Sáng Thứ Ba, 26/11/2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viếng thăm Đại học Sophia của dòng Tên tại thủ đô Nhật Bản và kết thúc tốt đẹp chuyến viếng thăm chuyến Tông du dài 1 tuần lễ tại hai nước Thái Lan và Nhật.
Lúc 7 giờ rưỡi sáng giờ địa phương, Đức Thánh Cha đã rời Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở Tokyo để tới Đại học Sophia, chỉ cách đó gần 3,5km.
Đại học Sophia
Tuy Đại học Công giáo này được chính thức thành lập cách đây 106 năm (1913) nhưng đã có nguồn gốc cách đây hơn 450 năm, khi thánh Phanxicô Xaviê dòng Tên đến truyền giáo tại Nhật hồi năm 1549 với ý tưởng phổ biến Kitô giáo và thành lập một đại học.
Dự án thành lập trung tâm học vấn này bắt đầu năm 1908, do ý muốn của Đức Giáo hoàng Piô X, ba tu sĩ dòng Tên đổ bộ lên Nhật Bản, và 5 năm sau đó, đại học Công giáo đầu tiên được thành lập tại nước này với 3 phân khoa là văn chương Đức, triết học và kinh tế, do linh mục Hermann Hoffmann (1864-1937) dòng Tên người Đức làm viện trưởng đầu tiên.
Hiện nay, Đại học này gồm 29 ban thuộc 9 phân khoa, và có hiệp định với khoảng 300 đại học tại 59 nước trên thế giới. Sophia được xếp vào hàng các đại học nổi tiếng nhất của Nhật Bản. Số sinh viên của Đại học này hiện thời là 13.000 người, trong đó có 1.300 sinh viên quốc tế. Ban giáo sư gồm 1.400 người đến từ 21 quốc gia. Viện trưởng Đại học Sophia là Tiến sĩ Yoshiaki Terumichi, trong khi cha Tsutomu Sakuma, dòng Tên, là Chưởng ấn kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị tổ chức tên là “Tổ hợp Trường Sophia” (Sophia School Corporation).
Học phí tại Đại học Sophia thay đổi tùy theo khoa và tùy theo năm. Ví dụ năm nay, rẻ nhất là ban thần học với 1.265.450 Yen một năm, tương đương với 11.645USD. Cao nhất là ban khoa học với 1.803.450 Yen, tức là 15.593USD.
Thăm Cộng đoàn dòng Tên
Liền sau khi đến Đại học Sophia, Đức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ đồng tế với các cha dòng Tên tại nhà nguyện Trung tâm Văn hóa, và chào thăm mỗi người sau đó. Tiếp đến ngài dùng bữa sáng tại Học viện Massimo của Dòng Tên, rồi chào thăm các linh mục cùng dòng, đặc biệt các vị cao niên cũng như các vị đau bệnh.
Sau đó, tại nhà cơm của Học viện, Đức Thánh Cha đã trao đổi với các cha dòng Tên như ngài thường làm mỗi khi đi thăm các nước.
Đức Thánh Cha viếng thăm Đại học Sophia
Cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Đại học Sophia bắt đầu lúc gần 10 giờ sáng. Khi vào đây, Ngài được Cha Giám tỉnh dòng Tên ở Nhật và cha Chưởng ấn đại học chào đón và hướng dẫn vào thính đường đại học, trong khi ca đoàn hát mừng.
Huấn từ của Đức Thánh Cha
Lên tiếng sau lời chào mừng của cha Chưởng ấn, Đức Thánh Cha nói lên một vài nhận xét và cảm nghĩ của ngài, đồng thời mời gọi Đại học Sophia quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, khích lệ việc các sinh viên thực hiện sự phân định, và đừng quên những người nghèo. Đức Thánh Cha nói:
“Mặc dù các tín hữu Kitô tại Nhật chỉ là một thiểu số, nhưng người ta cũng cảm thấy sự hiện diện của họ. Và chính tôi cũng có thể làm chứng về lòng quý mến chung đối với Giáo Hội Công giáo tại đây, và tôi hy vọng sự tôn trọng nhau có thể gia tăng trong tương lai. Tôi cũng nhận thấy, mặc dù xã hội Nhật vốn có hiệu năng và trật tự, nhưng người ta thấy xã hội này mong muốn và tìm kiếm một cái gì nữa: một ước muốn sâu xa, muốn kiến tạo một xã hội ngày càng nhân bản, cảm thương và từ bi hơn.”
Duy trì sự tự trị và tự do nghiên cứu
Đức Thánh Cha nói thêm rằng: “Việc nghiên cứu và suy niệm là điều vốn thuộc về mọi nền văn hóa, và theo nghĩa này, nền văn hóa Nhật Bản hãnh diện vì gia sản cổ kính và phong phú của mình. Nhật Bản đã có thể hội nhập tư tưởng và các tôn giáo Á châu nói chung và kiến tạo một nền văn hóa với căn tính đặc thù của mình. Trường Ashikaga đã gây ấn tượng mạnh đối với thánh Phanxicô Xaviê, và là một thí dụ về khả năng văn hóa của Nhật, hấp thụ và thông truyền kiến thức. Các trung tâm học hỏi, tịnh niệm và nghiên cứu tiếp tục giữ một vai trò quan trọng trong nền văn hóa ngày nay. Vì thế cần duy trì sự tự trị và tự do của các trung tâm này như một bảo chứng một tương lai tốt đẹp hơn. Vì các đại học tiếp tục là nơi chính yếu, trong đó các lãnh tụ tương lai được đào tạo, nên cần làm sao để kiến thức và văn hóa, trong tất cả chiều kích rộng lớn của chúng, soi sáng tất cả các khía cạnh của các tổ chức giáo dục, làm cho chúng ngày càng bao gồm hơn và có khả năng tạo nên những cơ hội thuận tiện và thăng tiến xã hội.”
Giúp đẩy mạnh việc bảo vệ thiên nhiên
Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở Đại học Sophia về sự khôn ngoan đích thực và nói rằng:
“Trong một xã hội cạnh tranh cao độ và hướng về kỹ thuật, đại học Sophia này không những phải là một trung tâm đào tạo trí thức nhưng còn phải là nơi trong đó một xã hội tốt đẹp hơn và một tương lai nhiều hy vọng hơn có thể được thành hình. Theo tinh thần thông điệp Laudato sì, tôi muốn nói thêm rằng lòng yêu mến thiên nhiên, vốn là một sắc thái đặc biệt của các nền văn hóa Á châu, phải được biểu lộ tại đây trong một mối quan tâm thông minh và đi trước, để bảo vệ trái đất, căn nhà chung của chúng ta.”
Phục vụ nền giáo dục nhân bản
Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng: “Đại học Sophia vẫn luôn nổi bật về căn tính nhân văn, Kitô và quốc tế. Ngay từ khi mới thành lập, Đại học đã có sự hiện diện phong phú của các giáo sư đến từ các nước, nhiều khi từ những nước xung đột nhau. Nhưng tất cả đều được liên kết với nhau nhờ mong ước muốn cống hiến những gì tốt đẹp nhất cho người trẻ Nhật Bản. Tinh thần ấy cũng được bày tỏ bằng nhiều cách, qua đó anh chị em trợ giúp những người túng thiếu nhất, tại nước này cũng như ở nước ngoài. Tôi chắc chắn rằng khía cạnh căn tính này của Đại học Sophia ngày càng được củng cố, làm sao để những tiến bộ lớn về kỹ thuật ngày nay có thể được dùng để phục vụ một nền giáo dục nhân bản, công chính và có trách nhiệm hơn về môi trường.”
Tạo môi trường thuận lợi cho suy tư và phân định
“Truyền thống Ignatio của Đại học Sophia phải kích thích các giáo sư cũng như sinh viên kiến tạo một bầu không khí tạo điều kiện thuận lợi cho việc suy tư và phân định. Không một sinh viên thuộc đại học này có thể tốt nghiệp mà không được học cách chọn lựa, trong tinh thần trách nhiệm và tự do, điều mà lương tâm họ thấy là tốt đẹp nhất.”
Đồng hành với người trẻ
Đức Thánh Cha khuyến khích Đại học Sophia đẩy mạnh việc đồng hành với người trẻ, giống như tất cả các cơ sở giáo dục của dòng Tên; các sinh viên tại đây không những là người đón nhận nền giáo dục như thế, nhưng còn tham gia vào công cuộc giáo dục bằng cách cống hiến những tư tưởng của họ, chia sẻ quan điểm và hy vọng của họ về tương lai.
Không quên những người túng thiếu
Sau cùng, Đức Thánh Cha nhắc nhở Đại học Sophia “đừng quên những người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề. Để được vậy, những người bị gạt ra ngoài như thế cần được can dự và hội nhập vào học trình của Đại học với tinh thần sáng tạo, tìm cách tạo những điều kiện để cổ võ một lối giáo dục có khả năng làm giảm bớt những rạn nứt và những xa cách. Cần làm sao để việc học đại học có chất lượng, không phải chỉ là đặc ân của một thiểu số, nhưng còn phải đi kèm ý thức mình là những người phục vụ công lý và công ích. Việc phục vụ này cần được thực hiện trong lãnh vực mà mỗi người được kêu gọi phát triển.”
Sau bài huấn từ, Giáo sư Viện trưởng và cha Chưởng ấn đại học Sophia đã tặng quà cho Đức Thánh Cha, trong đó có một pho tượng Đức Mẹ được sáng tác theo kiểu của Nhật Bản, và ngài cũng tặng lại cho Đại học bức tranh có hình nổi bằng bạc diễn tả Đức Mẹ.
Lên đường trở về Roma
Liền đó, Đức Thánh Cha rời thính đường Đại học Sophia để ra phi trường Tokyo-Haneda lúc gần 11 giờ rưỡi. Tại đây các giám mục Nhật Bản đã có mặt để tiễn biệt ngài. Máy bay của hãng All Nippon, là hãng hàng không lớn nhất của Nhật, chở Đức Thánh Cha, đoàn tùy tùng và 70 ký giả quốc tế cất cánh lúc quá 11 giờ rưỡi giờ địa phương, bay vòng lên mạn Bắc cực, qua nước Nga và các nước Bắc Âu để tới phi trường Roma Fiuminino khoảng 5 giờ chiều cùng ngày, sau khi bay 13 tiếng rưỡi, vượt qua 10.500km.
Từ phi trường, theo thông lệ, Đức Thánh Cha dừng lại Đền thờ Đức Bà Cả dâng hoa tạ ơn Đức Mẹ là phần rỗi của dân Roma, đã phù hộ chuyến Tông du thứ 32 của ngài tại nước ngoài.
G. Trần Đức Anh, O.P.