Bạc

GPVO (1/10/2022) – Lâu ngày, ghé thăm gia đình người quen. Nhiều chuyện để kể cho nhau nghe nhất là những câu chuyện rất gần với đời thường.

Một trong những đề tài nói chuyện đó là những mối tương quan của con người trong cuộc sống. Có những mối tương quan thật chóng vánh hay chỉ qua đường nhưng rồi cũng có những mối tương quan giữa tôi và gia đình này tròm trèm ¼ thế kỷ.

Nói đến đây, chị nhà chợt nhớ trên trang cá nhân của chị ấy vừa đưa lên câu như ai oán về cuộc đời. Đại loại câu nói đó như nói rằng khi có tiền thì người người săn đón còn khi hết tiền cú điện thoại cũng chả thèm nghe.

Ít nhiều gì tôi cũng biết người đưa câu ai oán đó. Quả thật chị là một thương gia xem chừng ra là giàu có. Cũng cách đây hai chục năm có tôi có ghé qua nhà của chị ấy để nhận quà chị gửi cho một cha thân quen. Ngày đó, có thể nói là chị sống như bà hoàng vì đang ở trên đỉnh vinh quang.

Thời gian dần trôi, công việc làm ăn không như lòng chị muốn. Thế là tài sản của gia đình gồm nhà và đất cũng từ từ đội nón ra đi. Tài sản cứ cạn dần và công ăn chuyện làm không suông sẻ để rồi chị rơi vào hoàn cảnh cay nghiệt. Cũng từ hoàn cảnh đó, chị đã cảm thấy cay đắng mùi đời và nhất là về sự bạc bẽo của con người.

Thật sự thì chị không để ý đến câu nói của người xưa đó thôi : Còn tiền còn bạc còn đệ tử. Hết tiền hết bạc hết thầy tôi !

Chả có gì là lạ trong cái cõi nhân sinh này.

Biết bao nhiêu chuyện đã xảy ra trong cuộc đời về những câu chuyện và con người vô ơn bạc bẽo. Trong Thánh Kinh cũng gợi lại sự vô ơn của con người.

Nói đến ơn nghĩa, người lớn tuổi đều nghĩ ngay đến câu “thi ân mạc niệm, thọ ơn mạc vong”, là “Ban ơn thì đừng nhớ còn nhận ơn thì chớ quên”. 

Không có câu chuyện nào trong Kinh Thánh trình bày sự vô ơn một cách thấm thía cho bằng câu chuyện về chuyện 10 người phong hủi

Muời người phong hủi đến cùng Chúa Giêsu với một sự mong đợi có phần nào tuyệt vọng. Vào thời kỳ đó, bệnh phong hủi có nhiều điểm tương đồng như bệnh AIDS (liệt kháng) đối với chúng ta ngày nay. Và bệnh phong hủi rất dễ lây lan cũng như bất trị.

Những người phong hủi bị khai trừ, sống biệt lập và ngay cả bị khước từ những quyền căn bản nhất của con người. Chỉ có phép lạ mới chữa được bênh phong hủi. Và Chúa Giêsu đã chữa lành cả mười người, nhưng chỉ có một người trở lại cám ơn Ngài đã chữa lành, thay đổi toàn vẹn cuộc sống của họ.

Tôi tin chắc mỗi người trong nhóm của họ vô cùng biết ơn Ngài, nhưng có chín người không bao giờ nói lên tiếng cám ơn. Chỉ hai tiếng “cám ơn” đơn giản thôi đã làm nên điều khác biệt. Hai tiếng đó được nhìn nhận là những tiếng có thanh sắc nhất trong ngữ vựng chúng ta. Nhưng khi người ta nghĩ tới sự biết ơn hiếm khi xảy ra, cho dù xem ra như thế, thật khó khăn khi phải nói lên hai tiếng “cám ơn”!

Một người quen chia sẻ : “Cha ! Cái số con nó sao đó cha ! Con giúp cho nhiều người lắm. Trong đó có cả linh mục nữa. Dường như nhiều người con giúp đỡ giờ coi như họ phủi tay hết cha ơi !”

Nghe chị nói vậy biết nói sao cho cái kiếp người bạc với những ân nhân của mình. Để chị đỡ buồn, tôi trêu chị : “Sao chị không giúp cho em nè ! Em không có bạc đâu ! Em chả có bạc mà chả thấy ai giúp cả !”

Chả đâu xa, nơi một số linh  mục thân quen tôi, các ngài cũng đã hết lòng giúp đỡ người khác khi cần. Đến lúc người đó ổn định hay đến lúc không còn vòi vĩnh được nơi mình từng vòi thì họ rút lui.

Ngay bản thân tôi cũng chả tránh được người bạc trong cuộc đời. Đã hơn một lần để giúp đỡ cho anh ta thoát nạn. Thế nhưng thay vì trả ơn thì anh lại trả oán. Hỏi có buồn không thì có buồn chứ ! Vì tự hỏi sao mình giúp người mà người lại trả oán như vậy.

Thật thế, người ta có thể lấy thước để đo cả lòng sông nhưng chả ai lấy thước đo được lòng người. Sông sâu cũng có thể dò nhưng lòng người ai dò cho thấu. Chính vì thế, cũng chả nên buồn khi đâu đó vẫn có những người bạc.

Khi gặp những người bạc như vậy, chính họ dạy ta sống đừng bạc như họ.

Sống với nhau, chúng ta còn phải biết đối xử với nhau như thế, còn phải biết ơn người làm ơn cho mình, thì chúng ta lại càng phải biết ơn Thiên Chúa nhiều hơn nữa. Lòng biết ơn Thiên Chúa là thái độ làm con mà Chúa Giêsu đã làm gương, Ngài luôn luôn cảm tạ Chúa Cha thay cho chúng ta; thánh Phao-lô không ngừng tạ ơn Thiên Chúa thay cho các tín hữu và kêu gọi họ sống tâm tình biết ơn này. Lòng biết ơn Thiên Chúa còn là thái độ sâu xa nhất của lòng tin, đồng thời làm tăng thêm lòng tin vào Thiên Chúa. Chúng ta hãy nhớ: tạ ơn Chúa là dấu tỏ lộ lòng tin vào Thiên Chúa, là tuyên xưng lòng tin của mình.

Vô ơn cùng với bạc bẽo là một trong những tội gớm ghiếc nhất. Vô ơn làm cho người ta cảm thấy được quyền sử dụng mọi sự, cho mọi việc xảy ra đều là tự nhiên, tự cảm thấy mình vô dụng và hạ thấp cảm quan tự trọng của mình. Không biết ơn Chúa, không biết ơn người thì cuộc đời trở nên trống rỗng, hời hợt và vô vị. Không biết cám ơn thì chính cuộc sống trở thành bạc bẽo, chán chường. Trái lại, biết ơn là một trong những sự việc đẹp nhất trên đời.

Lm. Anmai, CSsR