Thân phận con người là hữu hạn: “Hữu sinh, hữu tử”. Nghĩa là có sinh ắt phải có tử; nhưng ngày sinh thì biết, ngày tử thì không. Chết ở đâu, khi nào và chết bằng cách nào chúng ta không hề hay biết, chỉ biết rằng sinh ra trong cõi đời này, sống trong cõi tạm này và ngày nào đó ta sẽ phải buông bỏ tất cả để chấm dứt cuộc đời chóng qua này. Như thế, đời người được ví như một chuyến đi, một hành trình có khởi đầu và kết thúc như một “cuộc chơi” mà không ai thoát khỏi.
‘Sinh, lão, bệnh, tử’ đã trở thành quy luật của một đời người và là định mệnh của con người. Quan niệm ấy không chỉ đúng với Phật giáo nhưng còn đúng với nhiều người. Với Kitô giáo thì bệnh tật và tội lỗi là do con người. Bởi, hệ lụy này chính là sự đổ vỡ tương quan giữa Nguyên tổ với Thiên Chúa khi ông bà bất tuân lệnh Chúa truyền và họ phải chuốc lấy khổ đau, bệnh tật và sự chết (x. St 2, 7-8; 3, 1-7).
Ý thức giới hạn nơi phận người, chúng ta mới hiểu rõ hơn về sự mong manh của kiếp người. Bệnh tật là một hiện tượng hiển nhiên trong cuộc đời mỗi người. Vì thế, chúng ta không thể nói tôi không có bệnh. Hay tôi bệnh mà người khác không có. Qua đó, giúp cho mỗi người hiểu được cuộc đời này là món quà quý giá được Thiên Chúa tặng thưởng. Chúng ta hãy biết sử dụng tốt với thời gian Chúa ban, nhất là biết tương thân tương ái với nhau trong tình thương của Thiên Chúa mà nhận ra ý nghĩa mỏng dòn của cuộc đời mình.
Bệnh luôn gắn liền với con người. Xét cho cùng, ai trong chúng ta cũng trở nên người bệnh. Bệnh nói lên sự bất toàn và giới hạn của con người. Chúng ta có thể đã trải qua một hay nhiều lần ngã bệnh, không lúc này thì lúc khác, không nặng thì nhẹ. Người bệnh luôn gắn với đau khổ, buồn chán, thất vọng, đau đớn… Hiếm thấy ai nói rằng, tôi hạnh phúc vì mang bệnh trong mình.
Nói đến bệnh, ai trong chúng ta lại không cảm nghiệm được sự đau đớn, khó chịu, buồn bực, âu lo, sợ hãi, … Có nhiều người đã chán nản, thất vọng, buông xuôi, hụt hẫng, khi được tin bản thân có bạo bệnh. Điều này không ai phủ nhận và chê cười. Nhưng điều quan trọng là làm thế nào, dù đau buồn với căn bệnh nơi thân xác nhưng chúng ta vẫn phải giữ được trạng thái của mình mà sống bình an, phó thác; sống lạc quan và yêu đời, mới mong có thêm tuổi thọ.
Với bài viết này, xin được chia sẻ một vài tâm tình cho người bệnh và những điểm tích cực dựa trên một vài câu chuyện của Tin Mừng, khi chúng ta phải sống chung với bệnh tật hoặc đang thấy mình sẽ có bệnh.
Người bệnh nhìn lên Đấng Chí Tôn
Phận người gắn với bệnh tật. Bệnh giúp mỗi người nhận ra sự yếu đuối của thân xác. Người xưa đã nói: “Thất thập cổ lai hy”: bảy mươi tuổi cho là hiếm, tám mươi tuổi cho là thượng thọ, trăm tuổi cho là kỳ lạ. Hay lời thơ Cung Oán Ngâm Khúc của tác giả Nguyễn Gia Thiều đã miêu tả về đời người ngắn ngủi chóng tàn: “Trăm năm nào có gì đâu / Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì”.
Còn Thánh Kinh dạy chúng ta ý nghĩa cuộc đời này là cõi tạm để bước vào đời sống vĩnh hằng:
“Chúa nổi xung, đời chúng con tàn tạ,
kiếp sống thoảng qua : một tiếng thở dài.
Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục,
mạnh giỏi chăng là được tám mươi,
mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ,
cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi.” (Tv 90,9-10).
Thánh vịnh 90 dạy cho ta biết, cuộc đời mai sau mới là chốn để chúng ta hướng đến và đi tới. Vì thế, bệnh là cơ hội để chúng ta đến gần sự chết và qua cái chết để mỗi người bước vào ngưỡng cửa của đời sống vĩnh hằng. Cái chết không là ngõ cụt hay tận cùng, nhưng là cửa ngõ dẫn vào một cuộc sống mới, một cuộc sống trong Chúa Kitô và cùng với Ngài trong cõi thiên quốc. Thánh Phaolô đã có lý khi nói: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi” (Pl 1,21).
Chúng ta ý thức cuộc đời này là cõi tạm để sống tỉnh thức và khôn ngoan với năm tháng Chúa ban mà hướng về đời sống vĩnh cửu mai sau. Khi đặt niềm tin vào Thiên Chúa, thì dù bệnh tật hay khổ đau chúng ta vẫn được Thần Khí hướng dẫn, ban sức mạnh để vác lấy thập giá khổ đau. Qua thập giá chúng ta sẽ nhận ra được sự khôn ngoan đích thực của Thiên Chúa nơi phận người. Vì thế, chúng ta luôn xác tín vào Thiên Chúa toàn năng và hằng hữu: “Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan” (Tv 90,12).
Thiên Chúa nhìn xuống người bệnh
Đức Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa làm Người và ở giữa chúng ta. Ngài đến với nhân loại để chia sẻ phận người và cứu độ chúng ta. Ngài không chỉ đến với tội nhân nhưng Ngài đến với những con người khổ đau và bệnh tật. Chính Ngài đã trở nên, như Vị Lương Y để chữa lành và ban lại sự sống cho những người ốm đau bệnh tật.
Câu chuyện anh Lazarô được sống lại: Ga 11, 1-45
Tin Mừng theo thánh Gioan, chương 11, từ câu 1 đến câu 45 giúp chúng ta dễ nhận ra: Thiên Chúa không chỉ nhìn đến người bệnh và sự chết chóc, nhưng còn nhìn đến nỗi thống khổ và sự đau buồn trong tiếng khóc và lời than vãn của người thân đang sống. Đứng trước sự bi đát của con người, Thiên Chúa đã ra tay cứu chữa bằng lòng thương xót và quyền năng của Ngài.
Chị Marta nói với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con sẽ không chết, nhưng bây giờ con biết: bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy”. Câu nói của Martha cho ta hiểu thêm, Đức Giêsu có khả năng đem lại sự sống và chữa lành bệnh cho anh Lazarô, em của chị dù căn bệnh đó rất hiểm nghèo. Tuy nhiên, bây giờ em chị đã chết, Đức Giêsu chỉ có thể làm cho em chị sống lại nếu Ngài cầu xin cùng Thiên Chúa điều đó. Đức Giêsu đã nói với chị: “Em chị sẽ sống lại”. Điều này Đức Giêsu đã nói rất rõ: “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để tỏ bày vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh”.
Dù Lazarô được an táng trong mồ đã bốn ngày, nhưng Đức Giêsu vẫn có khả năng làm cho anh sống lại. Nhất là vì tình thương dành cho Lazarô, Martha và Maria, Đức Giêsu đã truyền cho anh chỗi dậy ra khỏi mồ, trả lại cho anh sự sống và cho Lazarô trở về với cuộc sống bình thường. Không một ai trong chúng ta có khả năng làm cho kẻ chết sống lại, cùng lắm một bác sĩ giỏi chỉ có thể chữa lành cho bệnh nhân khi đang nguy kịch mà thôi.
Đức Giêsu đã dùng quyền năng Thánh Thần của Thiên Chúa và Ngài đã dùng quyền năng của chính mình là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa ở giữa nhân loại để thực hiện dấu lạ và ban lại sự sống cho con người. Vinh quang của Thiên Chúa được bày tỏ nơi Người Con là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta.
Câu chuyện người đàn bà bị băng huyết: Mc 5, 25-43
Đức Giêsu chữa lành bệnh nhân trước hết là do lòng tin của họ. Người phụ nữ trong Tin Mừng là một bằng chứng. Dù bà bị băng huyết đã 12 năm, dù bà đã đi nhiều nơi, đến nhiều bác sĩ và đã tán gia bại sản vẫn tiền mất tật mang (x. Mc 5,25). Nỗi buồn và cái nhìn của người khác với bà như kẻ bị ô uế ngày càng sầu nặng trong tâm hồn bà. Nhưng chính bà đã nghĩ đến Đức Giêsu có thể chữa lành. Giờ đây, bà tin chắc rằng, nếu bà gặp được Đức Giêsu và nếu bà tìm cách sờ vào áo của Người: “Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu” (x. Mc 5, 27-28). Đức Giêsu đã thấy lòng tin của bà nên đã ra tay cứu chữa, khi Ngài nói: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh” (Mc 5,34).
Thực tế trong đời thường, Thiên Chúa vẫn làm phép lạ mỗi ngày trong những cơn bệnh nguy khốn, khi các thầy thuốc bó tay hay từ chối. Những bệnh nhân và người thân đã cảm nghiệm được nhờ lòng tin, nhờ quyền năng và nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa mới có thể được chữa lành cho họ.
Câu chuyện đầy tớ của viên đại đội trưởng: Mt 8, 5-17
Chúa Giêsu là Đấng đầy lòng xót thương. Ngài yêu thương tất cả mọi người, không phân biệt: tôn giáo, chủng tộc, màu da, ngôn ngữ, giai cấp nhưng Ngài đến với con người để đem ơn cứu độ. Tình thương của Chúa Giêsu thông ban sự sống, đem lại ơn chữa lành cho con người. Nhưng đôi khi con người đã xây nên những bức tường để làm rào cản ngăn cách với anh em đồng loại.
Đức Giêsu đến chữa lành cho một đầy tớ thân tín của viên đại đội trưởng, dù ông là người ngoại giáo. Ông đã cảm nhận được nỗi đau của đầy tớ như nỗi đau của chính mình. Ông đã nói: “Đầy tớ của tôi bị liệt nằm ở nhà, đau đớn kinh khủng” (Mt 8,6). Và ông đã đến gặp Chúa Giêsu để xin Ngài chữa lành cho đầy tớ mình.
Chúa Giêsu nói: “Tôi sẽ đến chữa nó”. Chứng tỏ Ngài luôn sẵng sàng đến để thông ban sự sống và yêu thương. Ngài đem cả con người và tình thương để phục vụ, yêu thương, chữa lành cho tất cả mọi người. Với lòng tin của viên đại đội trưởng khiến Chúa Giêsu đã cảm nhận ra lời tuyên xưng đầy chân chính và khiêm nhu: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh” (Mt 8,8). Ông còn tin rằng, Chúa Giêsu chỉ cần phán một lời, thì đầy tớ của ông, dù có ở xa đến đâu cũng sẽ được lành. Trước lòng tin ấy, Chúa Giêsu đã khen ngợi: “Tôi không thấy một người Israel nào có lòng tin như thế” (Mt 8,10).
Lời tuyên xưng của viên đại đội trưởng là kết quả của sự nhận biết đúng đắn về bản thân và quyền năng của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu. Ðể có sự hiểu biết đúng đắn cần phải có thái độ khiêm tốn. Mỗi người trong chúng ta cần học nơi ông về cách đến với Chúa Giêsu qua thái độ khiêm tốn và lòng tin vững mạnh nơi Ngài.
Lòng tin ấy được Mẹ Hội Thánh dạy cho chúng ta trong sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo: “Đức tin là một hồng ân nhưng không của Thiên Chúa, được trao ban cho tất cả những ai cầu xin với lòng khiêm hạ; đó là nhân đức siêu nhiên cần thiết để được cứu độ. Hành vi đức tin là một hành vi nhân linh, nghĩa là một hành động của lý trí con người, dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Ngoài ra, đức tin còn có đặc tính chắc chắn, vì được đặt trên nền tảng Lời Chúa; đức tin có đặc tính năng động “nhờ Đức mến” (Gl 5,6); đức tin luôn tăng triển là nhờ lắng nghe Lời Thiên Chúa và cầu nguyện luôn. Trong hiện tại, đức tin cho chúng ta như được nếm trước niềm hoan lạc và ánh sáng vinh quang trên Thiên Quốc” (x. GLCG. Số 160,162,163).
Ngày nay, Chúa Giêsu cũng cần lòng tin của chúng ta để chữa lành cho thế giới. Lòng tin ấy được thể hiện bằng những hành động cụ thể như: an ủi, cảm thông, giúp đỡ, động viên, sẻ chia. Lòng tin ấy chính là một thể hiện tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Mỗi người chúng ta liên đới với những người đau khổ, những bệnh nhân của những căn bệnh hiểm nghèo. Người Kitô hữu luôn lấy đức tin để nhìn vào những đau khổ của mình và tha nhân hiệp với đau khổ của Đức Kitô trên Thánh Giá.
Người bệnh luôn cần đến người mạnh khỏe. Lúc bệnh ai cũng có cảm giác đau khổ, cô đơn, buồn tủi và sức lực yếu đi. Lúc ấy họ muốn buông xuôi và sợ hãi trước cái chết, nếu biết cái chết gần kề với căn bệnh hiểm nghèo. Vì thế, họ cần lắm bàn tay nâng đỡ, ủi an và yêu thương. Họ cần lòng nhân ái và sự bao dung của người mạnh khỏe. Họ cần lời động viên khích lệ của y bác sĩ và người thân hơn là cho họ món quà vật chất.
Một chút suy tư như thế về người bệnh dưới ánh sáng của Lời Chúa, thiết nghĩ mỗi người chúng ta luôn biết quan tâm đến người khác, nhất là với người bệnh, bằng việc: cảm thông, yêu thương, nâng đỡ, chia sẻ. Ước gì mỗi người chúng ta luôn có được đôi mắt nhân từ, trái tim thương cảm, vòng tay rộng mở của Chúa để nhạy bén với những nhu cầu, nỗi đau, thất vọng, mệt mỏi của bệnh nhân. Từ đó, chúng ta thông hiệp khổ đau và bệnh tật của người khác vào trong lời cầu nguyện với lòng tin được chữa lành qua sự chuyển cầu từ mẫu của Mẹ Maria và lòng thương xót của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Đường, SVD