GPVO (24/8/2022) – Vào lúc 15g30’, thứ Ba ngày 23/8/2022, giáo xứ Mành Sơn hân hoan chào đón Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long đến ban bí tích Thêm sức cho 190 em. Hiệp dâng thánh lễ có cha quản hạt Antôn Trần Văn Công, cha quản xứ Giuse Lê Văn Đương, quý cha trong hạt, quý tu sĩ nam nữ cùng cộng đoàn dân Chúa.
Trước giờ khai lễ, Đức cha chủ tế mời gọi các em lãnh nhận bí tích Thêm Sức dọn mình sốt sắng để nài xin Chúa Thánh Thần tuôn đổ và ở lại trong tâm hồn các em luôn mãi. Chính nhờ việc ở lại của Chúa Thánh Thần, các em sẽ can đảm ra đi để làm chứng cho Chúa giữa lòng thế giới.
Trong bài giảng lễ, Đức cha Anphong đã quảng diễn về vai trò của Chúa Thánh Thần hoạt động trong đời sống của mỗi Kitô hữu. Chúa Thánh Thần là danh xưng của Ngôi Ba. Ðức Kitô cũng gọi Chúa Thánh Thần là Ðấng An Ủi (Parakletos – Trạng sư) và Thần Chân Lý. Tân Ước còn gọi Ngài là Thánh Thần của Ðức Kitô, của Ðức Chúa, của Thiên Chúa, Thánh Thần của Vinh quang, Thánh Thần của Lời hứa. Chính Chúa Thánh Thần luôn hiện diện, hoạt động và ban ơn cách mạnh mẽ trên đời sống của mỗi Kitô hữu. Trong Tân Ước, chúng ta bắt gặp được 2 hình ảnh của Chúa Thánh Thần cách rõ ràng nhất: Việc Chúa Giêsu chịu phép rửa của ông Gioan tại sông Giođan (x. Mt 3, 13-17; Lc 3, 21-22), chính Chúa Thánh Thần ngự xuống với hình dáng là chim bồ câu ngự xuống và sau việc lãnh nhận hồng ân Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu bắt đầu vào hoang địa để chịu cám dỗ. Ngoài ra, trong ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần cũng đến với các tông đồ dưới hình lưỡi lửa (x. Cv 2, 1-13) và sau đó các ông ra đi giảng dạy, chữa bệnh cho dân chúng.
Mỗi người được mời gọi mở lòng để Chúa Thánh Thần ngự đến, buông mình để sự khôn ngoan của Ngài hoạt động nơi chính con người của mình, nhờ đó có thể lắng nghe được tiếng gọi của Thiên Chúa và sẵn sàng đáp trả lại tiếng gọi đó bằng thái độ ngoan ngùy.
Kết thúc thánh lễ, một em đại diện cho 190 em lãnh nhận bí tích Thêm sức đã có những tâm tình tri ân Đức cha, quý cha, quý thầy cô và bố mẹ đã luôn âm thầm, hi sinh và nâng đỡ các em để xứng đáng lãnh nhận hồng ân ngày hôm nay.
Đặt chân đến làng Kẻ Mành (thuộc địa bàn xã Tiến Thủy, Quỳnh Lưu, Nghệ An), hòa vào nhịp sống nơi đây, mỗi người đều có thể tận hưởng sâu sắc cái hương vị mặn mòi của xứ biển, làm nên nét đẹp riêng, sức sống riêng của giáo dân. Sự ồn ào của chợ phiên buổi sáng, cảnh thuyền về tấp nập, hương vị của biển và những sân phơi cá trải dài là những khám phá thú vị tại mảnh đất này.
Cũng chính nơi đây, cách đây gần 4 thế kỷ, từ đường biển, các vị thừa sai đã đặt dấu chân gieo những hạt giống Tin mừng đầu tiên. Không thể lý giải cho sự kiện này ngoại trừ cảm nhận dưới góc độ tâm linh rằng chính tình yêu Chúa đã khởi sự thông qua con người và làm nên điều kỳ diệu này mà thôi.
Ngược dòng thời gian, theo truyền thống của người dân nơi đây và có những chứng cứ lịch sử khả tín, vào năm 1644, linh mục thừa sai Calepxi đến truyền đạo và lập họ Kẻ Mành, lúc đó, ông Gioakim được cử làm trùm họ.
Đến đầu năm 1647, đoàn thừa sai kinh lý Bắc Việt Nam của linh mục Caboran và Cardoso đã đến Kẻ Mành để gặp gỡ và động viên tinh thần sống đạo của người giáo dân.
Năm 1675, theo tài liệu của cha E. Fereyra về nhà thờ và các họ đạo tại Nghệ An thì Kẻ Mành đã có nhà thờ và có số giáo dân đông đúc.
Năm 1823, thầy Anrê – người con Kẻ Mành đầu tiên được nhận lãnh hồng ân linh mục.
Trong thời kỳ cấm cách chừng 40 năm (1835-1875), người giáo dân nơi đây đã phải trải qua nhiều biến cố đau thương và những hoàn cảnh nghiệt ngã nhất: một linh mục quê hương cùng hàng trăm giáo dân tử vì đạo, 3 lần nhà thờ bị đốt phá và 1 lần bị dỡ bỏ, 2 linh mục coi sóc bị giết chết, giáo dân ly tán.
Năm 1865, số giáo dân đã lên đến 1.000 người, đến năm 1885 chỉ còn khoảng 300 người, số thì bị bách hại, phần đông bỏ làng di cư đến những miền đất mới.
Một sự kiện đáng nhớ đối với cộng đoàn xứ biển này là vào ngày 24/2/1914, Đức Giám mục Eloy Bắc đã ký sắc lệnh thành lập giáo xứ Mành Sơn với số giáo dân lúc bấy giờ là 1.233 người.
Hiện nay, giáo xứ Mành Sơn có hơn 2.854 giáo dân và do cha Giuse Lê Văn Đương quản nhiệm.
Gioan Nguyễn