Trong một thay đổi vào phút chót, một dự luật bắt buộc các linh mục phải vi phạm ấn tín của phép giải tội đã bị thu hồi bởi chính tác giả giữa lúc một chiến dịch chống đối rộng khắp gây nhiều chú ý của các tín hữu Công giáo trong tiểu bang, cùng các thành viên của các tôn giáo khác và những người ủng hộ tự do tôn giáo trên khắp tiểu bang.
Dự luật SB-360 đã bị hủy bỏ trước phiên điều trần dự định vào ngày 9 tháng 7 tại Ủy ban An toàn Công cộng California, vứt nó vào thùng rác, không xem xét bất cứ điều gì thêm nữa trong năm nay.
Đức Tổng Giám mục Los Angeles Jose H. Gomez, người dẫn đầu các giám mục CA trong chiến dịch chống đối dự luật nói rằng “Dự luật SB-360 là một luật nguy hiểm”
“Nếu bất cứ luật nào cũng có thể bắt buộc những người tin phải thổ lộ những tư tưởng và tình cảm thầm kín nhất của mình được chia sẻ với Thiên Chúa qua bí tích giải tội, thì rõ ràng chẳng còn chỗ nào trong đời sống của con người được tự do và an toàn khỏi sự xâm phạm của chính quyền.”
Tác giả của dự luật này là ông nghị Jerry Hill (Thuộc Đảng Dân Chủ, khu vực San Mateo) đã quyết định gác bỏ dự luật này sau khi biết rằng nó sẽ chẳng đủ số phiếu để thông qua ủy ban.
Quyết đinh của Hill được đưa ra cùng ngày khi mà Ủy ban An toàn Công cộng đưa ra bản tường trình nêu lên tầm quan trọng của Tu Chính Án Thứ Nhất và những quan ngại có tính bắt buộc về dự luật này trong khi ghi nhận rằng chẳng có tiểu bang nào khác đã có bước tấn công như thế vào bí tích này.
Khởi đầu thì dự luật SB-360 đòi buộc tất cả các linh mục phải tiết lộ những thông tin nghe được trong tòa giải tội của bất cứ ai về lạm dụng tình dục trẻ em.
Nhưng sau đó thì đã có sự thay đổi, các linh mục chỉ phải báo cáo sự bí mật khi người đến xưng tội là một linh mục khác hay là nhân viên làm việc với các linh mục thôi, bản sửa đổi này được thông qua ở Thượng viện tiểu bang với tỉ số 30/2 vào ngày 24 tháng 5.
Thao báo Angelus vào ngày 17 tháng 5, Đức TGM Gomez trước đây đã gọi dự luật này là “một đe dọa trầm trọng đến tự do tôn giáo của tất cả tín hữu Công giáo” và cùng với các giám mục Công giáo của tiểu bang CA kêu gọi các tín hữu lên tiếng yêu cầu các vị dân cử chống lại dự luật này.
Bản phân tích của Ủy ban An toàn cho biết có trên 125.000 người bày tỏ việc chống đối dự luật với các nhà làm luật.
Nhưng theo giới Công giáo thì bản phân tích này đưa ra con số thấp hơn. Theo Tổng Giáo phận Los Angeles, thì con số những thỉnh nguyện thư chống đối là trên 140.000 đã được gửi về thủ phủ Sacramento vào ngày 8 tháng 7, ngày mà Ủy ban bỏ phiếu, và thêm 16.700 emails chống đối từ vùng Los Angeles cũng đã được gửi tới các dân biểu.
Đức TGM Gomez cũng đã cho đọc một thư phản kháng trong tất cả các giáo xứ vào các thánh lễ cuối tuần ngày 15 và 16 tháng 6.
Trong lá thư gửi cho các Kitô hữu kêu gọi lên tiếng chống lại dự luật, Đức TGM viết: “Chúng ta không thể cho phép chính quyền can thiệp vào bí tích giải tội để áp đặt vào mối liên hệ cá nhân riêng tư của chúng ta với Chúa Giêsu.”
Tổng Giáo phận cũng thiết lập một trang nhà là KeepTheSeal.com, như là một cầu nối cho người tín hữu viết cho các vị đại biểu và học hỏi thêm về Bí tích Hòa giải.
Các nhà phê bình đã chỉ ra rằng không có bằng chứng nào được đưa ra trong quốc hội là việc xưng tội đang được dùng để che giấu tội lạm dụng tình dục trẻ em. Đồng thời những lên tiếng quan ngại về dự luật này càng tăng nhanh từ những người Công giáo trên khắp nước và từ những vị lãnh đạo tôn giáo khác
Truyền thông quốc gia và Công giáo liên tục đưa ra những bình luận đã tạo ra các phản ứng từ phía những người Công giáo. Nhà báo kỳ cựu của Vatican là John L. Allen Jr và Liên đoàn Công giáo Bill Donahue đã vào cuộc. Cao điểm là vào ngày 1 tháng 7, khi Tòa Thánh đưa ra một tài liệu từ Tòa Án Tối Cao xác định tầm quan trọng và tính bất khả xâm phạm của ấn tín giải tội.
Trong những ngày trước khi Ủy ban bầu phiếu, hằng trăm người Công giáo trên khắp tiểu bang đã dự trù về Sacramento để tham gia buổi điều trần ngày 9 tháng 7.
Vào ngày 2 tháng 7, James Sonne, Giám đốc Phòng Tự do Tôn giáo của Trường Đại học Stanford đã viết thư cho Chủ tịch Ủy ban An toàn Công cộng là Reginald Byron Jones-Sawyer để phản đối dự luật, mà ông gọi là “trục trặc hiến pháp bởi vì nó phân biệt đối xử bất lợi việc thực hành tôn giáo.”
Vào ngày 8 tháng 7, một tuyên bố chung được ký bởi các nhà lãnh đạo tôn giáo như Hồi giáo, Chính thống giáo, Lutheran, Anh giáo và Tin lành, cũng như Nghi thức Công giáo Đông phương và các giáo hội lịch sử Phi châu đã được gửi đến các thành viên của ủy ban tuyên bố rằng: “Tất cả chúng tôi đồng lòng với những người Công giáo Hoa Kỳ lên án cuộc tấn công tự do tôn giáo của dự luật SB 360.”
Andrew Reivas, Giám đốc điều hành của Hội đồng Công giáo Hoa Kỳ, đã ngỏ lời cám ơn đến dân chúng California, những người đã liên lạc với các dân biểu để chống lại dự luật SB 360.
Rivas nói rằng: “Một con số đáng kinh ngạc những người đã liên lạc với các vị dân cử của họ để giái thích về bản chất thánh thiêng của Bí tích Hòa giải. Đây là điều rất quan trọng đối với đời sống tâm linh và quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa và với người khác. Chúng tôi xin cám ơn tất cả những ai đã góp phần vào chiến dịch này.”
Giuse Thẩm Nguyễn
(VietCatholic News)