GPVO – Ngày 01/02/2020 thật sự là một ngày xuân hồng phúc, một dấu ấn khó phai trong lịch sử giáo xứ Đồng Vông. Những khát mong và chờ đợi lâu nay của bà con giáo dân về một ngôi nhà thờ mới khang trang, rộng rãi nay đã được toại nguyện. Niềm vui càng nhân lên gấp bội, khi ngày cung hiến công trình nhà Chúa cũng là ngày mà giáo xứ đang sốt sắng cử hành tuần chầu đền tạ Chúa Giêsu Thánh Thể thay cho toàn giáo phận.
Được thành lập ngày 10/6/2011 với hơn 1300 nhân danh, giáo xứ Đồng Vông thuộc giáo hạt Cửa Lò, nằm kế bên Khu công nghiệp Nam Cấm và cách bãi biển Cửa Lò chưa đầy 6km. Địa thế thuận lợi ấy đã mang lại cho đời sống người dân nơi đây nhiều vận hội mới nhưng cũng tiềm ẩn nhiều thách đố. Giáo dân có thêm việc làm, thu nhập nhưng cũng phải đối mặt với nhiều tệ nạn và thách đố.
Bởi số giáo dân ngày càng tăng lên, ngôi nhà thờ cũ dần trở nên chật chội cho nhu cầu sinh hoạt tâm linh của bà con giáo xứ. Vì vậy, ngày 16/11/2014, được phép Bề trên giáo phận, cộng đoàn giáo xứ đã long trọng cử hành thánh lễ tạ ơn đặt viên đá đầu tiên xây dựng ngôi thánh đường mới. Đến nay, sau hơn 6 năm xây dựng, một ngôi đền thờ xứng hợp để thờ phượng Thiên Chúa của giáo dân nơi đây đã được hoàn thành.
Sáng thứ Bảy 01/02/2020 (Mồng 8 Tết), Đức Giám mục Giáo phận Anphong Nguyễn Hữu Long đã viếng thăm và cử hành thánh lễ cung hiến thánh đường mới. Đồng tế và hiện diện trong thánh lễ có cha quản xứ Phêrô Lưu Văn Thành, quý cha trong giáo hạt Cửa Lò, quý cha khách, quý chủng sinh, quý nam nữ tu sĩ cùng cộng đoàn dân Chúa.
Niềm vui của ngày đầu tháng được khai mở với nghi thức làm phép hội trường thánh Phêrô và trường giáo lý. Tiếp đến, cộng đoàn tiến về trước ngôi thánh đường mới. Sau lời giới thiệu và thỉnh nguyện của linh mục quản xứ, Đức cha Anphong đã có lời huấn từ cộng đoàn hiện diện, cách riêng cộng đoàn giáo xứ Đồng Vông, trước khi chính thức cắt băng khánh thành ngôi nhà thờ mới. Chủ chăn giáo phận trao chìa khóa cho cha quản xứ mở cửa, cộng đoàn tiến vào nhà thờ bắt đầu cử hành thánh lễ.
Nghi thức cung hiến nhà thờ mở đầu bằng việc làm phép và rảy nước thánh trên các vách tường nhà thờ của Đức Giám mục giáo phận, cũng như xức dầu thánh trên các cột trụ của nhà thờ, như là dấu chỉ về sự thánh hiến một cách trọn vẹn cho Thiên Chúa.
Giảng trong thánh lễ, Đức cha chủ tế bày tỏ niềm vui cũng như gửi lời chúc mừng, khích lệ đến cộng đoàn nơi đây. Đồng thời, Chủ chăn giáo phận cũng mời gọi mọi người luôn biết tôn kính, gìn giữ ngôi thánh đường mới luôn xứng hợp cho Thiên Chúa ngự cả bên trong lẫn bên ngoài.
Ngôi đền thờ vật chất cũng gợi nhắc cho mỗi người về một ngôi đền thờ cao cả và thiêng liêng hơn rất nhiều đó là đền thờ tâm hồn mỗi người. So với ngôi đền thờ vật chất bằng gỗ đá do con người làm nên, thì ngôi nhà tâm hồn của mỗi người còn sinh động và quý trọng hơn biết bao, bởi linh hồn con người là do Thiên Chúa trực tiếp tạo nên, có giá trị vĩnh cửu và trường tồn mãi mãi. Vì vậy, bên cạnh việc luôn gìn giữ và chăm sóc ngôi nhà thờ vật chất, mỗi người cũng cần thường xuyên chăm lo và làm đẹp ngôi nhà tâm hồn của mình. Hãy luôn đặt câu hỏi cho bản thân rằng: “Tình trạng linh hồn của tôi bây giờ như thế nào?”. Có như vậy, mỗi người mới có thể nhận biết rõ được ngôi nhà tâm linh của mình đang ở đâu và như thế nào. Có như vậy, con người mới luôn biết kiểm điểm và không ngừng làm mới ngôi nhà tâm linh để nó luôn xứng đáng là kiệt tác muôn đời của Thiên Chúa.
Sau phần giảng lễ, Đức cha Anphong đã cử hành nghi thức cung hiến bàn thờ với thứ tự các phần: Kinh cầu các Thánh – Lời nguyện cung hiến – Xức dầu bàn thờ – Xông hương và thắp sáng bàn thờ. Từ đây, bàn thờ này sẽ là nơi mà các tín hữu Chúa quy tụ lại với nhau để cử hành cuộc tưởng niệm lễ tế Vượt Qua của Đức Kitô, để những chi thể của Người được bổ dưỡng bằng bàn tiệc Mình và Máu Con Chúa. Bàn thờ này sẽ là nơi vang lên lời ca ngợi hân hoan của loài người hợp với cộng đoàn các thánh, và cho lời nguyện cầu vì phần rỗi thế gian được bay lên trước tôn nhan Chúa. Chính nơi đây, kẻ nghèo hèn sẽ gặp được lòng thương xót, người áp bức sẽ tìm được tự do và mọi người mặc được phẩm giá của con cái Chúa, cho đến ngày đạt tới Giêrusalem trên trời.
Quốc Diện