Trong Tân Ước có nữ phó tế không? Nếu có, sứ vụ của họ có giống nam phó tế không? v.v.. Những câu hỏi về “nữ phó tế” là một câu chuyện dài qua các cuộc nghiên cứu học hỏi trước đây và được tiếp nối với Ủy ban mới do Đức Thánh Cha thành lập.
Trong Tuần Thánh vừa kết thúc giữa đại dịch Covid-19, ngoài tin tức về các hoạt động của Đức Thánh Cha, có hai tin đặc biệt thu hút sự chú ý của dư luận là: Đức Hồng y George Pell được tòa án tối cao Australia tha bổng và xóa bỏ mọi cáo buộc, sau 405 ngày bị cầm tù bất công. Thứ hai là tin Đức Thánh Cha thiết lập Ủy ban mới để nghiên cứu về các nữ phó tế trong thời Giáo Hội sơ khai.
Thông cáo của Phòng Báo chí Tòa Thánh
Trong thông cáo công bố hôm Thứ Tư Tuần Thánh 8-4-2020, Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết trong một buổi tiếp kiến mới đây dành cho Đức Hồng y Francisco Ladaria Ferrer, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thiết lập Ủy ban mới nghiên cứu về phó tế phụ nữ. Ngài bổ nhiệm Đức Hồng y Giuseppe Petrocchi, Tổng Giám mục Giáo phận L’Aquila, trung Italia, làm chủ tịch Ủy ban mới, và Lm. Denis Dupont-Fauville, thuộc Bộ Giáo lý Đức tin làm thư ký Ủy ban mới gồm 10 thành viên thuộc 8 nước khác nhau, trong đó có 5 nam giáo sư và 5 nữ giáo sư.
Bắt đầu cách đây 4 năm
Chuyện dài nữ phó tế bắt đầu cách đây 4 năm: chính thức từ ngày 12-5-2016, trong cuộc gặp gỡ và đối thoại với các tham dự viên khóa họp toàn thể của các nữ Bề trên Tổng quyền, Đức Thánh Cha đã bày tỏ ý định thành lập một Ủy ban chính thức để có thể nghiên cứu về chức phó tế phụ nữ, nhất là trong thời kỳ đầu của Giáo Hội.
Ba tháng sau đó, ngày 2-8 cùng năm 2016, Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết: sau khi suy nghĩ và cầu nguyện chín chắn, Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Luis Francisco Ladaria Ferrer, Dòng Tên, Tổng Thư ký Bộ Giáo lý Đức tin, làm chủ tịch Ủy ban này, đồng thời chỉ định 12 thành viên trong đó có 6 nữ thần học gia là nữ tu và giáo sư. Phần còn lại là 6 linh mục giáo sư.
Phỏng vấn Đức Thánh Cha
Gần 3 năm sau đó, trong cuộc họp báo chiều tối ngày 7-5-2010, trên máy bay từ thành Skopje, thủ đô Bắc Macedonia, về Roma, Đức Thánh Cha đã trả lời câu hỏi do một ký giả nêu lên: “Đức Thánh Cha có thể cho chúng con biết ngài đã học được điều gì từ Ủy ban nghiên cứu về sứ vụ của phụ nữ trong những năm đầu của Giáo Hội và Đức Thánh Cha có đưa ra quyết định nào không?”
Đức Thánh Cha đáp: ”Một Ủy ban được thành lập và đã làm việc trong gần 2 năm. Họ rất khác biệt, thuộc các xu hướng khác nhau, tất cả nghĩ khác nhau; nhưng họ đã làm việc với nhau và đồng ý với nhau về một điểm nào đó. Nhưng rồi mỗi người có cái nhìn riêng, không hòa hợp với quan điểm của những người khác, và họ dừng lại ở đó như một ủy ban, và mỗi người đang nghiên cứu thêm. Về chức phó tế phụ nữ: có một cách thức quan niệm không giống như chức phó tế của nam giới. Ví dụ, theo Ủy ban, những công thức truyền chức phó tế phụ nữ người ta tìm được cho đến nay không giống như cách thức truyền chức phó tế cho nam giới, và đúng hơn nó giống như lễ chúc phong viện mẫu của một nữ đan viện ngày nay. Đó là kết quả nghiên cứu của một vài thành viên của Ủy ban. Một số thành viên khác thì nói không phải như vậy, họ nói đó là công thức truyền chức phó tế. Và họ tranh luận với nhau nhưng không rõ. Có những nữ phó tế ban đầu, nhưng đó có phải là bí tích truyền chức hay không? Và điều người ta tranh luận không rõ. Họ nói: Đúng vậy, các nữ phó tế giúp trong phụng vụ, rửa tội: vì việc rửa tội ngày xưa bằng cách dìm mình trong nước, khi một phụ nữ chịu phép rửa tội, thì các nữ phó tế giúp đỡ họ, và cả trong việc xức dầu trên cơ thể phụ nữ tân tòng. Và cũng có văn kiện nói rằng các nữ phó tế được Đức Giám mục gọi đến để trợ giúp ngài khi có những cãi lộn trong hôn nhân, để tiến tới việc tháo hôn phối, hoặc ly dị hay là ly thân. Khi một bà vợ cáo buộc chồng đã đánh đập mình, thì các nữ phó tế được Đức Giám mục phái tới để kiểm chứng cơ thể của bà vợ ấy xem có những vết bầm tím hay không, và họ cứu xét những điều đó để phân xử. Đó là những điều tôi nhớ được. Nhưng điều cơ bản là không có sự chắc chắn theo đó việc truyền chức cho phụ nữ có hình thức và mục đích giống như truyền chức cho nam phó tế. Một số người nói: có sự nghi ngờ về điều đó, nhưng chúng ta tiếp tục nghiên cứu. Tôi không sợ nghiên cứu, nhưng cho đến mức độ hiện nay thì việc nghiên cứu đó không có kết quả. Một điều lạ là tại những miền có các nữ phó tế, hầu như luôn luôn là cùng một miền địa lý, nhất là Siria, và tại các miền khác thì không có gì cả. Đó là tất cả những điều tôi đã nhận được từ Ủy ban nghiên cứu. Mỗi người tiếp tục nghiên cứu và họ đã làm một công việc tốt vì đạt tới một điểm chung tới mức nào đó, và điều này có thể giúp tạo nên một cái đà để tiến bước, nghiên cứu để mang lại một câu trả lời chung kết: có chức phó tế phụ nữ hay không, như một bí tích?”
Phản ứng từ Âu Mỹ
Việc Đức Thánh Cha tuyên bố thành lập một Ủy ban mới để nghiên cứu về phó tế phụ nữ được các cơ quan truyền thông ở Đức và Mỹ đặc biệt chú ý, vì đó là những vùng có nhiều yêu cầu Giáo Hội truyền chức phó tế cho phụ nữ và trong Công nghị đang tiến hành của Giáo Hội Công giáo ở Đức có nhiều người, kể cả các giám mục, muốn đi xa hơn nữa và ủng hộ cả việc truyền chức linh mục cho phụ nữ, mặc dù Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên bố Đức Gioan Phaolô II đã tuyên bố chung kết về vấn đề này. Trong thời gian qua, có những nữ bề trên hoặc viện mẫu của các đan viện lên tiếng kêu gọi Tòa Thánh cho phép truyền chức thánh cho nữ giới, đứng trước tình trạng những vụ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên do các nam giáo sĩ gây ra.
Ủy ban Thần học quốc tế
Cũng nên nhắc lại rằng cách đây 17 năm, tức là vào năm 2003, dưới thời Đức Bênêđictô XVI, Ủy ban Thần học quốc tế, gồm 30 chuyên gia tên tuổi, đã nghiên cứu và công bố văn kiện tựa đề ”Chức phó tế. Tiến hóa và các viễn tượng”, qua đó Ủy ban đi tới kết luận rằng không có những bằng chứng về việc chức phó tế phụ nữ trong Giáo Hội sơ khai là một chức thánh và một bí tích như trường hợp các phó tế nam giới, nhưng các phụ nữ ấy giữ các vai trò như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc đến trong cuộc họp báo hôm 7-5 năm vừa qua (2019), tức là họ giúp kiểm chứng về phụ nữ, xức dầu cho các phụ nữ rửa tội theo nghi thức dìm mình, v.v..
Nay dư luận lại chờ đợi kết quả nghiên cứu của Ủy ban mới.
G. Trần Đức Anh, O.P