RVA (6.11.2021) – Đức cha Franjo Komarica, Giám mục giáo phận Banja Luka, thuộc cộng hòa Bosnie Herzégovine, tố giác rằng 25 năm sau hiệp định hòa bình ký kết tại thành phố Dayton, bên Mỹ, sự sống chung hòa bình giữa các dân tộc tại nước này vẫn còn bị những xung đột, các tín hữu Công giáo tại đây vẫn tiếp tục bị kỳ thị mọi mặt.
Hiệp định Dayton chấm dứt chiến tranh hồi từ 1992 đến 1995 giữa ba phe ở Bosnie Herzégovine giữa ba thành phần Hồi giáo đông nhất, tiếp đến là Chính thống Serbia và sau cùng là Công giáo, phần lớn là người gốc Croatia. Quốc gia này chỉ rộng hơn 51.000 cây số vuông, với khoảng 3,8 triệu dân cư.
Tuyên bố với tổ chức bác ái Trợ giúp các Giáo hội đau khổ, Đức cha Komarica cho biết Bosnie Herzégovine là một liên bang gồm ba dân tộc: Cộng hòa Serbia ở Bosnia chịu ảnh hưởng của Nga, Liên bang Bosnia thì ở dưới ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ và thế giới Hồi giáo, nhóm thứ ba là Croatia đang biến mất. Các tín hữu thuộc sắc dân này bị kỳ thị về mọi mặt: chính trị, xã hội và cả kinh tế. Thường những người Công giáo gặp vấn đề vì họ mang tên Croatia, họ khó tìm được công ăn việc làm. Có một phần ở miền tây Herzegovine, nơi họ có thể sống được, nhưng tại đó cả các tín hữu cùng muốn xuất cư.
Theo Đức cha Bosnie Herzégovine, các tín hữu Công giáo Croatia có chức năng liên kết giữa người Serbia và Bosnia theo Hồi giáo. Nếu không còn người Công giáo nữa, thì hố chia cách giữa người Serbia theo Chính thống và người Bosnia càng rộng lớn hơn nữa. Ngoài ra, phụ trương số 7 của Hiệp định Dayton qui định việc hồi hương những người tị nạn và di tản, nhưng khoản này không được áp dụng đối với những người Công giáo Croatia, trong khi hai sắc dân khác được hồi hương đông đảo. Đức cha nói “Nếu tại Âu châu có một Giáo hội đau khổ, thì đó là các tín hữu các chúng tôi. Trong giáo phận Banja Luka của tôi, 95% các tòa nhà của Giáo hội đã bị phá hủy hoặc hư hại nặng nề trong chiến tranh. Tổ chức Trợ Giúp các Giáo hội đau khổ đã trợ giúp đặc biệt để tái thiết.
Trần Đức Anh, OP.