GPVO (7/2/2022) – Theo phong tục tốt đẹp của người Việt, tết là dịp để mọi thành viên trong gia đình quy tụ về mái nhà chung. Từ bắc chí nam hay bôn ba nơi xứ người, ai cũng cố gắng cho mình một suất về quê ăn tết cổ truyền. Nỗi nhớ cháu con hay những người thân thương được bù đắp bằng những tiếng cười giòn giã. Đây cũng là thời gian thích hợp nhất để mỗi người nhắc nhở nhau về cội nguồn tổ tiên: “Con người có tổ có tông, như cây có cội như sông có nguồn”. Chính vì thế, trong những ngày này, bàn thờ tổ tiên luôn nghi ngút khói hương với lòng thành kính.
Trong tâm tình hướng về tiền nhân, vào lúc 7 giờ sáng mồng hai tết Nhâm Dần (2/2/2022), Đức Giám mục Anphong Nguyễn Hữu Long, chủ chăn Giáo phận, đã viếng thăm và cử hành thánh lễ kính nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những người cao niên tại giáo xứ Tân Lộc. Đồng tế và hiệp dâng thánh lễ có cha quản xứ Phêrô Nguyễn Ngọc Giao, cha phụ tá Phanxicô Xaviê Nguyễn Minh Đức – OP, quý cha khách, quý tu sĩ nam nữ cùng cộng đoàn dân Chúa.
Mở đầu thánh lễ, Đức cha Anphong đã gửi lời chúc xuân đến cộng đoàn giáo xứ Tân Lộc, cách riêng là những cụ ông cụ bà, những người nối dài cánh tay của những bậc tiền nhân đi trước. Tronng thánh lễ này, Đức cha Anphong mời gọi cộng đoàn cùng nhau hiệp ý dâng lên Chúa những ước nguyện đầu xuân cũng như cầu nguyện cho các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Ngài mời gọi mỗi người không quên cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ còn đang sống và coi đó như là một hồng ân Chúa ban để rồi hết lòng phụng dưỡng, kính trọng các ngài.
Trong phần giảng lễ, Đức cha Anphong đã quảng diễn về tầm quan trọng của sự vâng lời, biết lắng nghe nhau trong đời sống gia đình. Trong thư của thánh Phaolô gửi cho cộng đoàn Êphêxô dạy rằng: “Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, cũng vậy người làm chồng hãy yêu thương vợ như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh” (Ep 5, 21-28). Thật vậy, vâng lời là một nhân đức quý trọng và luôn được đề cao. Trong đời sống gia đình, vâng lời thể hiện sự kính trọng của con cháu đối với ông bà, cha mẹ hoặc của người dưới đối với người trên. Vâng lời còn biểu lộ lòng thảo hiếu, lòng yêu mến, là hành động đem lại hạnh phúc cho cả người trên lẫn kẻ dưới. Con cái biết vâng lời là niềm an ủi, là niềm vui, là niềm tự hào của cha mẹ và là hạnh phúc của gia đình. Ngài đã dùng hình ảnh Chúa Giêsu vâng phục cha mẹ Ngài dưới mái nhà Nadarét (Lc 2, 51) để nhắn nhủ những người con hãy biết kính trọng vâng lời cha mẹ mình. Thánh Phaolô từng dạy: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo” (Ep 6,1).
Kết thúc bài chia sẻ, Đức cha chủ tế mượn hình ảnh Đức Mẹ đã vâng lời Thiên Chúa trong biến cố truyền tin, lời nói “xin vâng” của Đức Mẹ chắc chắn không phải là lời nói đơn giản vì Đức Mẹ biết rõ rồi đây sẽ phải đối diện với nhiều nghịch cảnh, khó khăn. Thế nhưng, Đức Mẹ đã nói “xin vâng”, nghĩa là sẵn sàng chấp nhận tất cả những gì sẽ xảy đến, cả những đau khổ mà Đức Mẹ sẽ phải gánh chịu. Chỉ một lần nói “xin vâng” nhưng Đức Mẹ đã sống cả cuộc đời xin vâng cho đến lúc được an nghỉ. Noi gương Mẹ, mỗi người trong gia đình cần biết lắng nghe nhau, con cái vâng lời cha mẹ, vợ chồng lắng nghe những lời khuyên bảo của nhau để qua ánh sáng Lời Chúa và sự chỉ dẫn của Thánh Thần, vợ chồng sẽ dễ dàng đồng tâm hiệp lực vượt qua phong ba, thử thách (x Cl 3,12-17).
Cuối thánh lễ, cha quản xứ Phêrô Nguyễn Ngọc Giao cùng cộng đoàn giáo xứ Tân Lộc đã gửi lời mừng xuân đến Đức cha cũng như những ông bà, cha mẹ. Tiếp đến, Đức cha Anphong cùng cha quản xứ đã có những món quà vật chất mang ý nghĩa tinh thần gửi đến các bậc cao niên trong giáo xứ. Tin tưởng rằng, đây sẽ là niềm khích lệ để ông bà sống lâu, sống thánh thiện hơn nữa trong vòng tay yêu thương của giáo xứ và gia đình.
Tâm Quảng