GPVO – Sáng ngày 25/11/2019, Đức Giám mục Phaolô Maria Cao Đình Thuyên đã viếng thăm và cử hành thánh lễ kính Thánh linh mục tử đạo Phêrô Lê Tùy – Quan thầy giáo xứ Quy Chính. Đồng tế và hiệp dâng thánh lễ có cha quản xứ, quản hạt Vạn Lộc F.X. Hoàng Sỹ Hướng, quý cha khách, quý khách quê hương Bằng Sở của cha thánh, quý tu sĩ cùng cộng đoàn dân Chúa.
Thánh Phêrô Lê Tùy sinh năm 1773 tại làng Bằng Sở, giáo xứ Yên Duyên thuộc Giáo phận Tây Đàng Ngoài, nay là Trung tâm Hành hương Bằng Sở, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội, thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội. Năm 12 tuổi (1785), cậu đã bắt đầu con đường tu học của mình bằng việc theo học cùng cha Nghiêm tại giáo xứ Yên Duyên. Hai năm sau, cậu bé Tùy được nhập học Tiểu Chủng viện Kẻ Vĩnh, thuộc Vĩnh Trị, Ý Yên, tỉnh Nam Định.
Sau 12 năm tu học, thầy Phêrô Tùy được phong chức phó tế năm 1798, và được sai đi trợ giúp mục vụ tại Hạt Đại diện Tông tòa Vinh. Sau hai năm đi giúp các giáo xứ, năm 1800, thầy được Giám mục Anrê Hậu truyền chức linh mục tại nhà thờ Thọ Kỳ (nay thuộc giáo xứ Thọ Ninh, Giáo phận Hà Tĩnh). Sau khi được truyền chức, trong vòng 17 năm từ năm 1800 đến năm 1817, cha Tùy coi sóc các giáo xứ Đông Thành và Đá Dựng, nay là giáo xứ Lập Thạch, tỉnh Nghệ An. Sau đó, cha được thuyên chuyển quản nhiệm giáo xứ Kẻ Đòn (Quy Chính – Vạn Lộc) thuộc huyện Nam Đàn, Nghệ An.
Ngày 25 tháng 6 năm 1833, cha bị bắt khi đang đi giải tội và xức dầu cho bệnh nhân tại họ đạo Thành Trài và bị đem xử tử tại pháp trường Quán Bàu – Nghệ An vào ngày 11 tháng 10. Thi hài cha được an táng tại Trang Nứa, Nam Khê và sau đó được cải táng về Bằng Sở, quê hương cha.
Ngày 19 tháng 6 năm 1840, Đức Giáo hoàng Grêgôriô XVI nâng cha Phêrô Lê Tùy lên hàng Đấng đáng kính. Tiếp đến, ngày 27 tháng 5 năm 1900, Đức Lêô XIII tôn phong cha lên bậc Chân phước và cha được tuyên phong hiển thánh ngày 19 tháng 6 năm 1988 bởi Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II.
Giảng trong thánh lễ, Đức cha chủ tế mời gọi cộng đoàn nhìn về gương các thánh tử đạo Việt Nam, cách riêng thánh Phêrô Lê Tùy, quan thầy giáo xứ. Các ngài là những chứng nhân anh dũng của Đức Kitô, đã can đảm đổ máu đào của mình ra để làm chứng cho niềm tin vào Thiên Chúa. Dù phải chịu nhiều đau khổ, cực hình thậm chí hy sinh mạng sống của mình nhưng các ngài vẫn luôn vui vẻ và cảm thấy hạnh phúc khi được phúc tử đạo. Là con cháu của các ngài, chúng ta được mời gọi và có nhiệm vụ phải lưu truyền, gìn giữ và làm triển nở hạt giống đức tin mà các ngài dùng cả tính mạng của mình để bảo vệ.
Quốc Diện