Để truyền tải những kiến thức Giáo huấn Xã hội Công giáo về quyền tư hữu và những điều căn bản về Luật đất đai liên quan trực tiếp với người dân, trong 4 ngày cuối tháng 7 và đầu tháng 8 vừa qua, Ban Công lý và Hòa bình (CL&HB) Giáo phận Vinh đã tổ chức tập huấn cho các tiểu ban của các giáo xứ trong toàn giáo phận.
Chương trình tập huấn được bắt đầu từ ngày 29/7/2019 tại giáo xứ Thuận Nghĩa, với trên 600 tham dự viên đến từ 4 giáo hạt: Thuận Nghĩa, Vàng Mai, Phủ Quỳ và Đông Tháp. Ngày 30/7/2019, tập huấn tại giáo xứ Rú Đất, với trên 500 tham dự viên đến từ 3 giáo hạt: Bảo Nham, Quy Hậu và Kẻ Dừa. Ngày 31/7/2019, tập huấn tại giáo xứ Mỹ Yên, với gần 300 tham dự viên đến từ 3 giáo hạt: Xã Đoài, Nhân Hòa và Bột Đà. Ngày 01/8/2019, tập huấn tại giáo xứ Cầu Rầm, với trên 300 tham dự viên đến từ 3 giáo hạt: Cầu Rầm, Cửa Lò và Vạn Lộc.
Ban giảng huấn là quý cha trong Ban CL&HB Giáo phận Vinh, cùng với cha Giuse Lê Quốc Thăng, chánh xứ Phú Trung, TGP. Sài Gòn, Tổng Thư ký của Ủy ban CL&HB trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam.
Trong bài khai mạc chương trình tập huấn tại các cụm, linh mục Antôn Nguyễn Văn Đính, Trưởng Ban CL&HB Giáo phận Vinh đã cho biết mục đích và nội dung của chương trình tập huấn, đồng thời cám ơn sự hưởng ứng tích cực của các tham dự viên, sự đồng hành của các cha quản hạt, quản xứ. Ngài cho biết: “Để các hoạt động của Ban CL&HB tại các địa phương có kết quả, cần có sự đoàn kết của các thành viên trong giáo xứ, giáo hạt, nhất là có sự hướng dẫn và đồng hành của các cha quản xứ.”
Nội dung tập huấn trong đợt này, Ban đã giúp các tham dự viên hiểu đúng Giáo huấn của Giáo Hội về quyền tư hữu. Quyền tư hữu là một vấn đề gai góc của những vấn đề xã hội, nguồn gốc của sự phân chia thế giới thành hai khối ý thức hệ tư bản và cộng sản. Vấn đề quyền tư hữu liên quan tới rất nhiều vấn đề khác như lao động, thị trường, xí nghiệp. Ban chỉ trình bày đại cương sự tiến triển của Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội Công Giáo về tư hữu và một vài hệ luận luân lý: Quyền tư hữu từ trong Kinh Thánh; quyền tư hữu theo quan điểm của Giáo Hội từ thời sơ khai cho tới hôm nay; Sự tiến triển của học thuyết xã hội Công giáo về quyền tư hữu; Những chiều kích và những khía cạnh của quyền tư hữu; tư hữu đất đai.
Từ giáo huấn xã hội về quyền tư hữu, Ban giúp các tham dự viên có cái nhìn tổng quát về Luật đất đai hiện hành của nhà nước Việt Nam. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Các loại đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; các thành phần được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; cơ quan nào có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đất; tiến trình việc xin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; các loại giấy từ cần phải có khi đi xin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; các loại thuế phí phải đóng khi xin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; về vấn đề tách bìa đất; thời hạn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; điều kiện thuế chấp quyền sử dụng đất năm 2019.
Vấn đề thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng và các bước phải thực hiện khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất; các loại đất có thể chuyển đổi mục đích sử dụng và các bước phải thực hiện khi chuyển đổi mục đích sử dụng; vấn đề chuyển nhượng và hiến tặng đất.
Với những kiến thức cơ bản trên đây, Ban mong muốn các tham dự viên và mọi người dân hiểu biết thấu đáo để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, không bị lạm dụng để đóng góp những khoản tiền vô lý hay bị chiếm đoạt một cách bất công những mảnh đất quý báu của cha ông để lại.
Tuy Luật đất đai của nhà nước Việt Nam đã được sửa đổi nhiều lần nhưng vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được kịp đà biến chuyển trong đời sống xã hội, đặc biệt chưa quan tâm đến quyền tư hữu chính đáng của người dân. Cụ thể, luật đất đai của nhà nước Việt Nam quy định: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân”. Hiến pháp hiện hành chỉ công nhận quyền sử dụng đất chứ không công nhận quyền sở hữu đất của công dân. Điều này đã gây ra nhiều lạm dụng và bất công nghiêm trọng, là nguyên nhân của khoảng 80% các khiếu kiện trong nước. Thêm vào đó, nạn tham nhũng và hối lộ càng làm cho tình hình tệ hại hơn. Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thẳng thắn góp ý: “Nếu luật về đất đai còn nhiều bất cập thì nên sửa đổi cho hoàn chỉnh. Việc sửa đổi này cần phải quan tâm tới quyền tư hữu của người dân như Tuyên ngôn Quốc tế của Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền đã khẳng định: ‘Mọi người đều có quyền tư hữu cho riêng mình hay chung với người khác… và không ai có thể bị tước đoạt tài sản của mình cách độc đoán’ (số 17). Vì thế, chúng tôi cho rằng thay vì chỉ giải quyết theo kiểu đối phó hoặc cá biệt, thì giới hữu trách phải tìm giải pháp triệt để hơn, tức là để người dân có quyền làm chủ tài sản, đất đai của họ, đồng thời người dân cũng phải ý thức trách nhiệm của mình đối với xã hội. Đòi hỏi này lại càng khẩn thiết hơn trong bối cảnh toàn cầu hoá ngày nay, khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn vào nhịp sống chung của thế giới. Đây sẽ là tiền đề cho việc giải quyết tận gốc những vụ khiếu kiện về đất đai và tài sản của người dân.” (Quan điểm của HĐGMVN về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện nay, 27-9-2008).
Hy vọng rằng, trong tương lai gần, hiến pháp sẽ công nhận quyền sở hữu đất đai của công dân và các tổ chức tư nhân như tuyệt đại đa số các quốc gia trên thế giới.
Kết thúc chương trình tập huấn, các tham dự viên đã hòa chung tâm tình trong lời “Kinh Hòa Bình” của Thánh Phanxicô Assidi: “Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Ðể con đem yêu thương vào nơi oán thù. Ðem thứ tha vào nơi lăng nhục. Ðem an hòa vào nơi tranh chấp. Ðem chân lý vào chốn lỗi lầm…”
Trung Nghĩa