GPVO (14/11/2022) – Là Kitô hữu, ai ai cũng biết luật buộc giữ lễ Chúa nhật và lễ trọng. Thế nhưng rồi …
Mới đây, người thân trong gia đình tháp tùng chuyến chia sẻ bác ái với nhóm bạn. Điểm đến của chuyến bác ái này đa phần là anh chị em đồng bào thiểu số. Điều cần thiết với người thân đó là chuyện thánh lễ Chúa nhật.
E rằng khi quay lại Sài thành thì đã tối và không khéo là mất lễ Chúa nhật, người thân tôi loay hoay tìm nhà thờ rồi trợ giúp bằng cách lên mạng tìm. Việc tìm kiếm bất khả thành nên xin số phone cha xứ từ một cha thân quen. Có số cha xứ, gọi hỏi ngài nhưng ngài không nghe máy. Nhắn tin hỏi giờ lễ và rồi ngài chẳng hồi âm. May quá! Chỗ gõ cửa cuối cùng là trang facebook của giáo xứ. Thế là qua người chủ trang face đó, biết được giờ lễ để rồi báo cho người nhà.
Thánh lễ Chúa nhật hoàn thành một cách mỹ mãn. Dĩ nhiên là tốn công sức và cả tiền xe cho việc đến nhà thờ đó. Không còn cách nào khác nên nhờ khách sạn đặt xe để đưa đến nhà thờ. Nếu ai nào đó tiếc tiền hay không thích thì vẫn có thể có cách để không tìm đến nhà thờ và tự nhủ mình đi làm việc bái ái mà nên có thể không dự lễ.
Câu chuyện muốn nói ở đây rằng thì là để tìm đến nhà thờ và dự lễ xem chừng ra là khó nhưng rồi cũng là dễ nếu như lòng mình muốn tham dự. Một khi đã lười hay cố tình không muốn tham dự thì chả thể nào tìm ra và đến nhà thờ được.
Lần kia, có người hỏi về chuyện bỏ lễ Chúa nhật. Thì ra là chuyến du lịch của cả gia đình vướng vào cuối tuần để rồi chuyện dự lễ của họ dường như không thể. Cũng thật là khó với trường hợp này. Họ hỏi và họ nói hết cách và rồi nghe nói đọc 50 kinh Kính Mừng là bù được lễ Chúa nhật phải không? Tiếc thay rằng không có bản văn quy định nào thay lễ Chúa nhật bằng việc đọc 50 kinh cả. Chả hiểu sao cũng có một số người cho rằng đọc 50 kinh là xong !?!?!? Và cứ như thế họ vô tư bỏ lễ Chúa nhật và họ nại rằng chỗ đi chơi của họ xa nhà thờ.
Xem chừng cũng khó nhỉ? Đi chơi thì được, bỏ rất nhiều tiền cho tour du lịch thì được nhưng tìm đến nhà thờ để tham dự thánh lễ thì không có.
Và tâm lý thường tình nhiều người nói. Nếu như bỏ được 1 lần Chúa nhật thì những lần sau họ bỏ là chuyện bình thường vì quen rồi cũng như bị bệnh lười. Một số người có kinh nghiệm đã chia sẻ về chuyện bỏ lễ này. Họ không ngần ngại nói cái kinh nghiệm lười của họ.
Mới đây, khi tham dự thánh lễ làm phép nhà thờ của giáo xứ gia đình đang cư ngụ, Đức Tổng Giám mục Giuse không ngần ngại cảnh báo với mọi người về chuyện tham dự thánh lễ. Và thật ngạc nhiên khi xem video thánh lễ mà Đức Tổng ban bí tích Thêm sức ở xứ đạo kia Đức Tổng cũng nói về việc tham dự thánh lễ Chúa nhật (chứ đừng nói đến lễ thường Misa).
Đức Tổng kể rằng đã có phụ huynh đến nhờ Đức Tổng cầu nguyện cho con em họ tham dự thánh lễ vì con em của họ đã bỏ lễ. Thấy nguy cơ ngày một tăng để rồi dường như có dịp thì Đức Tổng cảnh báo để mọi người cùng nhắc nhau cũng như cầu nguyện cho con cái mình đừng bỏ lễ.
Thật thế, chuyện bỏ không tham dự thánh lễ Chúa nhật ngày hôm nay đang đứng trước sự báo động đỏ. Chuyện thường thấy ở giới trẻ ngày hôm nay.
Trong một gia đình nọ, dẫu rằng gia đình tham gia ca đoàn nhưng rồi chuyện bỏ lễ Chúa nhật bây giờ không còn lạ nữa. Con cái trong gia đình đó sẵn sàng không tham dự thánh lễ Chúa nhật.
Nghe chuyện gia đình này có con bỏ lễ Chúa nhật, bản thân tôi thật sự ngạc nhiên vì lẽ gia đình ấy xem chừng ra là một gia đình đạo hạnh. Từ họ hàng hai bên nội ngoại, nhất là ông bà, ông bà nội ngoại là những người xem chừng ra mẫu mực trong đời sống đức tin. Thế nhưng rồi con cháu có lẽ làm buồn lòng ông bà bởi lối sống đạo của họ.
Có lẽ gia đình chính là nguyên nhân chính và lớn nhất để cho trẻ bỏ nhà thờ. Gia đình mà tôi vừa đề cập trên đây rơi vào hoàn cảnh cha mẹ chúng ly thân nhau cả hơn chục năm trời. Gia cảnh như thế thì có lẽ chuyện đạo nghĩa xem chừng ra khó để giáo dục đời sống đức tin cũng như bắt con mình tham dự thánh lễ.
Thật ra mà nói chuyện bỏ không tham dự thánh lễ nó có cả ngàn nguyên nhân và cả ngàn lý do để người ta biện hộ khi người ta không muốn. Tôi nhớ đến người quen tôi hay chia sẻ tâm tình mà tôi xem thấy là đúng trong mọi hoàn cảnh trong đó có chuyện bỏ lễ Chúa nhật: “Khi người ta muốn thì sẽ tìm cách, còn khi không muốn sẽ tìm lý do”
Đúng như vậy! Trong cuộc sống thường nhật, bất cứ chuyện gì người ta muốn người ta sẽ tìm cách, còn khi người ta không muốn người ta sẽ tìm lý do.
Ngày hôm nay, nại vào chuyện cơm áo gạo tiền, nại vào thời gian của công việc và học hành để rồi không ít người rơi vào cảnh bỏ lễ Chúa nhật. Khởi đi từ vài lần sau đó vài chục lần và vài năm là chuyện không còn khó thấy nữa.
Một Kitô hữu, điều cơ bản trong 10 điều răn là giữ ngày Chúa nhật mà người ta còn coi thường và xem nhẹ cũng như không tham dự thì có lẽ 9 điều răn còn lại cũng là điều đáng suy nghĩ.
Về chuyện tham dự thánh lễ, tôi thấy đơn giản: Mỗi ngày Chúa cho mỗi người quỹ thời gian là 24 giờ và 1 tuần là 7 ngày. Cứ lấy 24 nhân với 7 và chỉ trừ 1 giờ đồng hồ ngày Chúa nhật dành riêng cho Thiên Chúa là Đấng mà mình tôn thờ mà mình còn tính toán và bớt xén thì xem chừng chuyện theo đạo và giữ đạo không ổn chứ chưa nói đến chuyện sống đạo.
Giữ ngày Chúa nhật sẽ khó hay dễ tùy vào chọn lựa và quyết định của mỗi người vì xét cho bằng cùng thì Thiên Chúa là chủ thời gian thật sự nhưng con người chính là người quản lý thời gian Chúa trao ban. Nếu ý thức được thời gian là của Chúa và tất cả là của Chúa thì việc dành chút thời gian nhỏ bé cho Chúa ngày Chúa nhật có lẽ không còn là chuyện khó.
Khó hay dễ để đến với Chúa để tham dự thánh lễ Chúa nhật vẫn là sự tự do quyết định của mỗi người.
Lm. Anmai, CSsR