Phục Sinh là trung tâm điểm của toàn bộ đức tin Kitô giáo, là biến cố chỗi dậy từ cõi chết sau cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Trong biến cố ấy, Chúa Giêsu đã chiến thắng ác thần và sự chết một cách vinh quang, hiển hách. Tuy nhiên, để đến được buổi sáng Phục Sinh, Chúa Giêsu đã phải đi qua đêm tối của đau khổ vì bị phản bội, chối từ và ngày dài của những đòn roi, sỉ vả đến cái chết oan nghiệt trên thập giá.
Tất cả những biến cố đó đều diễn ra trong ba ngày gọi là Tam Nhật Thánh (Holy Triduum), bắt đầu từ chiều Thứ Năm Tuần Thánh đến chiều Chúa Nhật Phục Sinh. Trong ba ngày Thánh này, Đức Giám mục Phaolô đã lần lượt tới các giáo xứ Kẻ Mui, Tĩnh Giang và Trung Nghĩa để cử hành Thánh lễ và các nghi thức Phụng vụ.
Thánh Lễ Tiệc Ly tại Giáo xứ Kẻ Mui
Chiều Thứ Năm Tuần Thánh, Đức Cha Phaolô đã hiện diện tại giáo xứ Kẻ Mui – thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn Hà Tĩnh. Tại giáo xứ gần 3.600 nhân danh này, Đức Cha đã cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly và nghi thức Rửa Chân.
Lễ Tiệc Ly gợi nhắc về bữa tiệc cuối cùng Chúa Giêsu ăn cùng các môn đệ trước Lễ Vượt qua. Trong đêm đó, Chúa đã lập Bí Tích Thánh Thể và thiên chức Linh Mục để hiện tại hóa sự hiện diện của Người trên trần gian. Cũng trong đêm đó, Chúa đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ để dạy họ rằng: “Anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13, 14).
Về điều này, giảng trong thánh lễ, Đức Cha nói: “Nếu cúi chào một bậc vị vọng, hay bắt tay một người thân cận hoặc ôm hôn những người yêu thương, thì quá dễ dàng để làm. Nhưng Chúa muốn chúng ta phải cúi xuống rửa chân cho nhau. Điều này đòi hỏi một tình yêu tột độ đến nỗi phải bỏ mình đi trước những người thân cận.”
Sau Thánh Lễ, giáo dân trên mảnh đất từng là sở Hạt Phố Châu hàng trăm năm trước mà Đức Cha ngỏ ý muốn thành lập lại này, thay phiên nhau trước chầu trước Thánh Thể Chúa. Những giờ chầu luân phiên đến quá nửa đêm để nhớ đến những giờ phút Chúa Giêsu một mình đối diện với sự cô đơn, tĩnh mịch trong vườn Cây Dầu. Đêm đó, Người an nhiên để cho Giuđa đã đặt lên mình một nụ hôn của sự phản bội. Nụ hôn ấy là khởi đầu của hành trình thập giá đau đớn trong công cuộc cứu độ trần gian.
Sầu chất nặng, thêm giấm chua mật đắng,
Đinh sắt, lưỡi đòng, gai nhọn đâm thâu
Thân nát tan và máu nước tuôn trào
Cho vũ trụ càn khôn được thanh tẩy! (Thánh Thi)
Đêm Vọng Phục Sinh tại giáo xứ Tĩnh Giang (Hà Tĩnh)
Tĩnh Giang là giáo xứ thuộc trung tâm thành phố Hà Tĩnh, địa bàn trải rộng trên 5 phường, xã. Nhà thờ giáo xứ tọa lạc trên đường Nguyễn Trung Thiên, phường Tân Giang. Giáo xứ được bao bọc bởi sông Phủ hiền hòa, thơ mộng phía đông nam và giáp với các giáo xứ Kẻ Đông, Chân Thành. Bề trên giáo phận cũng vừa bổ nhiệm linh mục Giuse Nguyễn Viết Nam làm tân quản xứ.
Thứ bảy Tuần Thánh là ngày âm thầm và lặng lẽ nhất trong cả năm. Đó là đêm cực thánh, Hội Thánh cử hành biến cố lịch sử trọng đại: Chúa Kitô sống lại khải hoàn vinh hiển. Đức Giám mục Giáo phận cũng về với giáo xứ Tĩnh Giang và chủ sự các nghi thức phụng vụ cách trọng thể.
Trước hết là nghi thức “Mừng Ánh Sáng Mới”. Cả vũ trụ như nằm trong đêm tối và đang mong đợi ánh sáng. Nhân loại tội lỗi đang trông chờ ngày giải thoát. Lửa từ Nến Phục sinh mới được làm phép bừng lên niềm hy vọng cho nhân loại.
Tiếp đến là “Phụng Vụ Lời Chúa”. Đây là thời gian mời gọi người tín hữu suy niệm về lịch sử ơn cứu độ Chúa Giêsu. Sau bài hát công bố Tin mừng Phục sinh, cộng đoàn phụng vụ được sống lại qua các bài Thánh Kinh. Đỉnh điểm là Kinh Vinh Danh và Alleluia được xướng lên trong tiếng trống chuông rộn ràng, biểu lộ niềm vui của ơn cứu độ đã được Đức Kitô thực hiện.
Trong phần này, Đức cha Phaolô đã làm phép thánh hóa nguồn nước để “thanh tẩy mọi người như là cuộc vượt qua từ sự chết đến sự sống, lột bỏ con người cũ và tái sinh nên người mới” như lời mời gọi của ngài trong suốt thánh lễ. Đồng thời mỗi người tham dự đều lặp lại lời tuyên hứa của mình lúc chịu phép rửa tội.
Sau cùng là “Phụng Vụ Thánh Thể”. Mỗi người vui mừng vì được giải thoát, không còn bị tội lỗi thống trị, đồng thời có của ăn là Mình và Máu của Đức Kitô đem lại sự sống đời đời. Nhờ Bí tích nhiệm mầu này, tất cả sẽ trở nên một với Người.
Lễ Phục Sinh tại giáo xứ Trung Nghĩa
Được biết tin Đức Giám mục Giáo phận sẽ về với giáo xứ và cử hành thánh lễ trọng nhất trong năm phụng vụ này, cộng đoàn tín hữu nơi đây đã có mặt từ lúc sáng sớm để chào đón ngài.
Trong tâm tình của người mục tử, Đức Giám mục mời gọi cộng đoàn: “Biến cố Phục sinh là căn nguyên phát xuất nguồn ơn cứu độ cho nhân loại, để rồi từ đây con người bước vào sự sống thần thiêng với Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì thế người tín hữu chúng ta phải biết cảm tạ Thiên Chúa và hằng năng lãnh nhận nguồn ân sủng từ Đấng Phục Sinh, để rồi mỗi người trở thành chứng nhân niềm hy vọng cho nhân loại”.
Trung Nghĩa như là mảnh đất thiêng, nơi in dấu chân các nhà truyền giáo đầu tiên trên vùng đất Hà Tĩnh. Dù trải qua bao sóng gió cuộc đời, người dân nơi đây vẫn luôn kiên vững và một lòng trung thành với Chúa và Giáo Hội.
Trung Nghĩa tọa lạc bên mạn bắc Cửa Sót, trải dài trên vùng đất thuộc 2 xã Thạch Kim và Thạch Bằng, cách thành phố Hà Tĩnh khoảng 12km về hướng Đông Bắc.