Dù người mắc và chết vì Covid-19 vẫn còn rất đông, nhưng vì “đường cong” bắt đầu dẹp bằng xuống, các chính phủ, kể cả chính phủ của các nước khốn khổ nhất về đại nạn này, đang nghĩ tới việc nới lỏng các hạn chế đi lại của người dân, và có nước đã bắt đầu thực sự nới lỏng ở một số phạm vi rồi. Không hẳn vì đại nạn đã qua đi, cho bằng vì những khốn khổ thuộc các lĩnh vực khác, trong đó, kinh tế phải kể vào hàng đầu.
Tổng Giám mục hết kiên nhẫn
Và một khi chính phủ bắt đầu nới lỏng hạn chế đi lại của người dân, thì đâu là thái độ của các nhà lãnh đạo Giáo Hội Công giáo đối với các tín hữu của họ, nhất là các tín hữu Ý, những người từ ngày 8 tháng 3, 2020, không được tham dự các thánh lễ công cộng, do lệnh của Hội đồng Giám mục Ý?
Đó là lệnh “lockdown” lâu dài nhất trong Giáo Hội. Tuy được Thủ tướng Giuseppe Conte hết lời ca ngợi và cám ơn, nhưng theo John Allen (Crux), nay Ý bắt đầu nới lỏng hạn chế đi lại, cho phép các hiệu sách, hiệu bán đồ văn phòng, hiệu phục vụ nhu cầu bé thơ và trẻ em được mở cửa, Đức Tổng Giám mục Riccardo Fontana của Tổng Giáo phận Arezo lên tiếng chất vấn chính phủ: “Tại sao đi chợ mua actixô (artichoke) thì được, mà đi nhà thờ để làm phép dầu thì không?”. Ngài có ý nói đến Thánh Lễ Truyền Dầu, Thứ Năm Tuần Thánh.
Ngài nói thêm: “Nhà thờ chính tòa là dinh thự có mái lớn nhất trong thành phố, vậy hãy giải thích cho tôi rõ tại sao được phép vào siêu thị với số người hợp lý mà vào nhà thờ lại không được?”.
Allen cho hay: Đức Tổng Giám mục không phải là người đơn độc. Alessandro Meluzzi, một nhà phân tâm học, hình sự học và bình luận gia truyền hình nổi tiếng, đồng thời là một trong các nhà lãnh đạo của Giáo Hội Chính thống Tự trị Ý, nhận định rằng việc đình chỉ các buổi phụng vụ công cộng là “một lầm lẫn lớn lao”. Ông bảo: “Các nhà thờ bị đóng cửa, còn các siêu thị thì được mở cửa. Tôi cho rằng các dữ kiện ta hiện có về việc lưu thông không khí trong các siêu thị ấy không nhất thiết tốt hơn việc lưu thông không khí trong các nhà thờ rộng mênh mông với những trần nhà cực cao và việc luân chuyển không khí tốt nhất. Đó là những nhà thờ nơi người ta có thể dễ dàng ra vào mà vẫn giữ được khoảng cách xã hội lớn lao”.
Nhà báo Công giáo Maurizio Scandurra thì cho rằng sao không áp dụng kiểu đi lãnh ngân phiếu tiền hưu ở bưu điện: Lần lượt theo thứ tự a,b,c và vào những ngày khác nhau?
Dĩ nhiên, trên đây chỉ là những ý kiến cá nhân. Nhưng các ý kiến ấy không hẳn hoàn toàn phi lý. Ít nhất chúng cũng nói lên tâm trạng của nhiều tín hữu Công giáo, nhất là trong Mùa Phục Sinh, trước lệnh cấm mà họ cho có phần thiên lệch khi bắt đầu có những nới lỏng.
Ý niệm phát triển trong tương lai
Ở cấp cao nhất của Giáo Hội hoàn vũ, Tòa Thánh không nói chi đến việc nới lỏng các hạn chế cho bằng quan tâm đến tình thế hậu Covid-19.
Thực vậy, Vatican News, ngày 15 tháng 4, đã phỏng vấn Đức Hồng y Turkson và được ngài cho hay: “Chúng ta phải nghĩ đến thời kỳ sau Covid-19 để khỏi bị ngỡ ngàng”. Thánh Bộ của Đức Hồng Y đã thành lập 5 nhóm để đối đầu với cuộc khủng hoảng và nhìn về tương lai.
Năm nhóm trên đã bắt tay làm việc. Họ đã yết kiến Đức Phanxicô 2 lần, đã thành lập một trung tâm điều khiển, phối hợp các sáng kiến sẽ được đem ra thi hành trong thời gian khủng hoảng và liên quan đến việc chuẩn bị cho tương lai, phối hợp với Phủ Quốc vụ khanh, Bộ Truyền thông, Caritas Quốc tế, Giáo hoàng Hàn lâm viện Khoa học và Sự sống, Phòng Giáo hoàng Bác ái, Bộ Truyền giảng Tin Mừng cho các Dân tộc và Dược viện Vatican, qua hình thái các nhóm đặc nhiệm.
Trong phát biểu của Đức Hồng y Turkson, người ta lưu ý điều ngài nhấn mạnh: “Cuộc khủng hoảng y tế vốn đã phát khởi cuộc khủng hoảng kinh tế, nguy cơ là cuộc khủng hoảng xã hội sẽ bị thúc đẩy nếu cuộc khủng hoảng kinh tế không được xử lý ngay lập tức”. Trong cuộc khủng hoảng này, “toàn thế giới đều đau khổ và phải đoàn kết lại để đương đầu với đại dịch… Đây là lúc phải nới lỏng các trừng phạt quốc tế vốn làm cho nhiều quốc gia khó cung cấp sự trợ giúp thỏa đáng cho các công dân của họ… phải giảm gánh nặng nợ nần… cho các quốc gia nghèo nhất… phải ngưng bắn ngay tức khắc và ở khắp nơi… Không nên chế tạo và buôn bán vũ khí…”
Đức Hồng y Turkson không nói gì đặc biệt tới nhân sự của Bộ do ngài phụ trách. Nhưng truyền thông Công giáo hôm nay cho biết Đức Giáo Hoàng đã bổ nhiệm một giáo sĩ đứng đầu một cơ quan của Bộ này nhằm đối phó với đại dịch và các hậu quả trong tương lai của nó.
Vị giáo sĩ đó, theo Vatican News và tạp chí America, chính là một linh mục phát xuất từ quê hương của Đức Phanxicô, cha Augusto Zampini. Ngài được Đức Thánh Cha đề cử làm phó Tổng Thư ký của Bộ.
Cha Zampini sinh tại Buenos Aires năm 1969, thụ phong linh mục năm 2004, từng học luật tại Đại học Công giáo ở Argentina (1987-1993), trước khi vào chủng viện, từng làm việc như một luật sư tại Ngân hàng Trung ương của Argentina và công ty luật quốc tế Baker & McKenzie (1993-1997).
Được đào tạo trong ngành thần học luân lý tại Colegio Maximo, Universidad del Salvador (2004-2006), ngài có bằng thạc sĩ về phát triển quốc tế của Đại học Bath (Anh) năm 2009-2010 và bằng Tiến sĩ Thần học tại Đại học Roehampton, London, năm 2010-2014, và từng là chuyên viên nghiên cứu hậu đại học tại Viện Margaret Beaufort thuộc Đại học Cambridge (2013-2014). Chuyên môn của ngài vì thế là thần học luân lý, với tập chú vào kinh tế và đạo đức môi trường. Ngài hiện là chuyên viên nghiên cứu danh dự của các Đại học Durham (Anh), Roehampton (Anh) và Stellenbosch (Nam Phi), và từng là giảng viên của nhiều Đại học ở Anh và Argentina từ năm 2004.
Ngay từ năm 2016, khi Đức Phanxicô cho thành lập Bộ Phát triển, Đức Hồng y Turkson đã mời cha Zampini làm phối trí viên về Phát triển và Đức tin, một phạm vi chuyên về kinh tế và tài chính, các phong trào lao động và xã hội, người bản địa và hòa bình, và các kỹ thuật mới. Ngài vốn được Đức Phanxicô cử làm chuyên viên/cố vấn tại Thượng Hội đồng Giám mục về Vùng Amazon.
Theo tạp chí America, cha được bổ nhiệm vào chức vụ chủ chốt không những trong việc khuôn định đáp ứng của Tòa Thánh đối với đại dịch Covid-19 mà còn đóng góp nhập lượng vào các thay đổi xã hội và kinh tế của thời hậu Covid-19.
Trong cuộc phỏng vấn của tạp chí này, cha cho hay: “Tương lai bắt đầu từ hôm nay, và chúng ta nên ý thức rằng các quyết định đang được các chính phủ và các nhà lãnh đạo thế giới đưa ra trong những tháng này sẽ lên khuôn cho tương lai của thế giới”.
Một thế giới tốt đẹp hơn, lành mạnh hơn và ít bất công hơn
Cha tin rằng cuộc khủng hoảng hiện nay cung hiến cho ta “một cơ hội vô tiền khoáng hậu để thay đổi, để có một thế giới tốt đẹp hơn, lành mạnh hơn và bớt bất công hơn”.
Và vì không chính phủ nào, không định chế nào có ý niệm thực sự rõ ràng về điều phải làm, nên “đây là cơ hội độc đáo để Tòa Thánh và Giáo Hội dọi ánh sáng vào tình huống và đề xuất các ý tưởng liên quan đến cả các gói cứu nguy (rescue packages) đang được soạn thảo để cố gắng bảo đảm sao cho không lặp lại các lỗi lầm phạm năm 2008, khi người ta quá tập chú vào việc chỉ cứu các định chế tài chính lớn. Lần này, họ cũng phải làm việc để cứu người ta nữa”.
Cha nhận định rằng trong khi cuộc khủng hoảng năm 2008 chủ yếu có tính kinh tế, thì cuộc khủng hoảng lần này vừa kinh tế vừa có tính môi trường, liên quan tới sức khỏe và an toàn thực phẩm, nhu cầu phải bảo đảm nguồn nước sạch, an toàn quốc tế, an toàn liên mạng, chăm sóc y tế, nhân dụng và nhiều điều nữa
Cha tiết lộ rằng ngày 7 tháng 4, Đức Phanxicô điện thoại cho cha và nói ngài muốn cha ở trong Ủy ban đặc nhiệm do Đức Hồng y Turkson đứng đầu “để truyền thêm nhanh nhẹn vào việc đưa ra quyết định” cùng với vị Tổng thư ký người Pháp là Đức ông Bruno-Marie Duffé. Ủy ban này trực tiếp phúc trình cho Đức Phanxicô. Ủy ban này đã thành lập 5 nhóm làm việc như trên đã nói.
Nhóm thứ nhất liên quan tới đáp ứng nhân đạo tức khắc đối với sự khẩn trương y tế của việc chăm sóc mục vụ và nhân đạo cho những người nhiễm bệnh và hỗ trợ các bệnh viện và các Giáo Hội địa phương.
Nhóm thứ hai liên quan tới việc phân tích và suy tư về những gì đang xảy ra trên thế giới trong đại dịch và điều gì có thể xảy ra sau này. Cha Zampini cho hay: Nhóm này đang khảo sát chiều kích môi trường của đại dịch và điều gì cần để tránh các đại dịch trong tương lai. Điều này quan trọng vì Covid-19 xảy ra do cung cách chúng ta đã đối xử với loài vật và thiên nhiên. Cha cho biết Đức Phanxicô rất lưu ý đến chiều kích này và ngài hy vọng người ta học được bài học lớn từ đại dịch, nên sẽ có thay đổi lớn.
Nhóm thứ ba tập chú vào truyền thông: tìm cách chia sẻ các kết quả từ các phân tích và suy tư của mình cho thế giới.
Nhóm thứ tư lo về các liên hệ của Tòa Thánh với các quốc gia. Hiện Tòa Thánh có liên hệ ngoại giao với 183 quốc gia, tương tác và chia sẻ thông tin với họ. Nhóm này do chính phó Tổng thư ký của Bộ Ngoại giao phụ trách với sự hợp tác của phó Tổng thư ký Bộ Phát triển.
Nhóm thứ năm lo gây quỹ không những để tài trợ việc làm của toán đặc nhiệm vào lúc ngân quỹ của Tòa Thánh cạn dần vì các Viện Bảo tàng Vartican (nguồn thu nhập chính) bị đóng cửa, mà còn để trợ giúp các Giáo Hội địa phương trong cố gắng đáp ứng đại dịch một cách tổng thể.
Vũ Văn An