Dongten.net (3/3/2022) – Các bạn thân mến! Cám dỗ là một phần của đời sống con người. Là người thì ai có thể tránh khỏi bị cám dỗ. Vấn đề làm thế nào để bạn chiến thắng cơn cám dỗ và từ đâu bạn có được sức mạnh để vượt qua chúng. Cách thức mà Chúa Giê-su vượt qua cơn cám dỗ là khuôn mẫu cho chúng ta vượt qua cơn cám dỗ trong đời sống hằng ngày.
- Thực trạng của con người trước cơn cám dỗ
Trước hết, cám dỗ là việc làm của Satan và những kẻ theo nó xúi giục con người chống lại Thiên Chúa, làm điều xấu hay không làm điều thiện.[1] Trong đời sống Ki-tô hữu, một mặt con người đối diện với những yếu đuối và những cơn cám dỗ nhưng mặt khác, bạn và tôi được mời gọi nên thánh. Nên thánh không gì khác hơn là sống con đường giúp chúng ta trở nên giống Chúa Giê-su và để chúng ta có thể được kết hợp với Ngài.
Kế đến, con đường của cơn cám dỗ rất phổ biến thường nó đi từ cái có đến cái là, từ bên ngoài vào bên trong, từ vật chất – quyền lực – đến việc đánh mất niềm tin vào Chúa. Thế nhưng cơn cám dỗ của Chúa Giê-su không chỉ là cơn cám dỗ bên ngoài những đụng đến chính căn tính Thần Linh của Chúa. “Nếu ông là Con Thiên Chúa” thì biến đá này thành bánh và ăn. “Nếu ông là con Thiên Chúa thì hãy xuống khỏi thập giá đi để chúng tôi còn tin ông.” Nếu ông là con Thiên Chúa và Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót tại sao Thiên Chúa lại để ông chết trần trụi trên Thánh Giá. Ma quỷ chia rẽ tình yêu của Chúa Giê-su với Chúa Cha, khiến Ngài nghi ngờ về con đường mà Chúa Cha muốn Ngài đi để cứu độ con người.
Trong kinh nghiệm của mình, Thánh I-nhã trình bày con đường của cơn cám dỗ. Nó đi từ của cải đến hư danh và kiêu ngạo và cuối cùng đánh mất niềm tin tưởng cậy trông vào Thiên Chúa. Từ đó, bạn sẽ xa rời tình thương của Ngài. Kết quả là bạn sẽ hành động đi ngược lại với đường lối của Ngài.
Trong cơn cám dỗ, Ma Quỷ chia rẽ Chúa Giê-su và chia rẽ bạn với Chúa bằng cách gieo vào lòng bạn sự nghi ngờ về tình thương, quyền năng và sự quan phòng của Chúa. Bạn và tôi sẽ thay đổi đời sống từ sự quy Thiên đến quy ngã. Từ sự ngọt ngào an ủi, tên cám dỗ dẫn chúng ta đến việc từ bỏ giá trị và con đường mà chúng ta đang xác tín là tin vào Đức Ki-tô và tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta, cuối cùng dẫn chúng ta xa Chúa.
Hẳn rằng trong đời sống hằng ngày, bạn và tôi đối diện với nhiều cơn cám dỗ, cơn cám dỗ phổ biến nhất có lẽ là cơn cám dỗ về “sự phù hoa giả tạo.” Cám dỗ không diễn ra ở dạng đối kháng nhưng ở dạng “phù hoa”. Thế giới bày ra cho bạn và tôi muôn vàn sự phù hoa và phong phú để rồi từ sự phù hoa và phong phú đó, bạn và tôi xa rời Thiên Chúa và con đường của Ngài. Bạn và tôi đã, đang hoặc sẽ biến “đá” thành “bánh” lúc nào không hay.
- Hoang địa đời tôi
Sách Sáng Thế trình bày về cơn cám dỗ và sự sa ngã bằng việc ăn trái cấm của Adam và Eva. Nhiều khi bạn cho rằng trái cấm có gì ghê gớm. Tuy nhiên nó chỉ ra cho bạn rằng bạn là ai, bạn thuộc về đâu, Thiên Chúa ai là đối với bạn, bạn sẽ trở nên ra sao trước cơn cám dỗ. Thay vì đặt tin tưởng vào Chúa, Adam và Eva đã đặt đời mình trên những lý lẽ giả tạo và tự cho mình cái quyền quyết định nguyên lý sự Thiện Ác. Kết quả là họ đã thất bại.
Chúa Giê-su đối diện với cơn cám dỗ và Ngài đã vượt qua nhờ lòng tin tưởng vào Cha và nhờ Lời Chúa. Ngài bị cám dỗ khi Ngài đang ăn chay nghĩa là Ngài đang đói và đang ở trong sa mạc. Tình trạng đói khát và hoang vu của tâm hồn sẽ là cơ hội thuận lợi để cơn cám dỗ len lỏi vào. Chúa Giê-su chiến thắng cám dỗ mở đường cho những ai tin tưởng vào Ngài. Chỉ khi bạn và tôi chiến đấu chống lại cơn cám dỗ cùng với Chúa Giê-su, bạn và tôi mới có cơ hội chiến thắng.
Cám dỗ diễn ra với bạn trong đời sống hằng ngày. Nó thường đánh vào những đam mê và thỏa mãn giác quan của bạn. Hoặc đôi khi nó đánh vào trí tưởng tượng của bạn để rồi từ đó đưa đến hành động. Đôi khi nó diện ra qua sự so sánh về quyền lợi. Tình anh em và gia đình bị xích mẻ vì sự so sánh, so bì và tỵ nạnh. Chính những ham hố về quyền lợi và đất đai đôi khi gây chia rẽ tình huynh đệ và làm tổn thương tương quan. Thậm chí sự bất đồng quan điểm với những người có trách nhiệm trong Giáo Hội dẫn đến việc bỏ nhà thờ và mất đức tin.
Cám dỗ thường xảy ra là Thiên Chúa có thật hay không và Ngài có thương yêu bạn thật sự không. Một trong những nguyên nhân dấn đến chủ nghĩa vô thần trong thế giới hôm nay là sự dữ và sự “vắng bóng” Thiên Chúa. Từ sự nghi ngờ về lòng thương xót của Thiên Chúa dẫn đến sự thiếu tin tưởng và dần dần xa rời Thiên Chúa. Người ta biến năng lực lý trí thành một thứ quyền lực để rồi tôn thờ chúng.
- Sức mạnh vượt qua cơn cám dỗ
Dựa vào Kinh Thánh, Thánh Truyền, truyền thống linh đạo, kinh nghiệm cá nhân, và nhất là theo gương Chúa Giê-su, bạn và tôi có thể chiến thắng cơn cám dỗ nhờ Lời Chúa. Sức mạnh để vượt qua cơn cám dỗ là tin vào Lời Thiên Chúa. Lời Chúa giúp bạn và tôi gợi nhớ những ân huệ của người. Lời Thiên Chúa giúp dân Israel gợi nhớ về việc Thiên Chúa đã ra tay uy hùng mạnh mẽ để giải phóng họ và dẫn đưa họ đi trong sa mạc. “8 Đức Chúa đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, đã gây kinh hồn táng đởm và thực hiện những dấu lạ điềm thiêng, để đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập. 9 Người đã đưa chúng tôi vào đây, ban cho chúng tôi đất này, đất tràn trề sữa và mật. 10 Và bây giờ, lạy Đức Chúa, này con xin dâng sản phẩm đầu mùa của đất đai mà Ngài đã ban cho con.”[2] Sự gợi nhớ này giúp định hướng và tái tạo con người bạn.
Lời Chúa được xác quyết và tuyên xưng, giúp con người có thể được hưởng ơn cứu độ. Lời Chúa có sức mạnh, sắc bén hơn gươm dao sẽ xuyên thấu trái tim và tâm linh con người bạn. Lời đó cũng thánh hóa và giúp bạn trở nên công chính. Lời đó không chỉ là ngôn ngữ nhưng là một Ngôi Vị. Ngôi Vị đó có sức biến đổi bạn. “9 Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giê-su là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ. 10 Quả thế, có tin thật trong lòng, mới được nên công chính ; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ.”[3]
Thánh I-nhã chỉ ra cách để chiến thắng cơn cám dỗ bằng cách làm ngược lại. Làm ngược lại khuynh hướng tự nhiên, củng cố điểm yếu và chia sẻ cho người khôn ngoan, luôn tự ý thức và sống sự hoán cải. Ma quỷ sẽ tấn công mạnh mẽ khi ta phản ứng yếu ớt và ngược lại. Nó cũng rảo quanh như một tướng lĩnh tìm điểm yếu nhất để tấn công. Và nó khiến chúng ta giữ bí mật để ở trong tội. Truyền thống Giáo Hội đề ra ba phương thức sống trong mùa chay là cầu nguyện, bố thí và ăn chay. Để có thể thực hiện được điều này, bạn và tôi cần phải biết mình và quyết tâm làm một cuộc hoán cải tận căn với sự trợ giúp của ơn Chúa. Ý thức giúp bạn nhận ra điểm yếu của mình để củng cố. Hoán cải giúp bạn thay đổi con đường của mình cho phù hợp với con đường của Đức Ki-tô.
Nên lưu ý rằng, ăn chay không chỉ nhấn mạnh ở chiều kích tiêu cực là xé áo và xé lòng nhưng còn nhất mạnh đến chiều kích tích cực là đào sâu tương quan với Chúa, thực hành bác ái. Chúng ta ăn chay để “sám hối, ăn năn, liên đới với Chúa Giê-su trong cuộc khổ nạn.”[4] Nhờ sự gắn kết sâu xa này, bạn và tôi sẽ biết mình cần phải thay đổi điều gì và củng cố điều gì để sống xứng đáng hơn với tình yêu hiến thân của Chúa Giê-su. Như thế chay là bước ra khỏi chính mình, bước vào tương quan với Chúa và bước đến tha nhân. Ăn chay để tham dự vào mầu nhiệm đau khổ của Chúa Ki-tô để rồi khi được liên kết với Ngài trong đau khổ thì cũng hy vọng được chia sẻ với Ngài trong vinh quang. Đức Ki-tô đã trải qua những cơn cám dỗ để liên đới với mỗi người chúng ta. Người đã vượt thắng cơn cám dỗ nhờ sức mạnh Lời Chúa. Ngài đã liên đới với chúng ta trong đau khổ và thử thách để khi chúng ta liên đới với Ngài trong đau thương và thử thách giữa đời thường, chúng ta cũng hy vọng đạt được sự chiến thắng trong cuộc chiến cuối cùng.
Bạn thân mến! Chúa Giê-su chiến thắng Ma Quỷ khi Ngài không biến “đá” thành “bánh,” nhờ sự xác quyết vào con đường tự hủy mà Chúa muốn Ngài đi và từ khước sự cám dỗ khiêu khích của Ma Quỷ bày tỏ quyền lực thần linh. Tuy nhiên Ngài cũng đã biến “đá” là sự chết của chúng ta thành “bánh” ban sự sống là sự phục sinh và Thánh Thể. [5] Ngài biến trái tim chai đá của chúng ta thành trái tim bằng thịt, biết yêu thương và bày tỏ lòng xót thương của Ngài cho nhân loại, nhất là những con người đang lầm lạc giữa “đá” và “bánh.”
Gioan Phạm Duy Anh, SJ
————————–
[1] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Ủy Ban Đức Tin, Từ Điển Công Giáo, NXB Tôn Giáo, tr. 108
[2] Xh 26, 8 – 10
[3] Rm 10, 9 -10
[4] Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ, Giữ Chay và Ăn Chay (https://tgpsaigon.net/bai-viet/giu-chay-va-an-chay-37594)
[5] Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật, Cẩm Nang Giảng Lễ, NXB Tôn Giáo, 2015, Tr 65 – 68