Đức Giêsu Kitô – Đường Bình An

Santo Niño (Chúa Hài Đồng), Cebu, Philippines

Chương Trình Mục Vụ Giới Trẻ 2020-2022:
Mỗi tháng một hình ảnh hay tước hiệu Đức Giêsu Kitô (13)

Chủ đề học hỏi và suy niệm tháng 01 năm 2021

ĐỨC GIÊSU KITÔ: ĐƯỜNG BÌNH AN

+Gm Phêrô Nguyễn Văn Viên

Các bạn trẻ thân mến,

Năm 2020, chúng ta đã suy niệm 12 chủ đề về hình ảnh hay tước hiệu Đức Giê-su. Đặc biệt, tháng Mười Hai vừa qua, mừng Lễ Giáng Sinh, chúng ta đã suy niệm chủ đề Đức Giê-su Ki-tô – Đường Ánh Sáng. Với Giáo Hội Công Giáo, ngày đầu tiên của Năm Mới Dương Lịch là ngày cầu nguyện cho hòa bình (bình an) trên toàn thế giới. Vì thế, trong tháng này, chúng ta cùng nhau suy niệm chủ đề Đức Giê-su Ki-tô – Đường Bình An. Người đã đi đường bình an để đến với nhân loại ngõ hầu dẫn đưa tất cả mọi người về với Thiên Chúa là Nguồn Mạch Bình An Vĩnh Cửu.

Trong văn hóa Do-thái, từ ‘bình an’ đồng nghĩa với ‘hòa bình’ (שׁלום, shalom) được sử dụng rất nhiều. Người Do-thái chào chúc ‘bình an’ mỗi khi gặp gỡ hoặc chia tay nhau. Ngoài nghĩa thông thường, ‘bình an’ còn mang một số nghĩa khác nữa, chẳng hạn như ‘hoàn thành’, ‘toàn thể, ‘hòa hợp’, ‘viên mãn’. Đối với văn hóa Việt Nam, ‘bình an’ cũng có nghĩa là ‘hòa bình’. Tuy nhiên, thông thường ‘bình an’ được sử dụng để diễn tả tình trạng nội tâm cá nhân, còn ‘hòa bình’ diễn tả tương quan giữa người với người cũng như các hình thức tập thể khác. ‘Xin cho hai chữ bình an’ là câu nói khá phổ biến nơi cửa miệng nhiều người. Từ người trẻ đến người già cả ai cũng muốn được bình an. Hơn nữa, không chỉ người sống muốn được bình an, người chết cũng cần bình an. Trên nhiều bia mộ của người Ki-tô hữu, chúng ta thường thấy ba ký tự ‘RIP’, viết tắt của ‘Requiescat in Pace’ trong tiếng La-tinh, nghĩa là ‘hãy nghỉ ngơi bình an’. Trong nhãn quan mặc khải Ki-tô Giáo, bình an là trạng thái của con người dồi dào ân sủng Thiên Chúa và bình an đáng mong đợi nhất là ơn cứu độ vĩnh cửu của Người.

Khi nói ‘bình an’, chúng ta quan tâm đến tình trạng ‘tĩnh’, tình trạng trật tự, tình trạng vắng bóng sợ hãi hay uẩn khúc nào đó của bản thân. Tuy nhiên, trong bối cảnh Kinh Thánh, bình an không chỉ có nghĩa ‘tĩnh’ mà còn mang nghĩa ‘động’, nghĩa là con người vẫn được bình an đích thực giữa những lo toan, xáo trộn, đau khổ của cuộc sống hằng ngày. Hơn nữa, trong bối cảnh Kinh Thánh, bình an còn bao gồm nhiều lĩnh vực khác nữa của thế giới hữu hình và vô hình. Trong tất cả hình thức bình an thì bình an nội tâm, bình an của mỗi cá nhân đóng vai trò chủ đạo. Khi không có bình an nội tâm, con người không thể góp phần mình cách hữu hiệu để xây dựng các mối tương quan của cộng đoàn.

Những trang đầu sách Sáng Thế cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa sáng tạo con người trong ‘cảnh bình an’. Tuy nhiên, con người đã bất tuân mệnh lệnh Thiên Chúa, đã lạm dụng tự do của mình để phá vỡ ‘cảnh bình an’. Khi tội lỗi xâm nhập tâm hồn con người cũng là khi sự xáo trộn, bất an, lo lắng nảy sinh. Theo sách Sáng Thế, sau khi con người phạm tội, Thiên Chúa gọi và hỏi con người: “Ngươi ở đâu? Con người thưa: Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn” (St 3,10). Thiên Chúa tiếp tục hỏi về nguyên nhân của sự bất tuân thì con người đổ tội cho vợ mình, còn bà thì đổ tội cho con rắn (St 3,11-14). Sự bất an nơi mỗi cá nhân cũng như các hình thức tập thể và các tương quan của con người là hậu quả của sự phá vỡ ‘cảnh bình an’, phá vỡ ‘giao ước bình an’ giữa Thiên Chúa và con người thuở ban đầu.

Lịch sử Cựu Ước là lịch sử của sự chuẩn bị cho việc Thiên Chúa gửi Đức Giê-su, Hoàng Tử Bình An của Người đến cho nhân loại hầu thiết lập Giao Ước Bình An Vĩnh Cửu (Ds 25,12; Hc 45,24; Ed 34,25; Ml 2,5). Theo tác giả thư gửi tín hữu Do-thái: “Thiên Chúa là nguồn mạch bình an đã đưa Đức Giê-su, Chúa chúng ta ra khỏi cái chết. Đức Giê-su là vị Mục Tử cao cả của đoàn chiên, là Đấng đã đổ máu mình ra để thiết lập giao ước vĩnh cửu” (Dt 13,20). Nhằm thực thi điều đó, Thiên Chúa đã tuyển chọn những khuôn mặt điển hình như Nô-ê, Áp-ra-ham, Gia-cóp, Mô-sê, Đa-vít để họ cộng tác trong việc diễn tả bình an của Người.

Vào khoảng thế kỷ VIII trước Công Nguyên, ngôn sứ I-sai-a đã nói về Hoàng Tử Bình An, Đấng thiết lập Vương Quốc Bình An của Thiên Chúa trên mặt đất này. Hoàng Tử Bình An giải phóng mọi người khỏi ách tù tội, sự hà hiếp của kẻ áp bức (Is 61,1-3). Hơn nữa, Hoàng Tử Bình An sẽ dẫn đưa Dân Thiên Chúa tới cảnh bình an vô tận (Is 9,5-6). Viễn cảnh bình an được diễn tả như sau: “Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng. Bò cái kết thân cùng gấu cái, con của chúng nằm chung một chỗ, sư tử cũng ăn rơm như bò. Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang” (Is 11,6-8). Như thế, ‘thời bình an’ là ‘thời cánh chung’ được Hoàng Tử Bình An thiết lập.

Kinh Thánh cho chúng ta biết Đức Giê-su là Bình An của Thiên Chúa và chúng ta có thể diễn tả Đức Giê-su qua nhiều hình ảnh hay tước hiệu liên quan đến căn tính của Người. Chẳng hạn, Đức Giê-su là Ánh Sáng Bình An (Light of Peace); Đức Giê-su là Người Bình An (Person of Peace); Đức Giê-su là người mang đến cho nhân loại Bình An của Thiên Chúa (Bringer of Peace); Đức Giê-su là Đấng Xức Dầu Bình An (Christ of Peace), và Đức Giê-su là Người Tôi Tớ Đau Khổ Bình An (Suffering Servant of Peace); Đức Giê-su là Mục Tử Bình An (Shepherd of Peace), Đức Giê-su là Lời Bình An (Word of Peace), Đức Giê-su là Người Bạn Bình An (Friend of Peace), Đức Giê-su là Hoàng Tử Bình An (Prince of Peace). Chúng ta có thể nhận định rằng bất cứ hình ảnh hay tước hiệu nào của Đức Giê-su cũng có thể gắn liền với ‘bình an’.

Trớ trêu thay, cuộc đời Đức Giê-su, Hoàng Tử Bình An, lại diễn ra trong cảnh bất an. Người được sinh ra trong cảnh nghèo hèn. Tuổi ấu thơ, Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se phải đem người trốn sang Ai Cập để tránh sự truy lùng, bắt bớ của vua Hê-rô-đê. Trong ba năm rao giảng công khai, Người sống trong cảnh khó khăn, thiếu thốn. Đặc biệt, Người phải đối diện với muôn hình thức kỳ thị từ những người lãnh đạo tôn giáo và dân sự Do-thái. Hơn nữa, Người gặp không ít rắc rối từ những người Rô-ma đang kiểm soát miền đất Pa-lét-tin. Người trải qua muôn vàn đau khổ và chịu cái chết đau đớn trên thập giá. Theo thánh Phê-rô, Người mang vào mình những bất an, đau khổ, chết chóc của tất cả mọi người trong gia đình nhân loại (Is 53,11; Mt 8,17).

Các tác giả Tin Mừng đều trình thuật và khai triển chủ đề bình an liên quan đến cuộc đời Đức Giê-su. Chẳng hạn, sau Lời Tựa Tin Mừng, thánh Lu-ca đã trình thuật câu chuyện truyền tin cho Da-ca-ri-a. Câu chuyện cho chúng ta biết rằng vì nghi ngờ tình yêu và quyền năng Thiên Chúa khi Người ban tặng cho hai vợ chồng ông (son sẻ và già cả) một người con trai, ông đã bị câm cho đến khi con ông ra đời và ông đặt tên là Gio-an. Trong biến cố này, tâm hồn ông tràn ngập ơn Chúa Thánh Thần và miệng lưỡi ông được mở ra. Ông cất lên bài ca ‘Chúc Tụng’ (Benedictus), với câu đầu tiên là: “Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en đã viếng thăm cứu chuộc dân Người” (Lc 1,68); còn hai câu cuối cùng là: “Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an” (Lc 1,78-79). Với Da-ca-ri-a, Đức Giê-su chính là Vầng Đông và là Bình An được Thiên Chúa gửi đến trần gian để tất cả mọi người trong gia đình nhân loại có được ánh sáng cần thiết cho cuộc lữ hành trần gian tăm tối, đồng thời, dẫn đưa mọi người đi trên Đường Bình An. Với Da-ca-ri-a, trần gian có vô số đường để con người tiến bước. Tuy nhiên, Đường Bình An là Đường quan trọng nhất, bởi vì Đường Bình An cho phép con người đến với Quê Hương Bình An đích thực là Nước Thiên Chúa.

‘Bình an’ là từ xuất hiện ngay trong Biến Cố Giáng Sinh. Khi Đức Giê-su được sinh ra thì vô số thiên binh đồng thanh cùng sứ thần ca hát: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14). Vinh quang Thiên Chúa trên trời và bình an dưới thế cho con người được nối kết với nhau nhờ sự hiện diện bằng xương bằng thịt của Đức Giê-su, Hoàng Tử Bình An. Không có bình an sao được khi Thiên Chúa mang lấy thân phận con người? Không có bình an sao được khi vĩnh cửu hiện diện trong thời gian? Không có bình an sao được khi bản tính Thiên Chúa nối kết với bản tính con người? Không có bình an sao được khi Môi Trường Thiên Chúa hòa quyện với môi trường con người? Không có bình an sao được khi tội lỗi, sự chết bị diệt trừ và tất cả mọi người được mời gọi trở thành con cái Thiên Chúa? Câu hỏi được đặt ra: Tại sao là ‘bình an’ mà không phải là giàu sang, tài giỏi, sức khỏe hay điều gì khác? Thưa, vì nếu con người có tất cả những thứ đó mà không có bình an thì coi như chẳng có gì.

Trong hành trình rao giảng Tin Mừng, Đức Giê-su đã đem lại bình an cho tất cả mọi người. Chẳng hạn, khi người phụ nữ sờ vào áo Người và được khỏi bệnh, Đức Giê-su nói với bà: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh” (Mc 5,34). Người căn dặn các môn đệ trước khi ra đi loan báo Tin Mừng: “Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy” (Mt 10,12). Trên đường đi Giê-ru-sa-lem, tới gần chỗ dốc xuống núi Ô-liu, những người theo Đức Giê-su tung hô: “Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời” (Lc 19,38). Những trích đoạn này cho chúng ta biết rằng Đức Giê-su không chỉ ‘chúc bình an’ mà còn căn dặn các môn đệ của mình đem bình an tới cho mọi người. Đặc biệt, Người đã thực thi những hành động cụ thể như chữa bệnh, trừ quỉ, an ủi những người ưu phiền nhằm đem lại bình an cho họ.

Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su thổ lộ tâm tình sâu nặng với các môn đệ thân thương của mình: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14,1). Người cũng nói với họ: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14,27). Người ban cho họ bình an, sự bình an mà thế gian không thể ban tặng. Tại sao bình an của Đức Giê-su thế gian không thể ban tặng? Thưa, vì Đức Giê-su chính là Bình An đích thực. Có bình an của Đức Giê-su đồng nghĩa với có Đức Giê-su. Như thế, đối với chúng ta là những Ki-tô hữu, câu hỏi đặt ra không phải ‘bình an là cái gì?’ mà ‘bình an là ai?’.

Đức Giê-su là Bình An! Đây thật là mặc khải quan trọng cho tất cả mọi người trong gia đình nhân loại, bởi vì, bình an của Thiên Chúa không còn là điều gì đó mông lung, trừu tượng nữa mà chính Đức Giê-su là Bình An. Với sự hiện diện và hoạt động của Người trong hành trình dương thế, bình an ‘có hình có dạng’, bởi vì, Ngôi Hai Thiên Chúa là Bình An. Đức Giê-su đã minh chứng điều đó bằng chính đời sống và sứ mệnh bình an của mình hầu nâng đỡ con người trong hành trình trần thế đầy bất an, giải thoát con người khỏi ách tội lỗi và dẫn đưa con người về với Thiên Chúa, Nguồn Mạch Bình An (Rm 15,33).

Sau khi từ cõi chết sống lại, Đức Giê-su đã gặp gỡ và trao ban bình an cho các môn đệ thân tín của Người. Thánh Gio-an trình thuật: “Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: Bình an cho anh em! Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,19-21). Nhờ bình an của Đức Giê-su, các môn đệ Người nguyên là những người nhát đảm, yếu đuối, giới hạn trăm chiều đã trở thành những chứng nhân can trường, mạnh mẽ trong việc loan báo Đức Giê-su và Tin Mừng Bình An của Người cho anh chị em đồng loại.

Hơn ai hết, thánh Phao-lô hiểu rõ rằng Đức Giê-su là Bình An, Người nối kết mọi người, mọi dân tộc trên khắp hoàn cầu. Viết thư cho các tín hữu ở Ê-phê-xô, ngài khẳng định: “Chính Đức Giê-su là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên, dân Do-thái và dân ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét; Người đã huỷ bỏ Luật cũ gồm các điều răn và giới luật. Như vậy, khi thiết lập hoà bình, Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân Người” (Ep 2,14-15). Chúng ta có thể diễn đạt tư tưởng của thánh Phao-lô như sau: Đức Giê-su là Bình An biến đổi thân phận con người từ tình trạng nô lệ vì tội lỗi sang tình trạng được giải phóng nhờ ân sủng của Người. Đức Giê-su là Bình An cho phép liên kết những gì khác biệt và hiệp nhất những gì phân cách. Chẳng hạn, trong quá khứ, dân Do-thái và dân ngoại thường chống đối nhau, với Đức Giê-su là Bình An, họ trở thành anh chị em của nhau. Đức Giê-su là Bình An hòa giải những xung khắc giữa ‘Luật Cũ’ và ‘Luật Mới’ ngõ hầu tất cả mọi người cảm nhận được tính liên tục của chương trình Thiên Chúa cứu độ mà đỉnh cao là sự hiện diện của Người giữa lòng nhân loại.

Thời thơ ấu, khi Đức Giê-su được dâng vào Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, ông Si-mê-on đã nói với Đức Ma-ri-a: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng” (Lc 2,34). Điều này được ứng nghiệm trong cuộc đời Đức Giê-su: Người là Bình An giữa cảnh gian nan khốn khó. Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Người nhắn nhủ các môn đệ nhiều điều và Người kết luận: “Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33). Đức Giê-su không nói với họ rằng với bình an của Người, họ không còn phải đương đầu với những khó khăn nữa hay Người sẽ cất hết mọi hình thức bất an cho họ. Người cũng không nói với họ rằng Tội Nguyên Tổ và hậu quả của Tội này không còn chút ảnh hưởng trên họ và họ sẽ được miễn nhiễm mọi khổ đau trong hành trình trần thế này. Nhưng, Người cho họ biết rằng với bình an của Người, họ có khả năng chịu đựng những nghịch cảnh của cuộc sống, kể cả sự chết và họ sẽ được chung hưởng Bình An Vĩnh Cửu với Người.

Đối với các môn đệ Đức Giê-su, trong hành trình theo Người, ban đầu họ không hiểu rõ căn tính, đời sống và sứ mệnh của Người. Như bao người khác, các môn đệ cũng thích những gì dễ dãi, không cần vất vả, không tốn công vun đắp, không cần hy sinh. Dần dần, họ hiểu ra rằng theo Đức Giê-su đòi hỏi phải từ bỏ những thói quen xấu, từ bỏ sự dữ, từ bỏ thế giới bóng tối, từ bỏ sự tự do lăng loàn, ích kỷ, ngạo mạn. Theo Đức Giê-su đồng nghĩa với ‘vác thập giá mình mà theo’ (Mc 8,34). Càng gắn bó với Đức Giê-su, họ càng nhận ra rằng bình an mà Người mang đến cho nhân loại không như họ tưởng tượng hay mong đợi.

Đức Giê-su là Thiên Chúa và là Đấng Bình An, tuy nhiên, bình an của Thiên Chúa, bình an của Đức Giê-su vượt quá những lượng định hay hiểu biết của con người. Thánh Phao-lô khẳng định: “Bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su” (Pl 4,7). Trong bài giảng về sứ mệnh loan báo Tin Mừng, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà” (Mt 10,34-36). Đức Giê-su nói vậy không có nghĩa rằng Người đến để gây bất hòa, chia rẽ, nhưng có nghĩa rằng những ai theo Người cần đón nhận những giá trị Người giới thiệu (1 Cr 14,33). Điều này có nghĩa là bình an Người mang tới là bình an ngang qua thập giá. Bình an được diễn tả bởi sự hy sinh, quên mình, từ bỏ (Dt 13,20). Minh định của thánh Phao-lô giúp chúng ta hiểu rõ hơn: “Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hòa giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét. Người đã đến loan Tin Mừng bình an: Bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần. Thật vậy, nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha” (Ep 2,16-17). Tương tự như thế, trong thư gửi tín hữu Cô-lô-xê, thánh nhân viết: “Ước gì ơn bình an của Đức Kitô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó” (Cl 3,15).

Với Đức Giê-su, hòa giải cũng chính là bình an hay ngược lại. Sau khi sống lại, Đức Giê-su nói với các môn đệ ‘bình an cho anh em’, đồng thời, Người cũng trao ban Chúa Thánh Thần và sai các môn đệ ra đi thực thi sứ mệnh hòa giải (Ga 20,22-23). Thánh Phao-lô hiểu rõ Biến Cố Đức Giê-su là Biến Cố Hòa Giải để đem lại bình an cho thế giới thụ tạo. Điều này có nghĩa là sự hòa giải của Đức Giê-su vừa mang chiều kích cá nhân, vừa mang chiều kích tập thể, vừa mang chiều kích hoàn vũ. Chẳng hạn, với người phụ nữ tội lỗi sám hối ăn năn, Đức Giê-su nói với chị: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an” (Lc 7,50). Còn thánh Phao-lô thì quả quyết: “Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hòa giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1,19-20).

Đối với chúng ta, khi mọi chuyện xảy ra như ý muốn, chúng ta cảm thấy bình an. Tuy nhiên, đây chỉ là ‘bình an sở hữu’, ‘bình an vị kỷ’, ‘bình an hướng tâm’. Bình an đích thực mà Đức Giê-su ban tặng là ‘bình an trút bỏ’, ‘bình an vị tha’, ‘bình an hướng ngoại’. Bình an Đức Giê-su cho phép chúng ta hướng về phía trước với niềm tin yêu và hy vọng sâu thẳm. Bình an Đức Giê-su cho phép chúng ta vượt qua muôn sóng gió của biển đời, chẳng hạn như đau khổ, mất mát, bị hiểu nhầm, thậm chí cả hy sinh mạng sống. Các thánh trong lịch sử Giáo Hội, nhất là các thánh tử đạo, đã cảm nhận được bình an Đức Giê-su trong đời mình. Đó là lý do giải thích tại sao các ngài sẵn sàng chịu đựng tất cả cực hình để trở nên chứng nhân của Đức Giê-su và Tin Mừng Bình An của Người cho anh chị em đồng loại.

Đức Giê-su đã đi Đường Bình An đến với tất cả mọi người, tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều nhìn nhận Đức Giê-su và Đường Bình An của Người. Chẳng hạn, trong hành trình lên Giê-ru-sa-lem, khi đến gần thành, Đức Giê-su đã khóc thương Giê-ru-sa-lem vì dân thành này không nhận ra Người. Thánh Lu-ca trình thuật: “Khi đến gần Giê-ru-sa-lem và trông thấy thành, Đức Giê-su khóc thương mà nói: Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được” (Lc 19,41-42). Dân thành Giê-ru-sa-lem hằng đợi trông Đấng Mê-si-a, Đấng Xức Dầu Bình An đến với họ, tuy nhiên, khi Người đến, họ đã không nhận ra, bởi vì, Người không giống Đấng Mê-si-a theo tâm trí của họ.

Bình an của Đức Giê-su vừa là món quà cho chúng ta, vừa là tác vụ của chúng ta. Thánh Phao-lô nhắn nhủ các tín hữu ở Phi-líp-phê: “Những gì anh em đã học hỏi, đã lãnh nhận, đã nghe, đã thấy ở nơi tôi, thì hãy đem ra thực hành, và Thiên Chúa là nguồn bình an sẽ ở với anh em” (Pl 4,9). Điều này có nghĩa là bình an Đức Giê-su để lại không phải là di sản để chúng ta khóa kín trong viện bảo tàng tâm hồn mình. Những môn đệ và tông đồ của Đức Giê-su được mời gọi trao ban bình an của Người cho anh chị em đồng loại. Nói cách khác, bình an của Đức Giê-su cần được loan báo, cần được chia sẻ, cần được thẩm thấu mọi chiều kích của đời sống con người. Đồng thời, bình an Đức Giê-su cần trở thành yếu tố nền tảng để con người xây dựng, phát triển và điều chỉnh các tương quan trong xã hội.

Sứ mệnh làm cho Tin Mừng Bình An đến với mọi người đã được các ngôn sứ loan báo từ xưa. Chẳng hạn, ngôn sứ I-sai-a (thế kỷ VIII trước Công Nguyên) viết: “Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ và nói với Xi-on rằng: Thiên Chúa ngươi là Vua hiển trị” (Is 52,7). Còn ngôn sứ Na-khum (thế kỷ VII trước Công Nguyên) thì diễn tả như sau: “Kìa, trên các đồi núi xuất hiện người đi loan báo Tin Mừng, và công bố bình an” (Nk 2,1). Khi giảng dạy tại nhà ông Co-nê-li-ô, thánh Phê-rô nói: “Thiên Chúa đã gửi đến cho con cái nhà Ít-ra-en lời loan báo Tin Mừng bình an, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, là Chúa của mọi người” (Cv 10,36). Viết thư cho tín hữu Ê-phê-xô, thánh Phao-lô khuyến khích họ: “Hãy đứng vững: Lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, chân đi giày là lòng hăng say loan báo tin mừng bình an” (Ep 6,14-15). Do đó, các môn đệ Đức Giê-su được mời gọi luôn ở lại với Đức Giê-su, học hỏi từ Đức Giê-su và đem bình an của Đức Giê-su đến cho mọi người (Lc 10,5-6).

Chúng ta có thể khẳng định rằng bình an không phải là một lựa chọn giữa các lựa chọn khác trong cuộc sống con người mà là điều kiện thiết yếu để con người hướng tới sự phát triển toàn diện. Làm sao các cá nhân có thể phát triển toàn diện được nếu không có bình an? Làm sao các cộng đoàn có thể phát triển được nếu không có bình an? Có gì có thể thay thế bình an chăng? Thái độ thù địch hoặc chiến tranh có thể thay thế bình an sao? Quả thật, không có bình an, con người sẽ lâm vào cảnh mù mịt, bế tắc, không lối thoát.

Ngạn ngữ La-tinh có câu: “Si vis pacem, para bellum” (nếu bạn muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh). Lịch sử nhân loại từ cổ chí kim luôn có những người chủ trương như vậy. Thực ra, đây là quan điểm sai lầm mà chúng ta cần cùng nhau góp sức loại trừ, bởi vì, chiến tranh chỉ gây nên chiến tranh, hận thù chỉ gây nên hận thù, chia rẽ chỉ gây nên chia rẽ. Người đi Đường Bình An của Đức Giê-su là Người biết nói ‘không’ với chiến tranh, súng đạn hay các hình thức bạo lực. Người đi Đường Bình An của Đức Giê-su là người nói ‘lời yêu thương’ với tất cả mọi người, ngay cả những người làm hại mình. Người đi Đường Bình An của Đức Giê-su là người ý thức được thân phận yếu đuối mỏng giòn của mình giữa lòng nhân thế và tin tưởng, cậy trông vào sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa được diễn tả qua Đức Giê-su. Người đi Đường Bình An của Đức Giê-su là người ý thức rằng mình được mời gọi trở thành khí cụ bình an của Người ở bất cứ nơi đâu mình hiện diện và hoạt động.

Chúng ta biết rằng hành trình trần thế của Đức Giê-su không chỉ khôi phục phẩm giá con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa mà còn mời gọi con người trở thành con Thiên Chúa (1 Ga 3,1). Câu hỏi được đặt ra: Làm sao con người có thể trở thành con Thiên Chúa? Thưa, trong Bài Giảng Trên Núi, Đức Giê-su cho chúng ta câu trả lời: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình [bình an], vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9). Sứ mệnh Đức Giê-su giao phó cho các môn đệ và tông đồ của Người xưa kia cũng như hôm nay là cộng tác với Người để làm cho tất cả mọi người trong gia đình nhân loại trở thành ‘những người kiến tạo bình an’ (peacemakers). Thánh Phao-lô khuyên dạy các tín hữu Rô-ma: “Chúng ta hãy theo đuổi những gì đem lại bình an và những gì xây dựng cho nhau” (Rm 14,19).

Trong hành trình trần thế, bình an là công trình dang dở hơn là công trình hoàn thành, là hướng đi hơn là đích đến, là tiến trình vượt không gian, thời gian hơn là tiến trình bị giới hạn trong thế giới thụ tạo. Nói cách khác, trên bình diện cá nhân cũng như tập thể, con người không bao giờ đạt được bình an trọn vẹn trong hành trình trần thế này. Bởi vì, bao lâu còn trong hành trình trần thế, bấy lâu mãnh lực của ma quỉ, của dối trá, của bất an vẫn còn hoành hành. Những đe dọa xói mòn bình an, những nguy cơ bất an hay những kẻ thù của bình an vẫn còn đó. Tuy nhiên, những người đặt niềm tin trọn vẹn vào Đức Giê-su, Đường Bình An, luôn có đủ sức mạnh cần thiết để vượt qua những chướng ngại trong cuộc sống với con mắt tâm hồn không ngừng hướng về Người.

Là con người, ai cũng muốn bình an (Gaudium et Spes 78). Đáng buồn thay, nhiều người muốn bình an với thiên kiến cá nhân. Theo họ, để có bình an, mọi người phải thế này, thế kia như thể họ là ‘tiêu chuẩn’ của bình an vậy. Quả thật, không ai trong gia đình nhân loại xứng đáng là tiêu chuẩn của bình an, bởi vì, theo mặc khải Ki-tô Giáo, tất cả mọi người trong gia đình nhân loại đều là những người tội lỗi (Tv 51,7; 1 Ga 1,8). Do đó, tất cả mọi người hãy ‘nhìn lên’ Đức Giê-su là Đường Bình An. Mọi người hãy đến với Người để có được tâm hồn bình an và nhờ đó trở thành người kiến tạo bình an trong môi trường sống của mình. Ai không nhận ra Đức Giê-su là Đường Bình An thì khó có thể đóng góp phần mình cho bình an đích thực trong gia đình nhân loại.

Trong thông điệp truyền thông qua Radio gửi các nguyên thủ quốc gia và các dân tộc trên thế giới ngày 24/8/1939, Đức Giáo Hoàng Pi-ô XII nói: “Không gì mất mát bởi hòa bình [bình an]; mọi thứ có thể mất mát vì chiến tranh”. Kinh nghiệm cho chúng ta biết rằng gia đình nhân loại luôn vận động và phát triển. Đường hướng vận động và phát triển tốt đẹp hơn nhờ sự cộng tác giữa con người với Thiên Chúa, với Đức Giê-su, ngõ hầu bình an được hiện diện nơi mỗi cá nhân và các hình thức cộng đoàn. Trong nhãn quan của thánh Giáo Hoàng Phao-lô VI, phát triển có nghĩa là hòa bình [bình an] hay tên mới của ‘hòa bình’ [bình an] là ‘phát triển’ (Populorum Progressio 87). Theo ngài, bình an là điều kiện cho phát triển và phát triển là hoa trái của bình an. Nói cách khác, bình an và phát triển đi đôi với nhau và trở thành nền tảng cho việc nâng cao phẩm giá con người trong các hình thái xã hội.

Gia đình nhân loại có nhiều nền văn hóa, tuy nhiên, chúng ta có thể khẳng định rằng ‘nền văn hóa bình an’ chính là nền văn hóa chung của tất cả mọi người. Nền văn hóa này được xây dựng khi mỗi người ý thức tầm quan trọng của bình an trong đời sống cá nhân cũng như các hình thức tập thể, đồng thời, ý thức rằng mình không phải là tiêu chuẩn bình an cho tất cả mọi người. Đặc biệt, nền văn hóa bình an được xây dựng khi mỗi người ý thức rằng tất cả mọi người là anh chị em của nhau trong gia đình nhân loại, đồng thời, nhiệt tâm cổ vũ tình liên đới, sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh. Nền văn hóa bình an cũng giúp con người quan tâm hơn đến muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo và luôn ý thức rằng mình không chỉ là ‘ông chủ’ mà còn là ‘nhà quản lý’ muôn vật muôn loài. Đặc biệt, nền văn hóa bình an giúp con người nhận ra thân phận bất an của mình và biết thành tâm quy hướng về Thiên Chúa, Nguồn Mạch Bình An, và Đức Giê-su là Đường Bình An cho tất cả mọi người.

Chúng ta có thể kết luận rằng bình an chính là nền tảng để con người xây dựng cuộc sống sao cho xứng đáng với phẩm giá mình. Theo mặc khải Ki-tô Giáo, Thiên Chúa sáng tạo con người và muôn vật muôn loài trong ‘cảnh bình an’, nhưng con người đã ‘sa chước cám dỗ’, đã gây nên ‘cảnh bất an’. Tuy nhiên, Thiên Chúa hằng yêu thương con người, đặc biệt, Người đã gửi Đức Giê-su là Hoàng Tử Bình An đến với con người và chia sẻ ‘cảnh bất an’ với tất cả mọi người. Hơn nữa, Đức Giê-su đã chịu nhiều đau khổ, chịu chết và sống lại để minh chứng Người là Bình An của Thiên Chúa. Trong hành trình trần thế, Người luôn mời gọi mọi người ‘hãy đi Đường Bình An’ của Người để có được bình an trong tâm hồn, bình an với anh chị em đồng loại, bình an với muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo, đặc biệt, bình an với Thiên Chúa. Ước gì tâm tình của thánh Phao-lô, Xin-va-nô và Ti-mô-thê đối với các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca trong Giáo Hội sơ khai cách đây gần hai ngàn năm trở nên hiện thực đối với tất cả chúng ta: “Nguyện chính Thiên Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hóa toàn diện con người anh em, để thần trí, tâm hồn và thân xác anh em, được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách, trong ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, quang lâm” (1 Tx 5,23). Nhờ đó, chúng ta thực sự trở thành công dân Nước Thiên Chúa Viên Mãn, Nước của “sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17).