Nhiều cảm xúc khi thấy chuỗi quán cơm 2.000, nồi soup của quý soeur và những phần cơm 0 đồng …
Câu chuyện là Cha Nguyễn Sang cùng nhiều người khác với tấm lòng yêu thương người nghèo đã cho ra chuỗi quán cơm 2.000. Cũng từ lâu lắm, ấp ủ và hướng đến người nghèo được khởi đi từ “Tiếng Hát cho người nghèo” đã lan tỏa tình yêu thương, hơi ấm bình an và sự chung chia của Cha Sang đến với những mảnh đời vất vả.
Thấy chuỗi quán cơm đó hay quá để rồi tôi đưa lên để chia sẻ với ai đó có khi cần.
Tôi thầm nghĩ :
Người cần đó có khi là những lao động nghèo ở Sài Thành. Người cần đó là những người đang thiếu ăn giữa thành đô phồn hoa đô hội. Người cần đó là những người lỡ bước giữa trưa trời nóng bức.
Người cần đó có khi là những người muốn chia sẻ (cho những nơi chính đáng và thực tế) mà không biết nơi chia sẻ.
Người cần có khi là những bậc phụ huynh muốn dạy cho con cái của mình về lòng bác ái và sự sẻ chia.
Có khi người khá giả cũng nên vào đó ăn một bữa để gọi là đồng thân đồng phận với con người để nhận ra cuộc đời này có quá nhiều điều hay.
Có khi người khá giả vào đó ăn 1 suất cơm nhưng không phải trả 2.000 đ nhưng là trả nhiều hơn nhiều lần cái 2.000 đ đó để quán có thể tiếp tục duy trì trong nhiều năm nữa.
Và tôi, có khi về Sài Thành cũng cần ghé qua nơi đó để cũng được đồng thân đồng phận với người nghèo.
Những ý tưởng dành cho người nghèo quả tuyệt vời trong cuộc sống.
Cạnh quán cơm 2.000, theo như tôi được biết là có 2 nồi soup 0 đồng của quý nữ tử Bác Ái Vinh Sơn ở bệnh viện Phạm Ngọc Thạnh và bệnh viện Ung Bướu.
Khi còn ở Sài Thành, nhiều lần đến 2 nơi này và thấy được 2 nồi soup thật dễ thương. Cũng có những lần cùng với quý nữ tu và anh chị em gọt rau củ cũng như đi chia sẻ tận phòng cho bệnh nhân.
Những nồi soup cũng như công việc của quý nữ tử Bác Ái Vinh Sơn thật thầm lặng. Nữ tử cùng những cộng sự viên vẫn miệt mài hết sức mình để lo cho công việc bác ái. Điều quan trọng nhất là dường như những người này không hề đưa lên mạng hay sử dụng website. Dù không phô trương nhưng tôi được biết quỹ của 2 nồi soup này dường như không bao giờ vơi như hủ bột và bình dầu của bà góa thành Sarepta xưa.
Kế đến, nhiều giáo xứ cũng như dòng tu cũng đã có những phần cơm “0 đồng” cho những người cần đến.
Cánh cổng của Tu Viện Mai Khôi – Tú Xương (Dòng Đaminh) vẫn rộng mở ngay cả trong những hoàn cảnh bó buộc (dịch bệnh) để chia sẻ với người nghèo. Những phần cơm, quả chuối, chai nước suối được trao tận tay người nghèo như nói lên tấm lòng của quý tu sĩ Dòng Đaminh cũng như những ân nhân.
Nhìn cái cảnh mấy cha bạn cùng lớp cũng như các cha thân quen ở Tú Xương làm MC điều động những buổi phát cơm hay quà thật dễ thương. Các vị đã có cơ hội cũng như điều kiện để tiếp cận thật gần với những mảnh đời cơ khổ.
Phải nói đó là nét đẹp của lòng người nói chung và của lòng bác ái Kitô giáo. Những người đến với quán cơm 2.000, đến với nồi soup hay phần cơm 0 đồng không phân biệt lương giáo. Hễ những ai cần thì đều có thể đến để chung chia với phận người.
Qua những phần cơm, phần soup, ta vẫn thấy tình yêu thương dành cho người nghèo vẫn cứ nhẹ nhàng gửi đến với những phận nghèo. Dễ thương lắm khi thấy được lòng bác ái được thực thi cách thực tiễn trong cuộc sống
Trong thân phận là một người nghèo tôi luôn ý thức mình nghèo. Mình đang còn sống cùng, sống chung và sống với người nghèo nên phần nào dễ cảm nhận với cái nghèo của người nghèo. Tôi viết những dòng cảm xúc này tự đáy lòng chứ không hề có ý định pr cho ai đó.
Vui với những người biết cho đi và cũng vui với những người đến để nhận lãnh. Xin Chúa chúc lành cho người cho đi cũng như những ai đến nhận lãnh.
Lm. Anmai, CSsR