mục thế giới về bảo vệ trẻ em tại Vatican, tháng 10 với Thượng hội đồng đặc biệt về Amazzonia cũng ở Vatican.
Chuyến đi Tiểu Vương quốc Ả-Rập Thống nhất vừa qua là dịp để Đức Phanxicô ký một bản tuyên bố chung với Giáo sĩ của Viện Đại học Al-Azhar, việc này đã có một tác động đáng kể. Một tài liệu mà chúng ta mong sẽ có hệ quả trên lĩnh vực tự do tôn giáo. Chủ đề đại kết sẽ là chủ đề hàng đầu trong các chuyến đi sắp tới của ngài ở Bulgaria, Rumania, cũng như chuyến đi Nhật đang được mong chờ, chuyến đi này chưa được công bố chính thức, đóng góp vào việc kỷ niệm sự tàn phá do vũ khí nguyên tử gây ra, như lời cảnh báo cho tình trạng hiện nay cũng như tương lai của nhân loại về một “thế chiến thứ ba từng mảnh” mà Đức Phanxicô thường hay nói.
Nhưng cái nhìn trong năm vừa qua không thể làm ngơ trước sự tái xuất hiện tai tiếng các vụ lạm dụng cũng như các chia rẽ nội bộ. Sau khi Đức Phanxicô cử hành thánh lễ với hàng ngàn gia đình ở Dublin, Ai Len trong cuộc gặp gỡ quốc tế tập trung về nét đẹp và giá trị của hôn nhân kitô giáo, tháng 8 vừa qua, cựu sứ thần Tòa Thánh tại Mỹ Carlo Maria Viganò công khai đòi Đức Phanxicô từ chức về cách ngài xử lý trong vụ hồng y McCarrick. Đứng trước các tình trạng này, Đức Phanxicô xin tín hữu trên toàn thế giới lần chuỗi mỗi ngày trong suốt tháng 10 năm 2018, để “kết hiệp và ăn năn, để xin Đức Mẹ và Tổng lãnh Thiên thần Micae bảo vệ Giáo Hội khỏi bàn tay của quỷ, người khi nào cũng tìm cách chia rẽ chúng ta với Chúa và giữa chúng ta với nhau”. Một lời kêu gọi chi tiết như vậy là chưa từng có trong lịch sử Giáo Hội gần đây. Bằng lời nói và qua lời kêu gọi Dân Chúa cầu nguyện để duy trì sự hiệp nhất trong Giáo Hội, Đức Phanxicô đã làm cho chúng ta hiểu sự nghiêm trọng của tình huống và đồng thời, nói lên trong nhận thức của tinh thần Kitô giáo, rằng không có một phương thuốc nào của loài người có thể đưa ra một lối thoát.
Thêm một lần nữa, Đức Phanxicô đi vào trọng tâm điều cốt yếu: Giáo Hội không được tạo thành bởi các siêu anh hùng (kể cả các siêu giáo hoàng) và không lý luận theo thuật ngữ loài người hay theo các chiến lược để đi tới. Giáo Hội biết Thần Dữ luôn hiện diện trong thế gian, rằng tội nguyên tổ vẫn còn đó và để chúng ta có thể tự cứu mình thì chúng ta phải cần đến sự giúp đỡ của Trên Cao. Nhắc lại điều này không có nghĩa là giảm thiểu trách nhiệm của cá nhân, trách nhiệm của thể chế nhưng để đặt nó vào đúng bối cảnh hiện nay.
“Lời khẩn cầu này” chúng ta có thể đọc trong bản tin của Vatican trích dẫn lời kêu gọi của Đức Phanxicô xin lần chuỗi Mân Côi trong tháng 10 vừa qua, “Đức Thánh Cha xin tín hữu trên thế giới cầu nguyện để Mẹ Thiên Chúa đặt Giáo Hội trong vạt áo che chở của Mẹ; gìn giữ Giáo Hội khỏi bị sự dữ tấn công, khỏi bị dưới ách của tên tố cáo gian xảo, và làm cho Giáo Hội ngày càng ý thức hơn về các vụ lạm dụng và các lỗi lầm đã gây ra trong hiện tại cũng như trong quá khứ”.
Trong hiện tại và trong quá khứ, bởi vì sẽ sai lầm khi đổ tội cho những người đi trước để tự cho mình là “trong sạch”. Và cả ngày nay, Giáo Hội phải xin Một Ai Khác để giải thoát mình khỏi sự dữ. Một thực tế mà Đức Phanxicô, trong sự nối tiếp với các người tiền nhiệm của mình, đã không ngừng nhắc nhở.
Giáo Hội không tự mình chuộc được các sự dữ đã tác hại đến mình. Ngay cả trong vực thẳm ghê gớm của các vụ lạm dụng tình dục do hàng giáo sĩ và tu sĩ vi phạm, Giáo Hội sẽ không tự sức mình đi ra bằng quá trình tự thanh tẩy, cũng không dựa vào những người dấn thân trong cương vị người thanh tẩy. Giáo Hội cần các tiêu chuẩn ngày càng hiệu quả hơn, trách nhiệm và minh bạch, dù rất cần thiết nhưng không bao giờ đủ. Vì như Đức Phanxicô nhắc cho chúng ta, Giáo Hội không tự đủ, Giáo Hội làm chứng Tin Mừng cho những người bị tổn thương của thời buổi chúng ta, chính vì Giáo Hội tự nhận thấy, Giáo Hội cũng là người khất thực xin được chữa lành, cần lòng thương xót và cần sự tha thứ của Chúa. Có lẽ chưa bao giờ như năm thứ sáu triều giáo hoàng của Đức Phanxicô, năm đầy dao động vừa qua, ngài đã chứng tỏ cho thấy mình là “người có tội được tha thứ” theo gương giảng dạy của các Tổ phụ và Đức Bênêđictô XVI, người tiền nhiệm gần nhất của mình, đã làm chứng cho điều cốt yếu và hiện tại hơn bao giờ hết: Đức tin Kitô.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch