GPVO (7/5/2023) – Học viện Liên dòng Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII – Cái tên quen thuộc và gần gũi đối với tôi, một nữ tu và cũng là một học viên sắp tốt nghiệp Thần học tại ngôi trường đã gắn bó biết bao kỉ niệm này. Những ngày bận rộn trong việc ôn thi tốt nghiệp, lòng tôi dấy lên niềm cảm xúc khó diễn tả hết được. Mới ngày nào còn “chân ướt chân ráo” đến trường trong sự bỡ ngỡ, ngại ngùng thì lúc này đây, giây phút được gặp gỡ quý giáo sư và các bạn nơi mái trường yêu dấu này chỉ còn đếm ngược thời gian mà thôi. Trong giây phút linh thiêng bên Thánh Thể Chúa, tôi muốn được cùng Chúa lật giở lại những trang sách khó phai nơi mái trường Học viện Liên dòng Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII.
Tôi cảm mến từ những hình ảnh và tấm lòng chân thành nơi Đức cha Giáo phận, cha Giám đốc, chị Giám học, quý giáo sư cũng như tất cả các học viên nơi đây. Nhất là khi nhớ lại hình ảnh của những vị ân sư với màu tóc đã ngả màu bạc trắng, đó là màu của thời gian trôi qua, của bao dâu bể đổi thay. Đó là màu trắng kết dệt từ những đêm trằn trọc bên trang giáo án – “đêm hết đen thì tóc bạc trên đầu” (Louis Aragon). Bao nỗi trăn trở, lo âu về học trò đã làm mái đầu ấy điểm bạc. Nơi mái trường Học viện, tôi cùng với chị em được trau dồi kiến thức từ những kho tàng tri thức mà các giáo sư đã ‘đi nhiều ngày đàng’ trong kinh nghiệm “nhậm giáo đa niên” – (giảng dạy nhiều năm). Với bản thân tôi, qua những tiết học ở lớp, tôi cảm nhận các ngài đến trường không chỉ để bồi dưỡng, gửi trao lại kiến thức, chắp cánh nguồn tri thức cho học viên nhưng các Giáo sư đã mang đến cho tôi những “hạt giống” tươi tốt nhất. Đó là hạt giống của nhiệt huyết, hạt giống của sự hy sinh thầm lặng, hạt giống hy vọng và trên hết là hạt giống của một trái tim chan chứa yêu thương. Những hạt giống mà các vị ân sư nơi Học viện Liên dòng Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đã gieo vào cuộc đời của tôi cũng như các học viên khác, tôi tin sẽ trở thành những mầm xanh biến đổi bộ mặt trái đất này.
Những hạt giống ấy tưởng chừng như thật quá nhỏ bé trước một thế giới rộng lớn với bao biến động kia. Thế nhưng, quá trình âm thầm lớn lên từng ngày của nó lại mang đến một kết quả ngoài sức tưởng tượng khi nó “trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được.” (Mt 13, 32). Nơi các giáo sư, tôi không chỉ ngưỡng mộ về sự uyên bác nhưng chính các ngài đã truyền tải và hướng dẫn tôi không chỉ biết tích lũy, thu góp, “làm đầy kiến thức” trong sự hiểu biết của lý trí nhưng sâu xa hơn còn phải biết “làm đầy trái tim” bằng lòng mến, bằng những thao thức, rung cảm, hay như ngôn ngữ của các ngài thường dùng là cùng “cảm thức” với Giáo hội. Đặc biệt, các ngài cùng bước đi, cùng lắng nghe và sẵn sàng chia sẻ những ưu tư của các học viên trong tình yêu. Hơn thế nữa, chính các giáo sư đã cung cấp cho chúng tôi một gương sống hơn là những lý thuyết khi dành tâm huyết để chỉ dạy tôi và các học viên về nhân bản cùng những điều thiết yếu của một tu sĩ trong các chiều kích tương quan: với Thiên Chúa, với tha nhân và với chính mình.
Ngoài ra, ở mái trường Học viện, tôi còn được gặp gỡ, giao lưu thắm tình tỷ muội, tôi cảm nhận nơi đây như là sợi dây gắn kết tình “hiệp hành” giữa liên dòng với nhau. Mỗi người hòa quyện với nhau giữa đời sống chiêm niệm và hoạt động, gửi gắm cho nhau qua những cử chỉ yêu thương, học hỏi nhau trong những linh đạo ẩn sâu trong từng người. Tôi ví với gì đây? Tôi chỉ xin được ví mái trường Học viện Liên dòng như một bản nhạc, ở đó mỗi người là một nốt nhạc, nốt nhạc ấy có khi thăng khi giáng, một cung trầm bổng khác nhau với linh đạo, sứ vụ của từng Hội dòng. Mỗi người cũng có một tính cách vì hội tụ từ nhiều vùng miền nhưng “tứ giải giai huynh đệ”, bốn bể đều là anh em. Vì thế, chính bản thân tôi trước hết cần dám bào mòn đi những góc cạnh trong đời sống riêng của mình, biến ‘cái tôi’ trở nên trọn vẹn trong cái ‘chúng ta’, là “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”: người có cùng tiếng nói và ý chí với nhau thì đến kết hợp với nhau, nhờ đó tôi cùng ‘hiệp hành’ đúng nghĩa với chị em trong sự “gặp gỡ – lắng nghe và phân định”.
Có lẽ tôi là người được cảm thấu tình yêu của chị em nơi Học viện, không chỉ với những gì tôi thấy ở bên ngoài nhưng là chính những cảm nghiệm riêng cá vị của mình. Có hai năm hoàn thành xong chương trình thần học nhưng tôi lại có tới ba năm được đặt chân đến ngôi trường này, có cơ hội được gặp gỡ, tiếp xúc tới 4 khóa của Học viện. Sau khấn tạm một tháng, tôi háo hức với chị em trong ngày đến trường với những “kế hoạch chiến lược” mới trong hành trang thu thập tri thức. Tuy nhiên, chưa kịp làm quen với đội ngũ giáo sư và chị em trong lớp, tôi đành phải dừng việc học lại vì lí do sức khỏe. Thời gian đầu đối với tôi, phải “dừng lại” việc học cùng với những biến cố tâm lí khác khiến tôi như sắp “thất vọng” về ơn gọi và về tương lai cho chính mình nhưng động lực giúp tôi “chiến đấu” và “đứng lên” trước hết là nhờ ơn Chúa rồi những sự giúp đỡ, lời cầu nguyện của người thân trong gia đình, của cộng đoàn… Tất nhiên, tôi không thể quên được ân tình của cha Giám đốc, chị Giám học, quý giáo sư cũng như các quý chị trong Học viện đã nâng đỡ, đồng hành với tôi trong những năm qua.
Tôi còn nhớ hình ảnh hai năm trước, khi mỗi ngày các chị em cùng lớp tôi đi học về, đều gõ cửa phòng và mang vào cho tôi những món quà đơn sơ nhưng chân thành, ý nghĩa của chị em trên lớp gửi về. Dù chỉ là những quả cam, quả chuối, quả ổi được trang trí những khuôn mặt hình cười, những lời động viên an ủi, cho đến những bức tranh do các chị vẽ còn “chưa đủ nét”, những bài “thơ xuôi” các chị viết còn “hạn chế” vần… nhưng đó chính là động lực lớn giúp tôi mạnh mẽ vượt qua biến cố mà Chúa gửi lúc ấy. Những lúc như thế, tôi nghĩ chẳng ai nhìn vào sự toàn hảo nhưng chỉ nhìn vào sự chân thành và thiện chí dành cho nhau mà thôi và tôi cũng vậy.
Cứ ngỡ như tôi không thể tiếp tục với con đường học tập và cũng chẳng trọn trên hành trang dâng hiến nhưng “phép mầu” lại xảy đến nơi những ân tình nhỏ bé, đơn sơ mà thật vĩ đại ấy. Thấm thoát thế mà giờ tôi cũng sắp hoàn thành xong chương trình thần học nhờ ơn Chúa và ân nghĩa của tất cả mọi người. Nghĩ về ngày cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay, giây phút tôi hoàn thành xong chương trình thần học nhưng không có nghĩa là tôi sẽ kết thúc việc khám phá nguồn tri thức với những năm tháng “dùi mài kinh sử” mà đó lại là một sự khởi đầu mới cho hành trang tiếp thu của tôi. Bởi tri thức chính là những kinh nghiệm sống, là tinh hoa của nhân loại đã được chắt lọc, đúc kết và được thông truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hơn thế nữa, nhân loại ngày hôm nay đang từng ngày đề cao vị trí và vai trò của chất xám, vì thế, đối với tôi, việc đào tạo tri thức đối với một tu sĩ dù chỉ là “một nhu cầu, một phương tiện” giúp thi hành tốt sứ vụ tông đồ, nhưng cũng rất quan trọng và cấp thiết.
Đối với tôi, những năm đèn sách trên mái trường học viện này là một ơn huệ quý báu mà Chúa Quan Phòng ban cho, vì thế tôi luôn dằn lòng mình cần ý thức đón nhận ơn huệ này trong đức tin và tiếp thu cách trân trọng, như thể là một cơ hội có một không hai để chính tôi đươc lớn lên trong ý thức về mầu nhiệm Chúa Kitô. Nhờ đó, lòng trí tôi được khơi gợi để mở ra với chiều kích hoàn vũ của Giáo Hội, được thúc đẩy để đồng cảm với Giáo hội khi sẵn sàng “đèn” và “dầu” trong tay, đi đến với những người mà Chúa sẽ ủy trao cho tôi. Hai năm được tiếp thu những kiến thức cơ bản cũng như một chút chuyên sâu về Thánh khoa, nhưng từng ấy chưa thể đủ cho người tu sĩ như tôi bước vào đời, tôi cần không ngừng học hỏi và khám phá thêm những giá trị tiềm tàng nơi các bậc khôn ngoan giàu kinh nghiệm. Đặc biệt, tôi cần biết học nơi Thiên Chúa bài học của tình yêu và sự thật. Chính Thiên Chúa là “quyển sách sống” duy nhất của tôi, như Thánh Têrêsa Avila quả quyết: “Để học biết sự thật, tôi không có quyển sách nào khác ngoài Thiên Chúa” (Sách Đời Sống 26,5). Cũng trong tâm tình ấy, thánh Phaolô đã khéo léo nhắc nhở tôi trong tâm tình của ngài: “Tôi coi tất cả mọi sự là thua thiệt, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Ðức Kitô Giêsu, Chúa của tôi” (Pl 3,8).
Thiên Chúa là cội nguồn của mọi ơn huệ nhưng Người lại ban những ân huệ đó cho tôi qua những trung gian, cách riêng là những vị ân sư đã đi qua và để lại dấu ấn trong cuộc đời tôi. “Ân truyền thụ minh tâm khắc trí”, đúng như thế, tôi luôn khắc vào tâm trí những ân nghĩa đã nhận được. Chính Thầy Giêsu truyền thụ qua sự dẫn dắt tận tình của vị sáng lập, của quý Đức cha Giáo phận, bầu nhiệt huyết căng tràn nơi đội ngũ giáo sư và sự miệt mài hy sinh của bề trên và chị em các hội dòng. Ý tưởng đẹp sẽ chỉ là lý thuyết, chương trình hay sẽ chỉ là giấc mơ, nếu không có người thực hiện. Chính các vị ân sư và tất cả học viên của Học viện Liên dòng đã dệt tất cả thành những “bản âm hưởng” đầy tính hàn lâm nhưng cũng không thiếu sự tinh tế ngọt ngào sau chuỗi ngày “rong ruổi”, cố gắng tìm bến đáp để định hình cho con tàu tri thức. Nghĩ đến trường Học viện Liên dòng Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII, tôi muốn gửi gắm cảm xúc của tôi dệt vào những vần thơ, những trang nhật kí hay vào những ca khúc êm nhẹ sâu lắng. Nhưng tôi thiết tưởng, dẫu lời thơ nào cũng qua đi, ca khúc hay sự khen ngợi nào rồi cũng trôi vào dĩ vãng, nên tôi xin dệt cảm xúc ấy vào lời cầu nguyện, vì chỉ có lời cầu nguyện được khắc vào trái tim Chúa mới không bao giờ bị phai nhòa. Nguyện xin Chúa luôn thương tươi nét mặt nhìn đến và chúc lành cho những thiện chí của vị sáng lập, quý Đức cha, quý giáo sư cùng quý học viên.
Trang sách ân tình của quý ân sư mở ra không bao giờ khép lại, chẳng khi nào nhạt phai, luôn mới mẻ theo thời gian và tồn tại cùng năm tháng. Xin được xâu chuỗi lòng biết ơn ấy ngang qua những thiện chí quyết tâm mỗi ngày trên hành trình dâng hiến, để sau này có được sai đi tung gieo hạt giống nơi đâu, tôi vẫn luôn biết “giải mã” những “phương trình” trên lớp học bằng nhân cách sống hằng ngày mà chính các giáo sư đã “gieo” trong tâm hồn nhỏ bé này, nhờ đó tôi sẽ áp dụng “thần học bàn giấy” vào nơi “thần học bàn quỳ” suốt cuộc đời tôi.
Thiên Nhân, OP., Học viên K.VIII