Anh chị em thân mến, buongiorno!
Tin Mừng của phụng vụ Chúa nhật tuần này thuật lại biến cố nổi tiếng về việc hóa bánh và cá ra nhiều, qua đó Chúa Giêsu cho khoảng năm ngàn người đến nghe Ngài giảng dạy được ăn (xem Ga 6:1-15). Thật thú vị khi nhìn thấy phép lạ này diễn ra như thế nào: Chúa Giêsu không tự tạo ra bánh và cá, mà Ngài thực hiện với những gì các môn đệ mang đến cho Ngài. Một người trong số họ nói: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!” (câu 9). Như vậy là rất ít, nó chẳng là gì, nhưng như vậy là đủ cho Chúa Giêsu.
Bây giờ chúng ta hãy thử đặt mình vào vị trí của cậu bé đó. Các môn đệ yêu cầu cậu bé chia sẻ mọi thứ cậu có để ăn. Đó có vẻ là một đề xuất không hợp lý, hay nói đúng hơn là bất công. Tại sao lại lấy đi của một người, mà đó lại là một đứa trẻ, những gì người đó mang theo từ nhà và có quyền giữ cho riêng mình? Tại sao lại lấy đi của một người những gì không đủ để nuôi tất cả mọi người? Về mặt con người, nó là phi lý. Nhưng đối với Chúa thì không. Trái lại, nhờ món quà trao tặng nhưng không và rất anh hùng mà Chúa Giêsu có thể nuôi sống mọi người. Đây là một bài học lớn cho chúng ta. Nó cho chúng ta biết rằng Chúa có thể làm được rất nhiều với những thứ nhỏ bé chúng ta trao cho Ngài sử dụng. Thật tốt biết bao khi chúng ta tự hỏi mình mỗi ngày: “Hôm nay tôi mang gì đến cho Chúa Giêsu?” Ngài có thể làm được nhiều điều với lời cầu nguyện của chúng ta, với một cử chỉ bác ái đối với người khác, thậm chí với sự đau khổ của chúng ta dâng lên cho lòng thương xót của Ngài. Những điều nhỏ nhặt của chúng ta dâng lên Chúa Giêsu, và Ngài thực hiện phép lạ. Đây là cách hành động yêu thích của Thiên Chúa: Ngài làm những việc lớn lao, bắt đầu từ những điều nhỏ bé, những điều được cho đi một cách nhưng không.
Tất cả các nhân vật vĩ đại của Kinh thánh – từ tổ phụ Ápraham, đến Mẹ Maria, đến cậu bé hôm nay – đều thể hiện luận lý của sự nhỏ bé và cho đi. Luận lý của sự nhỏ bé và cho đi. Luận lý của sự cho đi rất khác so với chúng ta. Chúng ta cố gắng tích lũy và tăng thêm những gì chúng ta đã có, nhưng Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta cho đi, giảm bớt đi. Chúng ta thích thêm nữa, chúng ta thích cộng thêm; Chúa Giêsu thích trừ bớt đi, bớt đi một thứ gì đó để cho người khác. Chúng ta tăng gấp bội cho bản thân; Chúa Giêsu đánh giá cao điều đó khi chúng ta biết chia sẻ với người khác, khi chúng ta chia sẻ. Điều thú vị là trong các trình thuật về phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều trong các sách Phúc âm, động từ “gấp lên nhiều lần” không bao giờ xuất hiện: không. Ngược lại, các động từ được sử dụng mang nghĩa ngược lại: “bẻ ra”, “trao cho”, “phân phát” (xem câu 11; Mt 14:19; Mc 6:41; Lc 9:16). Nhưng động từ “gấp lên nhiều lần” không được sử dụng. Chúa Giêsu nói, phép lạ thật sự không phải là sự nhân lên gấp bội, nó tạo ra sự hão huyền và quyền lực, mà chính là sự chia sẻ làm tăng thêm tình yêu thương và cho phép Thiên Chúa thực hiện những điều kỳ diệu. Chúng ta hãy cố gắng chia sẻ nhiều hơn: chúng ta hãy thử cách Chúa Giêsu dạy chúng ta.
Ngay cả ngày nay, sự gia tăng của cải lên gấp bội cũng không thể giải quyết các vấn đề nếu không có sự chia sẻ công bằng. Thảm kịch của nạn đói hiện trong tâm trí, nó đặc biệt ảnh hưởng đến những trẻ nhỏ. Con số tính toán chính thức cho biết mỗi ngày trên thế giới có khoảng bảy nghìn trẻ em dưới 5 tuổi chết do suy dinh dưỡng, vì các bé không có được những gì chúng cần để sống. Đứng trước những điều ô nhục như vậy, Chúa Giêsu cũng ngỏ lời mời gọi chúng ta, một lời mời tương tự như lời mời gọi mà cậu bé có thể đã nhận được trong Tin Mừng, một cậu bé không có tên tuổi và là người mà tất cả chúng ta có thể tìm thấy chính mình trong đó: “Hãy can đảm, hãy cho đi những gì ít ỏi mà bạn có, tài năng của bạn, của cải của bạn, hãy sẵn sàng trao chúng cho Chúa Giêsu và cho anh chị em của bạn. Đừng sợ, sẽ chẳng có điều gì bị mất đi, vì nếu bạn chia sẻ thì Chúa sẽ nhân lên gấp bội. Hãy gạt bỏ sự nhún nhường giả tạo của cảm giác bất xứng, hãy tin tưởng vào bản thân. Tin vào tình yêu, tin vào sức mạnh của sự phục vụ, tin vào sức mạnh của sự vô vị lợi.”
Xin Mẹ Maria Đồng Trinh, Đấng đã thưa “xin vâng” trước lời đề nghị chưa từng xảy ra, giúp chúng ta biết mở rộng lòng cho lời mời gọi của Chúa và trước những nhu cầu của tha nhân.
Nguồn: vatican.va | Tri Khoan dịch