Không biết Kinh thánh là không biết Đức Kitô

GPVO (1/10/2022) – Dưới ánh sáng của Thánh Công Đồng Vaticanô II, Giáo Hội đã luôn tôn kính Thánh Kinh như đã tôn kính chính Thánh Thể Chúa vì Lời Chúa được xem như “Sức mạnh cho đức tin và lương thực cho linh hồn” (Dei Verbum 21)[1]. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo cũng khẳng định rằng toàn bộ Thánh Kinh là một cuốn sách duy nhất, và cuốn sách duy nhất ấy chính là Chúa Kitô, “bởi vì toàn bộ Thánh Kinh nói về Chúa Kitô và toàn bộ Thánh Kinh được hoàn tất trong Chúa Ki-tô”[2]. Quả vậy, nếu phải tóm tắt toàn bộ Thánh Kinh bằng một từ ngữ duy nhất thì từ đó phải là “Đức Giêsu Kitô” – Ngôi Lời của Thiên Chúa. Đức tin Kitô Giáo không phải từ một “tôn giáo của một Cuốn Sách” nhưng là tôn giáo của Lời Thiên Chúa, lời ấy không phải là lời được viết ra và câm lặng nhưng là Lời nhập thể và sống động. Lời Chúa tồn tại dưới dạng văn tự chỉ với một mục đích duy nhất là để hướng con người đến Lời Hằng Sống là Đức Kitô mà thôi.”[3]. Do đó, để gặp được Lời Hằng Sống thì chúng ta phải khởi đi từ những văn tự được viết ra trong Thánh Kinh. Hay nói cách khác, muốn hiểu biết và yêu mến Chúa Kitô thì cần phải đọc và nghiên cứu Thánh Kinh, như lời thánh Giêrônimô trong lời tựa sách ngôn sứ Isaia đã xác tín rằng: “Nếu Đức Kitô là quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa như Thánh Phaolô đã nói, thì không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô”[4]. Ở phạm vi bài viết ngắn gọn này, người viết sẽ làm sáng tỏ nhận định trên của Thánh Giêrônimô bằng việc đi sâu tìm hiểu ngữ cảnh phát xuất lời nhận định vĩ đại này, từ đó định nghĩa Thánh Kinh là gì, Đức Kitô là ai, rồi sẽ chứng minh luận đề: “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô”.

Trước tiên, thật quan trọng để biết rằng lời khẳng định đáng tin cậy trên được Thiên Chúa đặt nơi môi miệng của một vị thánh vĩ đại – người được thưởng thức hương vị của Thánh Kinh và sống tinh thần Kinh Thánh một cách mãnh liệt. Thánh Giêrônimô hay “Eusebius Hieronimus Sophronius” đã dành trọn 22 năm cuộc đời để thực hiện một công trình lớn – là công trình chuyển ngữ Kinh Thánh từ tiếng Hy Lạp sang tiếng La tinh, được gọi là bản Vulgata, bản dịch Kinh Thánh chính thức của Giáo Hội. Ngài là một nhà bút chiến dữ dội và đáng gờm đối với các lạc giáo, và là người giải thích Kinh Thánh rất sâu sắc cho các Kitô hữu. Trong lời tựa sách Ngôn sứ Isaia, ngài đã táo bạo gọi Ngôn sứ Isaia là một “Tông Đồ và Tác Giả Tin Mừng”[5] bởi vì ngôn sứ ấy đã tiên báo rất nhiều điều về Đức Kitô – Đấng Cứu Thế. Khi bàn về hình ảnh Đức Kitô trong sách Isaia, ngài đã đề cập đến tư tưởng của thánh Phaolô về “Đức Kitô là quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa”. Lúc thánh Phaolô đến loan báo Tin Mừng cho dân thành Athena tại Hy Lạp, ngài phát hiện rằng dân Hy Lạp thường dâng tặng các bàn thờ cho các thần vô danh vì sợ sự trừng phạt của các vị thần mà họ không biết và dân này cũng luôn khao khát tìm kiếm lẽ khôn ngoan (1Cr 1,22). Thánh Phaolô đã biến điều này thành một lợi thế: Vị Thần mà Phaolô rao giảng chính là Vị thần mà họ tôn thờ mà không biết. Thánh Phaolô kêu gọi sự sám hối và nhận biết Thiên Chúa qua Đức Kitô – Đấng là quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, đã chịu chết và Phục Sinh để cứu độ con người (Cv 17,16-32). Thế nhưng, dân Hy Lạp đã mỉa mai và từ chối vì cho đó là một sự điên rồ:  “Để khi khác chúng tôi sẽ nghe ông nói về vấn đề ấy” (Cv 17,32). Chính vì thế, trong thư gửi tín hữu Côrintô, thánh Phaolô đã chân nhận: Đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do Thái hay Hy Lạp, Đấng mà họ cần tôn thờ chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa (1Cr 1,24). Nhưng làm sao để các Kitô hữu, kể cả dân ngoại có thể nhận biết Đức Kitô? Thánh Giêrônimô đã đi đến kết luận rằng Kinh Thánh chính là cửa ngõ dẫn đến với Đức Kitô và không biết Kinh Thánh thì không thể biết Đức Kitô.

Vậy, Kinh Thánh là gì? Về mặt từ nguyên, thuật ngữ Kinh Thánh có xuất xứ từ tiếng Hy Lạp “βιβλίοv” (Biblion) nghĩa là những cuốn sách[6], tên tiếng La Tinh là Scriptura, nghĩa là “điều được viết ra, bản thảo”; tiếng Anh đầu tiên gọi là Biblelh, về sau thống nhất gọi là The Bible, nghĩa là sách kinh điển[7]. Hiến Chế Mặc Khải của công đồng Vaticano II đã khẳng định rằng: “Thánh Kinh là Lời Thiên Chúa nói với loài người để mặc khải cho họ về chính Thiên Chúa, về tình thương, ý định và chương trình cứu độ của Người, nhờ đó con người có thể nhận biết Thiên Chúa và thông phần bản tính của Người (DV 25). Như vậy, chương trình cứu độ yêu thương ấy được biên soạn ra bởi tác giả duy nhất là Thiên Chúa, trở thành quy chuẩn cho đức tin và sống đạo. Giáo Hội coi những sách này là thánh và thuộc Thư quy vì được Chúa Thánh Thần linh hứng và hành động trong các tác giả phàm nhân (DV 16); đồng thời, những điều Kinh Thánh dạy ta là chắc chắn, trung thành và  không sai lầm (2 Tm 3,16-17; Ga 20,31; 2 Pr 1,21; 2 Pr 3,15-16). Chính vì Kinh Thánh được “linh hứng” bởi Chúa Thánh Thần nên cũng phải được đọc và chú giải trong Chúa Thánh Thần (Haffner 2006, 91)[8].

Như đã đề cập ở trên, dù được chia làm hai phần là Cựu Ước (46 cuốn) và Tân Ước (27 cuốn), nhưng hai phần ấy lại làm nên một cuốn sách duy nhất và một dòng chảy lịch sử cứu độ duy nhất. Cuốn sách duy nhất ấy và dòng chảy xuyên suốt ấy chính là Đức Giêsu Kitô – Đấng Mêsia đã được Thiên Chúa hứa ban cho dân Ít-ra-en và được các Ngôn Sứ loan báo qua nhiều thế hệ trong Cựu Ước (x. Mk 5,1-5; Xp 3,11-13; Br 21,30-37; Ov 15-21). Thiên Chúa đã khôn ngoan sắp xếp cho Tân Ước được Tiềm ẩn trong Cựu Ước, và Cựu Ước trở nên sáng tỏ trong Tân Ước[9]. Cựu Ước “chuẩn bị và báo trước ngày xuất hiện của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế”, còn Tân Ước trao cho chúng ta chính Chúa Kitô – Ngôi Lời (Logos), là “Dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha”, qua Ngài, Thiên Chúa nói hết về mình cho nhân loại. Kinh Thánh mặc khải cho ta biết rằng, từ khởi nguyên, Lời (Logos) đã tham dự vào quyền năng của Thiên Chúa và mọi sự được tạo thành nhờ quyền năng của Lời: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành.” (Ga 1,1-3); “Từ lời của Đức Chúa các tầng trời được dựng nên” (Tv 9,1); và “Thiên Chúa của các tổ phụ, Người tạo dựng nên tất cả với lời Người” (Kn 9,1). Do đó, không bao giờ có một thời gian nào Thiên Chúa hiện hữu mà không có Logos (Verbum Domini 6)[10].  Như vậy, Ngôi Lời là Đức Giêsu, đã hiện hữu ngay từ đầu nơi Thiên Chúa và suốt chiều dài Cựu Ước, chính Ngài đã tự biểu lộ cách kín đáo dưới các dáng vẻ của Lời tác động và mạc khải[11]. Toàn bộ Cựu Ước đã đến với chúng ta như là lịch sử trong đó Thiên Chúa thông ban Lời của Ngài. Sau khi đã ký giao ước với Ábraham (x. St 15,18), và với Dân Israel qua Môsê (x. Xh 24,8), Ngài đã dùng lời nói và việc làm để mạc khải cho Dân mà Ngài đã chọn để họ nhận biết Ngài là Thiên Chúa độc nhất, hằng sống và chân thật, để Israel nghiệm thấy đâu là đường lối Thiên Chúa qua Lề Luật, và đâu là ý muốn mà Ngài phán dạy qua miệng các ngôn sứ, mà đạt đến ơn cứu độ và rồi đem phổ biến rộng rãi tới các dân tộc” (x. Tv 21,28-29; 95,1-3; Is 2,1-4; Gr 3,17). Bước sang Tân Ước, “Thiên Chúa đã rút ngắn Lời của Người” (Is 10,23; Rm 9,28) và Lời không còn được bày tỏ qua các ý niệm và quy tắc nữa (VD 11); Lời cũng không chỉ nghe được, không chỉ có một tiếng nói, nhưng giờ đây, Lời đời đời bền vững đã đi vào thời gian và không gian hữu hạn. Lời có một diện mạo, Lời đã trở nên một con người để chúng ta có thể nhìn thấy “Ngôi Lời đã trở nên người phàm[12] và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1, 14) và “được sinh bởi một người nữ” (Gl 4,4) – Đó chính là Đức Giêsu Kitô (DV 12). Từ tình yêu viên mãn của Ba Ngôi Thiên Chúa, chính Chúa Con là Lời của Thiên Chúa, Lời Hằng Hữu đã trở nên nhỏ bé – bé nhỏ đến nỗi có thể nằm gọn trong một máng cỏ. Người trở thành bé thơ, ngõ hầu Lời trở nên có thể nắm bắt được đối với chúng ta”. Đây chính là Tin Mừng trọng đại (VD 1). Chính vì thế, ai đón nhận và tin vào Đức Giêsu Kitô – Ngôi Lời của Thiên Chúa, thì Người ban cho họ một cuộc hạ sinh mới, họ bước vào một nguồn cội đích thực và mới mẻ, và “Ai đón tiếp Người là đón tiếp Đấng đã sai Người“ (x.Ga 13,20b), vì Đức Giêsu và Chúa Cha là một (Ga 10,30).

Điểm lại chương trình mặc khải của Thiên Chúa nơi Biến Cố Đức Giêsu Kitô – Ngôi Lời của Thiên Chúa qua những trang Kinh Thánh, chúng ta mới nhận ra “Người là ai?” qua bảy hình thức hiện diện đặc biệt của Người[13]:

(1) Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa và là  Con Thiên Chúa (Mt 16,16; Mt 27,40.43; Mc 1,34; Mc 9,9; Mc 15,39; Lc 8,24; Lc 7,36-50; Ga 1,1-14; Ga 13,13; x.Gl 1,15-16; Cv 2,36; Cv 9,20),

(2) Đức Giêsu Kitô xuống thế làm người và là người thật (Mt 1,1-17; x.Lc 1,26-38; Lc 2,1-7; x.Mt 1,1-23; Lc 3,23-38; x.Mc 1,35; Pl 2,6-8),

(3) Đức Giêsu Kitô chịu thương khó (Mt 26-27; Mc 14-15; Lc 22-23; Ga 18-19),

(4) Đức Giêsu Kitô chịu chết (Mt 27,45-50; Mc 15,33 -41; Lc 23,44 -49; Ga 19,28 -30),

(5) Đức Giêsu Kitô Phục Sinh (Mt 28,1-8; Mc 16,1-8; Lc 24,1-11; Ga 20,1-9; 1Cr 15,14.19),

(6) Đức Giêsu Kitô Thánh Thể (x. Mt 26,26; Mc 14,22-23; Ga 6,51; Lc 22,19-22; 1Cr 11,24-25; x. 1Pr18-20),

(7) Đức Giêsu Kitô Thân Thể Mầu Nhiệm – Giáo Hội: (; x. Mt 22; Ga 11,26; Ga 15,1-11; Ep 5, 23.31-32; x. Rm 5,12-19; 1Cr 15,2; x. Kh 19,7-8;21,2-9).

Như vậy, Lời Chúa được tỏ bày trong suốt lịch sử cứu độ và đạt tới mức viên mãn trong mầu nhiệm Nhập Thể, Thương Khó và Phục Sinh của Con Thiên Chúa (VD 7) và tất cả những điều đã được chép ở trong Kinh Thánh là để chúng ta tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để chúng ta tin mà được sự sống nhờ danh Người (x. Ga 20,31). Chính vì thế, theo lệnh truyền của Đức Giêsu Phục Sinh, các Tông Đồ đã sống chết để rao giảng Lời của Thiên Chúa: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15).  

Giáo Hội từ thời các Tông Đồ cho đến hôm nay được sinh ra từ Lời Chúa, được xây dựng trên nền tảng Lời Chúa và sống bởi Lời Chúa. Giáo Hội đang lớn lên từng ngày nhờ lắng nghe, cử hành và học hỏi Lời Chúa (VD 3). Qua Nhiệm Thể của Chúa Kitô là Giáo Hội, Thiên Chúa đã ủy thác việc rao truyền Lời ban sự sống, những nguồn ân sủng, con đường cứu độ cho muôn dân. Chính vì thế, sứ mạng loan báo Lời Chúa là sứ mạng tiên phong và sống còn của Giáo Hội như khi xưa Ngôi Lời đã trút bỏ hết vinh quang, trở thành xác phàm để đến với con người (x.Pl 2,6-8). Như vậy, việc mang Kinh Thánh đến với con người cũng có nghĩa là mang Đức Kitô đến với con người. Giáo Hội luôn mời gọi con cái mình hãy ý thức với sứ mạng ấy với khẩu hiệu “Được rửa tội và được sai đi” bởi Lời Chúa sẽ chẳng vang vọng lên được nếu không có người rao giảng như Thánh Phaolô đã nói: “Làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng?” (Rm 10,14-15). Thế nhưng, dù công cuộc Rao giảng Lời Chúa cho những người chưa nghe, chưa biết là rất quan trọng; nhưng một việc quan trọng không kém là phải tiếp tục “vun trồng” và tưới bón cho những người đã nghe, đã một lần tin nhận Chúa Kitô, bởi ngày nay có quá nhiều Kitô hữu quá thờ ơ với Lời Chúa, quá khinh thường cuốn Kinh Thánh và quá xa vời với ơn cứu độ. Vậy làm sao con người mò mẫn bước đến với Thiên Chúa mà không qua Đức Kitô và làm sao mà con người biết được Đức Kitô nếu không tiếp cận với Kinh Thánh?

Nói tóm lại, Kinh Thánh là Lời Thiên Chúa ngỏ với thế giới trong mọi thời, với Giáo Hội và với riêng từng người qua trung gian là Đức Kitô (VD 47). Dù nhân loại có hàng ngàn ngôn ngữ khác nhau, dù Kinh Thánh đã được dịch ra hầu hết các ngôn ngữ ấy; thế nhưng, chỉ có một Thiên Chúa duy nhất nói với con người qua một ngôn ngữ duy nhất là Đức Giêsu Kitô – Lời Tình Yêu của Thiên Chúa. Trong ánh sáng đức tin, mọi tâm hồn và muôn trái tim đều hiểu và cảm thấu được ngôn ngữ Tình Yêu ấy. “Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Giêsu Kitô” là điều hiển nhiên, nhưng còn một điều hiển nhiên khác, cũng rất quan trọng, là “Không biết Thánh Kinh là không biết chính bản thân mình nữa”. Con người là một huyền nhiệm, mỗi con người là độc nhất trước mắt Thiên Chúa, có giá trị vô cùng cao quý trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Chính nhờ ánh sáng của Mạc Khải do Ngôi Lời Thiên Chúa thực hiện mà mọi bí ẩn trong thân phận con người được sáng tỏ trọn vẹn (VD 6). Kinh Thánh chính là cuốn sách nói về Thiên Chúa hay nhất, cũng chính là cuốn sách nói về mỗi người chúng ta hay nhất và chắc chắn rằng “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô”.

Nữ tu Maria Trần Thị Diệu Huyền,
Dòng Mến Thánh Giá Vinh

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Công đồng Vaticano II, Hiến chế tín lý Dei Verbum.

Công Đồng Vatican II, Tông Huấn về Lời Chúa Verbum Domini.

Điển ngữ thần học Thánh kinh, A-L 1973, bản dịch của Phân khoa thần học giáo hoàng học viện thánh Pio X, Đà Lạt – Việt Nam, tr. 404.

Jerome’s Commentary on Isaiah (Nn 1.2: CCL 72 1 3), 1974, Office of Readings for the Feast of St Jerome on September 30, The Divine Office, The Liturgy of the Hours according to the Roman Rite, Talbot, Dublin.   

Haffner, P., 2006, New Testament theology: An introduction, Millstream Production, Rome.         

Học Viện Đa Minh, Thuật Ngữ Thần Học, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội 2014, 50.

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội 2018, số 134.

Kelly, John ND. Jerome: his life, writings, and controversies. Duckworth, 1975.

Phao lô Nguyễn Thiện Tạo, Dẫn Nhập Kinh Thánh, lưu hành nội bộ, 31.

St. Bernard Clairvaux, S. missus est hom. 4, 11: PL 183, 86.

Slater, Jennifer. “Theological reflection, divorced from the incarnational nature of the Christian faith, invalidates the Bible.” HTS Theological Studies 77.4 (2021): 1-10.

MacKenzie, Iain M., and J. Armitage Robinson. Irenaeus’s Demonstration of the Apostolic Preaching: A theological commentary and translation. Routledge, 2017.

Nguyễn Khắc Bá, giáo trình Thần Học Căn Bản, 2021 – 2022,  tr 43

Giêrônimô, Comm. in Is., Prol.: PL 24, 17. – X. Bênêđíchtô XV, Tđ. Spiritus Paraclitus: EB 475-480. – Piô XII, Tđ. Divino Afflante Spiritu: EB 544

The Catechism of the Catholic Church (CCC), 1994, Libreria Editrice, Paulines Publications, Vatican City.      

Tobin, E., 2016, Sacred scripture, sacred tradition and the church – Fr. Eamon Tobin © Ascension Catholic Church Melbourne, FL, [email protected], viewed n.d., from http://www.ascensioncatholic.net/.  

Verbaal, W. (2003). Annoncer le Verbe: Les homélies de Saint Bernard sur le Missus est.(II). Collectanea cisterciensia, 65(3), 193-221.

Verbaal, Wim. “Annoncer le Verbe: Les homélies de Saint Bernard sur le Missus est.(II).” Collectanea cisterciensia 65.3 (2003): 193-221.

VERBAAL, Wim. Annoncer le Verbe: Les homélies de Saint Bernard sur le Missus est.(II). Collectanea cisterciensia, 2003, 65.3: 193-221.

[1] Công đồng Vaticano II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, số 21.

[2] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội 2018, số 134.

[3] St. Bernard Clairvaux, S. missus est hom. 4, 11: PL 183, 86.

“The Christian faith is not a ‘religion of the book’. Christianity is the religion of the ‘Word’ of God, a word which is not a written and mute word, but the Word is ‘incarnate and living’. The purpose of the written Word is to point to people the Living Word.”

[4] T. Giêrônimô, Comm. in Is., Prol.: PL 24, 17.

[5] T. Giêrônimô, Comm. in Is., Prol.: PL 24, 17.

“In this way permit me to explain Isaiah, showing that he was not only a prophet, but an evangelist and an apostle as well.”

[6] X. Phaolô Nguyễn Thiện Tạo, Dẫn Nhập Kinh Thánh, 31.

[7] Học Viện Đa Minh, Thuật Ngữ Thần Học, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội 2014, 50.

[8] Haffner, P., 2006, New Testament theology: An introduction, Millstream Production, Rome, 90.

 In Greek, theopneustos [inspiration] can be translated to ‘God-breathed’ and hence the understanding of scripture should be the product of the ‘breath of God’.

[9] X. Phao lô Nguyễn Thiện Tạo, Dẫn Nhập Kinh Thánh, 45.

[10] X. Công Đồng Vatican II, Tông Huấn về Lời Chúa Verbum Domini, số 9.

[11] Điển ngữ Thần học Thánh kinh, A-L 1973, bản dịch của Phân khoa Thần học Giáo hoàng Học viện thánh Pio X, Đà Lạt – Việt Nam, tr. 404.

[12] The Catechism of the Catholic Church (CCC, 108), 1994, Libreria Editrice, Paulines Publications, Vatican City. Ý nghĩa này được biểu lộ trọn vẹn hơn trong Anh Ngữ “the Word made flesh in the person of Christ” và Pháp ngữle Verbe fait chair dans la personne du Christ”

[13] X. Phêrô Nguyễn Văn Viên, Đức Giêsu Kitô, Đường xuống với con người, Chương trình Mục vụ Giới trẻ tháng 2/2020, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/duc-giesu-kito-duong-xuong-voi-con-nguoi-39001