“Cha tôi” – Người thổi luồng sinh khí mới cho Giáo hội

GPVO (11/10/2022) – “Cha tôi” có tên khai sinh là Angelo Giuseppe Roncalli, sinh tại làng Sotto il Monte, thuộc tỉnh Bergamo, vào ngày 25/11/1881, là con trai đầu của ông Giovanni Battista Roncalli và bà Marianna Mazzola. Ngay từ nhỏ, ngài đã có một đời sống rất đỗi mẫu mực về đời sống nhân đức, thánh thiện, bác ái, nhân hậu, sự khôn ngoan và lòng khiêm tốn.

Là vị Giáo hoàng thứ 261 của Giáo hội, đắc cử ngày 28/10/1958 và kết thúc triều đại của mình vào ngày 03/06/1963, một thời gian rất ngắn ngủi nhưng ngài đã để lại những dấu ấn khó phai và in đậm trong lòng người thế kỷ XX cho tới ngày nay. Đã 78 tuổi đời, tất cả mọi người đều cho rằng ngài là đấng chuyển tiếp, giữ ngôi vị trong một thời gian ngắn chờ đợi cuộc họp mới để bầu lại Giáo hoàng cho nhiệm kỳ tới. Thế nhưng, “cha tôi” lại nói: “78 tuổi mới làm giáo chủ thì chắc chả có gì lớn, rồi ngẫm nghĩ một lát ngài tiếp, nhưng tin tưởng vào Chúa thì không việc gì phải ngại”.

Ý nghĩ triệu tập Công đồng là một “linh ứng” đặc biệt của Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII. Tuy nhiều người nghĩ rằng ngài sẽ là một Giáo hoàng yên ổn nhưng chưa đầy 3 tháng sau khi đăng quang, ngài công bố ý định triệu tập Công đồng Vatican II vào ngày 25/01/1959 tại Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô sau khi tham khảo ý kiến của một số vị thân cận. Đây là một biến cố rất lớn và có tầm quan trọng trong lịch sử Giáo hội, đưa Giáo hội nhập cuộc vào thế giới tân tiến của thời đại ngày nay. Ngài đã nói câu thời danh: “Aggiornamento – Hãy mở những cánh cửa sổ ra. Hãy tìm hiểu nhìn xem những dấu chỉ thời đại. Hãy lắng nghe con người và tìm hiểu những suy nghĩ thắc mắc của họ”.

Vatican II là Công đồng đại kết thứ 21 của Giáo hội Công giáo. Công đồng nghiên cứu về mọi mặt của Giáo hội: đời sống phụng vụ, các mối quan hệ xã hội, Giáo hội và thế giới hiện đại, Giáo hội Công giáo và phong trào đại kết. Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII tin tưởng Giáo hội cần phải nhìn vào: “những dấu chỉ của thời đại” để có thể đáp ứng nhu cầu cần thiết của thời đại. Ngài khởi xướng Công đồng này vì cho rằng Giáo hội cần được canh tân để kết nối với các thành phần dân Chúa trong thế kỷ XX, khi đời sống trọng vật chất ngày càng chiếm lĩnh thế giới, một số hoạt động của Giáo hội cần được canh tân và giáo lý Công giáo cũng cần được rao giảng trong tương quan, dễ nắm bắt đối với các thành phần dân Chúa thuộc thời đại này.

“Cha tôi” – Người thổi luồng sinh khí mới cho Giáo hội là sự bình an của Chúa Thánh Thần. Ngài đã sống bình an khi thể hiện ra bên ngoài sự tự nhiên, thanh thản và luôn được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần. Không những vậy, ngài còn chuyển bình an đó đến với những ai tiếp xúc. Bên cạnh đó, sự vâng phục là năng lực bên trong của ngài: chu toàn trong sứ vụ của Giáo hội, sẵn sàng để được dẫn dắt đến những nơi ngài không muốn đến, những nơi ít người Công giáo và trung thành tuyệt đối vì ngài phó thác mọi sự trong tay Chúa. Vì thế, đời sống của ngài luôn được tiến bước trong bình an của Chúa Thánh Thần.

Đức Giáo hoàng Gioan XXIII được mộ mến ca ngợi là người cha, người mục tử nhân hậu tốt lành, có nếp sống giản dị khiêm nhường và chân thực. Ngài không là một nhà thần học có tầm cỡ lớn, cũng không là người có suy tư đưa ra ý tưởng tiên báo về cải cách thần học. Nếp sống đạo đức của ngài hướng theo truyền thống nhiều hơn. Dẫu vậy, ngài quan tâm để ý đến nỗi khó khăn xảy ra trong thời đại xã hội và chú ý đến áp lực sự đòi hỏi cần phải có cải tổ trong đời sống Giáo hội mà ngài đã nghe, đã nhìn cùng suy tư cảm nhận ra.

Hoài niệm, tưởng nhớ hay nghĩ về một con người tưởng chừng như đã rất xa nhưng lại thật gần để chúng ta thêm lòng yêu mến và noi theo. Hãy cố gắng không ngừng để đáp đền tình yêu Thiên Chúa với lòng tín thác vào Người, ta sẽ cảm nhận được sức mạnh của ơn Chúa, sẽ thấy Thiên Chúa không bao giờ thua kém sự quảng đại của ta. Chính Chúa sẽ gìn giữ, bảo vệ chúng ta trong phẩm giá cao quý của những người con của Người.

La Thứ (Dòng Mến Thánh Giá Vinh)