Bài đọc I : St 2,4b-9.15
Bài đọc II: Cv 20,32-35
Tin Mừng: Mt 25,14-30
Đang còn trong ba ngày tết mà đã nói đến công ăn việc làm, đó có phải là điều hợp lý không? Thực tế thì từ hôm nay, nhiều người nghèo khổ, “chạy ăn từng bữa”, đã bắt đầu đi làm, “kéo cày trả nợ” rồi. Bây giờ không còn như ngày xưa để mà bảo “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Dựa vào ba bài đọc chúng ta sẽ cố gắng tìm hiểu ý Giáo Hội muốn dạy chúng ta điều gì về công ăn việc làm từ những ngày đầu năm.
Thánh lễ Mùng Ba Tết được dâng để xin ơn thánh hóa công việc làm ăn trong năm mới. Vậy là những công việc bình thường của cuộc nhân sinh cũng có thể là phương thế cho Kitô hữu nên thánh. Chúng ta nên thánh không chỉ bằng đời sống đạo đức, tin yêu Chúa, mà còn bằng mọi việc nhỏ nhặt của đời sống thường ngày. Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông huấn Gaudete et Exsultate đã vinh danh Đức Hồng y P.X. Nguyễn Văn Thuận, khi nêu lên con đường nên thánh của ngài là làm những việc tầm thường một cách không tầm thường. Tất cả những việc bình thường hằng ngày tựa như những nét chấm đặt cạnh nhau, làm thành một đường thẳng nối ta với Chúa. Các bài đọc trong thánh lễ trình bày cho chúng ta ba điểm căn bản để thánh hóa công ăn việc làm.
1. CỘNG TÁC. Sau khi tạo dựng muôn loài muôn vật cách tốt đẹp, mà chính mình cũng cảm thấy hài lòng, Chúa giao vũ trụ lại cho con người (x. Bđ I). Thật vinh hạnh cho con người khi được góp phần vào các công cuộc của Chúa. Cộng tác với Chúa như một đôi vợ chồng sẵn sàng chấp nhận sinh sản con cái chứ không từ chối, một nam thanh hay nữ tú dấn bước trong đời tu trì thánh hiến, hoặc mỗi người thành tâm mưu cầu ơn cứu độ cho mình và người khác… Công việc lao động chân tay hay trí óc cũng là phương thế cộng tác với Chúa. Chúng ta hãy gạt bỏ não trạng coi lao động là hình phạt khổ sai do tội lỗi gây nên, trái lại hãy xem đó là một vinh dự, vì được góp phần với Chúa để hoàn thiện bản thân và hoàn mỹ vũ trụ này.
Đáng tiếc con người vì lợi ích phe nhóm hoặc ích kỷ, đã lạm quyền khai thác thiên nhiên cách bừa bãi, khiến vũ trụ không còn đẹp như thuở ban đầu. Những thảm họa thiên nhiên như bão tố, sóng thần, lũ lụt, nạn ô nhiễm môi trường, hiện tượng El nino, La nina làm thay đổi khí hậu… là hậu quả của việc con người không tôn trọng quy luật của thiên nhiên. Ai có dịp lên vùng Tây Bắc tổ quốc sẽ thấy núi đồi bị tàn phá, rừng cây bị triệt hạ vô tội vạ, khiến mỗi năm mỗi tăng thêm những cơn lũ quét, đất lở, cướp đi sinh mạng của bao người và làm kiệt quệ tài nguyên đất nước!
Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Thông điệp Laudato Si’ để mời gọi nhân loại chung tay xây dựng căn nhà chung là vũ trụ này. Người Công giáo có trách nhiệm, qua lao động, làm cho trái đất xinh đẹp hơn, tràn đầy màu xanh của sự sống chứ không trở thành sa mạc cằn cỗi, hoang vu, chết người.
2. LƯƠNG THIỆN. Trong việc làm ăn, con người phải tôn trọng quyền lợi của người khác bằng cách làm ăn lương thiện, chân chính, không gian tham của người. Đồng tiền kiếm được bằng mồ hôi nước mắt mới thật sự có giá trị. Của phi pháp thì vô nghĩa, đồng tiền ấy tanh tưởi mùi máu, là “tiền bẩn” theo Đức Phanxicô. Bài đọc II cho thấy thánh Phaolô tự tay lao động bằng nghề dệt vải lều chứ không ăn bám người khác: “Vàng bạc hay quần áo của bất cứ ai, tôi đã chẳng ham. Những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp”.
Xã hội Việt Nam hiện nay đảo điên, đâu đâu cũng thấy lừa đảo, cướp giật, gian tham, làm giàu bất chính, tham ô, nhũng nhiễu. Người Công giáo không được làm theo như thế. Có lần trao đổi với một số người làm thầu xây dựng, họ cho biết phải “bôi trơn”, “lót tay”, “lại quả” với người có chức quyền hầu mong được duyệt cho một vài dự án. Bù lại, họ phải rút ruột công trình, o ép công nhân. Nhờ bất lương như vậy mà họ giàu lên nhanh chóng, nhà cao, cửa rộng, xe sang. Họ bảo “làm ăn bây giờ phải như vậy”! Thế thì còn gì là muối mặn, men nồng, ánh sáng thế gian! Nếu họ bỏ ra cả trăm triệu để dâng cúng làm nhà thờ thì phải nghĩ sao? Đức Phanxicô nặng lời bảo: “Chúa không muốn những đồng tiền nhơ bẩn ấy”.
Một vấn đề nữa nay đã trở thành trầm kha không thuốc chữa là nạn thực phẩm bẩn, người ta dùng các loại hóa chất để giữ thực phẩm được lâu và hấp dẫn ngon lành, nhưng ăn vào thì độc hại. Lợi cho mình mà hại cho người. Không lương thiện rồi! Người Công giáo xin thánh hóa công ăn việc làm là xin cho mình có lương tâm ngay chính thật thà, không lừa đảo gian dối, “có nói có, không nói không”. Đó là nên thánh bằng công việc làm ăn vậy.
3. SINH LỢI. Dụ ngôn các nén bạc được giao cho các tôi tớ dạy ta phải nỗ lực cộng tác với Chúa để làm lợi cho Ngài và cho mọi người. Chúa tốt lành vô cùng, không đòi phải làm quá sức, hay mọi người như nhau. Ngài chấp nhận một hạt lúa nảy ra ba mươi, sáu mươi hay một trăm hạt khác, cũng như mỗi người được giao nhiều hay ít nén bạc, và họ cố gắng sinh lợi. Ngài không chấp nhận thái độ bất cộng tác của người “tôi tớ xấu xa và biếng nhác”, chôn vùi nén bạc rồi trả lại y nguyên. Y tưởng không làm mất nén bạc ông chủ giao là tốt rồi, mà không nghĩ phải làm lợi cho chủ, vì thế mà y bị chủ phạt.
Chúa giao vũ trụ cho con người cai quản, để bằng lao động trí óc hay chân tay, họ làm cho nó tươi đẹp hơn. Đó là làm lợi. Chúa không dành lợi lộc đó cho Ngài mà cho mọi người được cùng hưởng. Nguyễn Công Trứ đã để lại một triết lý khôn ngoan: “Của đồng lần thiên hạ tiêu chung”, nhắn nhủ rằng con người không được ích kỷ tìm lợi cho riêng mình, mà phải nghĩ đến người khác. Hiện nay tại nhiều nơi, kể cả Việt Nam, nổi cộm nghịch lý là hố phân cách giàu nghèo rất lớn, “kẻ ăn không hết, người lần không ra”. Một số ít người thâu tóm trong tay quá nhiều lợi lộc đến nỗi không biết làm gì cho hết, còn đại đa số lại chỉ được hưởng một phần quá nhỏ bé.
Qua ba điểm căn bản trên, chúng ta thấy Giáo Hội thật là người mẹ hiền muốn dẫn dắt chúng ta đi vào nẻo đường thánh thiện, lương thiện và hoàn thiện, khi ngay từ những ngày đầu năm mới đã đề ra hướng đi giúp chúng ta định hướng tốt cho công ăn việc làm. Xin Chúa chúc lành cho những công việc chúng ta sẽ làm trong năm nay, để “từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen”.
+GM Anphong Nguyễn Hữu Long