Đức Hồng y Newman, “Giáo phụ của thế kỷ sắp đến!”

fr.zenit.org, Pascale Vincette, 2019-02-13

Đức Hồng y Paul Poupard nhắc lại lời tâm sự của Đức Phaolô VI: “Newman, Giáo phụ của thế kỷ sắp đến!” Một câu được bà giáo sư Pascale Vincette Học viện Bernardins (Paris) trích trong lời giới thiệu Chân phước Hồng y John Henry Newman (1801-1890) viết cho độc giả Zenit nhân ngày Vatican công nhận một phép lạ thứ nhì, mở đường cho việc tuyên thánh sắp đến. Bà nhấn mạnh đến sự kiên trì của Đức Hồng y Newman về chỗ đứng của giáo dân trong Giáo hội và vai trò của ngài trong Công đồng Vatican II. Chính Đức Bênêđictô XVI đã đích thân chủ sự lễ phong chân phước cho Hồng y Newman ở Birmingham, nước Anh ngày 19 tháng 9, 2010.

***

Newman: Tiến trình tiểu sử

Ngày 19 tháng 9 năm 2010, sau khi phong chân phước cho Hồng y John Henry Newman, Đức Bênêđictô XVI đã nói sự kiện này trước hết để đưa ra ánh sáng một “nhà trí thức có tầm vóc lớn, một văn sĩ, một thi sĩ thế giá, một nhà hiền triết của Chúa mà tư tưởng đã làm sáng tỏ cho nhiều nhận thức và ngày nay vẫn còn tạo một sự kỳ thú phi thường” [1]. Vậy Newman là ai?

John Henry Newman sinh tại Luân Đôn ngày 21 tháng 2 năm 1801 trong một gia đình trưởng giả thuộc Anh giáo như đa số người dân Anh. Anh giáo là tôn giáo chính thức của quốc gia. Ngài là con cả trong gia đình có 6 người con. Gia đình của ngài ít giữ đạo, điều bình thường ở thời đó nhưng việc đọc Thánh Kinh là trọng tâm của gia đình. Mỗi gia đình có một quyển Thánh Kinh và giáo dân không những chỉ đọc ở nhà thờ mà còn đọc ở nhà. Từ khi còn rất nhỏ, Newman đã thấm nhập tinh thần Thánh Kinh và nhờ bà nội, ngài đã học thuộc lòng nhiều chương, có khi trọn cả các quyển sách.

Năm 1816 là năm đánh dấu bởi nhiều sự kiện quan trọng. Sau các cuộc chiến tranh của Napoléon, ngân hàng mà thân phụ của ngài làm việc ở “City” phải đóng cửa. Gia đình buộc phải dọn về một thành phố nhỏ để thích ứng với tình trạng tài chánh bây giờ bấp bênh. Vài tháng sau John Henry bị bệnh và mùa hè ngài được ở lại trường để dưỡng bệnh. Chính lúc này, Newman đã trải nghiệm được kinh nghiệm thiêng liêng, một kinh nghiệm tác động trong suốt cả cuộc đời mà sau này ngài gọi đây là “cuộc trở lại đầu tiên”: “Khi tôi 15 tuổi, một sự thay đổi lớn trong tư tưởng tôi. Tôi chịu ảnh hưởng của một đức tin được ấn định, tâm trí tôi nhận dấu ấn của giáo lý, nhờ ơn Chúa, dấu ấn này không bao giờ bị xóa nhòa hoặc bị che khuất […]. Tôi tin sự hoán cải nội tâm mà tôi ý thức… sẽ tiếp tục trong cuộc sống tương lai, và tôi được định trước cho vinh quang vĩnh cửu […] sự hoán cải này đã cách biệt tôi khỏi các vật thể chung quanh tôi, nó khẳng định trong sự ngờ vực khi tôi đụng đến thực tế của các hiện tượng vật chất; và nó tập trung trọn tư tưởng tôi vào hai thực thể tuyệt đối – và chỉ hai mà thôi – và áp đặt bản thân tôi với một sự hiển nhiên rọi sáng, chính tôi và Đấng Tạo hóa của tôi” [2].

Newman là học sinh xuất sắc trước tuổi, cuối năm 1816 ngài vào trường Trinity, một trong các trường của Oxford, đại học Anh giáo và chủng viện chính của nước Anh. Sau nhiều năm chăm chỉ học tập, năm 1822 ngài là giảng viên, thạc sĩ của trường Oriel, trường nổi tiếng nhất của Oxford. Năm 1824 ngài là phó tế, một năm sau là linh mục. Một sự kiện đặc biệt trong Anh giáo: ngài xem việc mình chịu chức là tận hiến đời mình cho bậc sống độc thân, điều mà ngài ao ước từ “cuộc trở lại đầu tiên”. Đối với ngài, là “mục tử của Giáo hội” có nghĩa là nắm giữ “sức mạnh vô hạn để hướng dẫn trên con đường hẹp của đời sống, thay cho Chúa Kitô”. Hôm sau ngày chịu chức phó tế, ngài ghi trong nhật ký: “Tôi mang trách nhiệm với các linh hồn cho đến ngày tôi qua đời” [3].

Từ năm 1826 đến năm 1832, ngài mang trách nhiệm “gia sư” mà đa số người thời đó xem nhẹ. Nhưng với ngài thì ngược lại, ngài cố gắng đổi mới sự giảng dạy vì ngài thấy cần thiết không những phải lo cho sự tiến bộ trí tuệ của sinh viên nhưng còn phải lo đến sự tiến bộ đạo đức và thiêng liêng của họ. Sau khi có bất đồng với tân hiệu trưởng trường, càng ngày nhà trường càng giao cho ngài ít sinh viên hơn. Ngài dùng thời gian rảnh để giảng ở giáo xứ Mẹ Maria, giáo xứ trong khuôn viên đại học mà ngài được cử làm cha xứ từ năm 1828. Ngài tiếp tục đam mê nghiên cứu về các Giáo phụ mà hồi đó gần như chẳng còn ai đọc… Tác phẩm đầu tiên của ngài được xuất bản năm 1832 mang tên Người Arian của thế kỷ thứ IV (Les Ariens du 4e siècle) đề cập đến vấn đề dị giáo của người Arian đặc biệt được Thánh Athanase [4] khắc phục vào thời công đồng Nicaea và công đồng Constantinople, và đã làm cho ngài là một trong các nhà thành thạo nhất về Giáo Hội tiên khởi. Sau này ngài tâm sự, các Giáo phụ đã giúp làm mới lại suy nghĩ của ngài một cách sâu sắc và biến ngài thành một người Công giáo.

Việc ngài từ nhiệm chức “gia sư” đã giúp cho ngài nhận lời mời đi Địa Trung Hải 6 tháng của các bạn (các bạn Froude). Vào cuối chuyến đi, khi ngài về Sicile một mình, ngài bị bệnh nặng và suýt chết. Khi hồi phục, ngài viết bài thơ rất nổi tiếng “Hãy dẫn tôi đi, ánh sáng dịu dàng” (Một trong các bài hát vẫn còn được hát ngày nay). Khi đó ngài cảm thấy mình dấn thân vào một sứ mạng.

Khi trở về, vào đầu mùa hè năm 1833, Newman và các bạn Keble, Froude và Pusey chiến đấu chống sự can dự của Quốc gia vào đời sống Giáo Hội và tái kết nối Giáo Hội mới của họ trong Truyền thống “tông đồ”. Và đó là sự ra đời của “Phong trào Oxford” hay “Phong trào triết lý-tôn giáo” để truyền bá suy nghĩ của họ, các học giả trẻ viết “tờ rơi” tranh luận có khi dài đến 70 trang. Phát triển đổi mới này trước hết nhằm tái khám phá các bí tích, phụng vụ và đời sống cầu nguyện. Việc rao giảng của Newman đóng vai trò chủ yếu. Chính tại giáo xứ Mẹ Maria Đồng Trinh ngài đã giảng hầu hết 600 bài giảng mà chúng ta có ở giai đoạn Anh giáo của ngài, trong số đó ngài xuất bản khoảng một phần ba. Bài giảng thu hút các sinh viên và giáo sư đại học, nhưng cũng có những người từ xa đến nghe, đến mức ngài trở thành người rao giảng được nghe nhiều nhất, được đọc nhiều nhất nước Anh. 15 bài giảng nổi tiếng nhất được xuất bản dưới tựa đề Bài giảng của Đại học Oxford được để riêng. Đúng hơn đây là các bài diễn thuyết theo yêu cầu của Đại học và luôn được giảng ở giáo xứ Mẹ Maria chiều chúa nhật giữa các năm 1826 và 1843. Các bài diễn thuyết này chủ yếu nói đến liên hệ giữa đức tin và lý trí.

Từ các bài huấn dạy của các Giáo phụ và các thần học gia Anh giáo của thế kỷ 17, Newman cố gắng triển khai một thần học Anh giáo như một con đường trung gian, một Via Media giữa Tin lành và Công giáo, hai thoái hóa dưới mắt ngài. Ngài tiếp tục suy nghĩ về ý nghĩa đề xuất của Kinh Lạy Cha: “Tôi tin Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”. Cái gì kết hiệp Anh giáo với hai Giáo hội khác (Công giáo và Chính thống giáo), với Giáo Hội nào mà ngài công nhận một tính hợp pháp nhất định (trên cùng các lãnh thổ tương ứng)? Từ đó nảy sinh lý thuyết “các nhánh” của ngài. Về sự thánh thiện, ngài viết trong một bức thư: “Tôi phải thấy (ở Rôma) nhiều sự thánh thiện hơn là tôi thấy hiện nay. […] Nếu người Công giáo muốn hoán cải nước Anh thì họ phải đi chân đất đến các thành phố thợ thuyền của chúng ta, họ rao giảng cho mọi người như Thánh Phanxicô Xaviê rao giảng, họ phải bị ném đá, bị chà đạp – và tôi sẽ thừa nhận họ có thể làm những gì chúng ta không thể làm, tôi sẽ thú nhận họ tốt hơn chúng ta […]. Chính vì vậy mới là người Công giáo. Đức tin và sự thánh thiện là không cưỡng lại được ” [5].

Bức thư này viết năm 1841, một năm bắt đầu xấu với Hồng y Newman. Trong “Tờ rơi 90” (Tract 90, tờ rơi cuối), ngài trả lời cho các thành viên của Phong trào Cải cách, họ tự hỏi không biết nó có vừa tương hợp với giáo điều Công giáo, vừa tương hợp với “Ba mươi chín điều (tuyên xưng đức tin Anh giáo) không. Ngài đề xuất ở đây một giải thích theo ý nghĩa được đưa ra bởi Giáo hội Công giáo [6]. Tờ rơi này bị một số giám mục Anh giáo lên án và sau đó đã chấm dứt loạt tờ rơi này. Hai “cú” khác sẽ làm “gãy vỡ” Newman: khi ngài thực hiện bản dịch có chú thích các Khảo luận của Thánh Athanase, ngài ghi nhận có một đối chiếu giữa người Arian/người bán Arian một bên, và bên kia là người Tin lành/Anh giáo; cuối cùng ngài là chứng nhân cho sự phân tán của “lý thuyết các nhánh” của mình khi một tòa giám mục chung cho nước Phổ và nước Anh được thành lập ở Giêrusalem, như thế là cho cả tín hữu Tin lành và Anh giáo: “Vì vậy vào thời điểm chính xác, khi các giám mục Anh giáo đã điều khiển sự kiểm duyệt của họ chống tôi vì tôi đã cố gắng tái lập quan hệ với Giáo hội Công giáo, nhưng không vượt quá giới hạn mà tôi nghĩ là được cho phép bởi các hình thức anh giáo, cũng chính các giám mục này qua hành động hay qua sự đồng ý ngầm của họ đã huynh đệ hóa với các Hội thánh Tin lành” [7].

Newman nặng nghi ngờ về sự trung thành của Anh giáo với Giáo hội của các thế kỷ đầu, những Giáo hội này là mô hình quy chiếu của ngài. Dường như dần dần đối với ngài, chỉ còn Giáo hội Công giáo La-mã – đối tượng thù hận của đa số người dân Anh thời đó – là thực sự thừa kế cái gọi là “Giáo hội của các Tông đồ”. Ngài tự hỏi nếu các Giáo phụ sống thời này, họ sẽ tham dự vào Giáo hội nào: “Chúng ta hình dung Thánh Athanase hay Thánh Ambrose đột nhiên sống lại. Họ có chút nghi ngờ nào về Giáo hội mà họ nhận đó là Giáo hội của mình không? Dù ý kiến cá nhân của họ như thế nào, hoặc thậm chí các chống đối của họ, mọi người sẽ đồng ý các Giáo phụ sẽ thấy mình như ở nhà mình bên cạnh các Thánh như Thánh Bernard, Thánh I-nhã hay bên cạnh một linh mục trong cảnh cô đơn của mình ở nhà xứ, hoặc trong cộng đoàn các nữ tu bác ái, hoặc đám đông ít chữ quỳ gối trước bàn thờ, bên cạnh các tiến sĩ hay các thành viên không thuộc một tôn giáo nào. […] Tinh thần của Giáo hội này là tinh thần gần nhất, nếu không muốn nói là tinh thần hoàn toàn tôn giáo như chúng ta thường nói đó là tinh thần của Giáo hội tiên khởi…” [8].

Vào cuối năm 1841, ngài rời Oxford và về vùng Littlemore ở cùng với một vài người bạn, họ có cuộc sống như cuộc sống ‘bán tu’, học hỏi, nghiên cứu và sống khổ hạnh. Ngài bắt tay viết Khảo luận về sự phát triển giáo điều Kitô trong mục đích giải quyết các vấn đề sau: các cách giữ đạo và lòng tin Công giáo (cầu bàu với Mẹ Maria và các thánh, luyện ngục, hiến tế của thánh lễ, tính không thể sai lầm của Giáo hoàng), có phải đó là những điều thoái hóa được Giáo hội Công giáo thêm, vì người Tin lành và Anh giáo trách ngài, đâu là sự phát triển hợp pháp của các yếu tố có mặt ngay từ đầu Kitô giáo? Ngài xác định có 7 tiêu chuẩn hay gọi là “ghi chú” để phân biệt giữa sự phát triển sai hay đúng và để phòng ngừa sự suy thoái: “Không có suy thoái nếu ý tưởng vẫn giữ duy nhất và cùng một týp, cùng một nguyên tắc, cùng một tổ chức; nếu sự khởi đầu của nó làm các giai đoạn kế tiếp nhận thức được, và các hình thức gần nhất của nó bảo vệ và bảo tồn các giai đoạn xưa cũ hơn; nếu nó có sức mạnh đồng hóa và làm tái sinh, giữ từ đầu đến cuối một sinh hoạt mạnh mẽ” [9].

Như thế ngài đưa ra, mọi phát triển đích thực sẽ kết hợp với sự thay đổi và liên tục, mới mẻ và trung thành. Ngài chứng minh cho thấy nguyên tắc này qua đời sống riêng của mình bằng cách đi qua bờ bên kia, hay theo lời của ngài, khi “trở về bến sau một cơn bão dữ dội”. Thật ra ngài xem sự trở lại Công giáo không như một sự cắt đứt nhưng là một sự liên tục và kéo dài một cách hợp lý cuộc đi tìm sự thật của mình. Newman hoàn thành Khảo luận bằng Nunc dimittis (Bây giờ giải thoát).

Ngày 9 tháng 10 năm 1845, ngài được Linh mục Dominique Barberi nhận vào Giáo hội Công giáo, linh mục thuộc Dòng Thương khó người Ý đã được phong Chân phước. Các hệ quả cá nhân của quyết định này rất khủng khiếp. Chắc chắn ngài mất địa vị của mình ở trường đại học Oxford, cũng như thu nhập và lợi ích đáng kể gắn liền với địa vị này; đa số các bạn bỏ ngài; ngài cũng bị chính gia đình mình ruồng bỏ.

Cùng với người bạn của mình là Ambrose Saint John, Newman đi Rôma để nghiên cứu giáo lý Công giáo và để được nhận vào Dòng. Ở đây ngài tìm hiểu các Dòng khác trong đó có Hội Dòng Thánh Phillip Nêri, cộng đoàn ngài quyết định thành lập khi trở về Birmingham đầu năm 1848 cùng với các người bạn cùng trở lại đạo Công giáo La-mã. Sau này ngài xây một trường học với quan tâm giáo dục các người trẻ Công giáo. Ngài lấy làm tiếc người Công giáo không được đào tạo đủ.

Về phần mình, Giáo hội giao cho ngài nhiều nhiệm vụ khác nhau, nhưng bị kết thúc đột ngột vì thiếu hỗ trợ của các giám mục, thật ra họ ở thế phòng thủ vì sự phục hồi gần đây của hệ thống giáo phẩm Công giáo vào năm 1850. Vì thế ngài thành lập một trường đại học Công giáo ở Dublin, tiến hành bản dịch Kinh Thánh mới sang tiếng Anh và đứng đầu một tạp chí Công giáo trở nên quá tự do dưới mắt tòa giám mục. Sau bài báo “Tham khảo ý kiến tín hữu về các vấn đề giáo lý” mà ngài công bố năm 1859, ngài bị tố cáo là dị giáo ở Rôma và vì một lá thư không bao giờ được gửi cho ngài, sau gần tám năm sự nghi ngờ này mới được tháo bỏ! Bài báo này loan báo chỗ đứng dành cho giáo dân mà sau này… Công đồng Vatican II đã làm. Nhật ký của ngài nêu bật một cuộc sống tương phản sau khi ngài trở lại: “Là tín hữu Tin lành, tôi thấy tôn giáo của tôi buồn nhưng đời tôi không buồn; là tín hữu Công giáo, đời tôi bị buồn chứ không phải tôn giáo của tôi” [10].

Thêm vào đó là cuộc tấn công đặc biệt xảo trá của một mục sư và tiểu thuyết gia Anh giáo, ông nghi ngờ sự về sự thật không phải chỉ của Newman, mà của toàn bộ hàng giáo phẩm Công giáo. Newman trả lời với câu chuyện tiến triển cá nhân của chính mình: đó là Apologia pro vita sua, Lịch sử các ý kiến tôn giáo của tôi, một kiệt tác nổi tiếng được viết trong vài tuần (đầu năm 1864), được so sánh với Lời Tự thú của Thánh Âugutinô, và đã làm cho ngài kết nối lại với các đồng nghiệp cũ ở Oxford và có được sự ủng hộ của dư luận quần chúng. Ngay trong lời mở đầu, ngài đã tự thú với độc giả, ngài “đã hy sinh nhiều chuyện ngài yêu thích và quý trọng, và ngài đã có thể giữ nếu ngài không thích sự chân thật hơn là vinh quang, không thích sự thật hơn là các bạn rất thân” [11]. Sự phục hồi lại trong môi trường Anh giáo thúc đẩy ngài xuất bản lại toàn bộ các sách trong thời kỳ đầu tiên đời ngài, ngài không thay đổi bất cứ gì nhưng thêm đây đó các lời tựa và các ghi chú. Vào cuối năm 1877, ngài nhận bằng danh dự của Trường Trinity College: khó có thể hình dung được cảm xúc của người học trò cũ, người giáo sư cũ khi ngài lại bước qua cánh cửa của Đại học nổi tiếng mà ngài nghĩ là mình đã vĩnh viễn xa khi ngài bỏ đi năm 1841!

Năm 1870, ngài được Giám mục Giáo phận Orléans và Newport mời tham dự Công đồng Vatican trong cương vị chuyên gia thần học. Ngài từ chối vì trước hết, ngài không bao giờ xem mình là thần học gia, và vì ngài đang làm việc để xuất bản một khảo luận triết học cao cấp, đề tài ngài suy nghĩ trong vòng hai mươi năm theo yêu cầu của một người bạn Anh giáo, một khoa học gia mà sau thành người theo thuyết bất khả tri. Trong Khảo luận Đóng góp cho một văn phạm của sự đồng ý, một tựa đề thường được rút gọn thành Văn phạm của sự đồng ý, Newman đặc biệt muốn giúp đức tin cho những người đơn sơ, chứng minh chúng ta có thể tin mà không hiểu, hay tin mà không thể đưa ra lý do mình tin, không có khả năng chứng minh, xác nhận lòng tin của mình.

Năm 1879, Tân Giáo hoàng Lêô XIII phong hồng y cho ngài. Trong bài diễn văn của mình, Newman thừa nhận mình đã chiến đấu cả đời để chống mọi “tự do chủ nghĩa”, cái mà ngày nay chúng ta gọi là “chủ nghĩa tương đối hóa”: sự việc giảm tôn giáo xuống thành vấn đề của các quan điểm, không có giá trị cũng không có sự thật khách quan. Ngài chọn câu phương châm “Cor ad cor loquitur”, “Quả tim nói với quả tim”, câu ngài mượn của Thánh Phanxicô Salê.

Đức Bênêđictô XVI chủ sự lễ phong chân phước cho Hồng y Newman ở Birmingham, nước Anh ngày 19 tháng 9, 2010

Đức Hồng y Newman qua đời ngày 11 tháng 8 năm 1890, được đại đa số người Anh thuộc các tôn giáo khác nhau yêu mến và ngưỡng mộ. Ngày 19 tháng 9 năm 2010, Đức Bênêđictô XVI đã phong chân phước cho Đức Hồng y Newman khi ngài thăm nước Anh, đây là lần đầu tiên Đức Bênêđictô XVI chủ sự lễ phong chân phước.

—————————————–

Ghi chú

[1] Buổi tiếp kiến chung sau ngày phong chân phước, 22 tháng 9, 2010 ở Birmingham, nước Anh.

[2] Apologia pro vita sua, Bài viết Newman.

[3] Tiểu sử Writings.

[4] Thánh Athanase (v. 295-373), Giáo phụ, tòa thượng phụ Alexandria, cuộc chiến chống người Aryas.

[5] Thư và Nhật ký VIII.

[6] Apologia pro vita sua.

[7] Apologia pro vita sua.

[8] Khảo luận về phát triển giáo điều.

[9] Essai sur le développement de la doctrine chrétienne.

[10] Tiểu sử Writings.

[11] Apologia pro vita sua.

Marta An Nguyễn dịch