Ngày 25 tháng 6, Rôma đã công bố Chỉ nam mới về Huấn giáo. Tài liệu này không sửa đổi gì về giáo lý của Giáo Hội Công giáo, nhưng đưa ra các hướng dẫn rộng rãi để tiến hành việc dạy giáo lý tốt nhất trong giáo xứ và giáo phận.
Báo Gia đình Kitô giáo chọn ra các đoạn văn đáng kể nhất mà các giáo lý viên nên biết.
1- Dạy giáo lý để phục vụ truyền giáo
“Điều cần thiết là việc dạy giáo lý phải phục vụ cho việc rao giảng Phúc Âm và từ đó phát triển các chủ ý cơ bản để mỗi người có thể gặp Chúa cách cá nhân” (48)
“Việc dạy giáo lý trước hết là việc loan báo đức tin nhưng không phải lúc nào cũng có thể phân biệt được với lời loan báo đầu tiên. (…). Điều quan trọng là qua việc dạy giáo lý, mỗi người chúng ta khám phá đây là điều đáng để tin. Chính vì thế, việc dạy giáo lý này không còn được xem đơn thuần đây chỉ là một giai đoạn tăng trưởng” (57)
“Trọng tâm của mọi tiến trình giáo lý là cuộc gặp gỡ sinh động với Chúa Kitô.” “Mục đích cuối cùng của việc dạy giáo lý là làm cho người học không chỉ tiếp xúc mà còn hiệp thông trong tình thân mật với Chúa Giêsu Kitô: Đấng duy nhất có thể dẫn đến tình yêu của Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần và làm cho chúng ta tham dự vào cuộc sống của Chúa Ba Ngôi”. (75)
2- Dạy giáo lý để giáo dục cầu nguyện
“Nhiệm vụ của việc dạy giáo lý là giáo dục để dẫn đến cầu nguyện và trong cầu nguyện, bằng cách triển khai chiều kích chiêm niệm của kinh nghiệm kitô giáo. Cần phải giáo dục để cầu nguyện với Chúa Giêsu Kitô và giống như Ngài” (86)
“Công việc này gồm giáo dục trong việc cầu nguyện cá nhân, phụng vụ và cộng đoàn, bắt đầu bằng các hình thức cầu nguyện thường xuyên: chúc tụng và tôn thờ, vấn đáp, cầu bầu, tạ ơn và ngợi khen (39). Để đạt được các mục tiêu này, chúng ta đã có các phương tiện: cầu nguyện với Kinh Thánh, đặc biệt qua các giờ kinh phụng vụ và lectio divina; lời cầu nguyện của trái tim được gọi là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu (40), việc tôn kính Đức Trinh Nữ Maria như lần chuỗi Mân Côi, kinh cầu, rước kiệu, v.v. (87)
3- Việc dạy giáo lý được cảm hứng từ Lời Chúa và Phụng vụ
“Việc dạy giáo lý rút từ nguồn chính là sứ điệp Lời Chúa. Vì thế “cơ bản là Lời được mạc khải làm phong phú trong việc dạy giáo lý và mọi nỗ lực để truyền đạt đức tin” (91). Phụng vụ là một trong các nguồn chính yếu và không thể thiếu của việc dạy giáo lý của Giáo hội, không những việc dạy giáo lý có thể rút từ đó nội dung, ngôn ngữ, cử chỉ và lời nói của đức tin, nhưng nhất là những lời này cũng thuộc vào chính hành động tin” (96)
4- Lời kêu gọi làm giáo lý viên
“Giáo lý viên là người tín hữu nhận lời kêu gọi đặc biệt của Chúa. Lời kêu gọi này được đón nhận trong đức tin, làm cho họ sẵn sàng truyền bá đức tin và bắt đầu dấn thân vào đời sống kitô hữu. (…) Nhưng, nhân vật chính của việc dạy giáo lý là Chúa Thánh Thần, Đấng, nhờ sự kết hợp sâu xa mà giáo lý viên được nuôi dưỡng với Chúa Giêsu Kitô, làm cho các nỗ lực của con người trở nên hữu hiệu trong việc dạy giáo lý”. (112)
5- Đối với nam giáo lý viên
“Để có một sự phát triển lành mạnh nhân bản và thiêng liêng, chúng ta không thể làm mà không có hai sự hiện diện, nam giới và nữ giới. Vì thế cộng đoàn kitô hữu phải biết đánh giá cao sự hiện diện của các nữ giáo lý viên, họ có tầm quan trọng đáng kể trong việc dạy giáo lý, và của các nam giáo lý viên, ngày nay họ đóng một vai trò không thể thay thế, đặc biệt là với các em tuổi vị thành niên và các thanh niên”. (129)
6- Các điều giáo lý viên nên biết
Giáo lý viên cần biết:
– Các giai đoạn chính trong lịch sử cứu độ: Cựu Ước, Tân Ước và lịch sử Giáo Hội, dưới ánh sáng của mầu nhiệm phục sinh của Chúa Giêsu Kitô;
– Các yếu tố thiết yếu của sứ điệp và của kinh nghiệm Kitô giáo: Biểu tượng đức tin, phụng vụ và các bí tích, đời sống đạo đức và cầu nguyện;
– Các yếu tố chính của Huấn quyền Giáo Hội liên quan đến việc loan báo Tin Mừng và dạy giáo lý. (144)
Việc đào tạo giáo lý viên gồm nhiều chiều kích. Điều quy chiếu sâu đậm nhất người giáo lý viên “phải là giáo lý viên” ngay cả trước khi dạy giáo lý. Trên thực tế, việc đào tạo giúp họ trưởng thành như một con người, một tín hữu và một tông đồ. (136)
7- Giáo lý với thách thức tuổi vị thành niên
“Trong hành trình đức tin, các em tuổi vị thành niên cần được các nhân chứng thuyết phục và dấn thân hỗ trợ. Một trong các thách thức của việc dạy giáo lý chính là điều liên quan đến chứng tá đức tin hiếm hoi được thấy trong gia đình và môi trường xã hội. Đồng thời, các em tuổi vị thành niên gặp khó khăn gay go về tính xác thực của người lớn, các em cần thấy niềm vui và sự nhất quán nơi các linh mục, người lớn, các người trưởng thành mà các em tiếp xúc”. (249)
8- Giáo lý dựa trên lòng mộ đạo bình dân và các đền thánh
“Trên hết giáo lý quan tâm đến việc đánh giá cao sức mạnh truyền giáo của các biểu hiệu của lòng mộ đạo bình dân, kết hợp và nâng giá trị lòng mộ đạo này trong tiến trình hình thành, bằng cách để mình cảm hứng qua khả năng thuyết phục tự nhiên của các nghi thức và các dấu hiệu của giáo dân về việc bảo tồn đức tin, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo nghĩa này, nhiều việc thực hành lòng mộ đạo bình dân đã vạch con đường cho giáo lý”. (340)
“Việc đi thăm các đền thánh cũng là biểu hiệu đặc biệt của lòng mộ đạo bình dân. Các đền thánh trong Giáo Hội mang một giá trị biểu tượng rất lớn và vẫn là nơi thiêng liêng được giáo dân hành hương tìm đến để có giây phút nghỉ ngơi, tĩnh lặng và chiêm nghiệm trong cuộc sống thường sôi nổi của thời đại chúng ta”, đó thực sự là nơi rao giảng Tin Mừng, nơi từ lần giảng đầu tiên cho đến khi cử hành các mầu nhiệm thiêng liêng, được biểu lộ qua hành động mạnh mẽ của lòng thương xót Chúa, qua đó Chúa hoạt động trên đời sống con người” (341).
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
famillechretienne.fr, Antoine Pasquier, 2020-06-25