GPVO – Vào lúc 8g30’ thứ Tư 02/09/2020, Đức Giám mục Giáo phận Anphong Nguyễn Hữu Long đã viếng thăm và cử hành thánh lễ cung hiến bàn thờ và làm phép nhà thờ giáo họ Thanh Khoa. Đồng tế và hiệp dâng thánh lễ với chủ chăn giáo phận có cha quản xứ Vạn Lộc Antôn Nguyễn Quang Trung, quý cha trong và ngoài giáo hạt Vạn Lộc, quý nam nữ tu sĩ cùng cộng đoàn dân Chúa.
Giáo họ Thanh Khoa từ xa xưa có tên là Thanh Trai, còn gọi là Trang Trai, nằm ở hữu ngạn sông Lam, thuộc xã Thượng Tân Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Theo lịch sử giáo phận Vinh, giáo họ Thanh Trai đã có từ trước năm 1833. Năm 1883, khi được chính thức thành lập, tách từ giáo xứ Kẻ Đòn (Quy Chính), giáo xứ Vạn Lộc gồm hai giáo họ là Vạn Lộc và Thanh Trai. Như thế, hai giáo họ Vạn Lộc và Thanh Trai trước đây thuộc giáo xứ Kẻ Đòn, nay thuộc giáo xứ Vạn Lộc.
Năm 1886, phong trào Văn Thân nổi lên, hàng ngàn người lương dân kéo đến đốt phá nhà thờ cũng như các làng Công giáo giết hại hàng ngàn tín hữu trong khắp giáo phận Vinh. Giáo họ Thanh Trai cũng cùng chung số phận đó. Năm 1887, Tòa Giám mục bổ nhiệm cố Jean Lafforgue Lộc về Vạn Lộc để cùng với cha Cai và cha Huy xây dựng giáo xứ. Trong năm đó, ngôi nhà thờ giáo họ Thanh Trai được khởi công xây dựng và đã hoàn thành vào khoảng năm 1902-1903 sau hơn 12 năm khởi công và xây dựng. Năm 1989, Đức cha Phêrô Gioan Trần Xuân Hạp về dâng thánh lễ tạ ơn và chủ sự tuần chầu lượt của giáo xứ Vạn Lộc. Trong dịp này, Đức cha đã sáp nhập 7 giáo họ của giáo xứ thành 4 giáo họ mới trong đó có họ Thanh Khoa được sáp nhập từ họ Thanh Đàm và Khoa Tràng.
Ngôi thánh đường hiện tại được khởi công 2017, và được Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp chủ sự thánh lễ đặt viên đá đầu tiên vào ngày 09/08/2017. Từ đó đến nay, sau hơn 3 năm xây dựng, công trình mang phong cách kiến trúc châu Âu này đã hoàn thành giữa miền đồi núi hùng vĩ bên dòng sông Lam êm đềm.
Về ý nghĩa của thánh đường, Giáo Hội đã nêu rõ: Trong tình trạng tại thế, Hội Thánh cần có những nơi để cộng đoàn tập họp: các thánh đường hữu hình của chúng ta là những nơi thánh, là hình ảnh của Thành thánh Giêrusalem thiên quốc, nơi chúng ta là những lữ khách đang tiến về. Chính trong những thánh đường này, Hội Thánh cử hành việc thờ phượng công khai để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi, lắng nghe Lời Chúa, ca hát những lời chúc tụng, dâng lên lời cầu nguyện của mình và dâng hy tế của Đức Kitô, Đấng hiện diện cách bí tích giữa cộng đoàn. Những thánh đường này còn là nơi giúp tín hữu hồi tâm và cầu nguyện riêng. (x. GLHTCG số 1198–1199).
Trước giờ khai lễ, đáp lại thỉnh nguyện của cha quản xứ Antôn, Đức Giám mục giáo phận đã có những lời huấn từ đến cộng đoàn hiện diện trước khi cắt băng khánh thành ngôi thánh đường mới.
Nghi thức làm phép nhà thờ mở đầu với lời nguyện làm phép nước và rảy nước thánh trên các tường, vách của nhà thờ cũng như trên cộng đoàn hiện diện như dấu chỉ thống hối và nhắc lại bí tích Rửa Tội mà mỗi người đã lãnh nhận và để thánh hóa ngôi nhà thờ mới này cho Thiên Chúa.
Giảng trong thánh lễ, Đức cha chủ tế mời gọi cộng đoàn, cách riêng giáo dân Thanh Khoa, sống tâm tình tạ ơn thông qua việc luôn ý thức và nỗ lực thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng. Ý định của Thiên Chúa là muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý (x. 1Tm 2,4). Và Đức Kitô, Đấng là sự sáng của thế gian (x. Ga 8,12) luôn muốn ánh sáng của anh em được chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời (Mt 5,16). Vì vậy, mỗi người cần biết thực thi sứ mạng loan báo Tin Mừng bằng cách sẵn sàng loan báo lời Chúa, nói lời Chúa cho mọi người cũng như sống một đời sống bác ái, nhân từ, hiền hòa, nhẫn nhục để qua đó làm chứng cho Chúa Kitô và cho đạo Chúa.
Anh em hãy sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em. Nhưng phải trả lời cách hiền hòa và với sự kính trọng (1Pr 3,15-16). Để thực thi sứ mạng loan báo Tin Mừng, để rao giảng về Chúa và nói về Chúa, trước hết mỗi người phải có những hiểu biết rõ ràng và có một mối tương quan với Chúa. Chính vì vậy, chủ chăn giáo phận mời gọi cộng đoàn, cách riêng giới trẻ biết đào sâu giáo lý, học hỏi lời Chúa cũng như những kiến thức văn hóa phổ thông để có thể sống đức tin và loan truyền niềm tin ấy đến cho tất cả mọi người.
Sau phần giảng lễ, Đức cha Anphong đã cử hành nghi thức cung hiến bàn thờ với thứ tự các phần: Tuyên xưng đức tin – lời nguyện cung hiến – xức dầu bàn thờ – xông hương và thắp sáng bàn thờ. Từ nay, bàn thờ này sẽ mãi là bàn thờ cung hiến cho Hy Tế của Đức Kitô và trở nên bàn ăn của Người, để ở đó dân Chúa được Tiệc thánh thiêng bổ dưỡng. Bàn thờ này sẽ trở nên dấu chỉ của Đức Kitô, vì từ cạnh sườn bị đâm thâu của Người, máu và nước đã chảy ra để thiết lập các Bí tích của Hội Thánh. Bàn thờ này sẽ trở nên nơi hiệp thông thân mật và bình an với Chúa, để những người được muôi dưỡng bằng Mình và Máu Con Cha, đầy tràn Thánh Thần của Người mà lớn lên trong tình yêu Chúa.
Phát biểu cuối thánh lễ, đại diện HĐMV giáo họ đã có lời tri ân, cảm tạ đến Đức cha, quý cha đồng tế cũng như tất cả mọi người đã giúp đỡ giáo họ trong suốt quá trình xây dựng ngôi nhà thờ mới này.
Thánh lễ tạ ơn hôm nay là thời điểm đặc biệt để các thế hệ giáo dân giáo họ Thanh Khoa ôn lại những kỷ niệm buồn vui, những bước thăng trầm của chặng đường đã qua, để cảm nghiệm hồng ân Chúa và đào sâu đức tin cho hành trình phía trước.
Quốc Diện