WGPMT (12/3/2022) – Cách đây 2.500 năm, Aeschylus nói rằng tổn thất đầu tiên của chiến tranh là chân lý (sự thật). Khẳng định này có thể được áp dụng cho mọi cuộc chiến tranh từ trước tới nay, và cuộc chiến tại Ukraina hiện nay cũng không ngoại lệ. Tổn thất đầu tiên là sự thật về từng cá nhân, về các cộng đồng và sự sống chung hòa bình. Tất cả đều bị đem ra xẻ thịt nhân danh những quyền lợi được che giấu bằng những biện minh về lịch sử và căn tính, nhưng sớm hay muộn cũng sẽ lộ diện theo thời gian. Thế nhưng trong khi đó, người dân phải chết, người vô tội phải đau khổ và nỗi kinh hoàng lan rộng.
Trong tình hình bi thảm đang diễn ra giữa lòng châu Âu này, cũng như trong nhiều cuộc chiến tranh khác nhanh chóng bị lãng quên vì nó xảy ra trong những vùng bị coi là “không đáng quan tâm” về mặt địa-chính trị, truyền thông đóng vai trò nền tảng. Rất đáng nhắc lại ở đây là năm ngoái, giải Nobel Hòa Bình được trao cho hai phóng viên đã dấn thân tìm kiếm sự thật trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn. Một cuộc chiến và những thảm họa nó gây ra có thể bị coi là “không xảy ra” nếu không có ai đó kể chuyện cho nghe.
Vì vậy chúng ta phải biết ơn những phóng viên, trong những ngày này, đang cung cấp thông tin về Ukraina, kể cả phải liều mạng sống. Họ nói cho chúng ta biết về những đau khổ của dân chúng, họ làm cho thế giới “cảm” được những khổ đau và thất vọng người dân thường phải chịu do một cuộc chiến vừa vô nghĩa vừa tàn khốc như thế. Hiệp hội phát thanh châu Âu (EBU) nhấn mạnh rằng: “Điều thiết yếu là các phóng viên có thể làm việc cách tự do và bình an và tường thuật mà không bị ngăn cản nào… Ủng hộ tự do truyền thông phải là ưu tiên hàng đầu, không phải ‘mặc dù’ có những khó khăn, nhưng là ‘chính vì’ có những khó khăn”.
Không phải là chuyện lạ lùng khi các phóng viên trong những vùng chiến sự bị xúc động trước những gì họ thấy và nghe, rồi họ chia sẻ những cảm xúc đó trong các phóng sự và bài viết. Điều đó không đánh mất đi phẩm chất công việc của họ. Ngược lại, đó là sự đồng cảm của những người đang làm công tác chuyên môn đòi hỏi tính khách quan, nhưng vẫn không dửng dưng vô cảm trước những khổ đau của người dân. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhiều lần nhìn nhận vai trò này của các phóng viên, coi đó như là “sứ vụ”, nhất là những phóng viên chấp nhận “cởi giày ra” để tìm gặp người dân trong cảnh sống thực của họ. Đôi khi sứ vụ này có thể khiến người ta mất mạng như trường hợp của Anna Politkovskaya đã bị ám sát vì tường thuật về một cuộc chiến khác, cuộc chiến ở Chechnya. Mười lăm năm đã trôi qua kể từ vụ ám sát ấy nhưng tinh thần của người nữ phóng viên đó không bị giết chết, tinh thần đã làm cho cô nói (và làm chứng bằng công việc của mình) rằng: “Bổn phận của một bác sĩ là chữa lành bệnh nhân, còn bổn phận của một phóng viên là viết lại những gì mình thấy”.