Gần…

            Về đến nhà, người gặp đầu tiên đó là Cha anh đang phụ trách Nhà Hưu Dưỡng.

            Chào Anh và nói : “Em nể Anh. Người hùng, người tài, người năng động mà ở đây. Nể phục Anh quá ! …”

            Tay bắt mặt mừng và Anh bảo: Về đây thích lắm em. Gần ! (Vừa nói vừa chỉ tay ra khu an nghỉ chờ ngày phục sinh với Chúa).

            Ý Chúa nhiệm mầu hay sao đó khó lý giải. Nhà Dòng đã đặt để khu Nhà Hưu Dưỡng trên dãy nhà mà ngày xưa được đặt để làm Nhà Đệ Tử. Có những lúc có ý tưởng để Nhà Hưu Dưỡng ở Mai Thôn nhưng điều kiện đi lại cũng như đến các bệnh viện để cần khi hữu sự thì e rằng hơi cách trở. Có thể ở đây hơi ồn một chút nhưng bù lại cũng gần và tiện cho việc thăm nom của người thân. Có khi ai nào đó dự Lễ ở Nhà Thờ mà muốn ghé thăm “người xưa” cũng là tiện.

            Và như tâm tình nghĩ đến, có lẽ cũng chẳng ngoài ý Chúa khi Nhà Hưu hiện diện ở nơi đây như hiện tại.

            Gần mà như Cha anh chỉ đó chính là chuyện từ Nhà Hưu ra cái nhà chờ phục sinh chả bao xa. Ngay cái người yếu lắm không đi được phải ngồi xe lăn cũng có thể ra chiêm ngắm “dinh thự” mà một ngày nào đó mình sẽ đến. Và điều đặc biệt là hết sức an tâm vì lẽ linh mục tu sĩ được ưu tiên ở mặt tiền chứ không phải ở sâu trong hẻm nhỏ như thường dân Nam Bộ.

            Các đấng các bậc đang hiện diện trong ngôi nhà thân thương mang tên hưu dưỡng này gồm nhiều cấp bậc từ nguyên giám tỉnh đến nguyên coi thiếu nhi mấy chục năm trời cũng như nguyên chánh xứ hay là linh mục, tu sĩ bình dị ở với nhau trong tình anh em dưới mái nhà thân yêu này.

            Cảm xúc thật nhiều khi nhìn những mái đầu bạc, những chiếc xe tự đẩy hay xe bốn bánh “đặc chủng” (2 bánh lớn và 2 bánh nhỏ), những chiếc gậy nâng đỡ những cuộc đời một thời oanh nay coi như liệt. Có vị đã để lại trong lòng giáo dân nhiều tình cảm bởi sự cống hiến dường như cả đời cho sứ vụ.

            Phận người là vậy đó ! Ai cũng một thời trẻ trai và ai cũng rồi đến lúc phải rời bỏ “cuộc chơi” hay “ánh đèn sân khấu” của cuộc đời để về với cõi lặng.

            Những ngày đặc biệt này, đã lắng thường ngày với bầu khí lặng của Nhà Hưu thì các đấng các bậc ở đây càng lặng hơn nữa để nhìn lại cuộc đời, nhìn lại phận người.

            Giá trị của thời gian

            Sự quan trọng của ơn cứu độ

            Sự phù vân của thế giới

            Cuộc sống là hành trình hướng về vĩnh cửu …

            Đó chính là những gợi ý tuyệt vời mà Cha Hoàng Phúc đã chuyển ngữ và gửi đến các đấng trong những ngày lặng này.

            Được biết sau 2 năm miệt mài, Cha Giuse đã chuyển ngữ tác phẩm tuyệt vời của Cha Thánh Anphongso. Cha Giuse cũng đã trao tặng cho kẻ mọn này cùng với tập sách : “Cầu nguyện : Phương thế cầu nguyện tuyệt vời của ơn cứu độ” cũng là của Thánh Anphongso.

            Những tập sách này như là tâm tình, chia sẻ của Cha Thánh Anphongso để chuẩn bị gần cho con người khi con người tiến gần đến cái chết.

            Thánh Anphongso viết trong tập sách: Thánh Augustino hỏi “Những người không nắm chắc một giờ, làm sao anh em có thể tự hứa hẹn về ngày mai ?”. Thánh Têrêsa nói, nếu hôm nay anh em chưa chuẩn bị cho cái chết, hãy run sợ vì anh em sẽ chết bất hạnh.

            Vậy đó, con người mong manh và yếu đuối đến độ không nắm chắc một giờ để rồi nên chăng luôn luôn tỉnh thức cho sự ra đi của mình phải chắc là điều cực kỳ cần thiết trong cuộc đời. Mỗi ngày qua đi là mỗi ngày mà con người gần với cái chết hơn.

            Về nhà Mẹ, trước khi qua khu hưu dưỡng thì phải đi ngang qua khu yên nghỉ để chào bao anh linh đang nằm đó. Ở Nhà Hưu Dưỡng để nhìn về tương lai ở phía trước.

            Nói như thế, nghĩ như vậy không phải là bi quan hay chây lỳ lười biếng không hoạt động hay không làm gì hết. Với tất cả những suy nghĩ về chuyện gần từ nhà Hưu Dưỡng đến nhà chờ Phục Sinh như nhắc nhớ cho chúng ta về sự buông bỏ những níu kéo trong cuộc đời để làm ta xa Chúa hơn.

            Có khi mãi mê với cuộc đời, với vinh hoa phú quý của trần gian mà con người không chỉ đánh mất nhân cách mà còn đánh mất linh hồn của mìn.

            Cần và cần lắm  khoảng thời gian cũng như khung cảnh để ta lắng đọng cũng như suy nghĩ về phận người.

            Thời gian nghỉ hưu, thời gian sức khỏe không cho phép, thời gian đau yếu bệnh tật dường như đang đến cũng như không có luật trừ cho bất cứ ai. Ai ai rồi sau thời dọc ngang chinh chiến cũng trở về cõi lặng của cuộc đời, cõi riêng tư không ồn ào náo nhiệt để chờ ngày ra trình diện trước mặt Chúa.

            Mỗi chúng ta nên chăng cũng mang trong mình tâm tư gần với bệnh tật so với tuổi tác, gần đến tuổi hưu sau một đời lao nhọc và nhất là gần đến trú ngụ trong nhà chờ phục sinh như những bậc tiền nhân đã đi trước. Nếu ta miên man suy nghĩ về ngày cuối của cuộc đời đang gần bên ta thì ta sẽ sống bình an và hạnh phúc nhất là không phải chết bất hạnh như Thánh Têrêsa đã nói.

Lm. Anmai, CSsR