Chúa Giêsu hiện diện thật sự trong bí tích Thánh Thể

GPVO (02/06/2024) – Là một người Công giáo, chúng ta tin rằng sau khi truyền phép, cả thân xác và linh hồn, nhân tính và thiên tính của Chúa Giêsu ngự thật trong hình bánh và hình rượu, có nghĩa là trọn vẹn Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa và là con người. Đó là đức tin của chúng ta. Ngay từ đầu Giáo hội đã tin như thế.

Về sau, có một số chủ thuyết sai lạc chối việc Chúa Giêsu hiện diện thật sự trong bí tích Thánh Thể. Ta có thể phân chia theo 3 nhóm như sau: Nhóm thứ nhất, đại diện là Bérenger de Tours và Wyclef, cho rằng chỉ có sự hiện diện theo dấu chỉ; nhóm thứ hai, đại diện là Zwingle và Oecolampad, chủ tương sự hiện diện bằng hình ảnh hay biểu tượng; và nhóm thứ ba, đại diện là Calvin và Melanchton, coi sự hiện diện là sức thiêng hay năng lực.[1]

Chống lại các giáo thuyết sai lạc trên, công đồng Trento (1551) tuyên bố: “Ai chối, trong bí tích Thánh Thể, không hàm chứa đích thực, thực sự và bản thể mình và máu cùng với linh hồn và thiên tính của Đức Giêsu, Chúa chúng ta, nghĩa là toàn thể Đức Kitô; lại nói Đức Kitô chỉ ở đó như dấu chỉ, hình tượng hay là năng lực mà thôi, thì mắc vạ tuyệt thông” (Dz 1651).[2]

Nơi khác, công đồng định tín: “Nếu ai nói rằng, người ta chỉ ăn cách thiêng liêng Đức Giêsu tỏ bày trong phép Thánh Thể, chứ không ăn một cách bí tích và hiện thực, kẻ đó phải bị trục xuất” (Dz 1658).[3]

Sách Giáo lý Công giáo 1992 cũng đồng ý với công đồng Trento mà dạy rằng: “Trong bí tích cực thánh, có sự hiện diện đích thực, thực sự và bản thể của mình và máu Đức Kitô, cùng với linh hồn và thiên tính của Người, nghĩa là Đức Kitô trọn vẹn” (số 1374).

Chúng ta hiểu các từ: đích thực có nghĩa không phải là dấu chỉ, thực sự có nghĩa không phải là hình ảnh hay biểu tượng, bản thể tức không phải là sức thiêng hay năng lực.

Để tìm bằng chứng cho niềm tin, trước hết chúng ta dựa vào Thánh kinh. Trong lời hứa lập bí tích Thánh Thể (x. Ga 6,22-71): “Thịt tôi thật là của ăn, máu tôi thật là của uống” (câu 55), và “Bánh tôi sẽ ban chính là thịt tôi đây” (câu 51) là cách nói trực tiếp, phải được hiểu theo nghĩa đen, chứ không thể theo nghĩa bóng. Theo mạch văn, Chúa Giêsu nói về mình cách đích thực, và thính giả đã hiểu như thế: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” (câu 52). Chúa đã không cải chính, lại còn nhấn mạnh thêm; cho dù hậu quả là nhiều người bỏ Chúa, kể cả một số môn đệ.

Bằng chứng quan trọng nhất của Kinh thánh là 4 bản văn Tân Ước tường thuật việc Chúa Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể (x. Mt 26,26-29; Mc 14,22-24; Lc 22,15-20; 1 Cr 11,23-25). Từ đó Giáo hội rút ra công thức và dùng trong cử hành thánh lễ: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em” (Lc 22,19); “Đây là Máu Thầy, máu giao ước mới, đổ ra vì muôn người” (Mc 14,24). Những lời này không thể hiểu theo nghĩa bóng, nhưng phải được hiểu theo nghĩa đen. Bởi vì qui tắc căn bản của chú giải là phải hiểu theo mặt chữ. Hơn nữa, điều Chúa thực hiện trước lúc chịu chết là hết sức quan trọng, để thiết lập một giao ước, đòi hỏi Người phải nói rõ ràng, trực tiếp, không thể dùng lối nói ví von, ẩn ngữ được.

Mặt khác, các tông đồ là những người đơn sơ, chất phác, quen xem những phép lạ, nên tin rằng không có việc gì mà Chúa không làm được. Vì thế, các ngài tuyệt nhiên không thể nghĩ đến nghĩa bóng. Chính các ngài cũng thừa nhận: “Đấy, bây giờ Thầy nói rõ, chứ không còn dùng dụ ngôn nữa” (Ga 16,29).

Sau hết, căn cứ vào lời của Chúa Giêsu, thánh Phaolô kết luận: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào phần Thân Thể Người sao?” (1 Cr 10,16).

Nơi khác, thánh nhân viết: “Bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình” (1 Cr 11,29). Giá như Chúa không ngự thật sự trong phép Thánh Thể, thì chẳng có phạm sự thánh nào cả!

Ngoài ra, truyền thống ngàn đời của Hội thánh cũng cung cấp cho chúng ta những chứng từ sống động về niềm tin Chúa Giêsu hiện diện thật sự trong bí tích này. Thánh Ignace, giám mục thành Antioche, đã gọi “Thánh Thể là thân thể của Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng ta, thân thể đó đã chịu khổ nạn vì tội lỗi chúng ta và đã dược Chúa Cha cho sống lại” (Smyrn. 7,1). Tertullien đã viết rất đúng: “Thân xác được nuôi dưỡng bằng thịt và máu Chúa Kitô để linh hồn được tràn đầy Thiên Chúa” (De resurrectione carnis). Theo thánh Cyrille de Jérusalem, dưới hình Bánh và Rượu, Đức Kitô cống hiến Mình và Máu của Người, chúng ta lãnh nhận bí tích Thánh Thể sẽ được cùng Người trở thành cùng một thân thể, cùng một huyết thống và được thông phần bản tính Thiên Chúa.[4] Còn thánh Thomas d’Aquin thì viết: “Theo đức tin Công giáo, ta có bổn phận tuyệt đối là tuyên xưng rằng Đức Kitô hiện diện toàn vẹn trong bí tích này” (Sum. The. III q. 76 a 1c).

Đức Phaolô VI, trong thông điệp Mysterium Fidei, nhấn mạnh sự hiện diện của Chúa Kitô trong Thánh Thể là sự hiện diện bí tích và bản thể. Hiện diện bí tích vì qua dấu chỉ bánh rượu ta đón nhận chính Chúa Kitô; hiện diện bản thể vì bánh không còn là là bánh nhưng là Mình Chúa, rượu không còn là rượu mà là Máu Chúa. Như vậy, trong mầu nhiệm Thánh Thể, Chúa Kitô hiện diện đích thực, thực sự và bản thể qua dấu chỉ bánh và rượu, và chính sự hiện diện này làm nên giá trị của hiến tế Thánh Thể.[5]

Sự hiện diện của Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể là mầu nhiệm đức tin, như chúng ta vẫn tuyên xưng ngay sau khi truyền phép. Chân lý này không phải là đối tượng của lý trí, mà là đối tượng của đức tin. Nó vượt trên khả năng hiểu biết của lý trí, nhưng không nghịch lại với lý trí. Có lẽ trong đời sống đạo, mỗi người chúng ta có thể cảm nghiệm một cách nào về sự hiện diện đó. Kinh nghiệm này có tính riêng tư, không thể chia sẻ, nhưng rất cụ thể và rất thực. Những kinh nghiệm như thế làm cho ta được bình an, sức mạnh, để vượt qua những thử thách trong cuộc đời, nhất là những khi bị nghi ngờ hay bị bỏ rơi.

Trường hợp mẹ Teresa Calcutta là một thí dụ điển hình. Mẹ nói: “Trong phép Thánh Thể, tôi nhìn thấy Chúa Giêsu. Tôi cũng thấy Chúa nơi người nghèo khổ … Đó là lý do tại sao công cuộc của chúng tôi có thể thành đạt”.[6]

Niềm tin Chúa ngự thật trong bí tích này cũng mời gọi chúng ta đón nhận Người bằng cách rước lễ thật, chứ không chỉ là rước lễ thiêng liêng. Bởi vì, nếu chỉ là rước lễ thiêng liêng thì chúng ta chưa làm theo mệnh lệnh của Người ‘Hãy cầm lấy mà ăn’ hay ‘Hãy cầm lấy mà uống’; và như thế, chúng ta không thể lãnh nhận sự sống đời đời như Người đã hứa.

Gioan Phạm Quang Long

————————

Chú thích

[1] Tham khảo Ludwig Ott, Tín Lý tập II, bản dịch của Nguyễn Văn Trinh trang 246 –248.

[2] Xem Bearbeitet von Gunter Koch, Bí tích học qua các tác giả, trang 337.

[3] Bearbeitet von Gunter Koch, sách đã dẫn trang 339.

[4] Xem Bearbeitet von Gunter Koch, sách đã dẫn trang 370.

[5] Xem Nguyễn Thế Thủ, Tìm hiểu bí tích Công giáo, tập 2, trang 248.

[6] Hoàng Quý, Mẹ Teresa – Vị thánh của những kẻ khốn cùng, NXB Phụng Sự 1997, trang 173.