rcf.fr, Stéphanie Gallet, 2019-05-31
Linh mục Michel Kubler đã sống 8 năm, từ năm 2009 đến năm 2017 ở Bucarest, Rumani, cha cho biết tình trạng Giáo Hội Công giáo ở Rumani rất phức tạp. Linh mục thuộc Dòng Đức Mẹ Lên Trời, ngài đã thành lập và điều khiển trung tâm đại kết Thánh Phêrô-Thánh Anrê ở Bucarest. Hiện nay linh mục là Tổng thư ký Hội dòng Thánh Âugutinô – Đức Mẹ Lên Trời ở Rôma.
Một Giáo Hội Rumani bị chia rẽ
Linh mục Michel Kubler giữ kỷ niệm đẹp về những năm tháng phục vụ ở Rumani. Ngài lấy làm tiếc đất nước này bị “lãng quên ở Âu châu”. Ngài giải thích: “Rumani cảm thấy mình ở ngoại vi, vì thế quyết định đi Rumani của Đức Phanxicô là hợp lý sau các chuyến đi của ngài đến Hy Lạp và Macedonia. Về mặt tôn giáo, Rumani là nước đặc biệt với đa số người dân theo Chính thống giáo và một thiểu số người Công giáo theo nghi thức la-tinh và byzantin.”
Trong khi Rumani đã chủ trì châu Âu kể từ ngày 1 tháng 1, nhưng ngày nay người Rumani cảm thấy mình “không được yêu thương”, không có “văn hóa châu Âu” theo nghĩa châu Âu của Phương Tây dù Rumani đã vào Liên hiệp châu Âu năm 2007.
Theo linh mục Michel Kubler, đất nước Rumani hiện đang trải qua một tình huống chính trị phức tạp, chính phủ dân chủ xã hội được cho là chính phủ “cộng sản mới” là thiểu số trong cuộc bầu cử châu Âu. Vì thế chính phủ Rumani bị suy yếu do sự trỗi dậy của phe hữu và những người thuộc phái giữa.
Mặc dù có một số tài nguyên, như ngành công nghiệp xe hơi Dacia, đất nước này vẫn gặp khó khăn. Theo linh mục Michel Kubler, cuộc khủng hoảng này bị nặng thêm do “hình ảnh khá tiêu cực của chính người Rumani” có về mình. Đối với linh mục, chiến đấu chống lại cái nhìn tiêu cực này cũng là một “ý nghĩa của chuyến đi của Đức Phanxicô”.
Ở một đất nước mà Giáo Hội Công giáo đại diện cho “chỉ 5 hoặc 6% dân số”, chuyến đi hứa hẹn sẽ phức tạp, đặc biệt là khi hai Giáo Hội Công giáo theo nghi thức La-tinh và Hy Lạp sẽ phải “hợp lực” với nhau để đón tiếp Đức Giáo hoàng. Theo linh mục Michel Kubler, chuyến đi của Đức Phanxicô sẽ mang đến cho các cộng đồng này cơ hội được thấy rõ hơn để đối diện với khối Chính thống giáo “khổng lồ”.
Ngoài sự khác biệt về nghi thức, Giáo Hội La-tinh bị chia thành ba cộng đồng: Cộng đồng thứ nhất là cộng đồng Công giáo La-tinh nói tiếng Rumani ở miền đông Rumani. Cộng đồng thứ hai ở miền trung và miền tây là cộng đồng Công giáo La-tinh theo ngôn ngữ Magyar, nghĩa là có quốc tịch Hungari. Cộng đồng thứ ba ở miền miền tây nam Rumani là nhóm nói tiếng Đức đại diện cho Giáo Hội theo nghi thức La-tinh.
Vì thế có rất nhiều chuyện cần hiệp nhất phải được thực hiện giữa các cộng đồng ngôn ngữ, giữa các nghi thức khác nhau của Giáo Hội Công giáo và ở cấp độ của tất cả các tín hữu Kitô Rumani. Thêm nữa người Công giáo phải đảm nhận vai trò “tí hon” của mình trong Giáo Hội Chính thống giáo mà về mặt thần học là Giáo Hội mang bản sắc quốc gia.
“Ở Romania, nếu bạn không phải là tín hữu Chính thống giáo, chúng tôi không xem bạn là người Rumani”
Với Viện Đại kết Thánh Phêrô-Thánh Anrê, công việc của linh mục Michel Kubler là “tập hợp” các cộng đồng Chính thống và Công giáo thông qua các sự kiện khác nhau. Tên của Viện chính là lời kêu gọi thống nhất. Thánh Phêrô là người đứng đầu các thánh Công giáo, Thánh Anrê là người đã chết ở Rumani, là một trong các nhân vật trọng tâm của Giáo Hội Chính thống.
Chữa lành vết thương của chế độ Ceausescu
Ba mươi năm sau khi chế độ Ceausescu sụp đổ, lý do chuyến tông du là việc phong chân phước cho bảy giám mục bị chế độ sát hại. Ở Rumani, “ký ức về những năm khủng khiếp này vẫn còn nóng bỏng trong lòng mọi người”, dù cho có sự chia rẽ giữa các tôn giáo. Tuy nhiên, giai đoạn lịch sử này mang một dấu ấn đặc biệt đối với Giáo Hội Công giáo theo nghi thức byzantin, họ bị Stalin bắt sát nhập vào Giáo Hội Chính thống giáo. Đó là bảy giám mục của Giáo Hội Công giáo bị chế độ Stalin bắt bớ, và sẽ được Đức Phanxicô phong chân phước trong dịp này.
“Thời kỳ cộng sản là một thảm kịch cho lịch sử của Rumani, thời kỳ này vẫn còn hằn trong tâm trí của người dân”
Ngày nay Giáo Hội cần được công nhận, dù chưa phục hồi được tất cả tín hữu của mình, và trong khi Giáo Hội Chính thống chỉ trả lại 10% tài sản đã bị tịch thu. Một nhóm dân khác cần được công nhận, đó là nhóm người Roms. Linh mục Michel Kubler hy vọng “những lời nói mạnh mẽ“ của Đức Phanxicô sẽ có lợi cho họ.
Ở Rumani, Đức Phanxicô sẽ được tiếp đón nồng hậu hơn ở Bulgari và Macedoina. Tuy nhiên cũng không nên chờ “có những tiến bộ đáng kể về đại kết” sau chuyến đi này. Một hình ảnh sẽ nói lên rất nhiều về điểm này: Đức Giáo hoàng và Thượng phụ sẽ đọc Kinh Lạy Cha, người này sau người kia chứ không cùng đọc chung.
Linh mục Michel Kubler mong chuyến đi của Đức Phanxicô sẽ làm tiến bước giữa các tôn giáo và lời của ngài sẽ được lắng nghe. Nhất là đặt lên hàng đầu tinh thần “đại kết trong máu”, có nghĩa là tín hữu Công giáo, Chính thống giáo và Tin lành đều bị bách hại.
Nguyễn Tùng Lâm dịch