1. Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 11 Thường Niên năm B (13.06.2021) – Khám phá sự hiện diện của Chúa trong những điều bé nhỏ
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hai dụ ngôn mà phụng vụ hôm nay trình bày với chúng ta được lấy cảm hứng từ cuộc sống thường ngày của chúng ta và cho thấy cái nhìn chú ý và sâu sắc của Chúa Giêsu; Người quan sát thực tế và qua những hình ảnh nho nhỏ hàng ngày, Người mở ra những cửa sổ về mầu nhiệm của Thiên Chúa và diễn tiến của các sự kiện của con người. Chúa Giêsu nói cách rất dễ hiểu, bằng những hình ảnh thực tế trong cuộc sống hàng ngày. Bằng cách này, Chúa dạy chúng ta rằng, ngay cả những sự việc xảy ra mỗi ngày, những điều mà đôi khi có vẻ giống nhau, không thay đổi, và chúng ta thực hiện cách lơ là và mệt mỏi, chính là nơi có sự hiện diện ẩn dấu của Thiên Chúa, nghĩa là chúng cũng có ý nghĩa. Do đó, chúng ta cũng cần những đôi mắt chăm chú để có thể “tìm kiếm và tìm thấy Chúa trong mọi sự”.
Hôm nay, Chúa Giêsu so sánh Nước Thiên Chúa, nghĩa là sự hiện diện của Thiên Chúa ở trung tâm vạn vật và thế giới, với hạt cải, tức là với hạt giống nhỏ nhất. Tuy nhiên, được gieo vào lòng đất, nó mọc lên trở thành cây lớn nhất (Mc 4,31-32). Đây là điều Thiên Chúa làm. Đôi khi, sự ồn ào của thế giới, cùng với nhiều hoạt động diễn ra trong ngày sống của chúng ta, ngăn cản chúng ta dừng lại và nhìn xem cách Chúa đang hướng dẫn lịch sử. Tuy nhiên, Tin Mừng đảm bảo rằng, Thiên Chúa đang làm việc, giống như một hạt giống nhỏ và tốt, đang âm thầm và từ từ nảy mầm. Và, dần dần, nó trở thành một cây xum xuê, mang lại sự sống cho mọi người và họ có thể nghỉ ngơi dưới bóng của nó. Hạt giống của những việc tốt của chúng ta cũng có vẻ giống một điều nhỏ bé; tuy nhiên, tất cả những gì tốt lành đều thuộc về Thiên Chúa và do đó, nó từ từ sinh hoa trái một cách khiêm nhường. Điều tốt đẹp – chúng ta hãy nhớ – luôn phát triển một cách khiêm tốn, âm thầm, thường là vô hình.
Anh chị em thân mến, với dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn truyền cho chúng ta niềm tin tưởng. Thật vậy, trong rất nhiều tình huống của cuộc sống, chúng ta có thể nản lòng, vì chúng ta thấy điều thiện yếu hơn so với sức mạnh rõ ràng của điều ác. Và chúng ta có thể để cho mình bị tê liệt bởi sự nghi ngờ khi chúng ta thấy rằng, chúng ta đang làm việc chăm chỉ nhưng không đạt được kết quả, và mọi thứ dường như không bao giờ thay đổi. Tin Mừng yêu cầu chúng ta có một cái nhìn mới mẻ về bản thân và thực tế; nó đòi chúng ta mở đôi mắt lớn hơn, có thể nhìn xa hơn, đặc biệt là nhìn xa hơn vẻ bề ngoài, để khám phá sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng như tình yêu khiêm nhường, luôn hoạt động trong mảnh đất của cuộc đời chúng ta và của lịch sử. Đây là sự tin tưởng của chúng ta, đây là điều mang lại cho chúng ta sức mạnh để tiến bước mỗi ngày, cách kiên nhẫn, gieo điều tốt sẽ đơm hoa kết trái.
Thái độ này cũng quan trọng để thoát khỏi đại dịch cách tốt đẹp! Để nuôi dưỡng lòng tin tưởng rằng mình ở trong tay Chúa và đồng thời, để tất cả chúng ta cam kết xây dựng lại và bắt đầu lại, với sự kiên nhẫn và kiên trì.
Trong Giáo hội cũng vậy, cỏ dại của sự nghi ngờ có thể bén rễ, đặc biệt khi chúng ta chứng kiến cuộc khủng hoảng đức tin và sự thất bại của các dự án và sáng kiến khác nhau. Nhưng chúng ta đừng bao giờ quên rằng, kết quả của việc gieo giống không phụ thuộc vào khả năng của chúng ta: chúng phụ thuộc vào hành động của Thiên Chúa. Nó phụ thuộc vào chúng ta gieo hạt, với tình yêu, sự cống hiến, sự kiên nhẫn. Nhưng sức mạnh của hạt giống thuộc về Thiên Chúa. Chúa Giêsu giải thích điều đó trong một dụ ngôn khác trong bài Tin Mừng hôm nay: người nông dân gieo hạt giống và sau đó không nhận ra nó sinh hoa kết trái như thế nào, bởi vì chính hạt giống tự phát triển, cả ngày lẫn đêm, khi người nông dân ít trông đợi nhất (xem cc. 26-29 ). Với Chúa, nơi đất cằn cỗi nhất luôn có hy vọng về những mầm non mới.
Xin Mẹ Maria Rất Thánh, Nữ Tỳ khiêm nhường của Chúa, dạy chúng ta thấy được sự vĩ đại của Thiên Chúa, Đấng hành động trong những việc nhỏ bé và chiến thắng cám dỗ của sự nản lòng, và tin cậy nơi Chúa mỗi ngày.
Nguồn: vaticannews.va/vi
2. Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 11 Thường Niên năm B (17.06.2018) – Sức mạnh nhiệm mầu của Nước Thiên Chúa
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trong đoạn Tin Mừng hôm nay (x. Mc 4:26-34), Chúa Giêsu nói với đám đông về Nước Thiên Chúa và động lực phát triển của Nước này, và Người làm như vậy bằng cách kể lại hai dụ ngôn ngắn gọn.
Trong dụ ngôn thứ nhất (x. Mc 4,26-29) Nước Thiên Chúa được so sánh với sự lơn lên nhiệm nầu của hạt giống, được ném xuống đất rồi nầy mẩm, lơn lên và sinh bông hạt, một cách độc lập với nhà nông, sau thời gian chín mùi tiên liệu việc gặt hái. ĐTC giải thích như sau:
Sứ điệp mà dụ ngôn này nhắn gửi chúng ta là thế này: Qua việc rao giảng và hành động của Chúa Giêsu Nước Thiên Chúa đã được loan báo, đã ùa vào trong cánh đồng thế giới và như hạt giống, tự nó lớn lên và phát triển, nhờ sức mạnh riêng và theo các tiêu chuẩn mà con người không thể giải mã được. Trong việc lớn lên và nẩy mầm nó không tuỳ thuộc công trình của con người, nhưng nhất là nó diễn tả quyền năng và lòng lành của Thiên Chúa, sức mạnh của Chúa Thánh Thần, khiến cho cuộc sống kitô của Dân Thiên Chúa tiến tới.
Đôi khi với các biến cố và các tác nhân của nó lịch sử xem ra đi ngược hướng với chương trình của Thiên Chúa Cha trên trời, là Đấng muốn cho mọi con cái Ngài được sống trong công bằng, tình huynh đệ và hòa bình. Nhưng chúng ta được mời gọi sống các thời gian này như các mùa của thử thách, hy vọng và thức tỉnh chờ đợi việc gặt hái. Thật thế, hôm qua cũng như ngày nay Nước Thiên Chúa lớn lên trong thế giới một cách nhiệm mầu và gây kinh ngạc bằng cách vén mở cho thấy quyền năng dấu ẩn của hạt giống bé nhỏ, và sức sinh động chiến thắng của nó. Bên trong các nét gấp của các biến cố cá nhân và xã hội đôi khi xem ra ghi dấu sự đắm chìm của niềm hy vọng, cần tin tưởng vào hành động khiêm tốn nhưng quyền năng của Thiên Chúa. Vì thế trong những lúc đen tối và khó khăn chúng ta không được chán nản ngã lòng, nhưng phải neo chặt vào lòng trung thành của Thiên Chúa và sự hiện diện luôn luôn cứu độ của Ngài. Anh chị em hãy nhớ điều này: Thiên Chúa luôn luôn cứu rỗi. Ngài là Đấng Cứu Độ.
Trong dụ ngôn thứ hai (cc. 30-32), Chúa Giêsu so sánh Nước Thiên Chúa với một hạt cải nhỏ. Đó là một hạt rất nhỏ, nhưng phát triển đến độ trở thành một trong những cây lớn nhất trong vườn rau: một sự lớn mạnh không thể lường trước được, gây kinh ngạc. Đối với chúng ta thật không dễ hiểu cái luận lý không thể thấy trước được của Thiên Chúa và chấp nhận nó trong cuộc sống chúng ta. Ngày hôm nay Chúa khích lệ chúng ta có một thái độ tin tưởng vượt lên trên mọi chương trình, mọi tính toán và tiên liệu của chúng ta. Thiên Chúa luôn luôn là Thiên Chúa của các ngạc nhiên. Chúa luôn luôn gây ngạc nhiên.
Đó là một lời mời gọi chúng ta rộng mở với lòng quảng đại hơn cho các chương trình của Thiên Chúa trên bình diện cá nhân cũng như cộng đoàn. Trong các cộng đoàn của chúng ta cần chú ý tới các dịp lớn nhỏ của điều thiện, mà Chúa cống hiến cho chúng ta, bằng cách để cho chúng ta được lôi cuốn vào trong các năng động của tình yêu thương, tiếp đón và thương xót đối với mọi người.
Tính chất đích thực sứ mệnh của Giáo Hội không được đo lường bằng sự thành công hay sự tưởng thưởng của các kết quả, nhưng bằng việc tiến tới với sự can đảm của lòng tin tưởng và khiêm tốn tín thác nơi Thiên Chúa. Tiến tới trong việc tuyên xưng Chúa Giêsu và với sức mạnh của Chúa Thánh Thần.
Đó là ý thức được mình là các dụng cụ bé nhỏ và yếu đuối trong bàn tay của Thiên Chúa, và với ơn thánh của Ngài chúng ta có thể hoàn thành các công việc lớn lao, bằng cách làm cho Nước Ngài tiến tới, Nước của “công bằng hòa bình và tươi vui trong Chúa Thánh Thần” (Rm 14,17).
Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta sống đơn sơ, chú ý cộng tác với đức tin và công việc làm của chúng ta vào sự phát triển của Nước Thiên Chúa trong con tim và trong dòng lịch sử.
Nguồn: archivioradiovaticana.va
3. Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 11 Thường Niên năm B (14.06.2015) – Sức mạnh của Lời Chúa
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Bài Tin Mừng hôm nay bao gồm hai dụ ngôn rất ngắn: Dụ ngôn hạt giống nảy mầm và tự tăng trưởng, và dụ ngôn hạt cải (Xc Mc 4,26-34). Qua những hình ảnh này, rút từ môi trường nông thôn, Chúa Giêsu trình bày hiệu năng của Lời Chúa và những đòi hỏi của Nước Chúa, nêu rõ những lý do để chúng ta hy vọng và dấn thân trong lịch sử.
Trong dụ ngôn thứ nhất, sự chú ý được qui về sự kiện hạt giống, một khi được gieo trong lòng đất, tự nó nảy mầm và lớn lên, dù nông dân ngủ hay thức. Ông tin tưởng nơi tiềm năng ở trong chính hạt giống và sự màu mỡ của đất đai. Trong ngôn ngữ của Tin Mừng, hạt giống là biểu tượng Lời Chúa, và dụ ngôn này nhắc nhớ sự phong phú của Lời Chúa. Như hạt giống khiêm hạ phát triển trong lòng đất, Lời Chúa cũng hoạt động nhờ sức mạnh của Thiên Chúa trong tâm hồn người lắng nghe. Thiên Chúa đã ủy thác Lời của Ngài cho thửa đất của chúng ta, nghĩa là cho mỗi người trong chúng ta, với nhân tính cụ thể của chúng ta. Chúng ta có thể tín thác tin tưởng, vì Lời Chúa là lời sáng tạo, nhắm trở thành “bông lúa nặng trĩu hạt” (v. 28). Lời Chúa, nếu được đón nhận, thì chắc chắn sẽ mang lại hoa trái, vì chính Thiên Chúa làm cho Lời Ngài nảy mầm và tăng trưởng qua những con đường mà chúng ta không luôn luôn có thể kiểm chứng và theo thể thức mà chúng ta không biết (Xc v.27). Tất cả những điều ấy làm cho chúng ta hiểu rằng chính Thiên Chúa luôn luôn là Đấng làm cho Nước của Ngài được tăng trưởng, con người là cộng tác viên khiêm hạ của Ngài, con người chiêm ngắm và vui mừng vì hoạt động sáng tạo của Thiên Chúa và kiên nhẫn chờ đợi thành quả của Lời Chúa.
Lời Chúa làm cho mọi sự lớn lên, mang lại sự sống. Và ở đây, tôi muốn nhắc anh chị em một lần nữa về tầm quan trọng của việc có được Phúc Âm, Kinh Thánh trong tầm tay. Một cuốn Tin Mừng nhỏ trong túi, trong túi của bạn và để nuôi dưỡng bản thân bạn mỗi ngày bằng Lời hằng sống của Thiên Chúa. Đọc một đoạn Tin Mừng mỗi ngày, một đoạn Kinh Thánh. Xin đừng bao giờ quên điều này. Bởi vì đây chính là sức mạnh làm cho sự sống của Nước Thiên Chúa nảy mầm trong chúng ta.
Dụ ngôn thứ hai dùng hình ảnh hạt cải. Tuy là hạt bé nhỏ nhất trong các thứ hạt, nhưng lại đầy sức sống và tăng trưởng đến độ trở thành cây cao lớn nhất trong các thứ cây trong vườn (Mc 4,32). Nước Thiên Chúa là như thế: một thực tại rất nhỏ bé nói theo kiểu phàm nhân và bề ngoài không có gì là đáng kể. Để trở nên thành phần của Nước Chúa, cần phải có lòng thanh bần, không tín thác nơi khả năng riêng của mình, nhưng nơi sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa; không hành động để được coi là quan trọng trước mặt người đời, nhưng quí giá trước mắt Thiên Chúa là Đấng yêu chuộng những ngừơi đơn sơ và khiêm hạ. Khi chúng ta sống như thế, thì sức mạnh của Chúa Kitô, qua chúng ta, sẽ tràn vào và biến đổi những gì là bé nhỏ và khiêm hạ thành một thực tại làm dậy men toàn thể khối bột của thế giới và lịch sử.
Có một bài học quan trọng đến từ hai dụ ngôn này: Nước Thiên Chúa đòi sự cộng tác của chúng ta, nhưng trước tiên đó là sáng kiến và là hồng ân của Chúa. Hoạt động yếu ớt của chúng ta tác động, bề ngoài là bé nhỏ trước những vấn đề phức tạp của thế giới, nhưng khi được tháp nhập vào hoạt động của Thiên Chúa, thì không còn sợ những khó khăn. Chiến thắng của Chúa là điều chắc chắn: tình thương của Ngài làm nảy mầm và tăng trưởng mọi hạt giống hiện diện trong đất. Điều này mở ra cho chúng ta lòng tín thác và lạc quan, dù có những thảm trạng, bất công, đau khổ mà chúng ta gặp phải. Hạt giống sự thiện và hòa bình nảy mầm và phát triển, vì chính tình yêu thương từ bi của Thiên Chúa làm cho hạt giống ấy trưởng thành.
Xin Đức Trinh Nữ Maria, là Đấng đã đón nhận hạt giống Lời Chúa như một “thửa đất phì nhiêu”, nâng đỡ chúng ta trong niềm hy vọng này.
Nguồn: archivioradiovaticana.va
Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 11 Thường Niên năm B (17.06.2012) – Lý do hy vọng và dấn thân
Anh chị em thân mến,
Phụng vụ hôm nay đề nghị với chúng ta hai dụ ngôn ngắn của Chúa Giêsu: dụ ngôn hạt giống tự mình tăng trưởng và dụ ngôn hạt cải (Xc Mc 4,26-34). Qua những hình ảnh lấy từ nông nghiệp, Chúa trình bày mầu nhiệm Lời và Nước Thiên Chúa, và nêu lý do tại sao chúng ta hy vọng và dấn thân.
Trong dụ ngôn thứ nhất, sự chú ý được dành cho động thái của việc gieo hạt: hạt giống được gieo xuống đất, dù nông dân ngủ hay thức, hạt giống ấy nẩy mầm và tự tăng trưởng. Người gieo giống tín thác rằng công việc của mình không phải là không có kết quả. Điều nâng đỡ nông dân trong những vất vả hằng ngày chính là niềm tín thác nơi sức mạnh của hạt giống và đất tốt. Dụ ngôn này nhắc nhớ mầu nhiệm sáng tạo và cứu chuộc, công trình phong phú của Thiên Chúa trong lịch sử. Chính Ngài là Chủ Tể của Nước Chúa, con người là cộng tác viên khiêm hạ của Chúa, chiêm ngắm và vui mừng vì hoạt động sáng tạo của Chúa và kiên nhẫn chờ đợi thành quả. Phần cuối trình thuật này làm cho chúng ta nghĩ đến sự can thiệp kết thúc của Thiên Chúa trong ngày tận thế, khi Ngài sẽ thực hiện trọn vẹn Nước của Ngài. Thời gian hiện tại là thời kỳ gieo giống, việc tăng trưởng của hạt giống được Chúa bảo đảm. Vì thế mỗi Kitô hữu biết rõ mình phải làm tất cả những gì có thể, nhưng kết quả chung kết là tùy nơi Thiên Chúa: ý thức này nâng đỡ tín hữu giữa những vất vả thường nhật, nhất là trong những tình trạng khó khăn. Về vấn đề này, thánh Ignatio Loyola đã viết: “Con hãy hành động như thể mọi sự tùy thuộc nơi con, nhưng đồng thời con cũng biết rằng trong thực tế tất cả đều tùy thuộc vào Thiên Chúa” (Xc Pedro de Ribadeneira, Vita di S. Ignazio di Loyola, Milano, 1998).
Cả dụ ngôn thứ hai cũng dùng hình ảnh việc gieo giống. Nhưng ở đây là một hạt giống đặc thù, hạt cải, được coi là nhỏ nhất trong mọi thứ hạt. Dù nhỏ như vậy, nhưng nó đầy sức sống, từ đó nảy sinh một mầm có thể chui ra khỏi đất, mọc lên dưới ánh sáng mặt trời và tăng trưởng đến độ trở thành một “cây lớn hơn mọi cây khác trong vườn” (Xc Mc 4,32): sự yếu đuối là sức mạnh của hạt giống, sự kiện nó bị nứt vỡ ra chính là năng lực của nó. Cũng vậy đối với Nước Thiên Chúa: là một thực tại nhỏ bé xét về phương diện con người, bao gồm những người thanh bần trong tâm hồn, những người không tín thác nơi sức riêng của mình, nhưng nơi sức mạnh của tình yêu Chúa, những người không đáng kể trước mặt thế gian; nhưng chính qua họ mà sức mạnh của Chúa Kitô được biểu dương và biến đổi những gì có vẻ không phải quan trọng.
Hình ảnh hạt giống đặc biệt được Chúa Giêsu quí chuộng, vì nó biểu lộ rõ mầu nhiệm Nước Thiên Chúa. Trong hai dụ ngôn hôm nay, hình ảnh ấy tượng trưng sự “tăng trưởng” và “tương phản”: sự tăng trưởng diễn ra nhờ năng động ở trong chính hạt giống và sự tương phản hiển hiện giữa sự bé nhỏ của hạt giống và sự to lớn của những gì mà hạt giống tạo nên.
Sứ điệp ở đây thật là rõ ràng: Nước Thiên Chúa, tuy đòi sự cộng tác của chúng ta, nhưng trước tiên đó là một hồng ân của Chúa, ân thánh đi trước con người và công trình loài người. Sức mạnh bé nhỏ của chúng ta, bề ngoài có vẻ là bất lực trước những vấn đề của thế giới, nhưng nếu được dìm trong sức mạnh của Thiên Chúa thì không sợ những chướng ngại, vì chiến thắng của Chúa là điều chắc chắn. Đó là phép lạ tình yêu của Thiên Chúa, làm nảy mầm và tăng trưởng mọi hạt giống được gieo vãi rộng rãi trên mặt đất. Và kinh nghiệm về phép lạ tình yêu này làm cho chúng ta lạc quan, mặc dù có những khó khăn, đau khổ và bất hạnh mà chúng ta gặp phải. Hạt giống nảy mầm và tăng trưởng, vì chính tình yêu Chúa làm cho nó lớn lên.
Đức Trinh Nữ Maria, như đất tốt, đã đón nhận hạt giống Lời Chúa, xin Mẹ củng cố nơi chúng con niềm tin và niềm hy vọng này.
Nguồn: archivioradiovaticana.va