Phanxico.vn (22/10/2023) – Nhà báo Michel Cool của trang Aleteia nghĩ rằng, đức tin nhân văn của giáo sư Dominique Bernard, bị sát hại vì là giáo sư, đã được soi sáng bởi một lý tưởng không xa xôi cũng không khác biệt với đức tin Kitô giáo. Chẳng phải Chúa Thánh Thần mời gọi người Công giáo thường xuyên ngồi vào bàn của người thế tục đó sao?
Cùng với nhà tôi, tôi ở trong số hàng ngàn người có mặt tại quảng trường các anh hùng Arras để dự tang lễ của giáo sư Dominique Bernard trên màn hình lớn. Lòng nhiệt thành và cảm xúc đã vượt lên gió mưa. Đám đông ngực ôm chặt bông hồng trắng này sẽ vẫn là một minh chứng cao cả cho sự mong manh của con người, có khả năng đoàn kết để đứng lên chống lại sự tàn ác của con người.
Trong xã hội truyền thông ảo hóa của chúng ta, nơi hiện thân đang bị suy giảm, là tốt, là mạnh, là cần thiết là phải phá vỡ bong bóng kỹ thuật số để sống sự hiệp thông thực sự và mạnh mẽ của con người. Để trải nghiệm một cách xác thịt, trong tình huynh đệ kề vai sát cánh, rằng chúng ta là của nhau được làm từ cùng một loại gỗ mỏng manh, cao quý và nhạy cảm: “Tôi tin vào những người đàn ông, những người đàn bà nhạy cảm…” Những lời này của một tác giả ẩn danh được gia đình giáo sư bị sát hại lựa chọn để minh họa cho niềm tin nhân văn của mình, gây được tiếng vang chầm chậm ở thánh đường và trên quảng trường các anh hùng; hơi giống như thể họ đang đổ dầu thơm lên một cơ thể to lớn, bị hành hạ, bị thương…
Một đức tin nhân văn
Trong bài giảng của mình, giám mục Arras đã tế nhị nói về khoảng cách giữa Dominique Bernard với Giáo hội công giáo mà giáo sư đã được rửa tội và lớn lên. Những bài hát, âm nhạc và văn học tô điểm cho lễ tang của ông đã làm sáng tỏ niềm tin kín đáo và sâu sắc của ông vào con người, vào tự do, vào cái đẹp. Đức tin nhân văn của ông được soi sáng bởi một lý tưởng cuối cùng không xa cách cũng không khác biệt với đức tin kitô giáo. Sự khác biệt có ý nghĩa duy nhất, được giám mục Olivier Leborgne nhắc lại khi suy niệm về thư của Thánh Phaolô gởi tín hữu Côrintô (1 Cor, 1-13), đó là niềm hy vọng kitô giáo, là kết quả của một cuộc gặp gỡ cá nhân, tràn ngập và tái sinh với Chúa Kitô, mà khuôn mặt chiếu sáng cuộc hành hương của ngài.
Do đó, những lời của đức tin công giáo và những lời của đức tin thế tục của Dominique Bernard được những người thân của giáo sư nói lên đã được lắng nghe và tôn trọng dưới mái vòm cao cả và uy nghiêm của thánh đường Arras. Các bài thánh ca, bài đọc và nghi thức phụng vụ trong tang lễ Kitô giáo được kết hợp với thơ ca và âm nhạc thế tục, như đoạn adagietto tuyệt vời của bản giao hưởng thứ năm của Gustav Mahler, âm nhạc cảm động của bộ phim Chết ở Venise (Mort à Venise) của đạo diễn Visconti khi quan tài đi ra khỏi nhà thờ.
Hiến mình
Trước đó, cộng đoàn đã hát bài thơ nổi tiếng của thánh Têrêxa Lisiơ, Yêu là cho đi tất cả và cho đi chính mình. Đức Phanxicô vừa công bố Tông huấn thánh Têrêxa nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh của thánh Têrêxa. Ngài nhấn mạnh đến những xác thực và lòng tin tưởng phi thường của thánh Têrêxa xuất phát từ xác tín không thể hủy của thánh Têrêxa về việc được Chúa Kitô yêu thương đến điên cuồng. Bất chấp những yếu đuối về đạo đức, tâm lý và thể chất, thánh Têrêxa biết mình là đối tượng của một tình yêu nóng bỏng đến từ Ai đó. Một người đã ngăn thánh Têrêxa ghét bản thân và ghét người khác. Một người nào đó có khả năng đưa thánh Têrêxa đến những đồng cỏ chưa biết mà ngài sẽ không tự ý đến. Vì vậy, vào cuối đời, khi đức tin của thánh Têrêxa bị thử thách nghiêm trọng, Đức Phanxicô nhắc lại, thánh Têrêxa cảm thấy mình là “chị của những người vô thần”, có mối quan hệ gần gũi và trực tiếp với chủ nghĩa vô thần vào thời của ngài: “Tôi ngồi vào bàn ăn của những người đánh cá,” thánh Têrêxa nói.
Ai sẽ thách thức ý tưởng rằng Dominique Bernard cũng đã cho đi tất cả và cho đi chính mình?
Ai sẽ thách thức ý tưởng rằng Dominique Bernard cũng đã cho đi tất cả và cho đi chính mình? Giáo sư bị một tên khủng bố giết vì ông là giáo sư. Ông là hiện thân của việc truyền bá kiến thức và tinh thần cởi mở, hai tội ác bẩn thỉu của những kẻ man rợ khát hận thù và khát máu. Người yêu thích Gracq, Van Gogh và Bach đã hy sinh mạng sống của mình vì tình yêu học trò, vì văn hóa và vì cái đẹp. Văn hào Dostoyevsky khẳng định cái đẹp này sẽ “cứu thế giới” và được gia đình giáo sư ủy thác, Dominique muốn tôn vinh mọi khoảnh khắc trong cuộc đời của giáo sư và trong cuộc sống của gia đình.
Ngồi cùng bàn
Và nếu trong những giờ phút khó khăn và đau đớn này của nước Pháp và của thế giới chúng ta, Chúa Thánh Thần, Đấng không ai biết “Ngài từ đâu đến và sẽ đi đâu” (Ga 3:8), muốn khuyến khích các tín hữu kitô làm như thánh Têrêxa: ngồi thường xuyên hơn với người có thiện tâm. Họ không có gì phải sợ khi họ ngồi ở bàn này, dù không có sách lễ hay tràng chuỗi Mân Côi ở đó, nhưng có các tác phẩm của các tác giả thế tục. Nhưng nếu họ thực sự được đánh động bởi tình yêu của Chúa Kitô, thì họ sẽ mạnh mẽ trong tính xác thực, chân thực trong mối quan hệ hỗ tương của họ.
Bởi vì tình yêu đến từ Chúa Kitô mà thánh Phaolô làm chứng, người bị tước vũ khí trên đường Đamát, đã được giải thoát khỏi sợ hãi, bạo lực và kiêu ngạo. Nó gay gắt và đưa sự thật trần trụi của mọi người ra ánh sáng. Nó là gì? Tất cả chúng ta đều là “các sinh vật nhạy cảm”, được truyền với nhiều nguồn cảm hứng khác nhau, nhưng tất cả đều được hình thành từ cùng một loại đất sét làm từ nước và bùn. Phép lạ của tình yêu, chúng ta thấy trong cuộc đời hiến dâng của thánh Têrêxa Lisiơ và giáo sư Dominique Bernard, là những vũng bùn đôi khi có thể phản chiếu ánh sáng. Dưới tia nắng. Và cùng nhau tỏa sáng, cạnh nhau và đồng lòng, như ngày 19 tháng 10 năm 2023 tại thị trấn Arras, xung quanh quan tài của một giáo sư văn học đã yêu cánh đồng tình yêu.
Marta An Nguyễn dịch