la-croix.com, Nicolas Senèze, Rôma, 2020-04-07
Trong thời gian này, nếu Đức Phanxicô xuất hiện một mình trong các buổi phụng vụ ngài cử hành không có giáo dân, nhưng không vì vậy mà ngài đơn độc. Rất nhiều các cuộc trao đổi được thực hiện theo một thể thức nghiêm nhặt để tránh mọi lây nhiễm.
Trong ba ngày, ông Aloysius John, Tổng thư ký Caritas Quốc tế gặp Đức Phanxicô hai lần, một lần vào ngày thứ bảy 4 tháng 4 cùng với Đức Hồng y Luis Antonio Tagle, Bộ trưởng Bộ Truyền giáo, một lần vào ngày thứ hai 6 tháng 4 cùng với Đức Hồng y Peter Turkson, Bộ trưởng Bộ Phát triển Nhân bản Toàn diện. Chủ đề của các cuộc họp này: phối hợp hoạt động xã hội của Giáo Hội để đối diện với cuộc khủng hoảng coronavirus.
Ông Aloysius John giải thích với báo La Croix: “Đức Phanxicô rất lo cho việc lây lan bệnh dịch ở vùng Nam bán cầu”, ông cho biết ngài có thông tin tường tận về vấn đề và ngài theo sát các sự kiện.
Đức Phanxicô không phải là người đơn độc trong Vatican cách ly
Dĩ nhiên kể từ ngày 10 tháng 3 khi nước Ý bị phong tỏa hoàn toàn, lịch làm việc của Đức Phanxicô không còn các cuộc gặp gỡ đã dự trù trước. Các khách bên ngoài không còn đến, các chuyến thăm ngũ niên ad limina được dời lại, chỉ hiếm hoi một vài đại sứ hết nhiệm kỳ đến gặp ngài theo thủ tục để “chào ra về.”
Dù các buổi tiếp kiến chung và Kinh Truyền Tin được truyền trực tuyến, dù có thánh lễ tại Nhà nguyện thánh Marta ngài cùng dâng với các linh mục thư ký riêng, trừ Lễ Lá có thêm mười mấy nhân viên của Đền thờ thánh Phêrô, nhưng không vì thế mà Đức Phanxicô đơn độc trong Vatican cách ly.
Ngược lại là đàng khác: Đức Phanxicô gần như liên lạc với các người phụ trách Giáo triều nhiều hơn, họ hỏi ngài về các vấn đề khẩn cấp. Tuần vừa qua, Tổng Giám mục Vincenzo Paglia, chủ tịch Giáo hoàng Học viện về sự sống đến trình bày suy tư của ngài về các câu hỏi luân lý được đưa ra vì đại dịch.
Hoạt động của Vatican giảm xuống, chỉ còn “các dịch vụ thiết yếu cho Giáo Hội hoàn vũ”
Đức Phanxicô cũng có các buổi tiếp kiến chính thức với bà Virginia Raggi, thị trưởng thành phố Rôma, với Thủ tướng Giuseppe Conte, với ông Marco Impagliazzo, chủ tịch Cộng đoàn Sant’Egidio để cùng ông lên kế hoạch giúp những người nghèo nhất và những người lớn tuổi trong Giáo phận Rôma.
Chắc chắn hoạt động của Vatican giảm xuống chỉ còn “các dịch vụ thiết yếu cho Giáo Hội hoàn vũ” nhưng như Đức Phanxicô nhắc lại trong thánh lễ sáng thứ hai tại Nhà nguyện Thánh Marta, dịch vụ giúp người nghèo là một phần trong các việc thiết yếu này, như Chúa Giêsu đã nói: ‘Người nghèo luôn ở bên cạnh anh chị em’ có nghĩa ‘Ta sẽ luôn ở bên con qua người nghèo. Ta sẽ hiện diện bên cạnh họ”. Đó là trọng tâm Tin Mừng: chúng ta sẽ được phán xét theo cách này. Vì thế Đức Phanxicô dành thì giờ để lo cho họ.
Chúng ta sẽ bị phán xét qua mối quan hệ của chúng ta với người nghèo. Khi Chúa Giêsu nói “Người nghèo, anh chị em luôn có bên cạnh mình” và Ngài nói “Ta sẽ luôn ở bên cạnh các con nơi người nghèo, Ta sẽ ở đó.” Đó là trọng tâm Tin Mừng. Chúng ta sẽ bị phán xét vì điều này. Bài giảng của Đức Phanxicô tại Nhà nguyện Thánh Marta ngày thứ hai 6-4-2020.
Một số cuộc gặp vẫn không thay đổi: Gần như hàng tuần Đức Phanxicô đều gặp Đức Giám mục Giacomo Morandi, thư ký Bộ Giáo lý Đức tin hay với Hồng y Marc Ouellet, bộ trưởng Bộ Giám mục đến để đưa ngài ký các bổ nhiệm mới nhất.
“Các cuộc gặp của chúng tôi với ngài rất cởi mở”
Các nhà quan sát tinh tường nhận thấy, sau khi Giáo triều đi tĩnh tâm về, Đức Phanxicô đã cẩn thận gặp gần như tất cả các vị trưởng ban ở văn phòng của ngài, chỉ những người ngài chưa gặp là những người ngài đã gặp trong tháng 2.
Các liên lạc giữa Vatican và bên ngoài bị giảm, không có gì lọt ra bên ngoài, nhưng Hiến pháp tương lai điều chỉnh Giáo triều có thể nằm trong chương trình nghị sự. Dù cuộc họp Hội đồng các hồng y vào tháng Tư được dời lại, việc soạn thảo văn bản cuối cùng đang ở giai đoạn cuối và Đức Phanxicô sẽ liên lạc với các “bộ trưởng” của ngài để cập nhật các điểm cuối cùng.
Các cuộc gặp với giáo hoàng theo một nghi thức không thay đổi, những người đến gặp rửa tay kỹ trước khi chào ngài. “Nhưng ngài rất dễ gần và tiếp xúc với ngài rất dễ: các cuộc gặp của chúng tôi với ngài rất cởi mở” ông Aloysius John giải thích, ưu tư của Đức Phanxicô bây giờ là “có giao tiếp dù phải cách ly.
Ông nói thêm: “Chúng tôi cảm thấy ngài đau với người đau trong nạn dịch: ngài nói với chúng tôi với cả tấm lòng của ngài”, theo ông, Đức Phanxicô có sự hiệp thông thiêng liêng sâu đậm qua các giây phút cầu nguyện của ngài. Mặt khác, ngài đảm bảo với những người ngài gặp gần đây: nếu “thế giới hậu đại dịch” sẽ khác đi thì Giáo Hội cũng sẽ thay đổi vì cuộc khủng hoảng này.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch