Vatican News – Đức Tổng Giám mục Ivan Jurkovic, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh cạnh trụ sở Liên Hiệp Quốc và các tổ chức khác ở Geneva, đã nhắc lại sự dấn thân của Tòa Thánh, đối thoại và làm việc với những người khác để tìm giải pháp cụ thể cho các phong trào di cư và tị nạn hàng loạt, nhằm bảo vệ sự sống và phẩm giá con người, giảm bớt đau khổ của người dân và thúc đẩy sự phát triển toàn diện đích thực.
Ngày 07/07, Đại diện Tòa Thánh đã đưa ra lời kêu gọi trong cuộc họp được tổ chức bởi Cao ủy Liên Hiệp quốc về người tị nạn về tài liệu “Tái định cư và những con đường bổ sung”.
Những con đường bổ sung là những con đường an toàn và được quy định theo đó người tị nạn có thể được nhận vào một quốc gia và nhu cầu bảo vệ quốc tế của họ được đáp ứng, trong khi họ có thể tự hỗ trợ để đạt được giải pháp bền vững và lâu dài.
Tài liệu xác định các con đường tái định cư và bổ sung là “các cơ chế hữu hình để chia sẻ gánh nặng và trách nhiệm công bằng hơn.”
Phát huy sự hòa nhập xã hội và nghề nghiệp của người tị nạn
Đức TGM Jurkovic chỉ ra rằng các quốc gia đón nhận người tị nạn cũng tham gia vào việc “chia sẻ lợi ích”. Ngài nói: “Cần phải phát huy sự hòa nhập xã hội và nghề nghiệp của người tị nạn và khả năng của họ cần được thừa nhận và đánh giá một cách thích hợp, để họ có cơ hội làm việc, học ngôn ngữ và có quyền công dân tích cực.”
Đại diện Tòa Thánh khen ngợi các biện pháp được thực hiện để sơ tán người tị nạn khỏi Libya, nơi họ gặp nhiều nguy hiểm, đến các trung tâm ở Nigeria và Rwanda. Đức Thánh Cha đã kêu gọi những nỗ lực nghiêm túc để giải phóng các trại giam ở Libya “qua các hành lang nhân đạo, đánh giá và thực hiện tất cả các giải pháp có thể”, đặc biệt là cho phụ nữ, trẻ em và người bệnh. Đức Tổng bày tỏ sự hài lòng rằng thông qua các biện pháp này, khoảng 1.200 người tị nạn đã được tái định cư ở nơi khác.
Đề cao nỗ lực của Cao ủy và nhiều chính phủ sở tại
Đức Tổng Jurkovic cũng đánh giá cao nỗ lực của Cao ủy và nhiều chính phủ sở tại trong việc tìm giải pháp lâu dài cho người tị nạn, bao gồm thông qua các chương trình tái định cư của nước thứ ba và các con đường bổ sung khác, đặc biệt là cho những người trong hoàn cảnh dễ bị tổn thương và không thể trở về nước hoặc hòa nhập ở các nước tị nạn. Theo ngài, những nỗ lực này thường được hỗ trợ bởi các tổ chức tôn giáo và các nỗ lực xã hội dân sự khác để đảm bảo sự bao gồm và hòa nhập tích cực trong cộng đồng địa phương. (CSR_5137_2020)
Hồng Thủy