Cuộc phẫu thuật của Đức Phanxicô làm tăng sự cấp bách cho những câu hỏi về những năm còn lại triều giáo hoàng của ngài

washingtonpost.com, Chico Harlan và Stefano Pitrelli, 2021-07-09

Đức Phanxicô ở Sân Damaso, Vatican ngày 30 tháng 6, trước khi phẫu thuật. (Guglielmo Mangiapane / Reuters)

Trong phần lớn triều giáo hoàng của mình, Đức Phanxicô, 84 tuổi, tiếp tục với tốc độ của một người trẻ hơn nhiều. Ngài không nghỉ cuối tuần. Các buổi sáng của ngài đầy các cuộc họp. Các chuyến tông du quốc tế của ngài chóng mặt – ngày qua ngày các thông báo được loan ra trước khi mặt trời mọc – dường như phái đoàn đi theo ngài kiệt sức hơn ngài.

Nhưng tuần này, ngài bị chậm lại, ngài phải nhập viện để phẫu thuật ruột kết, một chứng đau ruột thường gặp nơi người lớn tuổi.

Vatican cho biết ngài phục hồi tốt sau phẫu thuật đã được dự trù trước. Ngài bị sốt nhẹ tối thứ Tư nhưng sáng thứ Năm thì hết sốt, mọi thử nghiệm bình thường và không có triệu chứng nhiễm trùng. Ngày thứ Năm, Vatican cho biết tình trạng sức khỏe của ngài tiếp tục khả quan.

Tuy nhiên, ở Rôma cũng như ở các cộng đồng Công giáo trên thế giới, việc Đức Phanxicô nằm bệnh viện một tuần là lời nhắc, giáo hoàng đang ở tuổi mà mọi người phải đối diện với vấn đề sức khỏe nhiều hơn và dễ bị yếu đi.

Với một số người Công giáo, các sự kiện tuần này cho thấy sự cấp bách của một loạt các câu hỏi mà trước đây gần như còn xa: liệu ngài sẽ quản lý cương vị giáo hoàng của mình khi đến nửa sau của tuổi 80 hay không; ngài sẽ tiếp tục ở cương vị này trong bao lâu; và liệu một ngày nào đó ngài có từ nhiệm không.

Đức Phanxicô đã gần quá 10 năm, năm tuổi 75 của giám mục Công giáo phải nạp đơn từ chức. Ngài đã làm giáo hoàng lâu hơn Đức Bênêđictô XVI, và đến tháng 12, ngài sẽ bước qua tuổi 85. Kể từ đầu những năm 1800, chỉ có Giáo hoàng Lêô XIII là ở tuổi 86 khi còn tại chức.

Đức Phanxicô là giáo hoàng có nhiều chuyến tông du, ngài cố gắng biến đổi Giáo Hội qua các chuyến đi của mình, các giáo hoàng khác ít hơn.

Các quan sát viên Vatican hoàn toàn đồng ý Đức Phanxicô không ở ngưỡng cửa từ nhiệm, ngài có thể tiến vào thời điểm lịch sử, vào thời mà nhân loại ngày càng sống lâu hơn, kể cả các giáo hoàng.

Nhưng cũng có nhiều người nói, rồi Đức Phanxicô cũng sẽ sẵn sàng từ nhiệm, như Đức Bênêđictô XVI đã làm, ngài không muốn là giáo hoàng suy yếu hoặc thậm chí mất năng lực như Đức Gioan Phaolô II vào đầu những năm 2000.

Các dấu hiệu thì rất nhiều. Năm 2014, ngài nói Đức Bênêđictô XVI – giáo hoàng đầu tiên từ chức sau 700 năm – đã “mở cánh cửa” cho các giáo hoàng khác đi theo. Năm sau, trong một phỏng vấn với đài truyền hình Mexicô, ngài nói trường hợp của Đức Bênêđictô XVI “không nên xem là một ngoại lệ,” và ngài dự đoán nhiệm kỳ của mình sẽ “ngắn”, khoảng từ hai đến năm năm. Lời dụ đoán này đã sai: ngài làm giáo hoàng đã tám năm. Nhưng gần đây hơn, ngài nói với bác sĩ nhà báo Argentina, ông Nelson Castro, ngài hình dung mình sẽ chết ở Rôma như một “giáo hoàng tại chức hoặc giáo hoàng danh dự.”

Tác giả Austen Ivereigh, người viết tiểu sử Đức Phanxicô cho biết ngài đồng ý với quan điểm, mọi giáo hoàng trong tương lai “nên làm giống như Đức Bênêđictô XVI.”

Ông nói: “Ngài nghĩ quyết định của Đức Bênêđictô XVI đã thay đổi thể chế giáo hoàng. Nhưng tôi không thấy có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy ngài sẽ không thể tiếp tục trong vài năm nữa.”

Ngoài việc mổ ruột kết, sức khỏe của Đức Phanxicô rất tốt. Cho đến tuần vừa qua, ngài chưa bao giờ nhập viện trong những năm làm giáo hoàng, theo những gì được công khai. Ngài bị đau thần kinh tọa, một trạng thái đau nhức ở chân và lưng, nhưng tập vật lý trị liệu thường xuyên đã làm cho ngài bớt đau.

Khi còn trẻ, ngài bị cắt bỏ một phần phổi và đã có những lo ngại trong thời gian đầu đại dịch sợ bị nhiễm coronavirus khi ngài ra ngoài mà không mang khẩu trang. Nhưng ngài đã được tiêm phòng, nên đã giảm phần lớn lo ngại này.

Ngài nói với bác sĩ Castro, ngài ngủ sâu 6 giờ mỗi đêm và ngủ trưa 45 phút. Ngài nói trong cuộc phỏng vấn: “Tôi về phòng, cởi giày, để nguyên quần áo và nằm xuống. Tôi ngủ rất sâu, như ngủ ban đêm. Và tôi thức dậy với cảm giác thoải mái: đầu óc tỉnh táo, như hồi sinh, như còn là buổi sáng.”

Dù đại dịch hạn chế các buổi tiếp kiến chung và hạn chế việc đi lại của ngài, nhưng chuyến đi Iraq vào tháng 3 đã rất dày đặc: ba ngày với các chuyến bay trực thăng, máy bay, các buổi cầu nguyện trong điều kiện an ninh nghiêm nhặt trên đất nước từng do phiến quân Hồi giáo chiếm đóng. Chỉ trên máy bay về Rôma, ngài mới cho thấy mình chậm lại, ngài tâm sự với các phóng viên: “Chuyến này, tôi cảm thấy mệt hơn nhiều so với những chuyến trước”.

Những người trong cuộc cho biết, ngoài vấn đề sức khỏe, có những lý do khác cho thấy dường như Đức Phanxicô có khuynh hướng tiếp tục là giáo hoàng. Một số mục tiêu lâu dài ngài chưa hoàn thành: tổ chức lại Giáo triều hoặc nỗ lực làm sạch tham nhũng tài chính. Ngài cũng đối diện với thách thức lịch sử vì đại dịch, ngài xem đây là thời điểm để nhân loại suy nghĩ lại về các ưu tiên của mình.

Một trở ngại khác trong việc từ nhiệm sớm của Đức Phanxicô là chính Đức Bênêđictô XVI. Quyết định từ nhiệm của ngài đã cứu Giáo Hội khỏi tình huống hỗn loạn – quản trị bởi một người 80 hoặc 90 tuổi đã suy yếu. Nhưng điều này đã tạo ra sự hỗn loạn của chính nó, Đức Bênêđictô XVI, trong mắt của những người bảo thủ là nhân vật có thẩm quyền thay thế. Giáo Hội bị chia rẽ nhiều hơn về mặt ý thức hệ so với tám năm trước. Trong một ít trường hợp, Đức Bênêđictô XVI đã can thiệp tạo tranh cãi trong một số vấn đề của Giáo Hội, làm phức tạp cho triều giáo hoàng của Đức Phanxicô.

Sử gia về giáo hoàng học, ông Christopher Bellitto tại Đại học Kean ở Union, New York Jersey, Mỹ cho biết: “Tôi không thể thấy Đức Phanxicô từ nhiệm khi Đức Bênêđictô XVI còn sống. Có một giáo hoàng danh dự là đã khá làm hoang mang. Có hai chỉ làm cho tiến trình tệ hơn.”

Đức Bênêđictô XVI 94 tuổi đã sống lâu hơn bất kỳ giáo hoàng nào khác. Ngài mong manh nhưng nhờ ơn Chúa đầu óc còn minh mẫn.

Sau cuộc phẫu thuật của Đức Phanxicô, sử gia Giáo Hội, ông Alberto Melloni cho rằng triều giáo hoàng của Đức Phanxicô bước vào thời kỳ kết thúc, ngài sẽ phải đưa ra quyết định về những chuyện cuối cùng mà ngài muốn làm ưu tiên. Gần đây ông Melloni chia sẻ quan điểm của ông trong bài xã luận trên báo La Repubblica, một nhật báo lớn của Ý, trong một cuộc phỏng vấn, ông xem giai đoạn mới này, mọi người sẽ ngày càng nghĩ về thời kỳ kết thúc của triều giáo hoàng này.

Ông Melloni nói: “Một khi giáo hoàng trở nên già yếu, bạn sẽ bước vào một vùng đất khá xa lạ và trơn trượt.”

Ông thừa nhận, không có cách nào để biết sức khỏe của một người nào đó sẽ tiến triển như thế nào. Chẳng hạn Đức Gioan Phaolô II, ngài đã cắt bỏ một khối u lành tính ở ruột năm 1992 và ngài sống thêm được 13 năm.

Nhưng theo ông Melloni, chung chung vào thời mà các việc từ nhiệm của giáo hoàng diễn ra, có thể các giáo hoàng không muốn đến phút cuối mới ra đi. Nếu tình trạng của một giáo hoàng quá suy sụp, quyết định của giáo hoàng có thể không được chấp nhận theo đòi hỏi của giáo luật: đó là quyết định khi tự do. Theo ông Melloni, khi một giáo hoàng thực sự suy yếu, bộ máy hành chính của Vatican sẽ muốn giữ một giáo hoàng tại vị, vì những người trong Giáo triều La-mã có thể lợi dụng khoảng trống quyền lực.

Ông Melloni nói: “Một giáo hoàng cần nắm thời điểm trước khi sự yếu đuối trở nên rõ ràng”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch