Cha Mario Alexis Portella, một linh mục người Mỹ nhập tịch vào Tổng Giáo phận Florence của Ý đã ở trong vùng của nhóm Boko Haram hồi tháng 7 và 8 năm 2019. Cha kể về cuộc bách hại mà Kitô hữu Nigeria phải chịu và bị truyền thông thế giới lãng quên. Cha gọi đây là một cuộc diệt chủng.
Giáng sinh năm 2019 vừa qua là Giáng sinh đẫm máu đối với các Kitô hữu Nigeria. 11 Kitô hữu đã bị bắn và chặt đầu vào ngày Giáng sinh tại một địa điểm không xác định, trong khi các Kitô hữu khác bị giết tại một địa điểm không xác định khác ở phía Đông Bắc của nước này. Phiến quân Nhà nước Hồi giáo ở tỉnh Tây Phi (Iswap), một phe của Boko Haram đặc biệt trung thành với cái gọi là Nhà nước Hồi giáo, tuyên bố lãnh trách nhiệm về các cuộc tấn công.
Một cuộc bách hại bị truyền thông lãng quên
Tin tức này không gây ngạc nhiên cho cha Mario Alexis Portella, Chưởng ấn của Tổng Giáo phận Florence, người đã nghiên cứu về Hồi giáo và đã viết một cuốn sách có tựa đề “Hồi giáo, có phải là tôn giáo hòa bình không?” Từ tháng 7 đến tháng 8 năm 2019, cha đã đến vùng Maiduguri, vùng Đông Bắc Nigeria, để thu thập những câu chuyện và chân dung về một cuộc bách hại bị truyền thông lãng quên. Cha Portella đã kể lại kinh nghiệm của mình.
Khi nhóm Hồi giáo Boko Haram bắt cóc 276 nữ sinh Nigeria vào năm 2014 và sự chú ý của thế giới tập trung vào Nigeria, chiến dịch “Đưa các cô gái của chúng ta trở lại” được bắt đầu. Nhưng vào tháng 2 năm 2018 đã có một vụ bắt cóc mới, và nó rất ít được nói đến.
Một cuộc diệt chủng được che giấu
Cha Portella nói với hãng tin ACI: “Những gì đang xảy ra ở Nigeria thì tương tự như một cuộc diệt chủng. Một cuộc diệt chủng ẩn giấu, bởi vì tình hình ở Châu Phi không được trưng bày ra, không có ánh đèn sân khấu giống như ở Trung Đông. Vì vậy, nạn diệt chủng và đàn áp đã xảy ra.”
Trong thời gian ở Nigeria, cha Portella được một linh mục trong vùng, đang học Truyền thông xã hội, đồng hành, và được quân đội hộ tống, cha đã có thể đến thăm các trường tư thục Công giáo và “cho họ thấy sự hỗ trợ của cha và khuyến khích họ. Cha kể: “Mọi người mỉm cười, vác thập giá.”
Cha Portella kể về nhiều câu chuyện, một số chuyện kinh khủng: “Có một phụ nữ đã bị nhóm Boko Haram bắt cóc ba năm trước để biến cô thành nô lệ tình dục của họ. Bị bốn người đàn ông hãm hiếp, cô đã mang thai và sinh một bé trai. Mặc dù điều này bị coi là không trong sạch, nhưng cô đã vượt qua những điều tồi tệ này để tiến bước, ngay cả với sự giúp đỡ của Đức giám mục.”
Tình hình ở Nigeria rất khó khăn. Boko Haram có trụ sở ở Đông Bắc của đất nước, là khu vực có lợi nhất về kinh tế. Cha Portella nhấn mạnh: “Họ hoạt động rất mạnh, tiếp tục giết người. Người ta nói về họ vì họ là người Hồi giáo, nhưng người ta không nói về các Kitô hữu đang bị đàn áp”.
Cha Portella nhớ lại rằng cuộc đàn áp Kitô hữu ở Nigeria bắt nguồn từ thế kỷ XIX, trong khi luật Shari’a (luật Hồi giáo) chính thức được thiết lập ở khu vực này vào năm 1999, và bạo lực Hồi giáo đã gia tăng kể từ khi ông Muhammadu Buhari được bầu làm tổng thống vào năm 2015.
Cha Paul Offu ở miền Nam Nigeria bị Hồi giáo Fulani sát hại
Trong số các biến cố bạo lực bị lãng quên, cha Portella nhớ lại “vụ giết người, vào ngày 1 tháng 8 năm ngoái, cha Paul Offu ở miền Nam Nigeria bị sát hại dưới bàn tay của nhóm Hồi giáo Fulani, là nhóm mà Tổng thống Buhari vẫn phải lên án là những kẻ khủng bố”.
Một tình huống khiến cựu Tổng thống Nigeria, Olusegun Obasanjo, lo sợ về khả năng “diệt chủng kiểu Rwanda”.
Cha Portella cũng nhớ lại quãng thời gian cha trải qua cùng “một người phụ nữ có chồng bị nhóm Boko Haram bắt cóc và sau đó sát hại. Đây cũng là một câu chuyện mà ít người nói đến.”
Những người di cư nhân danh Allah và mang thông điệp của Allah
Đối với cha Portella, vấn đề chính xác là ở luật “shari’a”, là luật cũng nhồi sọ các “Almajiri”, những người di cư được mời gọi di cư nhân danh Allah và mang thông điệp của Allah. Đối với nhiều người, hệ thống này là một chọn lựa hấp dẫn thay thế cho việc gửi con cái đến các trường công lập, vốn tốn tiền, trong khi một tỷ lệ lớn các trường tôn giáo ở Nigeria cung cấp giáo dục miễn phí. Nhưng người Almajiri phải lo cho các nhu cầu hàng ngày của họ, nhiều người đi khất thực khi không đi học; theo dữ liệu từ Hội đồng Phúc lợi Nigeria, khoảng 7 triệu người Almajiri cư trú trên đường phố phía Bắc Nigeria, gặp phải bạo lực, nạn buôn người, đói khát, trong khi những người sống sót nhận làm công việc lương thấp. Đó là một hồ chứa lớn cho chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.”
“Kitô hữu bị bỏ rơi trong giá lạnh”
Cha Portella không phủ nhận rằng cũng có những người Hồi giáo là nạn nhân của Boko Haram và Fulani, nhưng trong trường hợp đó, chính phủ đã hành động để giúp họ và xây dựng lại những ngôi nhà, trong khi “Kitô hữu bị bỏ rơi trong giá lạnh” và họ cũng bị “từ chối” phép xây dựng một nhà thờ; giấy phép sở hữu cuối cùng của một nhà thờ ở Maiduguri được cấp từ năm 1979.” Học sinh Kitô giáo không thể có “giáo trình Kitô giáo ở trường tiểu học và trung học, và bị buộc phải học đạo Hồi. Họ cũng bị từ chối công việc và sự thăng tiến trong các cơ quan của chính phủ.”
Một nạn thảm sát thực sự
Sự phân biệt đối xử này được kết hợp với bạo lực, dẫn đến một nạn thảm sát thực sự: chỉ riêng trong năm 2018, đã có ít nhất 1.200 người thiệt mạng và 200.000 người phải di dời do bạo lực Hồi giáo.
Vì lý do này, vụ thảm sát Giáng sinh không phải là một bất ngờ đối với cha Portella. Thay vào đó, sẽ tốt hơn nếu ánh đèn sân khấu cũng sáng lên ở Châu Phi, nơi mà cuộc đàn áp chống Kitô giáo vẫn còn rất mạnh. Và nó không được nói đến.
Những người bị sát hại là các vị tử đạo
Hôm 28/12, Đức Hồng y Robert Sarah, Tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, đã đăng một tweet về vụ sát hại hôm lễ Giáng sinh. Ngài viết: “Tại Nigeria, vụ giết 11 Kitô hữu bởi những kẻ Hồi giáo điên loạn là một lời nhắc nhở về việc có bao nhiêu anh chị em Châu Phi trong Chúa Kitô của tôi sống đức tin với nguy hiểm đến chính sự sống của họ. Những người được rửa tội này là các vị tử đạo. Họ đã không phản bội Tin Mừng.”
Hồng Thủy