la-croix.com, Nicolas Senèze (Rôma), 2020-03-11
Từ tường thuật mỗi ngày trong thời mật nghị đến diễn tiến các khó khăn của triều giáo hoàng Đức Phanxicô, hai tác phẩm của hai nhà Vatican học giúp chúng ta hiểu bảy năm Đức Phanxicô đứng đầu Giáo Hội.
Ngày thứ Sáu 13 tháng 3 là đúng bảy năm Đức Phanxicô bất ngờ xuất hiện ở ban công Đền thờ Thánh Phêrô. Một tháng sau khi Đức Bênêđictô XVI bất ngờ từ nhiệm, cuộc bầu cử này đã diễn ra như thế nào? Đây là điều mà nhà báo Gerard O’Connell, tùy viên tại Rôma của Báo Dòng Tên America viết trong quyển sách Bầu chọn Đức Phanxicô. Nhà báo ghi chép từng ngày từ ngày 11 tháng 2 đến ngày 19 tháng 3 – 2013, gom tất cả những gì đã xuất bản từ đó và rất nhiều cuộc gặp gỡ với tất cả các nhân vật trong mật nghị. Kết quả là một biên niên sử phi thường với đầy đủ chi tiết cuộc bầu chọn giáo hoàng Argentina. Đi ra khỏi tầm nhìn cá biệt của nước Ý, ngay cả cái nhìn của giáo triều, chúng ta thấy ở đây các kế hoạch được thành lập ngay sau khi Đức Bênêđictô XVI từ nhiệm để bầu hồng y người Brazil Odilo Scherer, Tổng Giám mục São Paulo, hay hồng y người Ý Angelo Scola, Tổng Giám mục giáo phận Milan nhanh chóng bị sụp đổ.
Cũng vậy, làm thế nào mà tên của Hồng y Bergoglio – một người bạn của gia đình tác giả mà Đức Bergloglio thường đến nhà ăn cơm khi ngài có dịp về Rôma, đã lọt vào tai các hồng y sau này. Phải chờ đến bài can thiệp của ngài vào ngày thứ Bảy 9 tháng 3 để loại ý kiến của một số cử tri, nhưng cũng là công việc kín đáo của nhiều hồng y.
Tân giáo hoàng tương lai không biết, chỉ sau này ngài mới biết, buổi tối trước mật nghị, khi ngài ăn tối một mình ở nhà Phaolô VI, nơi ngài ở trọ khi về Rôma, thì khoảng mười mấy hồng y cử tri ăn tối ở nhà hồng y Attilio Nicora (1937-2017), người này người kia nói cho nhau biết họ sẽ ủng hộ Tổng Giám mục Buenos Aires ngay vòng phiếu đầu. Với những người “nghĩ họ có cùng lựa chọn”, một trong số họ làm bài toán; tối thiểu sẽ có 25 phiếu. Ngày hôm sau, Đức Bergoglio có ngay 26 phiếu ở vòng đầu.
Một Giáo hội mà tác giả Marco Politi kể lại các phản ứng đứng trước giáo hoàng làm “mất ổn định” và “mất định hướng”
Cố Hồng y người Anh Cormac Murphy-O’Connor (1932-2017) trước khi qua đời đã nói với tác giả: “Khi người ta viết lịch sử về cuộc mật nghị này, thì trong tuần lễ họp chung có một thiểu số dần dần làm cho các hồng y cử tri biết, các nhân vật được yêu chuộng như các Hồng y Scola, Scherer và Ouellet sẽ không phải là những người cần để đứng đầu Giáo Hội, cũng không phải là những người hướng dẫn Giáo Hội vào thời buổi này, chỉ có ứng viên duy nhất có thể làm là Hồng y Jorge Mario Bergoglio.”
Sự cô đơn của Đức Phanxicô, một Giáo Hội mà tác giả Marco Politi kể lại các phản ứng đứng trước giáo hoàng làm “mất ổn định” và “mất định hướng”, không những với Giáo triều mà với toàn Giáo Hội. Tác giả mô tả sự “gãy đổ” của một Giáo Hội bị đánh dấu bởi sự “tê liệt của mặt trận bảo thủ nghiêm nhặt, được sự ủng hộ của một lực lượng truyền thông quan trọng, phát triển một sự đối lập tăng dần tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác.”
Đứng trước áp lực này, Đức Phanxicô “đi tới đàng trước”, không từ bỏ quyết tâm cải cách của mình, dù thấy mình “một mình”, như thể bị “vũng đầm lầy của các nhà lãnh đạo quen với thói quen và miễn cưỡng cọ xát với các chuyện mới của lịch sử” bỏ rơi. Đức Phanxicô “lo lắng cho hàng giáo sĩ cũng như cho các giám mục” nhưng ngài “hiểu Giáo Hội phải ở trong các điểm mâu thuẫn của xã hội”, sẽ chỉ nhận được “một sự huy động yếu” về phần các hồng y, các giám mục “phơi mình một chút” để bảo vệ ngài hay để ủng hộ các quan điểm thay đổi của ngài.
Các giám mục “ít phản ứng, ít can đảm, thậm chí cũng không nhúc nhích khi Đức Phanxicô xin họ hành động”, tác giả Marco Politi nhìn từ nước Ý, dường như xem đây chỉ là phản ứng của một phương Tây già nua, sợ hãi khép kín trong chủ nghĩa dân túy bản sắc mà Đức Phanxicô trở thành mục tiêu. Nhưng ngoài những chuyện này, phản ứng này có được chia sẻ bởi những người, trên khắp thế giới, đã bầu Đức Phanxicô hay hoan nghênh sự mới lạ triệt để của ngài không?
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch