Cầu nguyện hay cầu xin?

Cầu nguyện hay cầu xin là hai động tác mới nghe qua tưởng như giống nhau, nhưng trong thực tế, hai hành động này hoàn toàn khác nhau về ý nghĩa tu đức và thần học. Tuy nhiên, có thể nói cho đến nay, phần đông giáo dân Việt Nam vẫn cho rằng cầu nguyện là đọc các kinh và xin ơn.

Tại các buổi cầu nguyện riêng tư trong gia đình, sau một loạt những kinh dài ngắn là tiếp đến phần xin ơn. Xin cho con thi đậu, có công ăn việc làm tốt, gia đình được bằng an, con cái thảo hiếu, vợ chồng hòa thuận. Xin cho người chồng được ơn ăn năn bỏ đàng tội lỗi, người vợ biết quay về với bổn phận làm vợ và làm mẹ. Xin cho gia đình tai qua nạn khỏi. Xin cho ca giải phẫu được kết quả tốt. Tương tự như vậy, trong các buổi đọc kinh chung, hoặc trong thánh đường, hầu như phần lớn đều chú trọng đến phần xin ơn. Thí dụ, Lời Nguyện Cộng Đồng (Lời Nguyện Giáo Dân) trong các thánh lễ cũng đều nhấn mạnh đến việc xin ơn. Tóm lại, nếu Chúa mà sốt ruột thì điều làm cho Ngài sốt ruột nhất là hằng giây, hằng phút, hằng giờ Ngài phải nghe chúng ta lải nhải, xin xỏ đủ thứ từ tầm thường nhỏ mọn đến to lớn mà nhiều khi không liên quan gì đến cuộc sống trần thế và cuộc sống tâm linh. Hơn thế nữa, những thứ mà con người xin xỏ thường lại làm hại cho người xin không chỉ ở đời sau mà ngay cả đời này nữa. Lý do duy nhất là chúng ta thường xin những gì mình thích, mình muốn, và xin theo ý mình, những thứ mà không theo như Kinh Lạy Cha mà Chúa Giêsu đã dạy.

Nhưng rất ít khi, và cũng rất ít người “ngồi dưới chân Chúa” để nói và nghe Chúa nói như Maria. Và đây mới chính là ý nghĩa đích thực của cầu nguyện.

CẦU NGUYỆN

Cầu nguyện là:

Theo Thánh Kinh Do Thái, cầu nguyện liên quan đến ý nghĩa của một cuộc trò truyện với Thiên Chúa, phần lớn mang hình thức cá nhân, tự nhiên, và không kiểu cách của một lời cảm ơn hoặc xin ơn… Thí dụ như Isaac, Moses, Samuel và Job, hành động cầu nguyện là cách thức thay đổi một tình huống cho tốt hơn.

Chúa Giêsu trong Kinh Thánh cũng cầu nguyện với Chúa Cha trước khi đi vào sứ vụ rao giảng Tin Mừng, khi tuyển chọn các Tông Đồ, khi làm phép lạ bánh hóa nhiều, khi biến hình trên núi Tabor, khi bước vào đường thương khó trong vườn Cây Dầu, và trên thập tự giá trước khi trút hơi thở cuối cùng: “Lạy Cha, Con xin phó linh hồn trong tay Cha” (Luc 23:46).

Chúa Giêsu cầu nguyện nhiều, nhưng Ngài chỉ dạy các môn đệ Ngài – và cho chúng ta – một kinh nguyện duy nhất:

“Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời,
xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
triều đại Cha mau đến,
ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày;
Xin tha tội chúng con
như chúng con cũng tha
cho người có lỗi với chúng con;
Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ,
Nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. (Mt 6,9-13)

Cách thức cầu nguyện:

Căn cứ vào lời cầu mà Chúa Giêsu đã dạy, theo truyền thống của Giáo Hội, khi cầu nguyện chúng ta phải có 4 tâm tình sau:

 a) Thờ lạy (Adoration): Tâm tình đầu tiên khi đến với Chúa là tâm tình thờ lạy. Mặc dù chúng ta được diễm phúc làm “con” Cha trên trời, nhưng mỗi lần ra trước mặt Ngài chúng ta vẫn phải có thái độ, cử chỉ, và tâm tình tôn kính, thờ lạy. Điều này chúng ta thấy xuất hiện ngay phần đầu kinh nguyện do Chúa Giêsu đã dạy:

“Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời,
xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
triều đại Cha mau đến,
ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”.

Là Cha của chúng ta, nhưng Ngài vẫn là một Thiên Chúa, là “Đấng toàn năng tạo thành trời đất muôn vật hữu hình và vô hình.” (Kinh Tin Kính). Vì thế, mỗi khi ra trước mặt Ngài, ngoài tâm tình yêu mến của một người con, chúng ta còn phải có tâm tình tôn kính, thờ phượng của một thụ tạo. Mong cho danh của Cha mình cũng là Chúa mình hiển sáng, triều đại Ngài mau đến, ý định thánh thiện của Ngài được mọi loài đón nhận, suy tôn.  

b) Thống hối (Contrition): Vì là một người con, và cũng vì là một thụ tạo, chúng ta thật sự bất xứng khi đứng trước mặt một người Cha, là Đấng Thánh. Chúa Giêsu đã dạy chúng ta về nghĩa vụ trọn lành này trong cuộc sống: “Hãy nên trọn lành như Cha các người là Đấng trọn lành ở trên trời” (Mt 5,48).

Từ cảm nhận về thân phận bất toàn của mình trong tư tưởng, lời nói, việc làm; trong cung cách cư xử với Cha và với anh chị em mình, chúng ta phải thật lòng xin ơn tha thứ. “Xin tha tội chúng con như chúng con cũng tha cho người có lỗi với chúng con”. Đây không chỉ là một lời xưng thú tội mình, mà còn là lời cầu xin lòng thương xót của Cha cho mình cũng như cho anh chị em mình, những người mình có lỗi với họ cũng như họ có lỗi với mình.

 c) Xin ơn (Petition): Sau khi đã để lòng mình hòa tan vào tâm tình yêu mến, thờ phượng, và nhận ra sự thiếu thốn, bất toàn của mình, chúng ta hãy tâm sự với Chúa, giãi bày những nhu cầu tinh thần cũng như thể chất, niềm vui cũng như nỗi buồn, những cái đang làm cho đời sống chúng ta nặng nề, day dứt.

“Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”. Điều này cho chúng ta nhận ra rằng Thiên Chúa rất nhân từ, rất thực tế, rất con người. Ngài để ý đến cuộc sống thường ngày của các con cái Ngài. Ngài để ý tất cả. Ngài quan tâm cả đến những nhu cầu cơm, áo, gạo, tiền. Những nhu cầu về sức khỏe tinh thần và thể xác. Những vướng mắc về đời sống thể lý, tâm lý khiến cho cuộc sống trở nên nặng nề, vất vả. Chuyện cá nhân, chuyện gia đình, chuyện công ăn việc làm, chuyện tình yêu, chuyện tình cảm, chuyện vợ chồng, chuyện con cái… Và chúng ta hãy cứ mạnh dạn tâm sự và kể cho Chúa nghe. Mặc dù Ngài biết tất cả những thứ đó, nhưng Ngài cũng muốn đích thân chúng ta tâm sự với Ngài.

“Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”. Nhưng những thao thức, những gánh nặng vật chất không bằng những gánh nặng và trăn trở tâm linh, đó là những cám dỗ thường ngày chúng ta gặp phải. Cám dỗ về tiền, về tình, về danh vọng, về những thỏa mãn dục vọng. Những thứ thuộc tứ đổ tường như cờ bạc, rượu chè, trai gái, nghiện hút. Nhất là những cám dỗ về sự thất vọng trước những khó khăn hầu như không còn đường giải quyết, và về niềm tin, về sự trăn trở cuối cùng trước tình yêu thương của Thiên Chúa. 

d) Cảm tạ (Thanksgiving): Những tâm tình trên cùng với những lời cầu xin phải được hòa trộn vào lời cảm ơn để dâng lên Thiên Chúa.

Để đáng Thiên Chúa ban tặng và chấp nhận, thì lời cầu xin của chúng ta phải đi kèm mới lời cảm ơn. Trong dụ ngôn mười người phong cùi, Chúa Giêsu đã bày tỏ sự ngạc nhiên về thái độ vô ơn của con người khi Ngài lên tiếng hỏi: “Không phải cả mười người được sạch cả sao? Còn chín người kia ở đâu? Sao chỉ có người ngoại bang này trở lại và ngợi khen Thiên Chúa.” (Lc 17,17).

Trong thực tế, rất nhiều lần chúng ta cũng hành động một cách vô ơn như chín người phong cùi kia. Và hành động vô ơn ấy cũng làm cản trở cho việc chúng ta đón nhận những ơn mới. Cảm tạ hồng ân Thiên Chúa, do đó, chính là một lời ngợi khen làm Ngài ưa thích: “Và hãy kêu cầu Ta trong ngày ngươi bị thử thách. Ta sẽ giải thoát ngươi, và ngươi sẽ ngợi khen Ta.” (Tv 50,15).

Thường ngày, chúng ta còn phải cảm ơn Thiên Chúa về thời giờ mà Ngài cho chúng ta để chúng ta sống, để tồn tại, và để đến với Ngài. Trong khi chúng ta được đón tiếp Ngài vào tâm hồn, được có thời giờ mà tâm sự với Ngài thì ngoài kia, biết bao người đã không có được những thời khắc, những cơ hội quý báu đó. Hoặc nếu có, họ đã không may mắn như chúng ta biết dùng những thời giờ để đến với Chúa.     

CẦU XIN

Như vậy cầu nguyện rõ ràng không chỉ là cầu xin, không phải là hành động mang ý nghĩa xin xỏ, khóc lóc, kêu van. Cầu nguyện là một cử chỉ giãi bày, một cuộc trò truyện tâm tình giữa cha con. Người con nói cho cha mình biết những gì mình cần, mình muốn, và người cha lắng nghe. Nó hoàn toàn khác với lối kêu ca, kể lể, khóc lóc, vật vã và đòi hỏi như đặt điều kiện và ra lệnh cho Chúa. 

“Đừng lải nhải nhiều lời”:

“Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin” (Mt 7-8).      

Nói như vậy có nghĩa là Chúa biết tất cả. Ngài biết rõ nhu cầu của chúng ta, tuy nhiên, Ngài cũng không ngăn cấm chúng ta cầu nguyện bằng lời. Cụm từ “lải nhải nhiều lời”, hiểu theo ý cầu nguyện, đó là chúng ta đọc nhiều kinh đã được soạn sẵn, đọc một cách máy móc, lảm nhảm, lập đi, lập lại. Điều này cũng xảy ra ngay cho cả nhiều người trong bậc tu hành mỗi ngày đọc kinh thần vụ, lặp đi lặp lại các Thánh vịnh, các trích đoạn Thánh Kinh một cách uể oải, chán nản, và vô hồn. Nó cũng nói lên một quan niệm hết sức ấu trĩ về đường tu đức, đó là cứ kinh kệ, lễ lậy nhiều sẽ được Chúa ban ơn cho.     

“Cứ xin thì sẽ được” (Lc 11,9-13):

Tuy nhiên, trong Phúc Âm thánh Matthêu, Chúa Giêsu cũng nhấn mạnh đến việc kiên trì cầu nguyện: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho” (Mt 7,78). Nhưng phải hiểu rằng sự kiên trì là một thái độ tin tưởng và tín thác nằm trong đức tin và đức cậy chứ không phải hành động lì lợm, vòi vĩnh, và ăn vạ.

Quan trọng trong việc cầu nguyện không phải là muốn những gì mình muốn, và được những gì mình được. Đức tin cho chúng ta biết rằng, Chúa là cha nhân lành, Ngài sẽ ban cho chúng ta tất cả những gì mình cầu xin nhưng không nhất định phải là ban cho những gì mình muốn và ban vào thời điểm mình muốn. Ngài nhìn thấy toàn bộ đời sống chúng ta, và Ngài an bài mọi sự cho tốt đẹp nhất theo lòng rộng rãi, yêu thương của Ngài. Như vậy tín thác cũng là một phần của đức trông cậy.

Trong cầu nguyện mặc dù vẫn có trình bày, kể cho Chúa nghe những nhu cầu và những gì mình đang thiếu thốn. Tuy vậy, đây không phải là lối xin xỏ, than van, hoặc nhiều lời. Đối với Chúa là cha nhân lành, ta không nên dùng chữ xin mà tốt hơn nên dùng chữ trình bày, thưa chuyện với Ngài. Và ở điểm này nói lên sự khác biệt giữa cầu nguyện và cầu xin. Tác giả Thánh vịnh cũng đã thưa lên với Chúa:

“Lạy Chúa, ước vọng của con, Chúa đều thấu tỏ,
Tiếng con than thở, làm sao Chúa chẳng tường” (Tv 38,10).   

CẦU NGUYỆN THAY CHO CẦU XIN

“Tất cả những gì anh em lấy lòng tin mà xin khi cầu nguyện, thì anh em sẽ được.” (Mt 21,22) Chúa Giêsu đã khẳng định và hứa chắc như vậy, không lẽ Ngài lại không nhận lời chúng ta khi cầu nguyện.

Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên thì cầu nguyện là bổn phận và là việc làm từ phía con người, còn nhận lời và ban ơn thì thuộc quyền của Thiên Chúa. Nhưng cách thức con người tiếp cận với Chúa như thế nào và làm sao lời cầu của mình được Ngài đoái nghe thì ngoài việc đọc kinh này, kinh khác, van xin điều này điều nọ, cách tốt nhất vẫn là trình bày với Chúa, thưa chuyện với Chúa như người con nói chuyện với cha mình, như hai bạn tâm giao tâm sự và chia sẻ với nhau. Chúa Giêsu đã nói về cách cầu nguyện này: “Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” (Lc 10,42)  

Tóm lại, chúng ta nên tập thói quen đến với Chúa bằng cầu nguyện thay vì chỉ để cầu xin.   

Ts. Trần Mỹ Duyệt