Khi đề cập sự mong chờ hoặc đợi chờ, người ta thường nhớ tới hình ảnh con vạc (cũng gọi là hạc – nycticorax). Đó là sự mong đợi của hai người yêu nhau, nhưng chúng ta cũng có thể dùng hình ảnh con vạc để nói về nỗi lòng của chúng ta trong Mùa Vọng – khoảng thời gian chuẩn bị đón mừng Con Thiên Chúa giáng trần.
Mỗi loài đều có đặc tính riêng, nhưng có lẽ loài vạc có đặc tính “lạ” nhất. Vạc là động vật có cánh, một loài chim thuộc họ diệc, kiếm ăn ban đêm và có tiếng kêu buồn thảm. Tiếng kêu của loài Vạc nghe buồn thảm vì là tiếng lòng của kẻ lẻ bạn, đơn độc, một mình bay đi kiếm ăn ban đêm nhưng lòng vẫn thương nhớ khôn nguôi về người bạn tình phương xa. Não nề lắm, da diết lắm! Người ta gọi đó là “tiếng vạc kêu sương” – tiếng vạc kêu trong màn sương lạnh lùng của đêm tĩnh lặng thì chắc hẳn là u uẩn và buồn bã lắm!
TÌNH VỌNG
Điển tích xưa kể rằng: Thôi Hộ là danh sĩ đời Trung Ðường, diện mạo khôi ngô, thích làm bạn với sách vở và bút nghiên. Trên đường lên kinh ứng thí giữa tiết Thanh Minh, mọi người đang vui hội Ðạp Thanh (giẫm lên thảm cỏ xanh). Khi đi ngang qua vườn hoa đào tuyệt đẹp, chàng dừng lại ngắm và xin nước uống, một mỹ nhân duyên dáng ra mở cửa. Nàng mời trà, chàng đón nhận. Ðôi tay vô tình chạm nhau, nàng thẹn thùng cúi mặt, má ửng hồng, chàng cũng bồi hồi, ngượng nghịu. Gặp nhau không lâu nhưng cả hai thấy tâm đầu ý hợp, quyến luyến nhau. Thôi Hộ phải đi vì công danh sự nghiệp, Phụng Trinh đứng dưới gốc đào ngơ ngẩn nhìn theo…
Đến năm sau, vào ngày hội du xuân, chàng nho sinh nhớ người con gái đã khiến chàng dệt bao mộng đẹp. Chàng tìm đến vườn đào để thăm. Bước vội vã hân hoan của chàng khựng lại khi thấy cửa đóng then cài, cảnh cũ còn mà người xưa vắng bóng. Chàng buồn bã nhìn hoa đào nở tươi trong gió xuân mà bùi ngùi niềm cô quạnh. Chàng thờ thẫn đau lòng khi nghĩ nàng đã theo chồng. Quá thất vọng, chàng thảo bốn câu thơ trên cửa cổng, ghi lại tâm tư sầu nhớ ngậm ngùi của mình.
Rồi chiều đến, nàng cùng cha trở về, chợt nhìn lên cổng thấy bốn câu thơ, nét chữ tinh xảo, ý thơ dồi dào, nàng xúc động khi biết rõ tình cảm nhớ mong của chàng ẩn chứa trong đó. Nàng buồn bã hối tiếc không về kịp để gặp lại chàng. Ngày qua ngày nàng tựa gốc đào tha thiết mong đợi và hy vọng nho sĩ phong nhã năm xưa trở lại. Thời gian cứ trôi, cánh chim bạt gió cất tiếng kêu thảm thiết não nùng vì lẻ bạn khiến lòng nàng tê tái. Cứ hết hè lại thu sang, đông qua rồi xuân về, nỗi nhớ nhung nung nấu khiến lệ trào khóe mắt, bóng chàng vẫn biền biệt. Nàng tuyệt vọng, bỏ ăn, bỏ ngủ, thân xác tiều tụy, dung nhan võ vàng.
Thương con gái, người cha lo tìm thầy giỏi chữa trị cho nàng. Mà làm gì có thuốc trị bệnh tương tư chứ? Biết mình kiệt sức không sống được, nàng đành thuật lại tâm sự của mình cho cha nghe và xin cha tha tội bất hiếu. Người cha xúc động thương cho phận bạc của con gái. Nhìn con nằm lịm trên giường bệnh chờ đợi tử thần, ông nóng lòng đứng ngồi không yên. Ông nghĩ đến chàng thư sinh, chỉ có người ấy mới có thể cứu sống con gái. Vừa ra khỏi cổng, ông găp ngay một chàng thư sinh tuấn tú. Thấy ông già đi như chạy, chàng vội thăm hỏi. Ông kể lể sự tình…
Nhận ra nhau, hai người vội chạy vào nhà, nhưng cũng là lúc Phụng Trinh trút hơi thở cuối cùng. Chàng xúc động quỳ xuống, cầm tay nàng, úp mặt vào mặt nàng vừa khóc nức nở vừa kêu tên nàng thảm thiết. Tiếng kêu bi thương như lay hồn nàng thức tỉnh, và những giọt nước mắt nóng hổi của tình yêu nhỏ xuống mặt nàng khiến nàng hồi sinh. Nàng mở mắt nhìn chàng và nở một nụ cười sung sướng. Ðào Bạch Phụng bằng lòng cho Phụng Trinh và Thôi Hộ nên duyên cầm sắt.
Một câu chuyện tình buồn nhưng tình yêu chân thật đã lật ngược thế cờ, khối u tình mà lại có hậu. Thật may mắn và hạnh phúc thay! Thiên Chúa cũng sẽ biến đổi cuộc đời chúng ta nếu chúng ta thành tâm yêu mến và tín thác vào Ngài. Lời cầu nguyện có sức biến đổi mọi sự, kể cả số phận của một con người.
HỒN VỌNG
Diễn tả nỗi mong đợi mà linh hồn hướng về Thiên Chúa, Thánh Vịnh gia thổ lộ: “Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong, hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa!” (Tv 42:2). Nỗi mong đợi luôn khiến người ta khắc khoải, bồn chồn, thao thức, và dù chẳng làm gì sai trái mà đôi khi như bị “dằn vặt” vậy vì muốn gặp gỡ cho thỏa lòng: “Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống. Bao giờ con được đến vào bệ kiến Tôn Nhan?” (Tv 42:3). Người mong kẻ đợi không bao giờ an tâm, cũng có nghĩa là không cảm thấy hạnh phúc, nói thẳng ra là đau khổ lắm, đến nỗi mà Thánh Vịnh gia mô tả lương thực thế này: “Châu lệ là cơm bánh đêm ngày” (Tv 42:4). Ôi chao, thật là buồn biết bao!
Nhưng dù sao cũng phải kiên trì, và luôn tự nhủ: “Mong đợi Chúa, tôi hết lòng mong đợi, cậy trông ở lời Người. Hồn tôi trông chờ Chúa, hơn lính canh mong đợi hừng đông” (Tv 130:5-6). Trong nỗi mong đợi luôn “tiềm ẩn” niềm hy vọng – dù mạnh hay yếu, bởi vì có hy vọng mới kiên trì mọi người đợi.
Liên quan niềm hy vọng – đức cậy, có câu chuyện kể rằng…
Có bốn ngọn nến tượng trưng cho Hòa Bình, Niềm Tin, Tình Yêu, và Hy Vọng. Thế giới hiếm khi không có chiến tranh, giữa người với người cũng vẫn thiếu sự hòa thuận, dù là những người trong cùng một gia đình. Xung đột như vậy là dạng “chiến tranh nhẹ”.
Nhưng ngọn nến Hòa Bình cứ mờ dần, yếu dần, chỉ còn leo lét, rồi… tắt. Cũng vậy, thế giới ngày nay đang mất dần niềm tin, coi niềm tin tôn giáo là xa xỉ phẩm, thậm chí còn phỉ báng hoặc bách hại những người có niềm tin tôn giáo – nhất là niềm tin vào Đức-Kitô-chịu-đóng-đinh. Tiếp theo, ngọn nến Niềm Tin cũng cứ tắt dần, chỉ còn tỏa ra làn khói trắng luyến tiếc. Người ta “vào hùa” với nhau về tình trạng mất niềm tin – không tin có điều tốt lành và không tin nhau nữa. Tương tự, người ta cũng không cần ngọn nến Tình Yêu nên không muốn thắp sáng ngọn nến này nữa. Ngay cả những người thân máu mủ ruột thịt với nhau mà còn thổi tắt ngọn nến này thì làm sao nó có thể tỏa sáng? Cả ba ngọn nến kia đều tắt hết, và rồi chỉ còn ngọn nến Hy Vọng vẫn sáng, mặc dù ánh sáng của nó yếu ớt, le lói, lặng lẽ…!
Chút ánh sáng yếu ớt đó lại là thứ quan trọng, bởi vì ít ra cũng còn ngọn nến Hy Vọng. Cuộc sống này luôn cần ngọn nến này, dù các ngọn nến Hòa Bình, Niềm Tin và Tình Yêu đã tắt lịm. Tại sao vậy? Ngọn nến Hy Vọng cần thiết vì đó là ngọn nến Cậy Trông (đức Cậy), chính ngọn nến này sẽ đủ sức thắp sáng cho cả ba ngọn nến kia. Quả thật, đó cũng là triết lý sống của Mùa Vọng, mùa đợi trông Đấng Cứu Thế. Thánh LM Don Bosco: “Càng khốn khó thì càng phải tin cậy vào Thiên Chúa”. Hãy cố gắng ghi nhớ và thực hành theo lời khuyên thánh nhân, không chỉ trong Mùa Vọng này, mà suốt cả cuộc đời Kitô hữu.
Lạy Thiên Chúa, xin thương xót chúng con, chúng con trông cậy vào Ngài. Mỗi buổi sáng, xin Ngài nên cánh tay nâng đỡ chúng con; xin cứu độ chúng con trong lúc ngặt nghèo (Is 33:2).
Trầm Thiên Thu
Khởi đầu Mùa Vọng, Năm Phụng Vụ C – 2019