THƯ GỬI CÁC THÀNH VIÊN
GIA ĐÌNH THÁNH TÂM GIÁO PHẬN VINH
(Tháng Thánh Tâm -2021)
Anh chị em thân mến,
Nếu ai hỏi điều gì đang được quan tâm trong những ngày gần đây, chắc nhiều người trả lời là sự bùng phát trở lại của dịch bệnh Covid-19 với tốc độ lây lan nhanh chóng trên đất nước chúng ta. Đứng trước thảm họa tồn vong, con người càng ý thức hơn sự mỏng dòn của thân phận làm người. Có lẽ vì thế mà tác giả sách Giảng viên đã bi quan thốt lên: “Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân” (Gv 1, 2).
Câu Kinh Thánh đó vẫn còn vang vọng ngày nay. Quả thực, tình trạng nan giải của dịch bệnh đã và đang dạy chúng ta nhiều điều, nhất là về giá trị đích thực của cuộc sống. Dịch bệnh cũng mời gọi con người nhìn lại tương quan giữa họ với Thiên Chúa, cách họ phụng thờ Thiên Chúa và thực hành đạo. Dịch bệnh cũng cảnh cáo nhân loại sự rủi ro đến từ những siêu dự án đầy tham vọng của các siêu cường quốc…
Nhân tháng Thánh Tâm năm 2021, mời anh chị em cùng suy tư một vài điều sau đây:
– Trước hết, trong bất cứ tình huống xấu nào của cuộc sống, chúng ta hãy bám víu vào Trái Tim Chúa Giêsu và chạy tới nương ẩn trong lòng thương xót của Người. Trong suốt thời gian ba năm rao giảng, Trái Tim nhân hiền của Chúa đã hòa chung nhịp đập với những mảnh đời bất hạnh. Người đã cúi xuống đám dân nghèo bơ vơ như đoàn chiên không người chăn dắt. Người thổn thức trước đám tang của chàng thanh niên con bà góa nghèo thành Naim. Người cũng bật khóc khi đứng trước ngôi mộ của bạn mình là Ladarô thành Bêtania. Và cuối cùng, trên cây thánh giá, Trái Tim của Người đã bị lưỡi đòng đâm thâu, tuôn chảy Máu và Nước, nguồn mạch ơn thiêng cho cả nhân loại. Trải qua muôn thế hệ, Trái Tim Chúa Giêsu tiếp tục chung chia nhịp đập với con người, dù con người có vô tình tệ bạc với tình yêu của Người.
– Tiếp đến, chúng ta luôn tin tưởng rằng mỗi ổ khóa đều có một chiếc chìa có thể mở ra. Đứng trước sự phi lý của sự dữ, của tai ương bất hạnh, người ta đặt ra biết bao câu hỏi. Có thể người Kitô hữu cũng ngước mắt đầy lệ nhìn lên Chúa và tự hỏi: Tại sao, tại sao? Tuy nhiên, chúng ta không bao giờ được phép mất đi niềm hy vọng và trông cậy. Chúng ta tin tưởng rằng Thánh Tâm Chúa Giêsu sẽ có cách để biến sự dữ thành sự lành.
– Ngoài ra, phải chăng đây là cơ hội để con người nhớ đến Chúa nhiều hơn. Có thể vì mê mải kiếm tìm tiền tài, danh vọng, lạc thú mà có lúc chúng ta đã lãng quên, đã xếp Chúa vào một “xó xỉnh” nào đó hay đưa Người ra ngoài lề cuộc sống.
Tháng Thánh Tâm Chúa Giêsu đã đến, tôi chân thành mời gọi mọi thành viên Gia Đình Thánh Tâm hãy sốt sắng và gia tăng lời cầu nguyện cho Hội Thánh, thế giới và quê hương Việt Nam, đặc biệt cho các người hữu trách và nhân viên y tế đang vất vả chiến đấu chống dịch bệnh.
Vì dịch Covid-19 đang trực tiếp đe dọa đến sự an lành của mỗi người, nên việc chúng ta giữ an toàn cho mình cũng là cộng tác với tha nhân để tiễu trừ dịch bệnh ra khỏi đời sống. Chúng ta nên giữ sự giãn cách trong các sinh hoạt, hạn chế những cuộc tụ họp đông người, nhất là để ăn uống vui chơi không cần thiết.
Theo lời kêu gọi của Bề trên Giáo phận, chúng ta nên giãn cách trong những sinh hoạt phụng vụ để phòng tránh sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Chúng ta vẫn có thể nhớ đến Thánh Tâm Chúa trong từng khoảnh khắc sống, dâng những lời nguyện tắt để kết hợp mật thiết với Chúa, như : “Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa”, “Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin thương xót chúng con”, “Lạy Thánh Tâm nhân hậu của Chúa Giêsu, xin chữa lành chúng con”, “Lạy Thánh Tâm từ bi của Chúa Giêsu, xin an ủi chúng con”…
Tôi tin sự thành tâm và lòng sốt mến qua những lời cầu nguyện và việc làm nhỏ bé sẽ khai mở nguồn suối thiêng để hồng ân Chúa tiếp tục tuôn đổ trên nhân loại, trên thế giới nói chung và trên đất nước quê hương chúng ta nói riêng.
Ước mong những lời cầu xin tha thiết của anh chị em sẽ chạm đến Trái Tim nhân lành của Chúa. nhờ đó dịch bệnh này sớm chấm dứt để nhân loại được sống an vui nơi thân xác và trong tâm hồn.
Xin Thánh Tâm Chúa Giêsu tuôn đổ phúc lành trên tất cả anh chị em.
Thân ái,
Linh mục Giuse Phạm Ngọc Quang Đặc trách Gia Đình Thánh Tâm Giáo Phận |