Trong bối cảnh hội nhập văn hóa, mỗi người Kitô hữu chúng ta hãy để Chúa được “hội nhập” sâu vào nền văn hóa truyền thống của các dân tộc anh em.
Tôi là một người Việt gốc Hoa tân tòng. Có lẽ nhiều nhà truyền giáo ở Việt Nam nghĩ rằng dân tộc Hoa là một trong những dân tộc khó truyền giáo nhất, bởi lẽ họ có truyền thống và nền văn hóa cũng như các tôn giáo và tín ngưỡng dân gian đã ăn sâu vào tâm thức từ bao đời nay. Một trong những ý nghĩ khiến tôi từng chống đối lại Chúa là tại sao một người Á Đông như mình lại thờ một “thần phương Tây” xa lạ!
Nếu Thiên Chúa của các ông/bà là Trời hay Thượng Đế trong tâm thức người Á Đông thì tôi cũng đã có việc thờ phượng của riêng mình. Lý do để tôi chấp nhận theo Chúa là một câu chuyện dài mà có lẽ tôi xin được phép kể trong một dịp khác.
Một pho tượng đặt hàng mang dáng vẻ Á Đông
Thời gian đầu sau khi đã chịu Phép Rửa, tôi quan niệm rằng trong tâm có Chúa thì được rồi nên không hề có ý định lập bàn thờ. Vả chăng, cả gia đình cũng chỉ có một mình tôi theo Chúa nên cũng có nhiều điều bất tiện. Thế nhưng, người ta cũng cần có chỗ cầu nguyện và quy hướng tâm mình. Đó là nguyên cớ thôi thúc tôi lập bàn thờ này.
Bàn thờ được đặt trong phòng riêng của tôi nên kích thước khá nhỏ. Tượng Chuộc tội bằng gỗ là tác phẩm của một nghệ nhân ở Đồng Nai. Con người Chúa Giêsu lịch sử là người Do Thái nên chắc sẽ mang dáng dấp Trung Đông nhưng tôi thích Chúa có nét phương Tây như thế này hơn, bởi lẽ Kitô giáo đã được truyền bá vào phương Tây hơn hai ngàn năm nay và tôi ý thức được rằng Giáo Hội mình đang theo là một giáo hội phương Tây.
Tư thế nghiêng đầu, vị trí đóng đinh (ở cổ tay thay vì lòng bàn tay như nhiều tượng khác), động tác tay ban phép lành và từng thớ cơ bắp (không quá gầy đến trơ xương mà săn chắc như thể một con người có chế độ vận động cao nhưng lại ăn uống khắc khổ).
Cả dáng vẻ thân hình trên thập giá nữa, mọi thứ thật tự nhiên và gợi lên cho người ta ý muốn tán tụng Người, lạy Chúa.
Mọi sự có lẽ đều đã có sự sắp xếp của Thiên Chúa, một pho tượng đặt hàng theo mẫu pho tượng mang dáng vẻ Á Đông, cuối cùng lại không giống tượng đó nhưng lại cho ra những chi tiết đúng với tưởng tượng của tôi hơn.
Khi đặt tượng, tôi đã phó thác và trao trọn niềm tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa và bàn tay nghệ nhân, không hề có ý kiến tác động.
Tạo một cảm giác quen thuộc
Tạ ơn Chúa và cảm ơn bác nghệ nhân đã tạo ra thêm một tuyệt tác, ít nhất là với riêng tôi.
LẠY CHÚA, XIN HÃY MỞ LÒNG TRÍ CHÚNG CON ĐỂ CHÚNG CON CÓ THỂ TẠO RA NHỮNG PHƯƠNG TIỆN MANG CHÚA ĐẾN VỚI NHIỀU NGƯỜI THUỘC NHỮNG NỀN VĂN HÓA KHÁC NHAU. |
Phía trước tượng Chuộc tội gỗ là thập giá trừ quỷ của Thánh Bênêđictô. Đây là kỷ vật của tôi ngay từ những ngày đầu có ý định gia nhập Hội Thánh, là một món quà mà người anh thân thiết và sau này là cha đỡ đầu tặng tôi.
Phía bên phải tượng Chuộc tội, tôi đặt phần rễ của một cây mai khô lật ngược lên mà tôi gọi nó là cây “xã hội”, bên trái là quyển Thánh Kinh. Chiều từ phải qua trái cũng là chiều từ Đông sang Tây.
Phía trước nữa là chân nến và bình xông trầm. Phông nền của bàn thờ là bức thư pháp tôi nhờ thầy dạy Hán Nôm của mình viết giúp. Nội dung bức thư pháp là: Thiên Chúa tựu thị ái (Thiên Chúa là tình yêu). Sự bài trí này tạo cho tôi – một người Á Đông truyền thống có cảm giác quen thuộc.
Một vài người bạn Công giáo của tôi nghĩ rằng bàn thờ này có nhiều điểm không phù hợp. Nhưng tại sao chúng ta lại phải đóng khung và giới hạn Thiên Chúa? Trong bối cảnh hội nhập văn hóa của thời đại này, xin rằng mỗi người Kitô hữu chúng ta hãy để Chúa được “hội nhập” sâu vào nền văn hóa truyền thống của các dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S này và trên toàn thế giới nữa.
“Con không chỉ cầu nguyện cho những người này nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17, 20–21).
Augustino Trương Thuận Lợi