GPVO (20/2/2023) – “Máu các vị tử đạo là nguồn ân sủng để tiến lên trong đức tin. Trong anh chị em, đức tin của tổ tiên còn tiếp tục truyền sang các thế hệ mới. Đức tin này vẫn là nền tảng cho sự kiên trì của tất cả những ai đích thực cảm thấy mình là người Việt Nam trung thành với đất nước của họ, đồng thời vẫn muốn làm môn đệ chân chính của Đức Kitô”.
Đó là những lời mà thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhắn nhủ với cộng đoàn tín hữu người Việt trong bài giảng lễ tuyên phong hiển thánh 117 vị tử đạo Việt Nam vào ngày 19/6/1988 tại Rôma. Trong 117 vị ấy có thánh tử đạo Phêrô Hoàng Khanh.
Thánh Khanh sinh năm 1780 tại Hòa Duệ, nay là Lương Khế thuộc xứ Trung Hòa (Thanh Hòa, Thanh Chương). Ngài thụ phong linh mục năm 1819, bị xử trảm ngày 12/7/1842 tại Hà Tĩnh, dưới thời vua Thiệu Trị.
Giữa những khó khăn của thời cấm cách và bắt bớ gắt gao, thánh nhân đã đào tạo 40 chủng sinh, trong số đó có 8 người trở thành linh mục.
Bước chân truyền giáo của ngài hoạt động không ngừng nghỉ. Ngài đã phụ trách giáo xứ Trại Lê (7 năm), Quỳnh Lưu (14 năm), rồi sau đến các xứ: Thọ Kỳ (1 năm), Làng Truông (1 năm)…
Khi bị bắt, một số người đề nghị ngài cứ khai là thầy lang để thoát chết. Tuy nhiên, ngài không chấp nhận chối bỏ căn tính linh mục của mình và cuối cùng bị xử trảm vào ngày 12/7/1842.
Ngài được Đức Giáo hoàng Piô X phong chân phước ngày 2/5/1909 cùng 32 vị tử đạo khác của Việt Nam và Trung Quốc. Trong số 33 chân phước có có năm cha con người Trung Quốc chịu tử đạo ngày 18/2/1862. Vì vậy, Tòa Thánh chọn ngày 18/2 hằng năm để kính chung 33 vị. Kể từ đó, vào ngày này hằng năm, giáo xứ Trung Hậu (Nghi Hoa, Nghi Lộc) đều long trọng cử hành thánh lễ mừng kính vị quan thầy của mình.
Lại nói thêm, giáo xứ Trung Hậu có diễm phúc được Bề trên Giáo phận chọn làm nơi để xác thánh Phêrô Hoàng Khanh bởi vì nơi đây có công cưu mang các vị thừa sai những ngày cấm cách, bách hại. Giáo xứ còn có tên gọi cũ là Kẻ Gốm, một họ của giáo xứ Xã Đoài xưa kia.
Năm nay, thánh lễ kính thánh Phêrô Hoàng Khanh diễn ra vào lúc 8h30 ngày 18/2 do Đức cha Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Viên chủ sự.
Khi nhìn về lịch sử bi thương nhưng đầy tự hào của cha thánh Phêrô, Đức cha chủ tế mời gọi cộng đoàn cùng suy niệm về tình yêu của Thiên Chúa cho gia đình nhân loại qua Đức Giêsu.
Thiên Chúa không những yêu thương con người, dựng nên con người giống hình ảnh Người (St 1,26-27), lại còn ban ơn cứu độ, nâng con người sa ngã lên, một việc làm còn lớn lao hơn việc tạo dựng.
Tình yêu ấy đã được thánh Gioan Tông đồ diễn tả: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ (Ga 3,16-17).
Chính Đức Giêsu khi còn treo trên Thập giá đã ngước mắt lên trời để xin Chúa Cha tha cho những người đã đóng đinh Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Lời cầu xin đó diễn tả một tình yêu vượt lên hẳn mọi thứ tình yêu của người trần mắt thịt. Tình yêu mà Đức Giê su dành cho những kẻ làm hại Ngài đó là tình yêu tha thứ. Tình yêu ấy vượt hẳn mọi ranh giới, không mang tính vụ lợi, không phân biệt, không chiếm đoạt.
Các anh hùng tử đạo đã noi gương Đức Giêsu để diễn tả tình yêu đó. Dù bị bắt bớ, giết chết nhưng các ngài vẫn cầu xin Thiên Chúa tha thứ cho những kẻ ấy và sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình để làm chứng cho Chúa.
Theo Chúa là phải từ bỏ mình, chấp nhận mọi gian nan khốn khó, vâng theo thánh ý Chúa, sống trọn cuộc sống Kitô hữu để làm chứng cho Chúa. Đó là mỗi người đang trải qua cuộc tử đạo tuy âm thầm nhưng đòi hỏi nhiều hy sinh, nhiều cố gắng bởi tử đạo không phải là một biến cố, nhưng là một tiến trình theo Chúa.
Đức cha Phụ tá tóm kết bài giảng bằng việc gợi lên cho mỗi người 3 chữ T để cùng suy niệm trong bước đường theo Chúa nơi hành trình trần thế: tin tưởng, thực thi, tha thứ.
Tâm Quảng