Đọc Thư HĐGMVN gửi Cộng đồng Dân Chúa về một số lưu ý trong đời sống đức tin

Lê Thiên
(19/6/2019)

Lời tác giả: Xin minh xác đây chỉ là ý kiến thô thiển, bất chợt của một giáo dân thấp hèn không có chỗ đứng nào trong xã hội hay vị trí nào trong các tổ chức sinh hoạt Công giáo. Tuy nhiên người viết hy vọng cái nhìn thiển cận của mình sẽ là tiền đề cho những góp ý bao quát và sâu sắc hơn sau này.

Nguyên văn Thư của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN) được công bố tại trang web của HĐGMVN:

http://hdgmvietnam.com/chi-tiet/hoi-dong-giam-muc-viet-nam-thu-gui-cong-dong-dan-chua-ve-mot-so-luu-y-trong-doi-song-duc-tin-35055

Mở đầu bức thư, HĐGMVN nêu rõ:

“Trong Hội nghị thường niên kỳ I-2019 của Hội đồng Giám mục Việt Nam, chúng tôi đã nhận được những thông tin, thắc mắc, kể cả những lời than phiền và phê phán về một số sự việc liên quan đến cử hành Phụng vụ và các thực hành đạo đức tại nơi này, nơi khác. Nay, với trách nhiệm mục tử, chúng tôi gửi thư này đến anh chị em, để đồng hành và giúp anh chị em sống đức tin một cách đúng đắn theo giáo huấn của Hội Thánh.” 

HĐGMVN ca ngợi tính phong phú trong sinh hoạt đạo đức của người CGVN: “Chuyên tâm tham dự các cử hành Phụng vụ, tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu và Lòng Chúa thương xót, sùng kính Đức Trinh Nữ Maria và các Thánh, thể hiện lòng hiếu thảo với các bậc tiền nhân…”

Sau đó, HĐGMVN cảnh báo: Trong Cộng đồng dân Chúa “…đang tồn tại và có chiều hướng gia tăng những hiện tượng và những cách thực hành đạo đức không xứng hợp, cụ thể là: tin dị đoan, ma thuật, bói toán; phổ biến những tư tưởng lệch lạc như Sứ điệp từ trời, Lòng Mẹ thương xót…; lạm dụng một số cử hành đạo đức của Hội Thánh như Lòng Chúa thương xót, đặc sủng chữa lành bệnh nhân, đặt tay cầu nguyện…”

Từ các hiện tượng không mấy lành mạnh trên đây, dựa trên Giáo huấn của Hội Thánh về Phụng vụ và về các Bí Tích, HĐGMVN đưa ra những chỉ dẫn về định hướng Phụng vụ và đạo đức bình dân. HĐGMVN lưu ý: “Trong thực tế, tại một số địa phương, kỷ luật Phụng vụ chưa được tôn trọng đúng mực. Những thực hành đạo đức bình dân cũng có những lạm dụng tùy tiện, gây hoang mang nơi người tín hữu và xáo trộn nơi các cộng đoàn đức tin.”

Xét những thực tế trên, HĐGMVN cũng nêu ra quy định mà mọi tín hữu Công giáo VN phải triệt để tuân hành, đặc biệt những quy định về Phụng vụ và lòng đạo đức bình dân, đừng biến lòng đạo đức này thành những hình thức mê tín dưới danh nghĩa “đặc sủng chữa lành”, hình thức cám dỗ có nguy cơ đẩy người tín hữu đi lạc hướng trong đức tin dù chưa hẳn lạc giáo.

HĐGMVN lại cảnh giác: “Vì lòng đạo bình dân nghiêng về cảm nhận hơn là suy lý, quan tâm đến biểu tượng hơn là lô-gích, nên cũng dễ bị lệch lạc, kể cả bị khai thác vì chủ ý trục lợi. Đồng thời, tại một số nơi, những hình thức cầu nguyện và đặt tay xin ơn chữa lành chưa thể hiện ý nghĩa sâu xa của mầu nhiệm cứu độ trong Đức Kitô và sứ vụ rao giảng Tin Mừng!”

Trong các chỉ dẫn thực hành lòng đạo đức, HĐGMVN nêu ra 4 điểm cụ thể:

1- Phải tránh những thực hành mê tín dị đoan, bói toán, lợi dụng lòng tin đơn thành của người tín hữu để trục lợi.

2- Đừng quá coi trọng những hình thức đạo đức bình dân mà coi nhẹ cử hành Phụng vụ.

3- Không được sử dụng, phổ biến các tài liệu có nội dung nghịch với đức tin Kitô giáo.

4- Những kinh nguyện được sử dụng công khai và thường xuyên phải được Bản quyền địa phương cho phép.

Ngoài ra, HĐGMVN đặc biệt quan tâm tới một trào lưu dường như đang thịnh hành tại Việt Nam. Đó là trào lưu “đặt tay xin ơn chữa lành!” Nó có sức lôi cuốn mãnh liệt khiến không ít người Công giáo VN rơi vào cơn mê hoặc, cho đó là “đức tin,” là “phép lạ.”

Xưa các Tông đồ được ơn Chúa Thánh Thần “ngự trên đầu” để các ngài nói tiếng lạ khiến người nghe hiểu được “theo tiếng mẹ đẻ của mình” bất kể họ là người Hy Lạp, người Rôma hay người Do Thái. Còn ngày nay, người ta đua nhau nhận lấy cái gọi là “nghi thức đặt tay lên đầu” để được “ơn té ngã” như là một “phép lạ” hiển nhiên chỉ dành cho “các con riêng Chúa Thánh Thần!”

Thư của HĐGMVN có nêu đích danh “nghi thức đặt tay” – “những hình thức cầu nguyện và đặt tay xin ơn chữa lành,” nhưng lại không nói gì tới “hiện tượng té ngã!”  Dầu vậy, HĐGMVN cũng chỉ rõ: “Tại một số nơi, những hình thức cầu nguyện và đặt tay xin ơn chữa lành chưa thể hiện ý nghĩa sâu xa của mầu nhiệm cứu độ trong Đức Kitô và sứ vụ rao giảng Tin Mừng.”

Trong thư, các Đấng Chủ Chăn VN cảnh cáo nạn “lợi dụng lòng tin đơn thành của người tín hữu để trục lợi.” Các Đấng còn nêu: “Chúa cũng ban cho Hội Thánh đặc sủng chữa lành bệnh tật. Tuy nhiên đặc sủng này được trao ban không phải vì vinh quang và trục lợi cá nhân, nhưng để xác nhận và củng cố sứ vụ rao giảng Tin Mừng.”

Từ đó, HĐGMVN truyền “phải tránh các hình thức mang tính cuồng loạn, chứng nhân giảdiễn kịch hoặc kích động cảm xúc.”

Phải chăng hiện tượng té ngã cũng thuộc phạm trù “diễn kịch, chứng nhân giả, kích động, cuồng loạn, …” như đã được đề cập trong thư của HĐGMVN?

Những chỉ thị và hướng dẫn của HĐGMVN rất rõ ràng, chính xác, cụ thể và cập nhật với thời hiện đại.

Tuy nhiên, nếu những hướng dẫn của các ngài chỉ rõ điều gì dành cho phía giáo sĩ, điều gì nói với thành phần giáo dân, thì mỗi bên ắt sẽ dễ dàng nhận ra phần trách nhiệm của mình trong việc thực thi Giáo huấn của Hội Thánh.

Cụ thể, thành phần nào có trách nhiệm (và cả khả năng) biết rõ những “kinh nguyện Phụng vụ” nào “theo đúng Sách Nghi Thức Rôma”?

Lại nữa, ai là người có khả năng, có đủ kiến thức và thẩm quyền để chỉ cho người khác thấy và hiểu “các tài liệu có nội dung nghịch với đức tin Kitô giáo” nếu không phải chính hàng giáo sĩ đang trực tiếp chăm lo mục vụ cho giáo dân?

Riêng yêu cầu của HĐGMVN “Không được sử dụng, phổ biến các tài liệu có nội dung nghịch với đức tin Kitô giáo” có lẽ nhắm vào chính hàng giáo sĩ hơn là vào thành phần giáo dân. Bởi vì trong nhiều trường hợp, các giáo sĩ (chứ không phải giáo dân bình thường) mới là những người đã được đào tạo để lãnh hội kiến thức về những nội dung nào là thuận hay nghịch với đức tin hầu rao giảng cho giáo dân! Các ngài vừa dạy dỗ vừa thực hành. Giáo dân học đòi, noi gương!

Lại nữa, ai “không được phép đưa các nghi thức chữa lành vào Thánh lễ và các cử hành Phụng vụ” nếu không phải chính thành phần giáo sĩ?

Vì vậy, xét cho cùng, những hiện tượng “lạ” xảy ra gần đây trong các giáo xứ, giáo điểm, giáo đoàn tại Việt Nam và cả tại hải ngoại đều có nguồn gốc vượt ngoài khả năng và quyền hạn của tầng lớp giáo dân! Trong thành phần giáo dân Việt Nam, thử hỏi có mấy ai được dạy dỗ chu đáo về “Cử hành Phụng vụ,” về “Bảy Bí tích,” về “Phụng vụ Các giờ kinh và các Á bí tích?” Có bao nhiêu giáo dân người Việt biết đến “Sách Nghi thức Rôma,” biết đến “các Giờ kinh Phụng vụ,” biết đến văn kiện “Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ của Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích (Tháng 12-2001)”, và “Hướng dẫn việc cầu nguyện xin ơn chữa lành của Bộ Giáo lý Đức tin (Tháng 9-2000)” như Thư Mục vụ của HĐGMVN nêu lên?

Vậy thì ai “lợi dụng lòng tin đơn thành của người tín hữu để trục lợi.” Ai không “tôn trọng kỷ luật của Hội Thánh và quy định của Đấng Bản quyền liên quan đến Phụng vụ và việc đạo đức bình dân khiến lòng đạo bình dân… bị lệch lạc, bị khai thác…?”

May thay! HĐGMVN quan tâm tới lợi ích của các linh hồn, nên đã truyền cho hàng giáo sĩ trực thuộc chứ không phải cho thành phần giáo dân, rằng “không được phép đưa các nghi thức chữa lành vào Thánh lễ và các cử hành Phụng vụ, không được lẫn lộn các buổi cầu nguyện không thuộc Phụng vụ với những cử hành Phụng vụ.” Đặc biệt, “phải tránh các hình thức mang tính cuồng loạn, chứng nhân giả, diễn kịch hoặc kích động cảm xúc…”

Như vậy, nếu các Giám mục VN cùng đồng tâm nhất trí tâm bảo vệ giáo dân mình khỏi rơi vào những hỗn loạn mục vụ như hiện nay, các ngài ắt sẽ đồng thuận về phương cách quản lý, giám sát và chấn chỉnh kịp thời các sai quấy trong thi hành mục vụ trên mọi giáo xứ, giáo điểm và giáo đoàn trực thuộc.

Có lẽ  giáo dân Công giáo Việt Nam sẽ rất hân hoan khi được chính HĐGMVN xác quyết: “Giám mục giáo phận có bổn phận giám sát việc thực hành các buổi cầu nguyện xin ơn chữa lành; đồng thời có quyền can thiệp khi có những lạm dụng gây tai tiếng cho cộng đoàn tín hữu.”

Thật vậy, nếu các đấng bề trên không thực thi quyền “giám sát” và “can thiệp” chống lại các lạm dụng gây tai tiếng cho cộng đoàn tín hữu, thì tình trạng hạ tắc loạn sẽ càng gia tăng! Và rồi “cả hiện tượng và những cách thực hành đạo đức không xứng hợp, cụ thể là: tin dị đoan, ma thuật, bói toán…” sẽ trở thành thứ dịch bệnh lây lan hết thuốc chữa!

Hơn thế nữa, không ít tín hữu CGVN đã từng tự đặt cho mình câu hỏi “những lạm dụng tùy tiện, gây hoang mang nơi người tín hữu và xáo trộn nơi các cộng đoàn đức tin… lợi dụng lòng tin đơn thành của người tín hữu để trục lợi” từ đâu mà ra? Chắc chắn không hề từ giáo dân. Như vậy, trách nhiệm thuộc về ai?

Cuối cùng, một chi tiết nhỏ (vụn vặt), xin nêu ra đây luôn: Không biết do cố tình hay vô ý, thư của Hội Đồng Giám mục ngày 10/6/2019 bỗng mất đi tính chất THƯ CHUNG như thông lệ, mà chỉ đơn thuần là “thư” – THƯ gửi Cộng đồng Dân Chúa…?

Dù sao, sau bức thư của HĐGMVN, hy vọng tình hình sinh hoạt Cộng đồng Dân Chúa tại VN sẽ khởi sắc hơn. Giáo dân VN sẽ được dẫn dắt sống đời sống ĐỨC TIN đích thực, không còn bị ai “bị khai thác vì chủ ý trục lợi” như HĐGMVN đã báo động!