Con đường đồng nghị Đức có nguy cơ sụp đổ sau sự ra đi của Đức Hồng y Marx và cha Langendörfer, Tổng thư ký HĐGM Đức

Đức Hồng y Marx (phải) và cha Langendörfer SJ. | Ảnh:: ewtn.tv

Ai cũng biết vai trò nổi bật của Đức Hồng y (ĐHY) Marx trong cái gọi là “con đường đồng nghị” đang diễn ra tại Đức. Vị hồng y này đã tuyên bố không ra tranh cử chức chủ tịch Hội đồng Giám mục (HĐGM) Đức nữa và trong kỳ họp sắp tới của HĐGM này, một vị tân chủ tịch sẽ được bầu để thay thế ĐHY Marx. Dù ngài tuyên bố vẫn tích cực làm việc để “con đường đồng nghị” đi đến thành công. Nhưng người ta có quyền hoài nghi viễn ảnh ấy khi vị thư ký lâu năm và gây nhiều ảnh hưởng của Hội đồng là cha Hans Langendörfer cũng vừa tuyên bố rời khỏi chức vụ.

Thực vậy, theo Edward Pentin, cha Hans Langendörfer, Dòng Tên, một trong những nhân vật gây nhiều ảnh hưởng nhất trong Giáo Hội Đức, vừa bất ngờ công bố việc ngài sẽ không còn đứng đầu văn phòng thư ký của HĐGM Đức nữa.

Tin tức về việc ra đi của ngài hôm thứ Ba vừa qua tiếp liền ngay sau quyết định cũng bất ngờ không kém của ĐHY Reinhard Marx, người, ngày 11 tháng Hai, đã công bố sẽ thôi làm chủ tịch HĐGM.

Giống ĐHY Marx, vị linh mục 68 tuổi này, người từng làm Tổng thư ký của HĐGM từ năm 1996, cho hay ngài tin rằng “nay đã đến lúc phải trao văn phòng này vào tay những người trẻ tuổi hơn”.

Theo hãng tin Katholisch.de, ngài cũng cho biết một nam giáo dân hay một nữ giáo dân có thể là người kế nhiệm ngài, một việc, nếu được tiến hành, sẽ là “lần đầu tiên” trong lịch sử 172 năm của Hội đồng, một thừa tác viên không thụ phong giữ chức vụ này.

Là Tổng thư ký hơn một phần tư thế kỷ nay, cha Langendörfer được nhiều người coi là nhân vật gây nhiều ảnh hưởng đàng sau phần lớn các quyết định lớn lao của hàng giáo phẩm Đức.

Vốn là cựu phụ tá nghiên cứu cho nguyên Thủ tướng Đức Helmut Kohl, cha Langendörfer nổi tiếng là chiến thuật gia thông minh, nổi tiếng về kỹ năng chính trị, và một người nắm quyền kiểm soát đáng kể đối với bộ máy truyền thông của Giáo Hội.

Gần đây, ngài là nhân vật hàng đầu đứng đàng sau Giáo Hội trong con đường đồng nghị kéo dài 2 năm ở Đức, một con đường nhằm xử lý “những vấn đề then chốt” phát xuất từ cuộc khủng hoảng giáo sĩ lạm dụng tình dục, nhưng các nhà phê bình thì cho là đe dọa giáo huấn của Giáo Hội và có thể dẫn Giáo Hội Đức tới chỗ ly giáo.

Ngay trước con đường đồng nghị vào tháng trước, ngài nói với một nhật báo Đức rằng “không thể nào chấp nhận được việc mọi vấn đề có liên quan tới hội đồng phải được quyết định ở Rôma và được đưa ra mà không có sự tham gia của các Giáo Hội địa phương. Ngài cũng nói rằng “không có chuyện ngăn cấm nói đến việc phong chức cho phụ nữ” trong diễn trình đồng nghị, bất chấp Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã dứt khoát loại trừ khả thể này trong văn kiện Ordinatio Sacerdotalis năm 1994.

Ngài cũng có tiếng gây ảnh hưởng đáng kể đối với Thượng Hội đồng Giám mục về vùng Amazon mới đây, một Thượng Hội đồng, phần lớn nhờ các cố gắng của ngài, đã được Giáo Hội Đức hỗ trợ rất nhiều, nhằm mục đích du nhập các nữ phó tế và giáo sĩ có gia đình vào Giáo Hội Đức.

Năm 2015, cha Langendörfer đứng phía sau các thay đổi gây tranh cãi đối với luật lệ lao động của Giáo Hội Đức, khi, lần đầu tiên, cho phép các định chế Công giáo được sử dụng các nhân viên Công giáo ly dị và tái hôn theo dân luật và những người sống trong các cuộc kết hợp đồng tính.

Trong cuộc phỏng vấn của tờ Catholic Register năm 2017, ngài bênh vực việc thay đổi trên. Ngài nói rằng điều quan trọng “là giữ các tiêu chuẩn của luật lao động ở Đức” và “không cần thiết” phải đòi hay phải mong chờ cùng một tác phong nơi một y tá ở một bệnh viện Công giáo y như nơi một giáo dân phục vụ trong một giáo xứ.

Cũng trong cuộc phỏng vấn trên, ngài bênh vực thuế nhà thờ của Đức, vốn là nguồn tạo nên sự giầu có mênh mông của Giáo Hội Công giáo tại một quốc gia nhưng cũng là điều các nhà phê bình cho là đã dẫn tới việc giảm đi nhà thờ, nhiều người Công giáo rời bỏ Giáo Hội hàng năm, và tha hóa về tín lý.

Cha Langendörfer nói rằng “không tùy thuộc cá nhân” tự quyết định không trả thuế chỉ vì họ bất đồng với các quyết định của Giáo Hội”. Ngài cho biết thêm “nếu bạn tự loại bỏ bạn, bạn sẽ loại bỏ bạn khỏi tư cách thành viên của Giáo Hội”.

Là Tổng thư ký, ngài cũng là người đứng đầu Hiệp hội các giáo phận Đức (VDD), một cơ quan công cộng được thành lập năm 1968 và hoạt động như một cơ quan dân chính của HĐGM Đức và gây nhiều ảnh hưởng đối với các vấn đề luật lệ và kinh tế của giáo phận.

Năm 2011, cha Langendörfer phải đối diện với các tiết lộ gây tai tiếng cho rằng Hiệp hội các giáo phận Đức sở hữu cơ sở Verlagsgruppe Weltbild GmbH, một cơ sở bán sách lớn nhất ở Đức, chỉ thua Amazon, nhưng đã in ấn nhiều sách khiêu dâm và có đầu tư buôn bán trong kỹ nghệ khiêu dâm.

Cha Lagendörfer, người cũng là thành viên trong hội đồng quản trị của nhóm Weltbild, sống thoát tai tiếng sau khi nhân viên của Hiệp hội phát biểu việc họ “hoàn toàn tin tưởng” ở cha, tuy nhiên chủ tịch của Hiệp hội là Klaus Donaubauer phải từ chức.

Về các vấn đề hàng ngày, cha Lagendörfer làm việc chặt chẽ với phát ngôn viên của HĐGM Đức, Matthias Kopp, người vốn học việc với cha Langendörfer. Theo một nguồn tin thân cận với Giáo Hội Đức, hai người này điều hành các phương tiện truyền thông trong Giáo Hội Đức “một cách rất tinh tế và đầy chính trị, ẩn đàng sau các bức màn”. Theo nguồn tin này, cha Langendörfer có sự kiểm soát đặc biệt đối với trang mạng của Giáo Hội Đức, Katholisch.de.

Vũ Văn An