RVA (13.9.2021) – Từ dinh Tổng thống Slovakia, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Nhà thờ chính tòa Thánh Martino, lúc 10 giờ 45 phút, ngày 13/9/2021.
Thánh đường này có gốc tích từ nhà thờ được thánh hiến cách đây gần 570 năm (1452), nhưng chỉ được hoàn tất nhiều thế kỷ sau đó, với những thay đổi theo thời gian. Tại đây đã có 11 vua Hungary được phong vương, vì hồi đó miền này còn thuộc lãnh thổ Hungary. Từ năm 2008, thánh đường trở thành Nhà thờ chính tòa của Tổng Giáo phận Bratislava, sau khi giáo phận này được tách khỏi Tổng Giáo phận Trnava.
Khi tiến vào thánh đường, Đức Thánh Cha đã được mọi người vỗ tay nồng nhiệt tiếp đón. Hiện diện trong cuộc gặp gỡ có các giám mục thuộc 11 giáo phận toàn quốc, hàng trăm linh mục đến từ các giáo phận, cùng với các tu sĩ nam nữ, các chủng sinh và giáo lý viên.
Huấn từ của Đức Thánh Cha
Trong bài huấn dụ sau lời chào mừng của Đức Cha Zvolensky, Tổng Giám mục Giáo phận Bratislava cũng là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Slovakia, Đức Thánh Cha cổ võ một Giáo Hội không phải là pháo đài, một lâu đài trên cao nhìn thế giới với sự xa cách và tự mãn, nhưng là một Giáo Hội khiêm tốn, không tách rời khỏi trần thế, không nhìn cuộc sống một cách tách biệt, nhưng ở bên trong cuộc sống: ở bên trong, chia sẻ, đồng hành, đón nhận những thắc mắc và mong đợi của dân chúng. Điều này giúp chúng ta ra khỏi sự tự tham chiếu: trung tâm của Giáo Hội không phải là Giáo Hội! Chúng ta hãy ra khỏi sự quan tâm thái quá về bản thân, về những cơ cấu của chúng ta, lo lắng tự hỏi không biết xã hội nhìn chúng ta như thế nào. Trái lại hãy dìm mình vào đời sống thực tế của dân chúng và tự hỏi đâu là những nhu cầu và mong đợi tinh thần của dân tộc chúng ta? Họ đang mong đợi gì nơi Giáo Hội?
Để trả lời những câu hỏi trên đây, Đức Thánh Cha đề nghị 3 từ:
Trước tiên là tự do. Ngài cảnh giác chống lại quan niệm cho rằng “tốt hơn nên có tất cả những điều được xác định trước, những luật lệ cần giữ, an ninh và đồng nhất, thay vì là những Kitô hữu trách nhiệm và trưởng thành, biết suy tư, tự vấn lương tâm và để cho mình bị đặt lại vấn đề. Trong đời sống thiêng liêng và đời sống Giáo Hội, có cám dỗ tìm kiếm một an bình giả tạo, để cho chúng ta yên hàn, thay vì tìm ngọn lửa Tin Mừng làm cho chúng ta bất an và biến đổi chúng ta… Nhưng một Giáo Hội không dành chỗ cho sự phiêu lưu của tự do, cả trong đời sống thiêng liêng, thì có nguy cơ trở thành một nơi cứng nhắc và khép kín. Có lẽ vài người quen như vậy, nhưng bao nhiêu người khác, nhất là các thế hệ trẻ, không bị thu hút vì những đề nghị đức tin không để cho họ được tự do nội tâm, một Giáo Hội trong đó tất cả cần suy nghĩ cùng một cách thức như nhau và vâng lời tối mặt.
Về vấn đề này, Đức Thánh Cha đặc biệt khuyên các vị chủ chăn là những người đang thi hành sứ vụ trong một nước có bao nhiêu điều thay đổi mau lẹ và khởi sự nhiều tiến trình dân chủ, nhưng tự do còn mong manh. Điều ấy còn mong manh nhất là trong tâm trí con người. Vì thế, – Đức Thánh Cha nói – tôi khích lệ anh em hãy giúp họ tăng trưởng, tự do, không bị ràng buộc vì một thứ đạo đức cứng nhắc. Ước gì không một ai cảm thấy bị đè bẹp. Mỗi người có thể khám phá tự do của Tin Mừng, từ từ đi vào trong tương quan với Thiên Chúa, với niềm tin thác.
Đức Thánh Cha cũng cổ võ tinh thần sáng tạo, noi gương thánh Cirillo và Metodio, loan báo Tin Mừng không phải chỉ lập lại quá khứ, nhưng tìm ra những phương thế mới để loan báo Tin Mừng, thông truyền đức tin, giống như những người khiêng bệnh nhân bất toại đến với Chúa Giêsu, họ không khiêng qua cửa được, nên đã mở lỗ hổng trên mái nhà để thả người bệnh xuống. Đức Thánh Cha nói: “Thật là đẹp khi chúng ta biết tìm ra những con đường, cách thức và ngôn ngữ mới để loan báo Tin Mừng! Nếu việc giảng thuyết và mục vụ của chúng ta không đi vào được đời sống bình thường của dân chúng nữa, thì chúng ta hãy tìm cách mở ra những không gian mới, thí nghiệm những con đường mới!
Sau cùng là đối thoại. Đức Thánh Cha cổ võ một Giáo Hội đối thoại với những tín hữu Kitô không Công giáo, với những người vất vả tìm kiếm tôn giáo và cả với những người không tin. Đó là một Giáo Hội, theo gương thánh Cirillo và Metodio, liên kết và giữ cho Đông và Tây phương được gắn bó cùng nhau, với những truyền thống và nhạy cảm khác nhau. Một Cộng đoàn, khi loan báo Tin Mừng tình thương, làm nảy mầm tình hiệp thông, tình thân hữu và đối thoại giữa các tín hữu, giữa các hệ phái Kitô khác nhau và giữa các dân tộc.
Đoàn kết, hiệp thông và đối thoại vẫn luôn mong manh, nhất là khi chúng ta có một lịch sự đau thương để lại những vết tích. Nhớ lại những vết thương có thể làm cho ta rơi vào thái độ oán hận, thiếu tin tưởng, thậm chí rơi vào sự khinh rẻ, muốn dựng lên những hàng rào trước những người khác biệt chúng ta. Nhưng các vết thương có thể là những cửa thông được mở ra, như những vết thương của Chúa, làm cho lòng thương xót và ơn thánh của Ngài được chuyển qua, thay đổi cuộc sống và biến chúng ta thành những người xây dựng hòa bình và hòa giải.
Kết thúc huấn từ, Đức Thánh cha cùng với cộng đoàn đọc kinh Lạy Cha và ngài ban phép lành kết thúc. Ngài chào thăm từng vị giám mục và chụp hình lưu niệm với các vị rồi trở về Tòa Sứ thần Tòa Thánh để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi.
G. Trần Đức Anh, O.P.